Trang chủ PGVN Nhân vật Cụ Hòa thượng Thích Phổ Tuệ trong trái tim tôi

Cụ Hòa thượng Thích Phổ Tuệ trong trái tim tôi

1109

Hôm nay ngày 21 tháng 10 năm 2021, một con người phi thường và hiếm có đã ra đi về cõi Phật.

Cụ Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ- Đức Đệ tam Pháp chủ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nhập cõi Niết Bàn sau 105 cống hiến cho Đạo Pháp và Dân tộc!

Trong suốt cuộc đời hơn một thế kỷ cống hiến cho Đạo pháp, cụ Hòa thượng Thích Phổ Tuệ đã tham gia các Hội đồng biên soạn hoặc dịch thuật và xuất bản nhiều tác phẩm kinh điển của Phật giáo. Đó là: Từ điển Phật học, Kinh Bách dụ, Phật Tổ tam kinh, Bát Nhã dư âm, Đề cương kinh Pháp hoa, Kinh Hoa Nghiêm, Đại Luật, Đại Tạng kinh Việt Nam. (Phattuvietnam.net )

Cuộc sống thường nhật của cụ Hòa thượng Thích Phổ Tuệ cũng là một sự tích được truyền tụng trong dân gian. Cụ vẫn tự nhận mình là Nông Tăng, tức là nhà sư nông dân vì cả cuộc đời hơn 100 năm của cụ gắn bó với một vùng quê hẻo lánh, xa chốn thị thành – vùng Quang Lãng Phú Xuyên, cách Thủ đô Hà Nội gần 60 cây số.

Thật cảm động khi nghe cụ nói :”Tôi trụ thế đến nay đã hơn trăm năm, ở chùa cũng đã gần trăm năm, nghiệp là tu hành, nuôi thân chủ yếu bằng nghề làm ruộng, chưa từng dám lạm dụng một bát gạo, một đồng tiền của tín thí thập phương”

Khi đến đây ai cũng phải ngạc nhiên về sự giản dị và khiêm tốn của ngôi chùa Tổ Ráng với bề dày lịch sử hơn một nghìn năm tuổi. Ngôi chùa đứng một mình giữa cánh đồng lúa rộng mênh mông cạnh một con đê dài tít tắp. Sau phút ngạc nhiên ban đầu ấy, điều đọng lại trong lòng mọi người là sự cảm phục và tôn kính sâu sắc đối với một bậc chân tu! Cụ Thích Phổ Tuệ một mình trong chùa, tự tay cày cấy nuôi thân, ngày đêm miệt mài Kinh Phật, giữ nếp của Tổ xưa.

Cụ trực tiếp cày cấy nuôi thân, sinh sống bằng nghề làm ruộng cho đến những năm gần 80 tuổi mới thôi. Nhưng không ra đồng thì cụ lại làm vườn, dọn dẹp trong nhà chùa luôn tay luôn chân không nghỉ. Trong con mắt của những người nông dân trong vùng thì cụ Hòa thượng Thích Phổ Tuệ không chỉ là một vị cao tăng uyên thâm Phật pháp, đức hạnh vẹn toàn mà còn là một người nông dân thực thụ với đức tính hay lam hay làm, cần cù và giản dị.

Trong một lần hội đủ duyên lành, chúng tôi được đến viếng thăm chùa Viên Minh.

Cụ Thích Phổ Tuệ mặc một bộ quần áo nâu và đi đôi guốc mộc, loại guốc mà các cụ già ở nông thôn nước ta thường dùng mấy chục năm về trước ra tận cổng chùa đón khách.

Quả thật nếu không phải là đã nhiều lần nhìn thấy hình ảnh của cụ trên báo chí và truyền hình thì tôi không sao có thể tin vào mắt mình đây là cụ Pháp chủ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Cụ gọi khách thăm chùa bằng bác và sởi lời nói: “Mời các bác sang bên này rồi lên thắp hương Tam Bảo“. Một cháu bé ba tuổi đi trong đoàn vài chào cụ Hòa thượng. Nét mặt của cụ bỗng rạng ngời hẳn lên và ánh mắt cụ trở nên ám áp lạ thường!

Sau khi thắp hương lễ Tổ chúng tôi được cụ Pháp chủ ban cho bài pháp về Lục hòa.

Cụ nói rành rọt, khúc chiết và giải thích cặn kẽ mọi điều. Kết thúc buổi pháp thoại cụ Hòa thượng nói: “Nếu tinh thần lục hòa của Phật giáo mà được đem áp dụng vào đời thì trên từ quốc gia dưới đến gia đình khắp nơi đều an lạc vui vầy , làm gì còn có tranh chấp nhau. Tôi nghe nói bây giờ thế giới đang nói về hội nhập gì đó. Nếu giữa các nước mà cũng tôn trọng nhau theo tinh thần lục hòa thì thế giới đại đồng”.

Mọi người đều cảm thấy thấm thía về những lời dạy của cụ.

Là một nhà tu hành chân chính, cụ Thích Phổ Tuệ suốt đời chỉ mong được niệm Phật cầu kinh không mong cầu danh lợi.

Khi lần đầu được suy tôn là Đức Pháp chủ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cụ đã nói: “Ngôi vị Pháp chủ theo nghĩa cứu cánh tuyệt đối thì duy nhất chỉ có một vị có đầy đủ phúc đức, trí tuệ để gìn giữ, đó là Phật Thích Ca Mâu Ni. Nay chúng tôi vì tập thể chư tăng ủy thác cho nên phải gắng gượng giữ gìn. Điều này đối với pháp tương đối của thế gian có thể coi là sở đắc, còn với pháp tuyệt đối xuất thế gian thì vô sở đắc mới là bản nguyện của chúng tôi. Chúng tôi không dám lấy việc lạm giữ ngôi vị cao quí này làm vinh hạnh” (Phattuvietnam.net)

Năm 2012, khi được tái suy tôn Pháp chủ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phật tử và nhân dân tổ chức lễ đón rất lớn, cụ nói: “Tôi không ngờ chư vị lại tổ chức lễ đón rước quá lớn. Ngoài sự tưởng tượng của chúng tôi. Chúng tôi đã làm được những gì trong cuộc đời tu hành của mình mà dám nhận cái phúc lớn đó? Phúc là phải do tu mà có. Phúc thì nên tích mà không nên tán. Phúc không tích thêm mà cứ lạm hưởng thì rồi cũng hết. Khi đó phúc trở thành họa”.

Về chuyện xây chùa to, tượng Phật lớn khắp nơi, Đức Pháp chủ nhận xét nhẹ nhàng nhưng sâu sắc: “ Chùa to, giảng đường đẹp, phòng ốc sang dù sao cũng chỉ là phương tiện. Còn linh hồn của nó là thầy và trò trong quan hệ tu tập và hành trì”.

Cụ khuyên nhủ chớ “Chạy theo hình thức bề ngoài, hình thức thế gian mà quên đi phương tiện đặc thù và mục đích cứu cánh, cho nên làm nhiều mà kết quả chẳng được bao nhiêu”

Cụ Phổ Tuệ luôn luôn dạy Phật tử phân biết phân biệt rõ chánh tín và mê tín. Khi một phật tử có người thân mới mất, hỏi cụ là khi an táng thì nên chôn theo những gì, Đức Pháp chủ giải thích rằng khi con người về thế giới bên kia thì thân xác bị thối rữa, tại sao người ta lại đem tiền bạc, kinh sách quý chôn theo các xác thối rữa ấy. Thật là không nên.

Còn khi có phật tử quỳ xuống xin được Đức Pháp chủ xoa đầu để cầu được may mắn. Cụ đã mỉm cười, xoa đầu phật tử nhưng giải thích rằng, xoa đầu không phải là ban thưởng, cũng không có nhiệm mầu, chỉ là chứng minh lòng thành các phật tử đã đến đây, mong muốn tu tập theo con đường của Đức phật.

Cuộc đời của cụ Hòa thượng Thích Phổ Tuệ thật là một huyền thoại!

Hơn một trăm năm phụng sự Đạo Pháp và Dân tộc với một trí tuệ uyên thâm, một tấm lòng nhân hậu và bao dung.

Thật là một nhân cách lớn lao và hiếm có trên cõi đời này!

PGS.TS Hàn Viết Thuận – Nguyên Giảng viên Cao cấp Đại học Kinh tế Quốc dân