Nhục dục là từ ám chỉ sự ham muốn trong sắc, thanh, hương, vị, xúc (ngũ dục) nói chung, nhưng người ta thường hiểu ngầm là “dâm dục”.
Ngũ dục là bản năng tự nhiên của loài người nói riêng và cõi Dục Giới nói chung, tùy theo mức độ của mỗi cõi, từ Địa Ngục cho tới cõi Tha Hóa Tự Tại Thiên. Thậm chí đến các bậc Thánh Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm vẫn chưa hết được ngũ dục.
Muốn xuất ly một pháp không phải chỉ tìm cách đối trị nó mà phải thực sự thông suốt được nó. Giống như bệnh, người ta chỉ dùng thuốc để loại trừ bệnh trạng, nhưng chính yếu là phải loại trừ được nguyên nhân sinh bệnh. Nhưng muốn loại trừ nguyên nhân sinh bệnh nói chung thì khởi đầu phải thông suốt được nguyên nhân, hậu quả, và toàn bộ tính chất của mỗi căn bệnh nói riêng. Qua chiêm nghiệm khám phá từng căn bệnh người đó thấy rõ nguyên nhân của toàn bộ bệnh tật và đồng thời cũng biết thế nào là không bệnh. Bởi vì một người đã biết rõ thế nào là không bệnh thì người đó có thể chấm dứt toàn bộ bệnh chứ không cần phải đối trị từng căn bệnh một nữa.
Nhục dục phát sinh từ nhiều nguồn;
1) Nguồn kích thích từ bên ngoài (do hoàn cảnh, sự thân cận).
2) Nguồn kích động từ sinh lý (do tác động của các tuyến nội tiết, đơn giản như đói thì thèm ăn v.v.).
3) Nguồn kích hoạt của tưởng (phần lớn dục do tưởng sinh).
4) Do cả ba nguồn kích thích trên.
Chủ yếu ở đây nếu một người có tâm rỗng lặng trong sáng nghĩa là thường chánh niệm tỉnh giác, biết rõ hoạt động của thân, của cảm giác, cảm xúc, tư tưởng v.v.. thì có thể kiểm soát được sự sinh diệt của dục. Điều quan trọng không phải là tìm cách diệt nó mà là học ra từ đó bản chất vô thường, khổ, vô ngã của nó thì mới có thể thoát khỏi nó.
Nói chơi mà cũng rất thực là “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”, chưa thấy khổ đến tận cùng chưa thoát được dục đâu! Đó là vai trò tuyệt vời của cái khổ giúp con người học ra bài học giác ngộ giải thoát…
Hoà thượng Viên Minh
trích Hỏi & Đáp – Trung Tâm Hộ Tông