Trang chủ Thời đại Xã hội Khấm khá nhờ nghề làm đậu hũ

Khấm khá nhờ nghề làm đậu hũ

194
Chị Nguyễn Thị Nga cắt những bìa đậu tươi, chuẩn bị giao hàng cho khách.

Từ lâu đời, đậu hũ là món ăn dung dị trên mâm cơm của nhiều gia đình Việt. Với mong muốn gìn giữ nghề truyền thống của gia đình, chị Nguyễn Thị Nga, ngụ tại tổ 18A, khu vực 3, phường Trà An, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ đã dành tâm huyết để khởi nghiệp xây dựng mô hình làm đậu hủ sạch. Hơn 10 năm qua, lò đậu hủ Công Binh của chị Nga được nhiều khách hàng tin dùng lựa chọn.

Năm 2008, bất hạnh ập xuống gia đình chị Nga khi chồng mắc bệnh nặng. Thay cho việc đi làm thuê, chị Nga phải nghỉ ở nhà để chăm sóc gia đình. Thời điểm này, chị Nga đã mạnh dạn khởi nghiệp với mô hình làm đậu hũ tại nhà, vừa thuận tiện chăm sóc chồng, vừa có nguồn kinh tế nuôi gia đình. Chị Nga tâm sự: “Nghề làm đậu hủ là nghề truyền thống của gia đình chồng tôi. Ban đầu, tôi chỉ làm nhỏ lẻ. Nguyện vọng ban đầu là muốn có nguồn thực phẩm sạch để sử dụng. Về sau, thấy bà con xung quanh cũng có nhu cầu sử dụng đậu hũ trong các bữa ăn, đám tiệc… và được mọi người khích lệ tinh thần nên tôi quyết định đầu tư làm và bán lẻ đậu hũ tại nhà. Lúc đầu, tôi chủ yếu bán cho bà con lối xóm. Dần dà, lò đậu hủ được nhiều người biết đến và phát triển đến ngày nay”. Trước đây, do hoàn cảnh khó khăn, tất cả các công đoạn làm đậu hủ đều được chị Nga thực hiện thủ công, nấu bằng than đước và sử dụng khuôn gỗ. Năm 2010, được Hội LHPN phường Trà An hỗ trợ vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và được tăng dần số vốn qua các kỳ đáo hạn, chị Nga có điều kiện đầu tư hệ thống máy móc để phát triển mô hình, đảm bảo việc sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo chị Nga, nghề làm đậu hũ không theo mùa, nguồn nguyên liệu chính chỉ là đậu nành, vừa dễ tìm lại có thể làm được quanh năm. Bí quyết để làm nên miếng đậu hũ ngon chính là chọn đậu nành ngon, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ. Ðậu phải được ngâm từ 5-6 giờ thì mang đãi sạch để loại bỏ tạp chất rồi mới xay. Nước bột được pha thêm nước chua (nước đậu đã lên men để từ hôm trước) theo tỷ lệ pha chế riêng của gia đình. Sau khâu pha chế này, nước đậu đã sánh đặc lại rồi mới đưa vào khuôn ép tạo thành các bìa đậu. Không chạy theo lợi nhuận, đậu được làm ra không dùng chất tẩy trắng, mà được giữ đúng màu đậu vốn có để đảm bảo an toàn thực phẩm. Hiện nay, đậu hũ tại cơ sở của chị Nga có 2 loại, gồm: đậu tươi và đậu chiên. Ngày nào cũng vậy, công việc của chị Nga đều bắt đầu từ lúc 2 giờ sáng. Sau khi chiên đậu xong, trời hừng sáng là chị tất bật giao cho các mối sỉ.

Trung bình mỗi ngày, chị Nga sử dụng khoảng 30-35 kg đậu nành để sản xuất khoảng 1.000 miếng đậu hũ thành phẩm và hơn 40 lít sữa đậu nành. Giá bán 2.000 đồng/miếng đậu tươi, 2.500 đồng/miếng đậu chiên và 10.000 đồng/lít sữa. Ðậu hũ của nhà chị Nga đã có uy tín nên có mối tiêu thụ ổn định, giao đều đặn cho đầu mối lớn tại các điểm chợ. Sau khi trừ các loại chi phí, bình quân mỗi ngày, gia đình chị Nga có thu nhập khoảng 400.000 đồng. Là món ăn dân dã, giàu chất dinh dưỡng; nhất là với những người ăn chay, đậu hũ được sử dụng như một món ăn chính trong các bữa ăn hằng ngày. Ðặc biệt, vào những ngày rằm hay lễ lớn, nhu cầu khách hàng ăn chay, ăn thanh đạm tăng lên đáng kể. Có ngày, chị Nga phải làm khoảng 4.000-5.000 miếng đậu mới đủ số lượng để giao bán. Không chỉ đạt thu nhập cao từ việc bán đậu hũ, nghề này còn tận dụng được các phụ phẩm. Bả đậu được chị Nga bán cho người dân sử dụng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm với giá 1.000 đồng/kg.

Trải lòng về nghề làm đậu hũ, chị Nga chia sẻ: “Tiêu chí của tôi là làm ra sản phẩm sạch. Toàn bộ quá trình làm đậu hũ, tôi chỉ sử dụng 100% đậu nành nguyên chất và ủ men tự nhiên, tuyệt đối không sử dụng thêm các loại nguyên liệu, chất phụ gia nào khác. Ðó cũng là cách đã giúp cho khách hàng tin tưởng, giúp tôi trụ vững với nghề trong suốt nhiều năm qua”. Nhờ nghề gia truyền làm đậu hũ đã giúp chị Nga vực dậy kinh tế gia đình sau biến cố, ngày càng phát triển, ăn nên làm ra.


Bài, ảnh: KIẾN QUỐC/CẦN THƠ