I. Hoàn cảnh ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời vào tháng 11 năm 1981 là kết quả của quá trình vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam và là khát vọng của Tăng ni, Phât tử trong suốt chiều dài lịch sử Phật giáo Việt Nam. Vì vậy, ngay cả khi đất nước ta đang trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân, đế quốc, phát xít thì ý nguyện thống nhất Phật giáo vẫn luôn thôi thúc và chỉ đến khi đất nước bước vào thời kỳ mới – thời kỳ kết thúc kháng chiến, thống nhất non sông, độc lập dân tộc được thiết lập trong phạm vi cả nước, khát vọng đó mới được thực hiện.
Từ ngày 04-07/11/1981, tại chùa Quán Sứ – Thủ đô Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam, với sự tham gia của 165 đại biểu đại diện cho 09 tổ chức hệ phái Phật giáo ở miền Bắc – Trung – Nam, mang cả hai dòng truyền thừa chính là Phật giáo Bắc truyền, Nam truyền và hệ phái Phật giáo nội sinh đã quyết nghị hợp nhất tổ chức hệ phái Phật giáo để thành lập nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Như vậy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời trong điều kiện hoàn cảnh đất nước kết thúc kháng chiến, niền lạc quan của tinh thần chiến thắng thống nhất non sông vẫn đang là những khúc khải hoàn, kiêu hãnh đối với người dân đất Việt nói chung và Tăng ni, Phật tử Phật giáo Việt Nam. Niềm lạc quan đó cũng đã được thể hiện ở đường lối chính sách của Đảng và hệ thống pháp luật của Nhà nước cũng như cộng đồng xã hội trong giai đoạn lịch sử đó.
Tuy nhiên, sau một thời gian áp dụng chính sách đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong phạm vi toàn quốc, Đảng và Nhà nước cũng đã thấy được nhiều mặt còn hạn chế, bất cập, làm cản trở sự phát triển của đất nước. Chính vì vậy, Đại hội VI của Đảng năm 1986 đã khởi xướng sự nghiệp đổi mới trên nhiều phương diện từ đường lối, chính sách đến thể chế pháp luật của Nhà nước cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước đang đặt ra, cụ thể là đã sửa đổi một số điều của Hiến pháp 1980 và thông qua các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc kế tiếp, một số chủ trương chính sách và pháp luật lại tiếp tục được đổi mới toàn diện sâu sắc hơn, trong đó là ban hành Cương lĩnh chính trị xây dựng Chủ nghĩa xã hội thời kỳ quá độ năm 1991, sửa đổi toàn diện Hiến pháp 1980, ban hành Hiến pháp 1992 và đến năm 2001 lại tiếp tục hoàn thiện sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp của Hiến pháp 1992 và hiện nay cũng đang tiếp tục tổng kết Hiến pháp 1992 để thực hiện sửa đổi một cách toàn diện Hiến pháp 1992 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.
Đất nước là vậy, đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam kể từ ngày thống nhất và thành lập đến nay đã qua 30 năm xây dựng và phát triển, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã từng bước đổi mới phương thức hoạt động, kiện toàn hệ thống tổ chức và nhân sự để nâng cao hiệu quả các hoạt động Phật sự ngày một tốt hơn, trong đó đã tập trung và sửa đổi 04 lần Hiến chương và đến đại hội VII (2012) sẽ tiếp tục sửa đổi một cách căn bản, toàn diện nhằm đáp ứng yêu cầu chung của xã hội và Phật giáo Việt Nam sau 30 năm thống nhất tổ chức hệ phái Phật giáo trong cả nước.
II. Những kết quả, thành tựu của GHPGVN sau 30 năm
Do điều kiện đất nước chiến tranh kéo dài, hết chống Pháp – Nhật rồi đến kháng chiến chống Mỹ và chế độ Ngụy. Trong thời gian này, Đảng đã lãnh đạo các tầng lớp nhân dân cả nước, tập trung mọi nguồn lực về sức người và sức của để thực hiện sự nghiệp cao cả là đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất nước nhà. Với trách nhiệm chung đó, Tăng ni, Phật tử Phật giáo Việt Nam đã gác lại tất cả mọi công tác Phật sự thường nhật, thuần túy để cùng nhân dân cả nước nỗ lực thực hiện sự nghiệp cách mạng chung của đất nước.
Nhiều cơ sở vật chất của các cơ sở tự viện cũng được đem ra phục vụ lợi ích chung của dân tộc, chùa chiền trở thành nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng, trở thành bệnh viện nhà thương, trường học, công sở của Đảng, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc, nhiều Tăng ni hoàn tục để trực tiếp tham gia kháng chiến, nhiều hoạt động kinh tế xã hội khác cũng được tổ chức tại chùa và cứ như thế, lớp lớp Tăng ni, Phật tử không ngừng phát huy truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành với dân tộc, tích cực tham gia sự nghiệp chung của đất nước.
Với điều kiện hoàn cảnh đó, nhiều địa phương trong đó chủ yếu ở miền Bắc không còn hình bóng Tăng ni, Phật tử, có chùa thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, cho nên chùa chiền chỉ còn lại là nền móng phế tích và ký ức của người già mà thôi.
Vì thế có mấy người dân biết được việc hoằng dương chính pháp, giáo dục đào tạo Tăng ni, hướng dẫn Phật tử, nghi lễ,… thậm chí còn có những quy kết thiếu thiện chí đối với đạo Phật và người xuất gia thời đó.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời năm 1981 có ý nghĩa quan trọng, đã mở ra một bước ngoặt cho đạo pháp. Khi suy tôn Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận ngôi Pháp Chủ, Người đã kiến nghị lãnh đạo Đảng và Nhà nước lúc đó một số nội dung: cho phép Tăng ni trụ trì các chùa độ người xuất gia, được yên tâm tu học, có hộ khẩu, hộ tịch thường trú tại mỗi chùa, tổ chức thuyết pháp và hướng dẫn Phật tử tu học, mở lớp đào tạo Tăng ni, in ấn kinh sách phục vụ cho việc hành trì của Tăng ni, Phật tử.
Những kiến nghị của Trưởng lão Hòa thượng đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước từng bước quan tâm tạo điều kiện, đặc biệt là cho phép mở trường đạo tạo Tăng ni ở chùa Quán Sứ – Trụ sở của Trung ương giáo hội (Trường Cao cấp Phật học Việt Nam cơ sở 1). Cả miền Bắc lúc đó lựa chọn được gần 50 vị Tăng ni tham gia khóa học, đây là khóa học đầu tiên tạo nguồn nhân lực cho Phật giáo miền Bắc sau nay. Đến nay, quý vị Tăng ni này đã trở thành những vị nòng cốt, lãnh đạo Phật giáo miền Bắc. Và từ lúc có một cơ sở giáo dục đào tạo ở Hà Nội thì đến nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có 04 Học viện Phật giáo, gần 30 trường trung cấp Phật học và hàng chục lớp Cao đẳng Phật học, hàng trăm cơ sở đào tạo sơ cấp.
Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã được Nhà nước phê chuẩn và như thế, hệ thống tổ chức được thành lập từ trung ương đến địa phương (trung ương hội, tỉnh thành hội, ban đại diện Phật giáo các quận huyện và trụ trì các cơ sở tự viện là đơn vị của tổ chức giáo hội).
Căn cứ Hiến chương, Giáo hội đã xúc tiến thành lập các ban ngành viện trực thuộc trung ương và xúc tiến thành lập các Tỉnh Thành hội Phật giáo trong phạm vi cả nước.
Từ những ngày đầu thành lập, cả nước có trên dưới 30 tỉnh thành hội Phật giáo, thì đến nay đã có trên 58 Tỉnh Thành hội Phật giáo. Số lượng cơ sở tự viện từ con số dưới 10 ngàn ngôi chùa thì đến nay đã có đến trên 15 ngàn ngôi chùa và hàng chục triệu Phật tử.
Ban ngành viện chuyên trách lúc đầu thành lập có 6 ban viện thì đến nay đã có trên 10 ban ngành viện hoạt động Phật sự chuyên ngành.
Quan hệ ngoại giao nhân dân cũng được mở rộng, chủ động. Công tác từ thiện xã hội gắn kết cộng đồng có nhiều khởi sắc, thu hút nhiều Tăng ni, Phật tử hưởng ứng tham gia và một số kết quả khác.
Những kết quả Phật sự đó đã cho phép chúng ta đánh giá những thành tựu Phật sự của Tăng ni, Phật tử dưới sự lãnh đạo của các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong suốt 30 năm thống nhất và xây dựng phát triển trong phạm vi cả nước.
Có được những kết quả thành tựu đó, trước hết là nhờ đường lối chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, trong đó có chính sách chung về việc tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của cộng đồng xã hội. Trong đó cũng phải đánh giá đến chính sách riêng của Đảng, Nhà nước đối với Phật giáo, đặc biệt là tình cảm quan hệ đáng tin cậy giữa lãnh đạo Giáo hội với các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bởi quý ngài có cái tâm trong sáng, cái tầm lãnh đạo vĩ mô, là chỗ dựa đáng tin cậy trong cộng đồng xã hội và cuộc đời của quý ngài đã trải qua những bước thăng trầm cùng đất nước, có công lao to lớn với dân tộc.
Cho nên, những kiến nghị của các ngài đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đều được chia sẻ và quan tâm tạo điều kiện hết mức.
Như vậy, 30 năm thống nhất Phật giáo thành lập nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã đạt được một số kết quả có ý nghĩa quan trọng: hệ thống tổ chức được khai thông, được thành lập từ trung ương đến địa phương với một quy mô, hoành tráng và bước đầu tạo hình ảnh trong lòng xã hội. Số lượng Tăng ni, Phật tử ngày một đông hơn. Chùa chiền được phục hồi, trùng tu tôn tạo khắp trong cả nước, từ miền xuôi đến miền ngược và vươn ra tận biên giới, hải đảo và kiều bào ở nước ngoài.
Hệ thống giáo dục đào tạo từ sơ cấp đến cử nhân, sau đại học bước đầu được định hình và đáp ứng nhu cầu tu học của Tăng ni. Công tác hoằng dương chính pháp được xiển dương tạo cơ sở cho việc hướng dẫn tu học, nghi lễ đúng chính pháp đối với Phật tử tại gia. Công tác đối ngoại nhân dân được quan tâm, tạo nền tảng quan hệ bang giao giữa Phật giáo Việt Nam với Phật giáo các nước. Công tác từ thiện xã hội được phát huy, kịp thời trong các vụ việc bất thường, rủi ro trong đời sống xã hội cũng như do bởi thiên tai, dịch họa.
II. Những hạn chế tồn tại và yếu kém
1. Hệ thống tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay đang vận hành là mô hình của hệ thống tổ chức thế tục và nếu tiếp tục duy trì lâu hơn nữa thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển chung của xã hội mà sẽ dẫn đến một tổ chức hữu danh vô thực, không đem lại sự phát triển cho đạo pháp và nguy cơ dẫn đến nhiều vấn đề của thế tục đan xen, đạo pháp xa dần đời sống của người dân và đạo hạnh của Tăng ni sẽ bị giảm sút.
Theo quy định của Hiến chương hiện hành, hệ thống tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay có 3 cấp hành chính: trung ương giáo hội, tỉnh, thành hội và quận, huyện hội. Với mô hình này thì phải đáp ứng những điều kiện và yêu cầu: công cụ để thực hiện và vận hành của tổ chức hành chính đạo; có trụ sở, điều kiện cơ sở vật chất để điều hành và duy trì hành hành chính đạo; có con người đủ năng lực trình độ để vận hành, thực hiện công cụ với vai trò lãnh đạo, quản lý và điều hành mọi hoạt động của tổ chức.
Với những điều kiện và yêu cầu trên, các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay không thể đáp ứng được. Công cụ để thực hiện chức năng lãnh đạo, quản lý và điều hành của tổ chức giáo hội không có và nếu có cũng không thể áp dụng điều kiện và yêu cầu này trong tổ chức đạo.
Bởi vì Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật, đồng thời không lấy giáo quyền để chi phối mà giáo hội hoạt động Phật sự là nhằm mục đích điều hòa hợp nhất sinh hoạt đúng chính pháp, lấy tinh thần tự giác của mỗi Tăng ni, Phật tử, lấy công thưởng đức, tu nhân tích đức, khuôn thước mẫu mực để làm chỗ dựa tinh thần cho Phật tử, do đó không thể có công cụ giáo quyền để duy trì tổ chức của giáo hội, nếu có sự việc xảy ra trong Tăng ni thì tuân thủ giáo pháp và giới luật Phật chế để điều chỉnh trên tinh thần giáo dục “cứu một người phúc đẳng hà sa”.
Về trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ trung ương đến địa phương đều không có cơ sở nào là công sở chung của Giáo hội. Ngay cả Trung ương Giáo hội (đặt tại chùa Quán Sứ – Hà Nội) và (đặt tại Thiền viện Quảng Đức – thành phố Hồ Chí Minh) đều không nằm dưới sự quản trị chung của Giáo hội mà hầu hết đến nay đều bị chi phối bởi (cổ phần hóa trụ sở). Các Tỉnh, Thành hội và quận, huyện hội đều chung số phận như vậy, thậm chí liên tục phải “ban chiếu dời đô” vì tân lãnh đạo tân trụ sở.
Về con người đảm trách công tác Phật sự từ trung ương đến địa phương đều kiêm nhiệm, không có chuyên môn nghiệm vụ về công tác tổ chức và điều hành công tác hành chính đạo, luật đời không rõ, luật đạo cũng không thông, ban hành văn bản hành chính tùy tiện, không theo một trình tự về thể thức và nội dung, không bảo đảm được đúng yêu cầu của Phật sự, bên cạnh đó còn chịu sự chi phối quyền lợi cá nhân chứ không căn cứ pháp quy để xử sự các sự vụ và tình huống phát sinh trong quản lý hành chính đạo.
Rõ ràng ba vấn đề trên hiện nay trong hệ thống tổ chức Giáo hội đều không có và nếu có chỉ là hình thức, không đáp ứng đầy đủ những vấn đề đặt ra trong điều kiện hiện nay, và như vậy có thể khẳng định rằng hệ thống tổ chức Giáo hội hiện nay không phù hợp với tư cách là một tổ chức tôn giáo nói chung và Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng không ngoại lệ.
2. Hệ thống tổ chức Giáo hội hiện nay từ trung ương đến địa phương đều mới chỉ đạt đến mô hình và như là những sa bàn để trưng bày triển lãm. Lãnh đạo Giáo hội thử tư duy lại xem, 5 năm các cấp Giáo hội tổ chức đại hội một kỳ, mỗi năm một kỳ hội nghị tổng kết và một hội nghị sơ kết công tác.
Mỗi kỳ đại hội, hội nghị như vậy đều có báo cáo tổng kết, báo cáo sơ kết và đề ra chương trình hoạt động Phật và nghị quyết. Tuy nhiên, chưa có cấp Giáo hội nào ban hành văn bản để thể chế hóa, triển khai các hoạt động Phật sự cụ thể trong hệ thống tổ chức để hướng dẫn Tăng ni, Phật tử thành viên trong Giáo hội thực hiện.
Mà mỗi Phật sự được tổng hợp thành báo cáo của các cấp Giáo hội đều do Tăng ni, Phật tử trụ trì và sinh hoạt tại các cơ sở tự viện tự tổ chức thực hiện (mang yếu tố tự phát).
Và mỗi kỳ đại hội, hội nghị của các cấp Giáo hội đều thực hiện “báo cáo gom công tác Phật sự” của Tăng ni, Phật tử tại các chùa đã triển khai, để trở thành báo cáo chung của Giáo hội, trung ương lấy báo cáo của tỉnh, tỉnh lấy báo cáo của huyện và huyện lấy kết quả của chùa, như thế là quan hệ một chiều và đó là nguyên nhân dẫn đến Tăng ni, Phật tử không biết đến tổ chức Giáo hội như thế nào, và ngay cả những nơi xẩy ra sự vụ tranh chấp đất đai, tài sản, tôn tạo trùng tu cơ sở tự viện, những việc làm gây mất đoàn kết liên quan đến Tăng ni, Phật tử thì Giáo hội hầu như đứng ngoài cuộc, thậm chí là không có quan điểm chính kiến rõ ràng để giải quyết thấu tình đạt lý trên cơ sở luật đời và luật đạo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho thành viên của tổ chức khi bị xâm hại.
3. Từ những thực tế đó, một số vấn đề đã nảy sinh trong thời gian qua và gây bức xúc trong cộng đồng xã hội: mất đoàn kết, không hòa hợp trong nội bộ Tăng ni, Phật tử, tạo bè kết đảng là vấn đề cấp bách đáng lo ngại tổ chức Giáo hội (có chăng chỉ là hình thức, bề ngoài, bằng mặt không bằng lòng) đang là hiện tượng phổ biến trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đặc biệt mỗi dịp đại hội suy tôn, suy cử nhân sự lãnh đạo Giáo hội thì vấn đề này lại càng sâu sắc.
Một bộ phận Tăng ni chạy theo đời sống thế tục thái quá, xa rời giới luật và đời sống thiền gia, như việc chay chức, chạy quyền, mua bán bằng cấp học vị trong đạo ngoài đời, hám danh, hám lợi, tham nhũng (thông qua hình thức tâm hương cúng dường), mua sắm trang thiết bị đồ dùng cá nhân xa xỉ, hủ hóa, hành nghề mê tín dị đoan, thậm chí có người cho rằng đi tu thời nay là một nghề “ho ra bạc, khạc ra tiền”, có cả những đại gia không ngại ngần và cũng không cần phải suy nghĩ gì, sẵn sàng bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để xây cất ngôi chùa mới, rồi mời sư trụ trì để lấy lòng tin của Phật tử và khách thập phương đến lễ bái và phát tâm công đức, .…
Một bộ phận quý vị lãnh đạo trong tổ chức Giáo hội cũng đang lâm vào tình trạng công tư không rõ ràng, lạm dụng chức vụ, đố kỵ, hiềm khích với pháp lữ, đặc biệt là đối với những người có việc làm hơn mình, ban hành văn bản ngăn sông cấm chợ đối với các hoạt động hoằng pháp, hướng dẫn Phật tử tu học…
Đây là một sự thực báo động trong giới Tăng ni, Phật tử và gây bức xúc trong đời sống xã hội mà các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam chưa có hướng để giải quyết và cứ tiếp tục tình hình này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ mất lòng tin, uy tín bị giảm sút trong lòng xã hội.
III. Mô hình tổ chức cho GHPGVN bảo đảm đạo pháp được xương minh
Với tinh thần Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức Phật giáo thực hiện nhiệm vụ điều hòa các hoạt động của Giáo hội, giữ mối quan hệ đối nội và đối ngoại trong đạo và ngoài xã hội và là tổ chức có pháp lý trong mối quan hệ pháp luật Nhà nước. Do đó Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ nên tồn tại về mặt tổ chức Giáo hội ở cấp Trung ương và cấp Tỉnh thành, và lấy hệ phái, sơn môn làm nòng cốt để duy trì và điều hành các hoạt động Phật tại của Tăng ni, Phật tử sinh hoạt ở các cơ sở tự viện.
Thực tiễn đã chứng minh, trước đây chưa thống nhất Phật giáo trong phạm vi cả nước, hệ phái và sơn môn đã làm rất tốt về công tác hành chính đạo cả về trụ sở, con người và sử dụng giáo pháp, giới luật Phật chế để điều chỉnh các mối quan hệ trong nội bộ mỗi sơn môn hệ phái.
Ngay cả trong 30 GHPGVN vừa qua, các hệ phái Khất sỹ, Nam tông kinh, Nam tông Khơmer và Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã làm được nhiều Phật sự và điều quan trọng hơn là đã vận hành các hoạt động Phật sự theo đúng chính pháp, Tăng ni, Phật tử có cuộc sống quy củ thiền gia thanh quy được tôn trọng, nếp sống đạo hạnh của Tăng ni được tôn vinh và được cộng đồng xã hội tin tưởng đánh giá cao.
Hệ phái và sơn môn là nền tảng và là cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam chứ không phải là cấp hành chính đạo như hiện nay.
GHPGVN với vai trò điều hòa các hoạt động Phật sự của sơn môn hệ phái Phật giáo trong phạm vi cả nước, mỗi sơn môn hệ phái cử người đại diện của mình để tham gia ban lãnh đạo của tổ chức Giáo hội để bảo đảm hài hòa các lợi ích chung của đạo pháp trong phạm vi cả nước, lấy Hiến chương (điều lệ) làm nền tảng, pháp luật của Nhà nước làm cơ sở để thực hiện tư cách công dân và điều hành Phật sự của tổ chức đúng quy định.
Sơn môn hệ phái căn cứ vào giới luật, thanh quy của sơn môn hệ phái để duy trì các hoạt động Phật sự đúng chính pháp từ nuôi người, độ đệ tử xuất gia, tổ chức đại giới đàn trao truyền giới châu tuệ mệnh cho đệ tử, tổ chức thuyết pháp, hướng dẫn Phật tử, thực hiện nghi lễ tín ngưỡng, trùng tu tôn tạo, kinh tế tài chính và từ thiện xã hội cũng như giới thiệu nhân sự đại diện tham gia ban lãnh đạo của Giáo hội cũng như hiệp thương đại biểu tham gia cơ quan dân cử trong phạm vi ở địa phương.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ thực hiện với chức năng điều hòa các hoạt động Phật sự, thẩm định các hoạt động Phật của các sơn môn, hệ phái về sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống đúng chính pháp, làm cầu nối giữa tổ chức giáo hội với Nhà nước, cũng như đảm bảo và làm thật tốt một số Phật sự có tính chuyên môn thuộc về tầm vĩ mô như thống nhất quản lý cơ sở giáo dục đào tạo Tăng ni và chương trình đào tạo Tăng ni ở tất cả các cấp học và quan hệ Phật sự quốc tế, công tác truyền thông và nghiên cứu dịch thuật trước tác.
Các công tác Phật sự khác như Tăng sự, hoằng pháp, hướng dẫn Phật tử, nghi lễ, văn hóa, từ thiện xã hội, kinh tế tài chính là lợi thế của sơn môn hệ phái tổ chức thực hiện rất tốt.
Làm được sự vậy, sẽ khắc phục được những yếu kém, hạn chế và những vấn đề của thế tục hiện đang xâm lấn trong tổ chức GHPGVN hiện nay.