Trang chủ PGVN Nhân vật Thiền sư Vô Ngôn Thông

Thiền sư Vô Ngôn Thông

171
Thiền sư Vô Ngôn Thông (Internet)

Vô Ngôn Thông là một vị sư người Trung Quốc, nhưng có công truyền bá Phật giáo vào Việt Nam. Sư đến Việt Nam vào năm 820, ở tại chùa Kiến Sơ, làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.


Vô Ngôn Thông là một thiền sư, cũng là tên một thiền phái Phật giáo Việt Nam. Sư thông minh, điềm đạm, ít nói nên người đời gọi là Vô Ngôn Thông.

Nguyễn Lang cho rằng, Vô Ngôn Thông người Quảng Châu, họ Trịnh, xuất gia tu học tại chùa Song Lâm ở Vũ Châu… Sách Cao Tăng Truyền Đăng Lục (Tam Tập) của Thông Tuệ đời Tống gọi ông là Thông thiền sư.

Vô Ngôn Thông cũng có một thời gian trú trì chùa Hoa Nam ở Thiều Châu, nơi đây ngày xưa Lục Tổ Huệ Năng đã từng cư ngụ. Trong thời gian ở chùa Hoa Nam, ông có dạy thiền sư Ngưỡng Sơn học. Thiền sư Ngưỡng Sơn hồi đó mới xuất gia, mười bảy tuổi. Sách Thuyền Uyển Tập Anh chép rằng một hôm Vô Ngôn Thông bảo Ngưỡng Sơn: “Chú khiêng cái ghế kia qua đây cho tôi một chút”.

Khi Ngưỡng Sơn khiêng ghế tới, ông nói: “Chú khiêng giúp trở lại chỗ cũ”. Ngưỡng Sơn khiêng lại chỗ cũ. Ông hỏi Ngưỡng Sơn: “Bên này có gì không?” Sơn nói: “Không có gì”. Ông lại hỏi: “Còn bên kia có gì không?” Sơn nói: “Không có gì”. Ông gọi: “Chú ơi”. Sơn đáp: “Dạ”. Ông bèn nói: “Thôi, chú đi đi”. Những câu đối đáp kia chính là những thí nghiệm mà Vô Ngôn Thông đã làm để thử trình độ của Ngưỡng Sơn. Ngưỡng Sơn sau này còn đi học với Đàm Nguyên, Ứng Chân và Quy Sơn. Sau này Ngưỡng Sơn thành lập một trong năm thiền phái nổi tiếng ở Trung Hoa là thiền phái Quy Ngưỡng.

Theo Nguyễn Hiền Đức, phái thiền Vô Ngôn Thông truyền được 15 thế hệ. Thiền sư Cảm Thành là thế hệ thứ nhất. Thiền sư Cảm Thành họ Thị, quê ở Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh ngày nay). Lúc đầu Sư xuất gia tại quê nhà, pháp danh là Lập Đức, lấy việc tụng kinh trì giới làm đầu. Phú hào trong làng mến mộ đức hạnh cao cả của Sư, tự nguyện cúng gia trạch làm  chùa, thỉnh Sư đến trụ trì, nhưng Sư từ chối.

Đêm ấy, Sư chiêm bao thấy Thần nhân đến bảo: “Nếu làm theo chí nguyện của nhà họ Nguyễn thì chỉ chừng vài năm sẽ gặp điều lành lớn!”, nên Sư Lập Đức nhận lời, lập thành chùa Kiến Sơ ở hương Phù Đổng, huyện Tiên Du (Bắc Ninh).

Chẳng bao lâu thì Thiền sư Vô Ngôn Thông đến. Sư biết Thiền sư Vô Ngôn Thông không phải là người thường, ngày đêm hầu hạ,ï không hề biếng trễ. Thiền sư Vô Ngôn Thông cảm động lòng thành khẩn của sư Lập Đức nên cho đổi pháp danh lại là Cảm Thành.

Một hôm, Thiền sư Vô Ngôn Thông gọi Cảm Thành đến dạy :

Xưa kia, Đức Thế Tôn vì nhân duyên lớn mà xuất hiện ở thế gian, hóa duyên xong, Ngài nhập Niết Bàn. Chân tâm vi diệu như thế gọi là Chánh pháp nhãn tạng, thật tướng vô tướng,tam muội pháp môn, đích thân Thế Tôn giao cho đệ tử là Tôn giả Ma Ha Ca Diếp làm Tổ thứ nhất. Các đời nối truyền,……………………… Ta vốn Vô Ngôn!” Nghe xong bài kệ, Sư liền tỉnh ngộ.

Tác giả Nguyễn Lang cho biết, Thiền phái Vô Ngôn Thông nhấn mạnh thuyết đốn ngộ chủ trương con người có thể, trong một giây lát, đạt được quả vị giác ngộ, khỏi cần đi qua nhiều giai đoạn tiệm tiến. Vô Ngôn Thông, ngay từ buổi đầu tại pháp hội của Bách Trượng, đã nghe một câu hỏi về vấn đề đốn ngộ do một vị thiền giả hỏi Bách Trượng: “Pháp môn đại thừa nào có thể giúp ta đạt được giác ngộ tức khắc” (như hà thị đại thừa đốn ngộ pháp môn?). Chính câu trả lời của Bách Trượng đã làm cho Vô Ngôn Thông bừng tỉnh: “Mặt đất của tâm nếu không bị ngăn che thì mặt trời trí tuệ tự nhiên chiếu đến”.

Thế Sơn