Trang chủ Bài nổi bật Dọn rác ngôn từ núp bóng nghệ thuật

Dọn rác ngôn từ núp bóng nghệ thuật

445
Nhóm nhạc rap Nhà Làm xúc phạm Phật giáo đến chùa Quán Sứ sám hối.

Gần đây, hàng loạt các rapper phải xin lỗi; bị các kênh Youtube, TikTok gỡ bỏ video đăng trên mạng xã hội do có những ca khúc trái với thuần phong mỹ tục, làm ảnh hưởng đến tôn giáo. Trước sự việc trên, nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại, đồng thời lên án gay gắt và đề nghị cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm những vi phạm.


Ngôn ngữ âm nhạc phản cảm

Thời gian gần đây, nhiều ca khúc nhạc rap bị dư luận phản đối vì ngôn từ nhạy cảm, thiếu văn hoá. Đơn cử, liên quan đến ca khúc “Censored” có ngôn ngữ dung tục đã bị cộng đồng mạng lên tiếng chỉ trích nặng nề, phía TikTok cũng đã có phản hồi bằng cách gỡ bỏ hashtag (là một từ hoặc một chuỗi các ký tự viết liền nhau được đặt sau dấu thăng (#) mà mọi người sử dụng trên các mạng xã hội) đang là trào lưu giới trẻ trên nền tảng này.

Rapper Chị Cả (Đinh Thanh Tùng) xin lỗi vì ca khúc có ngôn ngữ phản cảm.
Cụ thể, trong phần xu hướng nội dung nổi bận của TiKTok ngày 5/10, có hashtag #muachoconchieccongtay (Mua cho con chiếc còng tay) thu hút hơn 721.000 lượt xem, với 633 video sử dụng đoạn nhạc ca khúc dung tục “Censored” của rapper Chị Cả – thí sinh King of Rap. Ta mắt từ tháng 12/2018, ca khúc “Censored” bất ngờ bị “đào lại” và trở thành giai điệu hot khi khán giả trẻ biết rộng rãi đến ca khúc nhờ “trend” biến hình rầm rộ trên nền tảng TikTok.

Rapper Chị Cả (tên thật là Đinh Thanh Tùng, sinh năm 1994, nổi tiếng trong cộng đồng hip-hop/underground) – chủ nhân ca khúc “Censored” đã thừa nhận đây là sản phẩm không phù hợp với đại chúng và chính anh cũng không ngờ có một ngày ca khúc sẽ trở nên viral (lan tỏa), tạo nên hệ quả xấu đến như vậy.

Rapper Chị Cả đã gửi lời xin lỗi đến khán giả và cộng đồng vì đã không chọn lọc ngôn từ cẩn thận, kĩ càng, ý tứ lời lẽ cũng không rõ ràng dẫn đến việc mục đích ban đầu là châm biếm cũng bị hiểu sai. Rapper này đã đề ra hướng giải quyết là sẽ cho xóa/ẩn ca khúc “Censored” trên nền tảng TikTok hay cả YouTube.

Cũng trong tháng 10/2021, nhóm nhạc rap “Nhà Làm” tác giả của ca khúc “Thích Ca Mâu Chí” đăng trên mạng có nội dung xúc phạm Đức Phật (phần hình ảnh minh họa phản cảm khi dùng mặt của Chí – thành viên nhóm Rap Nhà Làm ghép vào bức ảnh Đức Phật, đeo xích vàng, đồng hồ). Sau đó nhóm này đã phải đến Văn phòng T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam (chùa Quán Sứ, Hà Nội) để xin lỗi Giáo hội, xin lỗi toàn thể Tăng Ni, Phật tử và cộng đồng Phật giáo.

Đồng thời, trong thư xin lỗi của thành viên nhóm Nhà Làm viết: “Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi những người đã đăng tải, phát tán bản nhạc rap “Thích Ca Mâu Chí” trên không gian mạng hãy xoá sạch bản nhạc đó. Chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan chức năng của Nhà nước áp dụng các biện pháp cần thiết để xoá bỏ vĩnh viễn bản nhạc đó”.

Xử lý trào lưu xấu

Liên quan đến việc một số rapper có những sáng tác tục tĩu, trái với truyền thống văn hoá, xúc phạm Phật giáo, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Lê Minh Tuấn cho biết, Cục đã có văn bản đề nghị Thanh tra Bộ VHTT&DL xem xét, xử lý vi phạm của những rapper đã phát hành các sản phẩm có nội dung vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội, truyền thống văn hóa, vi phạm pháp luật trên mạng xã hội.

Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng đề nghị Bộ TT&TT xem xét xử lý với những kênh đã đăng tải sản phẩm vi phạm, trong đó có việc đề nghị gỡ bỏ các nội dung vi phạm. Theo ông Tuấn, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã đề nghị xử phạt hành chính những rapper (hay những người tạo nội dung) vi phạm theo Nghị định 38/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Theo nghị định này, mức phạt cao nhất với hành vi lưu hành bản ghi âm, ghi hình “xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo” là 50 triệu đồng, và “sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội” là 40 triệu đồng.

Mặc dù vậy, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng mức phạt như vậy còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ đẻ dọn “rác” núp bóng nghệ thật. Đồng thời, cơ quan quản lý cần có cơ chế giám sát, phối hợp với các nền tảng mạng xã hổi để ngăn chặn, phát hiện kịp thời những tác phẩm độc hại này tái diễn.

Vừa qua, trong văn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam bài rap Buddha (dirty) của rapper Wowy được nhắc đến là có nội dung xúc phạm niềm tin tôn giáo, xúc phạm Đức Phật, xúc phạm đạo Phật. Sau khi được “nhắc tên”, rapper Wowy đã đăng tải ý kiến dài trên trang Facebook cá nhân giãi bày mình không hề có ý xúc phạm đạo Phật. Anh cũng giải thích về chữ “dirty” trong bài rap Buddha (dirty) mà văn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nhắc tới. Đó là vì bài rap có hai phiên bản clean và dirty, là cách mà rap quốc tế dùng để phân biệt phiên bản dành cho tất cả mọi người đều nghe được kể cả trẻ con (bản clean) và phiên bản dành cho người trên 18 tuổi đủ hiểu biết đúng sai và chấp nhận sự thô ráp sự thật của nó (bản dirty).

Bài rap “Buddha” phiên bản dirty của Wowy còn có tên khác là “1 điếu”. Dù giải thích không xúc phạm Đức Phật với bài rap này, nhưng hiện trên kênh YouTube Wowy đã gỡ các video bài Buddha (dirty) và cả hầu hết video bài này với tên “1 điếu”, chỉ còn bài Buddha phiên bản clean.

 

MINH AN/KTTĐ