Trang chủ Đời sống Ngày rằm tháng 7 trong đời sống đương đại

Ngày rằm tháng 7 trong đời sống đương đại

68

NÊN CÚNG CHÚNG SINH VÀ PHÓNG SINH

 

Phóng viên: Những ngày này, người Việt Nam đang chuẩn bị cho ngày rằm tháng 7- một trong những ngày lễ lớn của dân tộc Việt Nam (có thể nói là sau lễ Tết nguyên đán). Xin Thầy cho biết ý nghĩa của ngày rằm tháng 7 này?

 

ĐĐ. Thích Minh Tri: Cúng lễ tuần rằm tháng 7 mang ý nghĩa báo ân với gia tiên tiền tổ, ý nghĩa giáo dục tinh thần khoan dung xá tội và đặc biệt là ý nghĩa nguyện cầu hướng thượng, biểu hiện của tấm lòng khát khao mong cầu “âm siêu, dương khánh”. Có thể nói rằng Lễ tuần Rằm tháng 7 mang ý nghĩa nhân văn, tinh thần giáo dục rất lớn chẳng kém gì lễ Tết Nguyên đán. Nếu như ai đó hay gia đình nào đó đến tuần rằm tháng 7 này mà không sắm sửa lễ nghi cúng các cụ thì thật là thiếu sót lắm vậy.

 

Phóng viên: Ai cũng biết là phải cúng lễ trong ngày rằm tháng 7 nhưng cúng lễ thế nào cho đúng, thưa Thầy? Thầy có thể đưa ra một cách cúng lễ trong thời hiện đại này được không ạ?

 

ĐĐ. Thích Minh Tri: A Di Đà Phật ạ! Cá nhân chúng tôi đâu dám đưa ra một cách thức cúng lễ, trong nghi thức truyền thống có dạy đủ hết rồi. Cúng lễ theo nghi thức truyền thống là đúng. Tuy nhiên, có thể giản lược và bổ sung cho phù hợp với thời đại và đặc biệt là phải thể hiện được tinh thần tri ân báo ân của giáo lý từ bi – trí tuệ Phật giáo.

 

Phóng viên: Tại sao lại xuất hiện tập tục đốt vàng mã, quần áo, cúng chúng sinh trong rằm tháng bảy?

ĐĐ. Thích Minh Tri: Tại vì cổ nhân có tấm lòng trắc ẩn, có tình thương, có tâm từ bi nên mới có tập tục đó. 
Quý vị đừng vội coi đó là hủ 
tục, là cực đoan, là đặt niềm tin, đặt lòng thương không đúng chỗ nha. Chúng tôi không cổ xúy cho việc đốt vàng mã nhưng chúng tôi vẫn thường khuyến khích các tín đồ Phật tử cúng chúng sinh, không chỉ trong tuần rằm tháng 7 mà nên ít nhất mỗi tháng 2 lần.


Phóng viên: Điều này có thực sự cần thiết không và cần bao nhiêu là đủ, thưa Thầy?


ĐĐ. Thích Minh Tri: Theo chúng tôi thì không nên đặt vấn đề cần hay không cần ở đây. 
Ví dụ thế này: có thể một đứa trẻ không thực sự 
cần thiết phải phát âm câu “con mời bố, con mời mẹ…” trước bữa ăn cơm. Nhưng thực sự cần lắm tấm lòng hiếu kính, cần lắm cái tình cảm được truyền tải qua câu cửa miệng đó. Cũng vậy, với một số người, một số nhiều các gia đình thì không cần thiết phải sắm lễ vàng mã cúng chúng sinh nhưng tất cả chúng ta đều cần lắm những tấm lòng thành biết đền ơn, đáp nghĩa, thực sự cần thiết lắm phải nhanh chóng thăng hoa đời sống tâm linh, cần phải phát triển tâm từ bi, cần phải trải rộng tình thương đến mọi loài và muốn được như thế thì không thể không cúng chúng sinh và phóng sinh. Ở chùa, chúng tôi vẫn cúng chúng sinh hàng ngày mà.


Phóng viên: Hiện nay người ta mua cả Ipad, cả trạm xăng để đốt xuống âm phủ, Thầy nghĩ gì về điều này?

ĐĐ. Thích Minh Tri: Đó là thương mại hóa tín ngưỡng chăng? Nếu ai đó đang dùng Ipad thấy thân thiện tiện lợi quá, nhớ thương đến 
người thân đã khuất liền hì hụi cả tháng làm ra cái Ipad bằng giấy đợi đến Rằm tháng 7 đốt cúng, và một người khác khi ra chợ thấy Ipad bằng giấy, thấy hay hay liền mua về đốt thì có thể người đó đã chưa biết thận trọng, tỉnh táo, mà đang chạy theo nền kinh tế thị trường chăng?


Phóng viên: Trong kinh nhà Phật có giảng dậy về điều này (cúng vàng mã, quần áo cho người thân và cho chúng sinh) không thưa Thầy?

ĐĐ. Thích Minh Tri: Kinh sách nhà Phật nhiều lắm, tôi cũng chưa được học hết, nhưng chúng tôi chắc chắn là kinh sách không có 
khuyến khích tín đồ mua sắm vàng mã một cách tùy hứng, dễ dãi như một số người thời nay.


Phật tử chùa Tứ Xuyên ( Tỉnh Thái Bình) hướng ứng không đốt vàng mã để dành tiền làm Từ thiện. ( Ảnh: Nam Hoa)


BÀI HỌC NHỎ NHÂN NGÀY VU LAN

 

Phóng viên: Ngoài ra, ngày rằm tháng 7 được coi là Lễ Vu Lan, với người đã khuất, chúng ta nên tưởng nhớ bằng cách nào, thưa Thầy? Với những người cha mẹ còn sống, có lẽ cũng nên có một cách ứng xử tốt và đúng đắn hơn trong ngày lễ Vu Lan, thưa Thầy?


ĐĐ. Thích Minh Tri: Không chỉ trong tuần Rằm tháng 7, mà ngày nào chúng ta cũng cần phải ứng xử tốt và đúng đắn hơn với người thân. Trong văn sớ tấu tuần Rằm tháng 7 có viết:

“… Thiết trai đàn cầu cho cha mẹ hiện tại bình an

Dâng sớ tấu độ Tổ tiên siêu thăng Phật cảnh

Câu “dương khánh” in sâu tâm tưởng

Chữ “âm siêu” chung hưởng phúc duyên…”


Cha mẹ hiện đời sẽ rất vui khi thấy con cháu biết cúng lễ, cầu siêu cho gia tiên tiền tổ. Hàng xóm láng giềng, bạn bè sẽ không trách mắng người có tấm lòng hiếu nghĩa với cha mẹ hiện tiền và thành tâm kính lễ cầu siêu cho gia tiên quá vãng. 


Phóng viên: Còn với các Phật tử, trong tuần rằm tháng bảy đồng thời là lễ hội Vu Lan – Báo hiếu, Phật tử nên tụng kinh gì? 
Và cách thức cúng lễ có gì khác biệt không thưa Thầy?


ĐĐ. Thích Minh Tri: Ca dao Việt Nam có câu:

“Trung Nguyên ngày hội Vu Lan

Báo hiếu tiền nhân đến đạo tràng

Đốt nén tâm hương thầm khấn nguyện
Bảy đời cha mẹ thoát u oan”.


Hay:


“Trung Nguyên vọng hội Vu Lan

Bến giác chiều thu vọng sóng ngàn

Những ai là người mang ơn nặng

Đều vận lòng thành đón Vu Lan”.


Kinh Địa Tạng, Kinh Báo Ân, Mục Liên Sám Pháp, Kinh Vu Lan Bồn, Kinh Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân, đó là các bộ kinh nên tụng trong tháng 7. Nếu không tụng hết được các bộ đó, quý Phật tử nên tụng Kinh Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân.


Rằm tháng 7 cũng là tuần chư Tăng kết thúc ba tháng An cư, công đức và định lực của chư Tăng rất lớn. Lễ hội Vu lan – Báo hiếu là lễ hội cúng dàng trai Tăng. Sự khác biệt cúng lễ của người Phật tử thuần thành là ở chỗ cúng dàng trai Tăng này đây vậy.


Phóng viên: Có sự việc gì Thầy đã chứng kiến liên quan tới ngày rằm tháng bảy và lễ Vu Lan mà Thầy muốn kể cho mọi người cùng nghe và đó cũng như một bài học nho nhỏ Thầy muốn gửi tới mọi người?


ĐĐ. Thích Minh Tri: Bức tranh này là một thông điệp nhỏ chúng tôi muốn gửi tới mọi người. Không biết tác giả bức tranh là ai và bức tranh được đặt tên là gì. Tôi đặt tên cho bức tranh này là “một già một trẻ bằng nhau”.  

Bức tranh “Một già- Một trẻ bằng nhau” (Nguồn:Sưu tầm ảnh từ mạng xã hội)


Tuyệt vời thật! bức tranh có nhiều âm thanh, nhiều câu chuyện trong đó lắm!


Một em Thiện nguyện viên trong nhóm Hương Sen trắng cảm nhận rằng: “Người con trong bức tranh thật hạnh phúc. Ít ai được như anh ấy. Chúng con xin hứa trước Thầy, sẽ cố gắng thực hành trách nhiệm của một người con ngoan trong gia đình”.


Còn những cô giáo của 6 trường mầm non sau khi được tặng bức tranh này đã cho rằng đây là cách giáo dục trẻ em tuyệt vời nhất bằng cách in thành  nhiều bản và cho các em tô màu.


 Phóng viên: Lời chia sẻ chân thành nhất của Thầy về ngày rằm tháng 7 và lễ Vu Lan?


ĐĐ. Thích Minh Tri: Cái thời đại vật chất thịnh hành này, xu thế chung đang quan trọng hóa lễ vật, đồ cúng mâm cao cỗ đầy và có thể giản ước đi các nghi thức lễ 
bái rườm rà nhưng không nên thiếu đi tấm lòng hiếu kính cùng đức hiếu sinh.


Phật giáo phản đối “sát sinh tế tự”. Thế nên, các tín đồ Phật tử không nên sát sinh để cúng lễ. Nên cúng chúng sinh và cúng phóng sinh.

Phóng viên:Nguyện vọng của Thầy trong ngày này?

ĐĐ. Thích Minh Tri: Mong rằng, các quý Phật tử đều biết noi gương hiếu hạnh của Tôn giả Mục Kiền Liên, cùng đóng bè tập phúc thiết lễ trai nghi cúng dàng trai Tăng để lấy công đức hồi hướng cho gia đình: phần âm được siêu thoát và dương quyến cũng được cát bảo bình an. 


Như Kinh Pháp Cú số 106, Đức Phật dạy:


“Tháng tháng với ngàn vàng

Tế tự cả trăm năm

Không bằng trong giây lát

Cúng dàng bậc tự tu

Cúng thế vậy tốt hơn

Cả trăm năm tế tự” 


A Di Đà Phật!


Phóng viên: Con xin cảm ơn Thầy.