Trở về từ “cõi chết”, Ngọc Trường, 28 tuổi, thấu hiểu những vất vả của y bác sĩ Bệnh viện Điều trị Covid-19 Củ Chi nên tình nguyện xin ở lại phụ chăm sóc F0.
Gần một tháng chiến đấu Covid-19, có những lúc Ngọc Trường tưởng không vượt qua được vì khó thở, phải điều trị tích cực tại khu hồi sức cấp cứu (ICU). Tỉnh lại sau những lần thiêm thiếp mê man, giữa không gian bao trùm bởi tiếng máy thở, anh chứng kiến các bác sĩ, điều dưỡng làm liên tục không ngơi tay, tất bật trong những bộ đồ bảo hộ trùm kín mít suốt nhiều giờ, quay cuồng giành sự sống cả trăm sinh mệnh. Có bệnh nhân tỉnh, có người mê man bất động với chằng chịt dây dợ.
Khi bệnh đã nhẹ hơn, Trường được chuyển xuống gần khu vực chạy thận nhân tạo, nơi những bệnh nhân vừa điều trị Covid-19, vừa chạy thận để duy trì sự sống. Xung quanh Trường khi ấy rất nhiều bệnh nhân lớn tuổi, tai biến, liệt người, khó di chuyển… “Những lúc ấy tôi đến phụ mọi người mấy việc vặt. Ban đầu còn lúng túng, dần dần thành quen”, Trường chia sẻ.
Khi nhận quyết định xuất viện, Trường ngỏ lời cùng giám đốc bệnh viện, xin ở lại phụ các y bác sĩ chăm sóc, giúp đỡ bệnh nhân khác. Anh được cấp một phòng nghỉ nhỏ tại bệnh viện, đeo khẩu trang, kính che giọt bắn, găng tay để mang thức ăn nước uống đến cho bệnh nhân; dìu họ đi vệ sinh, cắt móng tay, gội đầu, lau người, thay tã… Đến nay, Trường đã ở lại viện hơn 20 ngày, dự định khi nào hết dịch mới về.
Bố mẹ Trường dù đã lớn tuổi, cần người chăm sóc nhưng khi nghe ý định của con đều rất ủng hộ. Anh vui vì san sẻ được phần nào vất vả với các y bác sĩ, giúp những bệnh nhân đang đối diện hiểm nguy như mình từng trải qua.
Ngọc Trường là một trong số 4 người khỏi bệnh xin ở lại chăm sóc F0 tại Bệnh viện Điều trị Covid-19 Củ Chi. Trường hợp khác, Duy (24 tuổi, quê miền Trung) khỏi bệnh từ ngày 25/7. Chứng kiến các bác sĩ phải tận tay cho những người bệnh nặng ăn từng muỗng sữa, Duy thấy mình có thể giúp những việc này.
“Từng mắc bệnh, tôi hiểu những lo lắng F0 đang trải qua nên thường trò chuyện động viên tinh thần, khuyên họ ráng ăn uống, sớm khỏe mạnh về nhà”, Duy kể.
Bác sĩ Trần Chánh Xuân, Giám đốc Bệnh viện Điều trị Covid-19 Củ Chi, cho biết những bệnh nhân sau khi đã điều trị khỏi đã tình nguyện ở lại chăm sóc F0 là điều rất quý, giúp sức rất nhiều cho các y bác sĩ.
Bệnh viện cũng đang triển khai mô hình cho các F0 “tự quản” ở các phòng bệnh. Việc này ra đời sau khi một số bệnh nhân là nhân viên y tế đến đây điều trị, chưa đủ tiêu chuẩn xuất viện nhưng khi khỏe hơn đã hỗ trợ các y bác sĩ một số công việc trong khả năng. Một số người khỏe mạnh khác, được nhân viên tế hướng dẫn, huấn luyện những kiến thức cơ bản như theo dõi tình trạng oxy máu, quan sát tình trạng khó thở của người bệnh để kịp thời báo động khi cần.
“Lực lượng tự quản đã phát huy tinh thần tập thể tự chăm sóc, hỗ trợ lẫn nhau và giúp các y bác sĩ giảm bớt áp lực, kịp thời điều trị nhiều F0”, bác sĩ Xuân chia sẻ. Hiện, mỗi phòng điều trị của bệnh viện đều có những thành viên tổ tự quản, bên cạnh lực lượng y bác sĩ điều trị chăm sóc bệnh nhân. Những người này cũng giúp gắn kết các bệnh nhân trong phòng lại để cổ vũ lẫn nhau vững tinh thần, không lùi bước trước khó khăn bệnh tật.
Bệnh viện Điều trị Covid-19 Củ Chi quy mô 500 giường, hoạt động từ ngày 12/6 trên cơ sở chuyển đổi công năng từ Bệnh viện huyện Củ Chi. Đây là bệnh viện đa khoa đầu tiên chuyển đổi công năng điều trị Covid-19 tại TP HCM, được phân công tiếp nhận, điều trị các bệnh nhân Covid-19 ở nhiều mức độ khác nhau, các trường hợp bệnh nhân cần chạy thận nhân tạo, cần can thiệp phẫu thuật cấp cứu, sản phụ khoa, nhi khoa…
Hiện, bệnh viện tiếp nhận 1.500 F0, trong đó khoảng 1.000 người đã điều trị khỏi và xuất viện.
Lê Phương/ VNN