(Sáng ngày 22 tháng 9 năm Tân Sửu)
Cụ ơi, chúng con đã xa Cụ được 1 tuần rồi. Cảnh chùa Viên Minh hôm nay vẫn thanh tịnh, yên tĩnh như nó vốn có thường ngày sau hôm tang lễ của cụ vừa diễn ra rất long trọng, tiết kiệm, đúng với di nguyện của Cụ.
Nội tự chùa không có phông bạt, chỉ có di ảnh của Cụ trước tháp Phật. Di cốt Cụ được mọi người an trí trong lòng tháp tại khuôn viên chùa, xung quanh tháp còn nhiều vòng hoa vẫn còn khá tươi, vài vòng hoa đã héo dần.
Trong hội trường tầng 1 nơi tổ chức tang lễ cho cụ treo rất nhiều trướng của các phái đoàn đến kính viếng. Những tấm trướng được viết bằng chữ Nho, chữ Việt ca ngợi công hạnh tu hành của cụ. Có bức viết vội nên nhòe ra vải, có bức thêu thùa công phu đều thể hiện sự thành kính của mọi người đến với cụ.
Bên trong tầng 1 tôn thờ di ảnh cụ và bát hương. (Bát hương vẫn kê đầu rồng quay vào trong, như trên Tam bảo, Cụ vẫn quay đầu rồng vào chầu Phật).
Trong tổ đường, Long Vị của Cụ kê trang trọng ở giữa, ngay bên dưới tôn tượng chư vị tổ sư thuộc sơn môn Đa Bảo-Viên Minh. Mâm cỗ chay, chén trà thơm được các đệ tử sửa soạn chu tất dâng lên cúng Cụ.
Đúng 7h30, Cụ Trí Tịnh – trụ trì vườn thiền Linh Phong đã lên tổ đường, các Pháp tử, giới tử ra hành lễ quỳ xin công việc. Các quý thầy vận áo thụng đen, cà sa Nâu, quấn khăn trắng ngang lưng, thành kính quỳ trước tổ đường xin Tổ các việc. Tổ Linh Phong chấp thuận, các đệ tử quỳ lạy thành kính niệm ơn.
Ban cung nghinh rước Cụ Linh Phong lên tầng 1 hội trường, nơi đó đã có các Phật tử ở xung quanh đây đến chùa dự lễ. Họ mặc áo tràng, quấn khăn vàng trong tiếng Niệm Phật thành kính để cung nghinh cụ Linh Phong lên cúng Phật-Cúng Tổ.
Chắc mọi người đều biết, Cụ Linh Phong cúng hay lắm. Ngài một mình gõ hết cả: Trống con, nạo, chuông, mõ. Cụ Linh Phong cầm canh, tán vịnh rất mượt mà, uyển chuyển.
Vẫn chất giọng Bắc, canh tán lối cổ, giọng không quá cao, khiến người nghe thấy sâu lắng, giải thoát.
Tang lễ cụ lần này chỉ có ban kinh sư miền Bắc chứ không có đoàn miền Trung và miền Nam cụ ạ. Mà Cụ Linh Phong chính là đại biểu cho lối cúng Bắc bộ khiến các giới tử đều quỳ lạy sau mỗi đường thỉnh của Ngài.
Cụ Linh Phong hiện diện ở phương trượng sau thời Thỉnh Phật khiến cả Chùa rất ấm cúng Cụ ạ. Từ hồi cụ đi xa, chùa vắng vẻ lắm. Mọi người vẫn tưởng hình bóng, âm thanh cụ đâu đây nhưng vẫn thấy sự xa vắng bởi không có hình bóng cụ.
Nhưng sự hiện của Cụ Linh Phong ở phương trượng, khiến các thượng tọa pháp tử cho đến quý thầy sơn môn Đa Bảo, tăng ni huyện Phú Xuyên đang làm cơm dưới bếp cũng thầm bảo nhau: “Đi nhẹ, nói khẽ thôi, không làm ồn ào đến Cụ trên nhà”.
Trong nhà đám, sự hiện diện của các Cụ tuổi cao, đức lớn như Cụ Linh Phong, như Cụ đã từng hiện diện trong các đám đều khiến ngôi chùa ấm cúng, yên tâm lắm cụ ạ.
Cụ Linh Phong ở phương trượng nhưng vẫn chỉ đạo các Thầy và Phật tử lên chùa tụng kinh, niệm Phật, cúng Tổ để hồi hướng đến Cụ. Giọng tụng kinh Di Đà hòa với tiếng mõ, tiếng kiểng, tiếng chuông tạo thành âm thanh rất gần gũi giống như không khí tụng niệm của Tăng ni về đây Hạ an cư hàng năm.
Dưới Tổ đường, các quý thầy đã thỉnh khoa cúng tổ, hy vọng cụ hài lòng về khoa cúng mà tổ Linh Phong đã soạn bằng văn quốc ngữ.
Lễ bái, cúng tụng xong xuôi, thầy trò được thụ lộc cơm chay ở chùa. Thầy đệ tử trưởng đã mời “con cháu trong nhà” thất thất lai tuần về chùa để tụng kinh, niệm Phật hồi hướng đến Cụ.
Cụ ơi, tuần đệ nhất của cụ đã đến sao mà nhanh thế. Đúng là “Sống thì lâu, giỗ đầu mấy chốc”.
Mới đây vài hôm, tang lễ của Cụ được Cụ Trí Quảng, 2 cụ Phó Pháp chủ, cùng cụ Thiện Nhơn làm chủ lễ để đưa nhục thân Cụ về tháp Viên Minh. Ở chùa Ráng, chúng con vẫn đợi Cụ từ cõi Cực Lạc xa xôi sớm tái sinh lại cõi đời để hoằng dương Phật pháp, lợi lạc chúng sinh.
Thích Di Sơn