Năm thứ ba tôi làm tỳ kheo, tôi có sự nghi ngờ về bản chất của Định và Trí Tuệ. Quá muốn kinh nghiệm trạng thái Định, tôi không ngừng cố gắng hành trì. Khi ngồi tham thiền, tôi cố gắng hình dung ra tiến trình đó, và do đó tâm tôi bị chia tách một cách đặc biệt.
Khi tôi không làm gì đặc biệt hết và không tham thiền thì tôi tốt, không có làm sao. Nhưng khi nào tôi quyết tâm tập trung tư tưởng thì tâm tôi trở nên cực kỳ bấn loạn.
Tôi tự hỏi, “Chuyện gì vậy? Tại sao nó như thế này?” Sau một thời gian tôi nhận ra rằng sự tập trung tâm ý trong việc hành thiền cũng giống như hít thở vậy thôi. Nếu bạn nhất định cố gắng thở sâu hay cạn, mau hay chậm, việc hít thở trở nên khó khăn. Còn nếu cứ xuôi thuận theo nó, không cần ý thức việc hít vào thở ra, việc hít thở trở nên tự nhiên và trôi chảy. Tương tự như vậy, mọi cố gắng bắt buộc mình trở nên tĩnh lặng chỉ là thể hiện sự bám víu và ham muốn. Làm như vậy chỉ cản trở sự định tâm mà thôi.
Thời gian trôi qua, tôi tiếp tục hành trì với lòng tin tưởng vững chắc và sự hiểu biết càng lúc càng lớn mạnh hơn lên. Dần dà tôi bắt đầu thấy diễn tiến tự nhiên của việc hành thiền. Vì nhận ra rằng những ước muốn của tôi rõ ràng là một chướng ngại, tôi hành trì một cách cởi mở hơn, khảo sát các yếu tố của tâm khi chúng xảy ra. Tôi ngồi và theo dõi, ngồi và theo dõi, cứ như vậy hoài.
Một ngày nọ, vào khoảng 11 giờ đên, sau khi ngồi thiền xong tôi đi kinh hành. Trong đầu tôi khi đó trống trơn không có tư tưởng nào hết. Tôi đang ở tu viện trong rừng mà có thể nghe những tiếng ồn ào và tiếng ca hát của cuộc hội hè đình đám đang diễn ra trong làng cách tu viện một khoảng xa. Khi cảm thấy mỏi mệt do việc hành thiền, tôi trở về cốc của mình. Khi tôi ngồi xuống, tôi nhận thấy tôi không ngồi vô thế kiết già mau lẹ như thường lệ. Tâm tôi tự nó muốn tiến vô trạng thái Định thâm sâu. Tâm tự nó như thế đó. Tôi tự nghĩ, “Tại sao như vậy?” Khi tôi ngồi xuống, tôi thấy tĩnh lặng hết sức. Tâm tôi vững vàng và tập trung tốt. Không phải là tôi không nghe được tiếng ca hát từ trong làng, nhưng tôi có thể làm cho tôi không nghe tiếng ca hát đó nếu tôi muốn như vậy.
Ở trạng thái nhất tâm này, tôi xoay nó hướng về các âm thanh thì tôi nghe được các âm thanh đó. Khi tôi không hướng tâm về các âm thanh thì hoàn toàn yên lặng. Lúc âm thanh tới, tôi quan sát kẻ đang chú tâm đến âm thanh, kẻ này hoàn toàn tách biệt với âm thanh. Tôi quán tưởng như vậy. Đây là trạng thái định, phải không? Không phải trạng thái này thì còn trạng thái nào khác hơn? Tôi có thể nhìn thấy tâm tôi tách rời khỏi đối tượng nó nhìn như cái chén này và ấm nước này vậy. Tâm và âm thanh không hề dính liền với nhau. Tôi tiếp tục xét như vậy, rồi tôi hiểu. Tôi nhìn thấy cái nối liền chủ thể và khách thể lại với nhau, và khi sự nối liền này bị phá vỡ, sự an tịnh thật sự hiển lộ.
Lần đó, tâm tôi không để ý đến chuyện gì khác. Nếu tôi muốn ngưng hành thiền, tôi có thể ngưng, như vậy mà không thấy khó chịu. Khi một nhà sư ngưng hành thiền, thầy thường tự hỏi, “Ta làm biếng chăng? Ta mệt mỏi chăng? Ta bất an chăng?” Không, tâm tôi lúc đó không làm biếng, không mệt mỏi, cũng không bất an. Tôi chỉ thấy trọn vẹn và đầy đủ về mọi mặt.
Khi tôi ngưng hành thiền để nghỉ ngơi một lát, chỉ có hành động ngồi là ngưng lại thôi. Tâm tôi vẫn y nguyên như trước, không thay đổi. Khi tôi nằm xuống, tâm tôi vẫn tĩnh lặng y như trước. Khi đầu tôi chạm lên chiếc gối, tâm tôi xoay vào trong. Tôi không biết nó xoay vô trong chỗ nào, nhưng nó xoay vô trong như điện được bật lên vậy, và toàn thân tôi nổ bùng ồn ào; sự nhận thức thì vô cùng tinh tế. Vượt qua điểm đó, tâm bước sâu vô nữa, bên trong không có gì hết, hoàn toàn không có gì hết, không có gì vô trong hết, không có gì có thể đạt tới hết. Sự nhận biết ngưng lại bên trong một lúc rồi trở ra. Không phải tôi kéo nó ra, không đâu, tôi chỉ là một quan sát viên, là người nhận biết mà thôi.
Khi tôi ra khỏi tình trạng này, tâm tôi trở lại trạng thái bình thường, và một câu hỏi nảy lên, “Cái đó là cái gì vậy?” Câu trả lời xảy đến là, “Những sự việc này, chúng chỉ là như vậy, như vậy thôi. Không cần phải nghi ngờ chúng nó.” Tôi chỉ nói có bấy nhiêu, và tâm tôi chấp nhận như vậy.
Sau khi ngưng nghỉ một lúc, tâm tôi lại quay bật vô trong. Tôi không quay nó; chính nó tự quay vô trong lấy một mình. Khi tâm đi vô trong, nó lại đi tới bờ mé như lần trước. Lần thứ nhì này thân thể tôi vỡ thành từng mảnh vụn. Và tâm tôi đi sâu hơn nữa, tĩnh lặng, cùng tột. Khi tâm tiến vô và đã lưu lại một thời gian lâu như ý nó muốn, nó lại ra trở lại, và tôi trở về trạng thái bình thường. Trong thời gian này, tâm tự nó hành động, tôi chẳng hề có ý bắt nó đi vô hay đi ra gì hết. Tôi chỉ nhận biết và quan sát những gì xảy ra vậy thôi. Tôi không nghi ngờ. Tôi chỉ tiếp tục ngồi thiền và quán tưởng mà thôi.
Lần thứ ba tâm tiến vô, toàn bộ thế giới đều tan vỡ: đất đai, cây cỏ, đồi núi, người,…, tất cả chỉ là khoảng trống. Không một vật gì còn lại hết. Khi tâm thức đã tiến vô và lưu lại một thời gian như nó muốn, nó rút ra và trở lại trạng thái bình thường. Tôi không biết nó trụ như thế nào, những chuyện đó khó thấy và khó diễn tả. Không có gì có thể dùng để so sánh với tình trạng đó được.
Về ba lần kinh nghiệm này, ai nói được là chuyện gì đã xảy ra? Ai biết được điều đó? Tôi có thể gọi đó là gì? Điều tôi nói ở đây chỉ là vấn đề bản thể của tâm. Không cần phải bàn tới việc phân loại các tâm hay tâm sở. Bằng lòng tin sâu chặt, tôi tiến vô hành thiền, sẵn sàng liều mạng, và khi tôi ra khỏi kinh nghiệm này thì toàn thể thế giới đã thay đổi hẳn. Mọi kiến thức và hiểu biết đều đã biến thái. Nếu có người nào trông thấy tôi thì chắc người đó nghĩ là tôi đã điên mất rồi. Thật vậy, người nào không chánh niệm vững vàng rất dễ trở nên điên khùng, bởi vì nhận thức về thế giới vũ trụ hoàn toàn thay đổi hẳn so với trước. Thực ra chỉ có “cái ta” là thay đổi mà thôi. Tuy vậy, cái ta thay đổi đó vẫn chỉ là một người với cái ta trước kia. Thiên hạ nghĩ thế này, tôi nghĩ thế khác. Thiên hạ nói như thế này, tôi nói như thế khác. Tôi không còn đồng nhất với bàng dân thiên hạ như trước nữa.
Khi tâm tôi đạt tới sức mạnh tột độ của nó thì căn bản ở đây là năng lực tinh thần, năng lực của sự tập trung tâm ý. Trong trường hợp tôi vừa mô tả, kinh nghiệm đó đạt trên năng lực của định. Khi định đạt tới trình độ này, minh sát tự nó diễn tiến trong khi hành giả không cần phải cố gắng.
Nếu bạn hành trì như thế này, bạn sẽ không phải tìm kiếm ở đâu xa. Bạn thân ơi, bạn còn chần chờ gì nữa mà không thử đi?
Có một chiếc thuyền bạn có thể dùng để qua bên kia bờ sông. Tại sao bạn chưa chịu bước lên thuyền? Hay là bạn thích bùn sình hơn?
Tôi có thể chèo chống ra khơi bất cứ lúc nào, nhưng mà tôi còn ở đây chờ bạn đó!
Thiền sư Ajahn Chah – trích “Mặt hồ tĩnh lặng”