Tóm tắt
Nhân mùa hạ an cư năm 2016, Tăng ni thành phố Hà Nội, giảng bộ Phật tổ tam kinh, đây là tác phẩm do Hòa thượng Thích Phổ Tuệ dịch sang tiếng Việt từ bộ Phật tổ tam kinh luân quán thuyết do thiền sư Nguyên Uẩn chủ trì in khắc. Từ những thông tin tiếng Hán và tiếng Việt cung cấp cho người đọc những tư liệu quý báu về quá trình khắc ván bộ sách Phật tổ tam kinh và hơn nữa biết rõ về một chi nhánh của một tổ chức tôn giáo hình thành ở Bắc Việt đầu thế kỷ XX, đó là “Pháp hội Viên Minh”.
1.TÌM HIỂU VỀ “PHÁP HỘI VIÊN MINH”
Vào những năm cuối thể kỷ XIX, đầu thể kỷ XX, tại chùa Viên Minh thôn Quang Lãng, Mai Xá, xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây, nay là chùa Viên Minh (Tên thường gọi là chùa Ráng), thuộc địa bàn hai thôn Quang Lãng và Mai Xá, xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội, Pháp hội Viên Minh đã được thành lập. Đây là chi nhánh của Đạo Phật với quy mô nhỏ tập hợp từng lớp những người xuất gia cùng chí hướng để chung tay làm các Phật sự như: ấn tống kinh điển, viết sách giảng kinh, xây chùa độ chúng, an cư kiết hạ v.v…
1.1. Người sáng lập “Pháp hội Viên Minh”- thiền sư Nguyên Uẩn (1864-1915).
Phật tổ tam kinh luân quán thuyết ghi “Bính Ngọ, tứ nguyệt vọng, Pháp hội Viên Minh, Phật tử Nguyên Uẩn, Nguyên Loan, Nguyên Mĩ…”[1] tạm dịch: “ngày Rằm tháng Tư, năm Bính Ngọ (1906), các Phật tử là Nguyên Uẩn, Nguyên Loan (ở chùa Cảnh Phúc), Nguyên Mỹ (Ở chùa Linh Quang) của Pháp hội Viên Minh”. Trong ba nhân vật trên, thiền sư Nguyên Uẩn đứng đầu. Thiền sư là người trụ trì chùa Viên Minh, viết phần chú thích và chủ trì hưng công in ấn bộ Phật tổ tam kinh luân quán thuyết… Cũng theo trưởng lão Thích Phổ Tuệ (vừa tròn 100 tuổi)-pháp tôn của thiền sư Nguyên Uẩn cho biết: Thiền sư Nguyên Uẩn chính là hội chủ của Pháp hội Viên Minh. Căn cứ vào khoa cúng tổ của tổ Nguyên Uẩn và các thông tin liên quan, Hòa thượng Thích Phổ Tuệ đã tổng kết về hành trạng của của nhân vật khai sáng pháp hội Viên Minh như sau:
“Pháp sư sinh năm Giáp Tý (1864), ở thôn Tri Chỉ, xã Tri Trung, hiện nay cùng huyện Phú Xuyên, gia đình công nghệ (Thợ mộc), họ Nguyễn. Thủa nhỏ tên là Nguyễn Chí Nhu, xuất gia năm Bính Tý (1876), thầy nghiệp sư là tổ An Lạc, vị tổ thứ ba tổ đình Đa bảo, thôn Vĩnh Ninh, xã Tri Thủy, hiện nay thuộc huyện Phú Xuyên. Thầy giới sư đàn đầu là tổ sư Thích Tâm Viên-Chùa Vĩnh Nghiêm-Bắc Giang, thụ giới tỷ khiêu năm Quý Mùi (1883), thụ giới Bồ Tát năm Ất Dậu (1886), nhận chùa Viên Minh năm Canh Tý (1900), chuyển và xây lại chùa năm Nhâm Dần (1903), lập đạo tràng cùng thời… tạ thế năm Giáp Dần (1914)” [2]
Trong cuộc đời hành đạo của mình, thiền sư Nguyên Uẩn có tài viết chữ Hán đẹp, vẽ tranh đẹp nên đã thực hiện viết bộ kinh Hoa Nghiêm 81 quyển, Pháp Hoa 28 phẩm, Thụ Giới Nghi Phạm, Chư Kinh Nhật Tụng… cho tổ đình Bồ Đề in khắc, tự tay vẽ các bức tranh minh họa quang cảnh đạo tràng Đức Phật Thích Ca đã thuyết pháp, viết bộ Quy Nguyên Trực Chỉ cho tổ đình Tế Xuyên khắc ván in. Thiền sư Nguyên Uẩn đã viết phần chú thích cho bộ Phật tổ Tam Kinh luân quán thuyết. Trong khoa cúng tổ của thiền sư cho biết, thiền sư đã: “Tả kinh Thập bộ” (Viết mười cuốn kinh). Hiện nay tại chùa Ráng vẫn còn một vài trang giấy bản viết tay của thiền sư với nét chữ gọn gàng sắc sảo, chuẩn chỉ theo thể Tống tự. Thiền sư Nguyên Uẩn đã xây dựng, trùng tu 5 chùa (Ngũ tự kinh doanh): Chùa Tri Chỉ, chùa Đa Bảo, Chùa Khai Thái (Phú Xuyên), chùa Mĩ Lâm (Thường Tín), … lập 7 chùa mới (Thất am sáng thủy), trong đó có chùa Thạch Cầu (Nam Định), chùa Viên Minh… Chùa Viên Minh trước ở Bờ đê sông Hồng, năm 1903 đã dời chùa về vị trí trong đê như hiện nay.
Về pháp mạch truyền thừa, Thiền sư Nguyên Uẩn là đệ tử thiền sư Tâm Khang, hiệu Tri Túc-An Lạc-Nhẫn Tiến. Thiền sư Tâm Khang là đời thứ ba của sơn môn Đa Bảo. Sư ông của thiền sư Nguyên Uẩn là đời thứ 2 của sơn môn Đa Bảo pháp danh Bảo Đỉnh, tự Thông Giám, người đã in bộ Phật tổ tam kinh năm 1858. Thầy thiền sư Bảo Đỉnh là người quê Đa Bảo pháp danh Phổ Thiền, hiệu Từ Tâm-Mật Hạnh-Viên Minh. Thiền sư Phổ Thiền là tổ đệ nhất sơn môn Đa Bảo đồng thời là đời thứ năm của sơn môn chùa Đọi (Hà Nam). Đệ tử thiền sư Nguyên Uẩn gồm 3 vị: Đệ tử trưởng là Quảng Truyền, kế đăng trụ trì chùa Tri Chỉ, Sa môn Quảng Thành trụ trì chùa Bìm. Sa môn Quảng Tốn kế đăng chùa Viên Minh. Sa môn Quảng Tốn viên tịch năm 1961 trao quyền kế đăng cho đệ tử là Hòa thượng Thích Phổ Tuệ-đương kim đệ tam Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam.
Sơ đồ pháp mạch truyền thừa trên như sau: Sa môn Phổ Thiền (đời 5 chùa đọi, đời 1 chùa Đa Bảo) – > Sa Môn Thông Giám (đời 2 chùa Đa Bảo) – >Sa môn Tâm Khang (đời 3 chùa Đa Bảo) – > sa môn Nguyên Uẩn (đời 4 chùa Đa Bảo, sơ tổ chùa Viên Minh) – >sa môn Quảng Tốn (đời 2 chùa Viên Minh ) – >sa môn Phổ Tuệ [3] (đời 3 chùa Viên Minh). Từ pháp danh sơ đồ truyền thừa cho thấy, mạch hệ này thuộc về bài kệ truyền đăng của tông thiền Lâm Tế do Thiền sư Trí Thắng Bích Dung xuất kệ : “Trí Tuệ Thanh Tịnh, Đạo Đức Viên Minh, Chân Như Tính Hải, Tịch Chiếu Phổ Thông, Tâm Nguyên Quảng Tục, Bản Giác Xương Long, Năng Nhân Thánh Quả, Thường Diễn Khoan Hoằng, Duy Truyền Pháp Ấn, Chính Ngộ Hội Dung, Không Trì Giới Hạnh, Vĩnh Kế Tổ Tông”. Như vậy cho thấy, thiền sư khai sáng Pháp hội Viên Minh có pháp mạch truyền thừa rõ ràng, thứ tự.
1.2. Mục đích của Pháp hội Viên Minh.
Lập nên một hội cần có mục đích để hoạt động. Căn cứ vào bút tích di cảo của thiền sư Nguyên Uẩn lưu tại chùa Viên Minh được Hòa Thượng Thích Phổ Tuệ dịch in trong Phật tổ Tam kinh có đoạn nói về mục đích của bản hội:
“Viên sự minh lý, viên lý minh tâm; Viên tâm đạo đạt, minh đạo thành công; Viên công lập đức, minh đức thành nhân; Viên nhân thành Phật, thành Phật độ sinh; Viên Minh như thị, mục đích đạo tràng”
Tạm dịch:
Tròn việc rõ lý, tròn lý rõ tâm; Tròn tâm tới đạo, rõ đạo thành công; Tròn công lập đức, sáng đức thành người; Đạo người viên mãn, thành Phật độ sinh; Viên Minh như thế, nên lập đạo tràng ” [4]
Từ câu văn trên chúng ta sẽ thấy mục đích của pháp hội Viên Minh: “Viên” là tròn đầy, “Minh” là sáng suốt. Lộ trình tu học đều cần viên mãn và sáng tỏ theo thứ tự sau: Tròn ở việc làm sẽ tỏ rõ nghĩa lý; Từ việc tỏ lý để làm sáng lòng; Do sáng lòng nên sẽ thông tỏ tới đạo; Từ sáng đạo ắt sẽ thành công; Công tròn đầy sẽ xác lập đức; Đức sáng ắt thành người tiêu chuẩn; Tròn tiêu chuẩn làm người mới thành Phật; Thành Phật để rồi độ sinh. Nói khác, theo Đạo Phật, mục đích tối cao của việc tu hành là để thành Phật để độ chúng sinh. Muốn thành Phật trước cần tu thành người tốt. (Nhân thành tức Phật thành). Muốn thành người tốt cần phải tròn đầy công đức, sáng tỏ sự lý, minh tâm kiến tính.
Mục đích của bản hội như trên có tính gogic biện chứng sâu sắc. Thành tựu điều này mới thành tựu điều kia. Tư tưởng này chính là sự sáng tạo riêng có của Pháp hội Viên Minh, người tu học đời sau nương vào tông chỉ, đường lối này tu hành có thể đắc đạo, thành Phật, độ sinh.
1.3.Những hoạt động Phật sự.
Từ Thiền sư Nguyên Uẩn, các hoạt động Phật sự của Pháp hội Viên Minh thể hiện ở nhiều phương diện như: Giảng dạy tu học, an cư kết hạ, xây chùa độ chúng, nhưng thành tựu chủ yếu nổi bật ở sự nghiệp khắc ván tái bản in kinh. Các bộ kinh sau đã được bản hội in khắc: “Trúc Song Tùy Bút, Phật tổ Tam kinh, Luận Khởi Tín, Kinh Vô Lượng Nghĩa…” Nay tìm hiểu những thông tin từ bộ Trúc Song Tùy Bút và Phật tổ tam kinh:
Bộ Trúc Song Tùy Bút do Pháp hội Viên Minh bắt đầu in mùa Xuân năm Quý Mão (1903), in xong năm Ất Tỵ (1905) (In trước Phật tổ Tam Kinh 1 năm). Sách gồm 3 tập Thượng, Trung, Hạ. Tổng số tiền quyên góp được của ba vị đồng chí hướng: Nguyên Loan, Nguyên Uẩn, Nguyên Mỹ được 100 đồng; Từ 26 hội viên được 191 đồng; Từ 109 vị sư tăng thập phương công đức được 150 đồng, 5 hào, 6 quan. Đại diện có các danh tăng tại các chốn tổ miền Bắc lúc đó đã phát tâm ấn tống in khắc kinh này như: Thiền sư Chính Bỉnh chùa Hồng Phúc (Hòe Nhai), thiền sư Chính Tiến chùa Chấn Bắc (Nay là Chấn Quốc), thiền sư Thanh Duyên chùa Liên Phái, thiền sư Chính Thành chùa Thanh Nhàn, thiền sư Thanh Nha chùa Thần Quy (Phú Xuyên), thiền sư Thanh Kỉ chùa Thọ Ngãi, thiền sư Thanh Tuệ chùa Linh Sóc, hoặc các sư tại các chùa: Quang Hoa, Linh Quang (Bà Đá), Quỳnh Lôi, Từ Ân, Phúc Lâm, Lương Yên, An Lễ v.v… cũng tùy hỷ tịnh tài cho việc in kinh.
Bộ Phật tổ Tam Kinh in ấn do sự quyên góp từ 34 hội viên: Quảng Luận, Quảng Truyền, Quảng Quang, Quảng Tịnh, Quảng Thành, Quảng Tạc, Quảng Kiền, Quảng Tốn, Quảng Học, Quảng Hoằng, Quảng Viêm, Quảng Trứ, Quảng Tùng, Quảng Huệ, Quảng Triển, Tục Tước, Tục Côn, Tục Diệu, Tục Hùng, Tục Diễn, Tục Tuệ, Đàm Tín, Đàm Huy, Tịnh Nhật, Tịnh Sinh, Tịnh Huyên, Tinh Nguyện, Tịnh Lượng, Tịnh Nghiêm, Tịnh Hạnh, Tinh Khiết, Tịnh Trí, Tinh Tuân, Tịnh Định, mỗi vị đóng góp 2 đồng, tổng cộng được 68 đồng.
Từ những thông tin trên cho thấy: Thứ nhất: Pháp hội Viên Minh thu hút thành phần tham gia gồm những vị xuất gia tu hành tại các chùa trên địa bàn lân cận trong và ngoài huyện Phú Xuyên. Thành phần tham gia gồm các bậc Tỷ khiêu, Tỉ khiêu ni, Sa Di ni (Phần lớn là các huynh đệ trong cùng một sơn môn). Thứ hai: Khi khắc ván in ấn kinh điển không chỉ thu hút các hội viên tham gia mà còn thu hút chư tăng tại các tổ đình lớn đều đồng lòng ủng hộ tịnh tài. Thứ ba: Vai trò của hội chủ rất lớn. Các bộ sách dù tái bản hay có viết thêm nội dung thì đều có bài viết tựa, bạt của thiền sư Nguyên Uẩn.
2. TÌM HIỂU VỀ QUÁ TRÌNH KHẮC VÁN IN BỘ PHẬT TỔ TAM KINH
Bộ Phật tổ tam kinh bao gồm 3 cuốn sách: 1. Kinh Tứ Thập Nhị Chương do 2 tôn giả Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan dịch từ chữ Phạn ra chữ Hán. 2. Kinh Di Giáo do thiền sư Cưu Ma La Thập dịch từ chữ Phạn ra chữ hán. 3. Bộ Quy Sơn Cảnh Sách do thiền sư Quy Sơn Linh Hựu (771-853) soạn. Trải qua quá trình truyền thừa và phát triển, bộ sách này chắc chắn có nhiều lần in ấn. Nhưng căn cứ vào bộ Phật tổ tam kinh in năm 2016 do Hòa thượng Thích Phổ Tuệ phiên dịch cho biết số lần in ấn.
Lần thứ nhất in năm Kỷ Mùi niên hiệu Thiệu Hưng (1139), bài bạt do thiền sư Thủ Tọa viết nói rõ nguyên do: có vị đạo nhân là Sử Tông Quy cầu xin thiền sư viết phần chú thích cho bộ sách Phật tổ tam kinh nên thiền sư đã viết phần chú thích cho ba bộ sách trên. Vì được ý mà quên đi sự trích lục, mong đời sau tự minh xét.
Lần thứ hai in năm Vĩnh Lạc thứ tám (1410) do thiền sư Ẩn Phong Tung trụ trì chùa Kê Minh ở Kinh Đô chủ trì khắc ván tái bản. (Nay là chùa Kê Kinh thuộc thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô. Năm 1410 kinh đô Trung Quốc vẫn ở Nam Kinh mà chưa chuyển về Bắc Kinh). Lần in này nhờ Diêu Quảng Hiếu viết tựa.
Lần thứ ba in năm Tự Đức thứ 11 (1858) do sa môn Bảo Đỉnh, tự Thông Giám chủ trì. Lý do in là vì thầy thiền sư ở chùa Báo Quốc (Thôn Thượng Phúc) đã có tâm muốn in nhưng đã viên tịch. Nay tuân theo lời di nguyện mà thực hiện.
Lần thứ tư in năm Thành Thái thứ 18 (1906) do sa môn Nguyên Uẩn chủ trì. Sách chữ Hán gồm 50 trang, trong đó kinh tứ thập nhị chương 23 trang, di giáo 14 trang, quy sơn cảnh sách 12 trang (một trang trắng phía sau cùng). Bản in lần này gồm có 3 phần: Chính văn của 3 bộ kinh; Chú giải của thiền sư Thủ Toại; Âm nghĩa của thiền sư Nguyên Uẩn.
Lần thứ năm in năm 2016 gồm phần Hán và phần Việt. Phần chữ Hán giữ nguyên bản khắc ván của tổ Nguyên Uẩn khắc in. Phần Chữ Việt Hòa thượng Thích Phổ Tuệ đã chia làm 2 phần: Một trang phiên âm, một trang bên dịch nghĩa. Ngoài phần dịch sát nghĩa, tái bản lần này Hòa thượng đã ghép từng phần kệ nhiếp tụng của 2 bộ kinh vào cuối mỗi chương. Trong khi phần chữ Hán kệ nhiếp tụng gộp vào phần đầu sách.
Tựu chung, bộ Phật tổ tam kinh không phải chỉ tái bản một lần mà có thể là rất nhiều lần. Nhưng căn cứ vào bộ sách này chúng ta thấy in đã năm lần. Trong đó ở Trung Quốc 2 lần, ở Việt Nam 3 lần. Từ đó thấy được giá trị của bộ sách trong giới Phật giáo. Vì Bộ Phật tổ tam kinh đã đủ cả Tam học: Kinh-Luật-Luận. Kinh Tứ thập nhị chương thuộc kinh tạng, là bộ kinh Đức Phật nói sau khi thành Phật. Kinh Di Giáo thuộc Luật tạng được đức Phật nói trước khi nhập Niết Bàn. Hai bộ này tóm tắt một đời nói pháp của Đức Phật nên thuộc về kinh Phật nói. Phần Quy Sơn Cảnh Sách do tổ nói, thuộc về Luận tạng, nên gộp tên là “Phật tổ tam kinh” (Ba kinh của Phật tổ nói). Chính vì Phật tổ tam kinh đầy đủ nghĩa lý cơ bản của 3 tạng Kinh – Luật – Luận nên được giới Phật giáo coi trọng, tu tập, tái bản lưu thông.
Kết luận
Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay là sự thống nhất của 9 tổ chức sơn hội hệ phái tiêu biểu trong cả nước. Trước năm 1981, Phật giáo Việt Nam được cấu thành bởi nhiều tổ chức sơn môn, hệ phái. Mỗi sơn môn, hệ phái đều có đặc sắc riêng: có sơn môn trú trọng giảng kinh thuyết pháp, có sơn môn trú trọng đào tạo cúng lễ… Pháp hội Viên Minh cũng là một hình thức tổ chức sơn môn tiểu biểu trong mô thức Phật giáo đầu thế kỷ XX. Thông qua việc nghiên cứu trên cho thấy, Pháp hội Viên Minh không chỉ đại diện cho một sơn môn mà có ảnh hưởng nằm ngoài phạm vi sơn môn, tiêu biểu như việc khắc ván in kinh. Đoàn kết là có lực lượng, Pháp hội Viên Minh do có đoàn kết, có mục đích rõ ràng, có vị cầm đầu sáng suốt, có hội chúng nhiệt tình… những yếu tố đó làm cho Pháp hội Viên Minh vang danh một thời. Ngày nay, dưới sự nỗ lực của đức Đệ tam Pháp chủ – kế đăng trụ trì chùa Ráng-cái nôi của Pháp hội Viên Minh xưa, các hoạt động Phật sự đã và đang phục hưng theo truyền thống của tổ sư. Đạo tràng an cư kết hạ được thành lập để đón chư tăng ni trong huyện Phú Xuyên mỗi năm về đây an cư ba tháng; Kinh điển của các tổ sư xưa được tái bản, dịch giảng, in ấn lưu thông; Tổ đình được kiến thiết, trùng tu tráng lệ. Đó là thành quả của sự kết nối hài hòa giữa quá khứ và hiện tại.
Ngày nay, ngoài mô hình tổ chức hành chính giáo hội được phân chia theo địa giới hành chính, vẫn còn có mô hình tổ chức sơn môn, hệ phái. Thậm chí còn có những tổ chức không nằm trong hai loại hình trên như Tổ Lục Hòa, Tổ Báo Ân v.v… hội viên các tổ này không thuộc sơn môn cũng không theo địa giới hành chính giáo hội nhưng hoạt động vẫn hiệu quả. Mô hình này khá giống hình thức tổ chức của Pháp hội Viên Minh khi xưa. Pháp hội Viên Minh dẫu có sự kế thừa trong hiện tại nhưng cũng không phải riêng có trong quá khứ. Bên cạnh Pháp hội Viên Minh khi xưa còn có Bồ Đề pháp hội, Liên xã niệm Phật hội do thiền sư Nguyên Biểu hiệu Nhất Thiết sáng lập và duy trì. Do đó cho thấy, hình thức tổ chức lập hội là một trong những hình thức tổ chức Phật giáo có truyền thống và duy trì đến thời nay. Bài viết này chỉ có tính gợi mở, đề tài này cần có cái nhìn hệ thống, chi tiết hơn để thấy được sự phát triển của Đạo Phật trong lòng dân tộc Việt Nam đã có nhiều hình thái và sự biến thiên. Từ đó định hướng phát triển trong tương lai theo chiều hướng tích cực./.
Hạ Trường Vũ Lăng, tháng Vua Lan, mùa an cư 2016
Thích Di Sơn
Sách tham khảo:
- Trúc Song Tùy Bút
- Luận Khởi Tín
- Khoa cúng tổ
- Kinh Pháp Hoa
- Kinh Hoa Nghiêm
- Chư kinh nhật tụng (Bản bồ đề in)
- Liên xã Niệm Phật hội.
- Phật tổ tam kinh (Sa môn Thích Phổ Tuệ dịch).
[1] Phật tổ tam kinh, việt dịch HT Thích Phổ Tuệ, Nhà xuất bản Hồng Đức, trang 206.
[2] Như trên, trang 199.
[3] Theo Hòa thượng Thích Phổ Tuệ cho biết, Pháp hiệu Phổ Tuệ là do tổ sư Doãn Hài (Tổ Tế Xuyên) đặt cho khi trao truyền giới bồ tát. Nhưng nếu theo kệ truyền đăng, pháp hiệu của Ngài là Tục Tuệ, xuât phát từ câu “Tục Phật tuệ mệnh (Kế tục trí tuệ của Phật)
[4] Nt, trang 197,198