Ông quảng cáo rao hàng:
“Nhưng có một hộp rất đặc biệt và vô cùng hoàn hảo, màu (sic) nhiệm, có công năng giải quyết mọi bế tắc của con người. Nếu chúng ta cho rằng có một Thương Đế quyền năng, những vị Phật thông hiểu mọi chuyện, có sức mạnh vô hình và huyền bí có thể sinh ra mọi thứ, nuôi dưỡng mọi thứ thì cái hộp này cũng giống hệt như vậy. CÁI HỘP TRỐNG KHÔNG TRÀN ĐẦY NĂNG LỰC NHIỆM MÀU, MUỐN GÌ CÓ NẤY! TÔI GỌI HỘP NÀY THEO NGÔN NGỮ RIÊNG LÀ: HỘP MINH TRIẾT! Thiền Minh Triết là thực hành một số phương pháp để kích hoạt cái hộp nhiệm màu vô giá này”.
Chư vị Phật tử chơn chính nghe chưa? Cái Minh Triết của ông ta có “công năng giải quyết mọi bế tắc của con người mà từ xưa đến nay chưa ai làm được; nó có công năng như Thượng Đế, như Phật, thông hiểu mọi chuyện, có sức mạnh vô hình và huyền bí có thể sinh ra mọi thứ, nuôi dưỡng mọi thứ!”
Sau khi đại ngôn lớn lối như vậy, ông cũng chưa mở cái hộp xem bên trong chứa đựng lời vàng, tiếng ngọc, linh thiêng, huyền mật gì – ông lại nói mọi người:
“Cất ý kiến riêng trong tủ!”
Rồi ông giảng như sau:
“Như quý vị đều biết, con người khó mà chấp nhận từ bỏ ý kiến riêng hay đánh giá riêng của mình, ngay cả đối với người mình thương yêu hay kính trọng nhất. Việc này cũng sẽ ngầm ảnh hưởng đến việc thực hành Thiền hay thực hành thói quen tâm linh cho mình”.
Chỗ này thì nhà Phật chính tông chỉ gói ghém trong một từ “kiến thủ (diṭṭhupādāna)”, sau đó sinh ra những hoạt dụng đồng dạng như “kiến thủ kiến, ngã kiến, kiến ngã kiến, ngã kiến thủ”. Do đức Phật thấy rõ những kiến thủ nầy có được do từ chấp thủ bản ngã, do từ cái ngã mà sinh ra – không có phương pháp nào loại trừ nó được – ngoại trừ tu tập minh sát để thấy rõ sự vận hành vô tự tính, vô ngã tính của chúng.
Ông Duy Tuệ sử dụng “tư duy ngã tính” nên thấy có người có quan điểm, có ý kiến riêng – nên cất chúng vào hộp Minh Triết. Lập ngôn này của ông là “một cái ngã, có ngã kiến, có ngã kiến thủ”; cất chúng vào hộp tức là vào một “cái ngã” khác nữa. Minh sát của Phật dạy rằng, thức, nhận thức, ý kiến, tư tưởng đều do duyên khởi căn trần vô tự tính, vô ngã tính, vô thực tính – bản chất chúng, thực tánh pháp của chúng là vô thường, vô ngã! Do tư duy ngã tính nên mọi lập thức, lập tri, lập kiến, lập nghĩa của ông ta không bao giờ thoát ra khỏi sự bủa vây của bản ngã. Thương xót thay ông “đạo sư” si mê, vô minh – không biết triệu kiếp sau ông ta có thoát ra khỏi cái bản ngã do tự mình bủa lưới hay không?
Rồi ông tự dựng đứng câu chuyện:
“Ví dụ, có hai vợ chồng thương yêu nhau nhưng hay cãi nhau nên cũng chẳng thấy gia đình êm ấm tí nào. Sự việc cứ kéo dài năm này sang năm nọ. Hai vợ chồng cũng muốn tìm cách chấm dứt cãi nhau nhưng thay vì cả hai bình tĩnh ngồi lại thảo luận tìm hiểu tại sao mình hay cãi nhau, thì người vợ âm thầm đi coi bói.
Người thầy bói tử tế khuyên hai người nên tu hành để được hạnh phúc. Người vợ nghe vậy rồi khuyên chồng nên đến chùa hỏi vị thầy bày cách tu hành.
Người chồng không tin các thầy chùa nên không đồng ý và cho rằng việc cãi nhau hằng ngày là do người vợ hay nói nhiều và có nhiều ý kiến chê bai và chỉ trích người chồng.
Người vợ muốn chồng phải nghe lời mình, theo ý kiến của mình trong cách dạy con, trong các quan hệ với bạn bè và sinh hoạt của chồng phải theo ý mình. Mặc cho chồng không đồng ý, người vợ cứ đến chùa và được các vị thầy chỉ cho phương pháp niệm chú “Ôm-Ma-Ni-Bát-Mê-Hồng”.
Sáu chữ này là người tín đồ phật giáo Tây Tạng hay đọc thầm trong miệng để mong kiếp sống sau tốt đẹp hơn. Các vị sư lại nói chú này linh ứng lắm, cứ niệm thường xuyên thì người chồng sẽ thay đổi tính tình.
Người vợ nghe theo và cứ nói lẩm nhẩm trong miệng suốt ngày như vậy. Người chồng càng tức giận và quát tháo người vợ là ngu xuẩn, cứ nói lẩm nhẩm suốt ngày giống như bị tâm thần! Người vợ buồn quá nhưng tin tưởng mình là đúng, là người bắt đầu tu hành, theo con đường đạo đức.
Cô ta cho rằng, người chồng cự lự (sic) như vậy tức là ông ấy không chấp nhận đạo đức rồi. Người vợ lại nghe lời ai đó nên chạy sang tận Tây Tạng tìm gặp các nhà sư phật giáo Tây Tạng để luyện cách tụng niệm cho linh nghiệm hơn.
Cuối cùng, hai vợ chồng phải li dị vì người chồng không chấp nhận cách ứng xử như vậy của người vợ và cho rằng người vợ nhẹ dạ, ngu xuẩn, bị mấy ông thầy tu lừa!”
Những đoạn gạch đáy ở trên do ông Duy Tuệ mơ mơ màng màng về Mật tông nên đã vu oan cho các thầy đó. Dĩ nhiên là có rất nhiều tà sư ác hạnh, bất chánh trên đời này – có cả ông trong đó – nhưng không đến nổi nào họ lại nói một cách ngây ngô như vậy.
Tôi khuyên ông nên tìm chú Google với mấy từ “Om Maṇi Padme Hum” (thật ra là Aum) để hiểu gốc nguồn, hiểu cái dụng của nó kẻo người học thức họ cười chê, cả khinh bỉ nữa. Những thầy tu kia lừa, còn ông thì đại tổ sư lừa bịp đó!
Chuyện kể thứ hai cũng tương tự:
“Một ví dụ khác, tại Việt Nam, có một cặp vợ chồng rất nổi tiếng. Người vợ là một người đẹp nhất một miền và là một nghệ sĩ tài ba, tiếng tăm oanh liệt một thời. Người vợ theo đạo Phật. Còn người chồng là một nhà trí thức lớn, tốt nghiệp đại học Harvard Hoa Kì hạng ưu và từng đóng nhiều vai trò quan trọng trong guồng máy kinh tế Việt Nam qua hai thời kỳ. Người này theo đạo Ki tô giáo La Mã. Vợ có bàn thờ Phật Thích Ca, còn chồng có nơi thờ Thánh Giá và Đức Jesu.
Người vợ nghĩ rằng chồng mình cực khổ lo lắng nhiều là do không chịu tin thờ Phật. Còn người chồng thì luôn phàn nàn người vợ cứ rước mấy ông sư về nhà trò chuyện, thỉnh thoảng lại qua Tây Tạng luyện tập niệm thần chú rồi về nhà lảm nhảm tối ngày.
Một hôm, người chồng than phiền với vợ rằng: “Nhà mình có ai chết đâu mà em cứ mời sư về hoài vậy? Lại nữa, sao lúc này em hay gầm rú những âm thanh nghe rùng rợn trong nhà vậy? Nếu em không nghe thì anh sẽ vứt bỏ bàn thờ Phật của em đi.”
Người chồng cho rằng Thiên Chúa là trên hết, người vợ nói Chúa là không có thật, chỉ có Phật là có thật. Từ đó, vợ chồng luôn bất hòa, hạnh phúc gia đình trên bờ vực tan vỡ”.
Ông Duy Tuệ lại chơi một màn dựng đứng câu chuyện nữa. Tình huống có thể xảy ra như vậy chăng? Hai vợ chồng đều là trí thức mà xử sự, nói năng như thế sao? Họa là thần kinh! Và ông Duy Tuệ của chúng ta tưởng ai cũng ngu xuẩn tin theo câu chuyện “phịa” mà hư cấu vụng về, quá nhiều kẻ hở, chẳng logic chút nào!
Mệt. Tôi càng đọc càng mệt. Thế gian sao lại phát sinh những hạng “đạo sư” si mê như vậy kia chứ! Nói quanh nói quất nói qua nói lại, ví dụ trước, ví dụ sau chỉ nằm nơi “ngã kiến thủ” mà thôi.
Đoạn sau cũng vậy.
Đoạn sau cũng vậy nữa.
Thôi hãy nhẫn xả, nhẫn xả…
Cuối cùng, mỗi người hãy sắm một cái tủ để cất ý kiến.
“Tên tủ đề là: TỦ CẤT Ý KIẾN. Trong nhà có bao nhiêu người lớn thì có bấy nhiêu ngăn cất ý kiến. Khi về đến nhà, dù bạn có là Tổng thống hay người ăn mày cũng đều đưa tay lên cái đầu lấy mọi ý kiến bỏ vào tủ này. Như vậy, các thành viên trong gia đình sẽ sống trong tình trạng trực giác mà không bị ý kiến chi phối, làm mất hạnh phúc nữa. Ngoài ra, quý vị cũng nên có cái tủ đựng ý kiến dành cho khách hay bạn đến nhà chơi để họ có chỗ cất ý kiến của họ.
Tại các Trung tâm Minh Triết mà thầy đang hướng dẫn thực hành Thiền và khai thị để khai mở Minh Triết cũng nên có một cái tủ đựng ý kiến thật to, đặt giữa Trung tâm cho mọi người dễ thấy. Tủ cũng có nhiều ngăn, đủ để cho quý vị và khách dùng”.
Phương pháp của ông ở trên, khách quan mà nói cũng có những ích dụng nhất định trên cuộc đời này. Ông đã có cái đúng của ông – do nhờ ông học “lỏm” của Phật một chút xíu, học “mót” Krishnamurti thì nhiều hơn. Phật thì ông chỉ sờ ngoài da, bên trong còn thịt, xương và tủy nữa ông ạ! Còn Krishnamurti, hơn nửa thế kỷ trước, vị đạo sư thầm lặng ấy, đã từ bỏ hào quang danh vọng, địa vị giáo chủ Thông Thiên Học, lầm lũi, cô đơn, đi giữa sa mạc tri kiến của cuộc đời, rao giảng tư tưởng “giải trừ kiến thức”, “giải thoát tri kiến” và đã cứu độ cho biết bao nhiêu tri thức kiêu căng trên vòm trời Tây phương phải hạ “cái ngã tri kiến” xuống bên chân ông!
Krishnamurti nói toàn diện, toàn triệt hơn ông nhiều! Ông chưa xứng đáng là học trò xách dép của ông ta đâu! Còn ngay chính Krishnamurti – thì ông ta nói cái gì trong “giải trừ kiến thức và giải thoát tri kiến”, và cả trong suốt 50 năm đi thuyết giảng ông biết không?
Ông ta đã sử dụng tất thảy 37 trợ đạo phẩm của đức Phật, tùy nghi phương tiện để nói bằng ngôn ngữ thời đại, bằng ngôn ngữ khái niệm của Tây phương cho người Tây phương hiểu. Tôi biết, tôi nói ra mà không sợ “tụt lưỡi”, là Krishnamurti tu Phật đã đắc quả “Nhập Lưu” rồi đó! Ông ta là một “học trò nhỏ” của Phật. Còn ông là gì vậy? Đã là gì vậy? Mà lại mạo xưng “đạo sư” Thiền Minh Triết?
Thiền, ông không hiểu. Minh Triết, ông chưa hiểu nghĩa ra làm sao! Học trò xách dép Krihnamurti chưa xứng đáng, trong lúc Krihnamurti là học trò nhỏ của Phật – mà ông lại phỉ báng Phật, ông hơn cả Phật vì con đường Minh Triết do ông tự tìm ra, chưa có ai trên đời khám phá ra được, kể cả nhiều ngàn năm trước.
Ông là một đức Chánh Đẳng Giác sao? Nhưng một vị Chánh Đẳng Giác cũng chỉ “khiêm tốn” tuyên bố: “Đây là con đường cũ xưa, chư vị Chánh Đẳng Giác đã đi qua – Như Lai chỉ là người phát bụi lùm gai gốc, tìm lại được mà thôi!”
Tôi muốn chấm dứt ngang đây. Vì những đoạn tiếp theo, kể về chú chó đáng yêu, trái sầu riêng, hoài nghi cái đầu, đừng dán những nhãn hiệu (ông không thấy cái nhãn hiệu Thiền Minh Triết trên trán của ông), đừng nghĩ mình là con người đạo đức (ông không biết dùng cụm từ bản ngã đạo đức)... thì chỉ như là thừa giấy vẽ voi, để cho đệ tử của ông đọc thôi, trí thức đọc sẽ cảm thấy nhàm, lãng xẹt!
Đối với một kẻ ngu si mà tôi đã bỏ mất cả tuần lễ để viết bài này, vậy là đã quá nhiều. Chưa chắc ai đã cứu độ được ai. Giữa cuộc đời mạt pháp, tâm con người đi lên thì như sừng bò, tâm chúng sanh đi xuống thì như lông bò. Tôi đã hy vong một cách vô ích. Tôi đã mơ màng những ngu si, cao ngạo sẽ được cải hóa. Không dễ đâu.
Địa vị, danh dự, bản ngã, bạc tiền, tiếng khen, quyền lực là những vòng hoa nguyệt quế dụ dỗ, cám dỗ con người. Những vòng hoa ấy, một là tỏa lửa nóng cho những con thiêu thân lao vào. Hai là nó tỏa hào quang sáng ngời ngời, chóa mắt, loạn mắt, mờ mắt không còn thấy gì nữa cả. Ba là nó trở thành cái móc sắt, đai sắt kẹp vào cần cổ, kẹp vào sinh mệnh con người không có đường thoát. Si mê thì không thoát được. Kẻ trí mới thoát được. Nhưng kẻ trí thì như hạt chu sa giữa sa mạc! Sao ông lại cả gan treo cao nhãn hiệu nhân danh Trúc Lâm sơ tổ mà lập câu lạc bộ Thiền, hội Thiền Minh Triết Trần Nhân Tông nhiều nước trên thế giới, trong lúc ông chưa hiểu Thiền là gì, Minh Triết là gì, cả không hiểu Thiền Trúc Lâm nữa?
Không biết ông có nghe vọng âm thượng thừa của bài kệ “hữu cú, vô cú” của Hương Vân đầu-đà chăng: “Câu có câu không. Dây khô cây ngả. Mấy gã thầy tăng. Dập đầu trán vỡ… Câu có câu không. Lập chỉ lập tông. Xoi rùa đập ngói. Leo núi lội sông…”.
Và đó là sự “lầm lẫn mệt mài” của “đạo sư” Duy Tuệ đó.
Để kết luận, tôi xin nói lời xin lỗi, xin lỗi Duy Tuệ nhé! Tôi biết ông mến quen tôi, từng tặng phong lan và cả cây bồ-đề quý cho chùa Huyền Không thuở ông còn là một thiện nam hiền thiện – mặc dù ông không phải là đệ tử của tôi!
Rồi cách đây chừng mươi năm, ông ghé qua Thái Lan, tâm sự với đệ tử của tôi đang du học tại đó, là ông sẽ xuống tóc xuất gia gieo duyên tại Bồ Đề Đạo Tràng! Ngờ đâu!…
Mà thôi, ông cũng là người học thức, chỉ vì lợi danh nhất thời mà lầm lỗi đó thôi, hãy “quay đầu là bờ” đi nhé! Còn kịp đó. Sám hối không bao giờ muộn đâu. Ông chỉ mới trang bị cho mình một chút ít giáo pháp, chưa đủ để lên đường, chưa đủ để tự bảo vệ mình đâu.
Ông đã dại dột khi tự cho mình hơn cả chư Chánh Đẳng Giác khi ông bảo “Bát chánh đạo” của đức Phật mấy ngàn năm nay không giải quyết được gì! Ông có biết lời tuyên bố thiếu thận trọng của ông đã làm cho không biết bao nhiêu Tăng Ni và Phật tử trên khắp thế giới buồn lòng lắm không?
Thường thì mỗi khi dạy cho đệ tử tôi mới phân tích tận tình, cặn kẽ từng chi tiết một như trong bài viết này – nhưng đối với ông, là chỗ quen biết – thì đây cũng là một biệt lệ! Xin ông hiểu cho như thế.
Bây giờ hãy “can đảm” đọc cái bài thơ luật Đường này đi, tôi đặc tả chân dung của ai? Là cái “bản lai diện mục” đang bị lấm lem bụi bặm hiện nay của ông đó:
“ Có tên ma giáo, xót thương ôi!
Minh Triết bán rao, thật nực cười!
Lập thuyết so bằng ngao, hến vậy!
Xiển ngôn sánh tựa ốc, sò thôi!
Nhiệm mầu rỗng hộp, óc tê thuốc!
Linh diệu bít đầu, não vữa vôi!
‘Duy Tuệ’ thó danh mà ‘Thị Nghiệp!’
Bảng vàng lòe bịp chiếm nguyên khôi!”
Hy vọng mươi năm sau, tôi lại vịnh chân dung ông nữa, nhưng mà sáng rỡ hơn, mỹ học hơn, thánh thiện hơn!
Cứ “buông cái ngã” là xong hết, Duy Tuệ thân mến!
Lời thưa I Hồi thứ nhất I Hồi thứ hai I Hồi thứ ba I Hồi thứ tư I Hồi thứ năm I Hồi thứ sáu I Hồi thứ bảy
Huyền Không Sơn Thượng,
Thu sương trắng, tháng 9/2012
Minh Đức Triều Tâm Ảnh