Trang chủ Tu học Thiền Tứ Niệm Xứ Hiểu biết chân lý về khổ

Hiểu biết chân lý về khổ

PTVN - Khổ đế chỉ được hiểu bởi một cái tâm trí tuệ và hoàn toàn ngược với loại khổ mà mọi người cảm nhận. Cái hiểu khổ đế là trí tuệ.

369

Hiểu biết chân lý về khổ

Định của thiền Vipassanā được phát triển từ chánh niệm liên tục, cùng với chánh kiến và thái độ đúng. Định sanh khởi cùng với sự bình an khi có chánh niệm liên tục, với chánh kiến và thái độ đúng. Điều này đặc biệt ở chỗ nào? Có cần phải mong cầu một trạng thái tâm bình an không? Có cần phải chống đối lại sự bất an không? Khi có nguyên nhân thì sẽ có kết quả. Bởi vì có đủ nhân duyên cho sự tiếp xúc (giữa tâm và đề mục), nên có sự tiếp xúc xảy ra.

Luôn luôn có sự khao khát thoải mái và hạnh phúc. Và cũng có cả sự chống đối lại bất an và đau khổ. Hạnh phúc và sự khó chịu cũng chỉ là các cảm giác. Kinh nghiệm chỉ là để kinh nghiệm; đề mục chỉ là đề mục. Dù nó tốt hay xấu, cảm giác cũng chỉ là cảm giác. Trí tuệ nhận ra được điều này và buông bỏ sự chấp thủ của tham vốn luôn luôn khao khát các kinh nghiệm tốt. Chỉ khi tâm không còn cho các kinh nghiệm là đáng ưa thích nữa thì nó mới hiểu được Khổ đế (sự thật cao thượng về khổ). Khi tâm còn cho các kinh nghiệm là đáng ưa thích, thì con xa lắm mới hiểu được khổ đế.

Mọi người cứ nghĩ rằng họ thấy được bản chất của khổ chỉ khi họ kinh nghiệm đau khổ. Nếu là như vậy, làm sao họ có thể hiểu được rằng kinh nghiệm sự vắng lặng (samādhi), khoảnh khắc của tâm hỷ (pīti) hay an tịnh (passaddhi) cũng là khổ?

Còn tâm si hiện diện và cho rằng bất cứ kinh nghiệm nào trong đó là đáng ưa thích thì vẫn chưa thể hiểu được khổ đế. Bởi vì khi nghe về khổ đế, họ nghe với phiền não nên họ nghĩ khổ đế là cái khổ của thân và tâm mà họ kinh nghiệm. Thực ra, lúc đó là tâm sân đang làm việc.

Bất cứ cái gì đang diễn ra, cái đó là khổ. Đừng nhìn những gì đang diễn ra với tâm chống đối, nếu không bạn sẽ rơi vào trầm cảm.

Khổ đế chỉ được hiểu bởi một cái tâm trí tuệ và hoàn toàn ngược với loại khổ mà mọi người cảm nhận. Cái hiểu khổ đế là trí tuệ. Tâm cảm nhận được sức mạnh, đầy năng lượng, giải thoát và tách biệt khi có cái hiểu này. Tâm hoàn toàn vắng bóng dục tham và phiền não.

Trong khi kinh nghiệm sự khổ thì thật mệt mỏi và kiệt sức, sự chứng nghiệm khổ đế hoàn toàn không có sự dính mắc và phiền não trong đó.[1]

Đau khổ (dukkha)

Thiền sinh: Hôm trước thầy nói rằng tất cả những gì khó buông bỏ đều là đau khổ. Thầy nói khó buông bỏ là khó buông bỏ hoàn toàn, là dứt tuyệt hẳn hay là buông bỏ tạm thời?

Thiền sư: Bất cứ cái gì khó buông bỏ đều là khổ cả, dù là buông bỏ hoàn toàn hay buông bỏ tạm thời trong chốc lát. Tham và sân, cái nào khó buông bỏ hơn?

Thiền sinh: Có lẽ chúng cũng giống nhau cả thôi.

Thiền sư: Tham khó buông bỏ hơn, bởi vì nó vi tế hơn – và si là khó nhất. Hôm trước tôi nói như vậy là ý muốn nói rằng không nên sử dụng từ đau khổ (suffering – sự đau đớn, khổ não) để nói về dukkha[6]. Hầu hết các thiền sinh chẳng hiểu gì về sự thật của dukkha cả, nhưng họ hiểu được sự thống khổ, nỗi đau đớn. Thông thường họ chỉ hiểu được mỗi một loại đau khổ, đó là cảm giác khổ, cảm giác đau đớn (dukkha vedanā –khổ thọ) và cách hiểu về khổ như thế hay dẫn đến sự chống đối. Hiểu biết về dukkha khác vậy nhiều lắm.

Nhiều thiền sinh được học rằng vô thường là khổ. Họ cũng học đâu đó rằng sanh diệt là một dấu hiệu của vô thường. Và bởi vì nóng lòng muốn tiến bộ nên họ cố gắng ra sức để nhìn cho thấy sanh diệt. Khi làm như vậy, dĩ nhiên là họ vẫn nhớ những gì đã được học và bất cứ cái gì đến và đi mà họ thấy được, họ cũng sẽ suy diễn ra rằng đó chính là khổ. Bởi vì họ thấy đây là một dấu hiệu của sự tiến bộ, nên tâm họ bắt đầu hướng về đau khổ, luôn nhìn thấy đau khổ ở mọi nơi và họ bắt đầu sợ hãi. Sợ chính là sân ở dạng thụ động. Đôi khi có thiền sinh sợ quá đến mức gục xuống và khóc lóc.

Nghĩa của từ dukkha sâu rộng hơn nhiều chứ không chỉ mỗi là sự đau đớn và thống khổ về thể xác và tinh thần như thế. Bất cứ loại đau khổ nào, từ những loại thô kịch nhất như đau đớn, sầu muộn cho đến những loại vi tế như bất mãn, bất an, bất toại nguyện, không chắc chắn, bất định, mơ hồ, cảm giác không an toàn…tất cả đều mới chỉ là những mức độ thô nhất của khổ -dukkha mà thôi.

Theo kinh điển, khổ mức độ này được gọi là khổ khổ (dukkha-dukkha). Khổ do sanh, già, bệnh, chết, cũng như các trạng thái cảm xúc buồn đau như tức giận, sợ hãi, thất vọng, bất an, xa người mình yêu, gần kẻ mình ghét, muốn mà không được hay được cái mình không muốn…tất cả những loại khổ này nằm trong mức độ đầu tiên của khổ – dukkha.

Mức độ thứ hai được gọi là hoại khổ (viparināma- dukkha). Loại này vi tế hơn và khó thấy hơn. Bất cứ loại dục lạc hay thú vui nào, mà thực ra là tất cả mọi thứ hạnh phúc trên đời – dù là thanh cao, vi tế và kéo dài đến đâu –không sớm thì muộn cũng phai tàn. Phải làm đi làm lại một việc gì đó, hay phải cố gắng thành đạt cho được một cái gì, tất cả những thứ đó đều nằm trong loại khổ này. Mỗi khi hành thiền, bạn có thể có được rất nhiều định tâm, hỷ lạc hay sự khinh an, nhẹ nhàng nhưng rồi chúng cũng không kéo dài mãi. Kinh nghiệm những trạng thái ấy cũng là đau khổ. Hầu hết tất cả mọi người đều cảm thấy rất khó hiểu được tại sao tất cả mọi thứ hạnh phúc trên đời lại đều là đau khổ như vậy.

Loại khổ thứ ba và cũng là loại cuối cùng là hành khổ (sankhāra-dukkha), được coi là đau khổ của kiếp sinh tồn. Danh sắc (nāma-rūpa) là khổ; bản thân sự việc chúng ta đang tồn tại đây cũng là khổ.

Điều hết sức quan trọng là phải hiểu được sự khác nhau giữa việc bị đau khổ hành hạ và hiểu biết về khổ. Đau đớn về thể xác hoặc tinh thần – dù thô rõ hay vi tế – cũng đều tự động đi kèm với một loại tâm sân nào đó; khổ thọ (dukkha vednā) hoặc ưu não (domanassa) luôn luôn sanh khởi cùng với tâm sân (dosa). Tất cả những loại đau khổ đó đều dẫn đến những trạng thái tâm bất thiện và vì vậy lại càng thêm đau khổ.

Hiểu biết khổ hay liễu tri khổ, tuệ tri khổ không có nghĩa là phải chịu đau khổ về tinh thần. Hiểu biết khổ rất khác, đó là một trạng thái tâm thiện, là một kinh nghiệm giải thoát và chuyển hoá cuộc đời. Mỗi một hiểu biết nho nhỏ về khổ lại giúp cho tâm buông bỏ và do đó lại chứng nghiệm nhiều giải thoát hơn. Hiểu biết khổ sẽ dẫn đến những trạng thái tâm thiện hơn và sẽ làm cho tâm trở nên mạnh mẽ hơn.

Để hiểu biết khổ, chúng ta không những cần phải có những thông tin đúng như thế này mà còn phải có cả cách suy nghĩ đúng nữa. Đức Phật nói một trong những nguyên nhân khiến chúng ta trôi lăn trong vòng luân hồi vô thuỷ là không thấy khổ và không hiểu biết khổ. Không hiểu biết khổ, chúng ta sẽ còn tiếp tục hy vọng vào những gì tốt đẹp ở phía trước để rồi lại tiếp tục thất vọng. Hầu hết mọi người phung phí rất nhiều thời gian để chiến đấu với đau khổ, cố sức cải tạo và thay đổi thế giới của mình. Chiến đấu với đau khổ như thế không những chỉ kiệt sức vô ích mà còn tạo ra thêm muôn vàn đau khổ nữa.

Suy nghĩ đúng đắn hay chánh tư duy là chấp nhận và ghi nhận đau khổ. Thấy khổ và chấp nhận khổ nghĩa là thấy và chấp nhận mọi sự việc như nó đang là; và một trạng thái tâm chấp nhận như vậy sẽ giải phóng ra rất nhiều năng lượng để bạn có thể sử dụng cho tu tập.

Khi đã ngày càng thuần thục và khéo léo nhận diện đau khổ hơn, chúng ta cũng sẽ càng thấy rõ ràng mỗi khi chính mình đang “tạo ra” thêm đau khổ mới.

Thầy tôi thường dạy rằng chỉ khi nào hiểu được cái khổ của sự sanh (jāti dukkha), thì tâm mình mới thực sự hướng tới Niết Bàn. Tất cả những gì được sanh ra đều là đau khổ – và khi nó mất đi cũng là đau khổ nữa. Chính vì không hiểu được cái khổ của sự sanh mà chúng ta vẫn luôn muốn có được cái gì đó hay muốn loại bỏ cái gì đó đi.

Một cái tâm đã hiểu biết khổ sẽ không đi tìm cầu hạnh phúc nhưng cũng không chối bỏ những gì đang trải nghiệm; nó tuyệt đối bình an trước bất cứ những gì đang diễn ra.

Tất cả mọi chúng sanh đều đau khổ, nhưng chỉ những người nhận diện được đau khổ mới có thể phấn đấu để giải thoát chính mình ra khỏi đau khổ. Nhận diện rõ ràng và chấp nhận đau khổ sẽ dẫn đến sự giải thoát nội tâm.

Đức Phật nói rằng người nào thấy khổ cũng sẽ thấy được khổ diệt. Chỉ khi thực sự hiểu được khổ thì thực hành con đường đi đến Niết Bàn mới được coi là điều duy nhất đáng làm trên đời.[2]


[1] Trích “Pháp Ở Mọi Nơi “
[2] Chỉ Chánh Niệm Thì Không Đủ

Sayadaw U Tejaniya
Việt dịch: sư Tâm Pháp