Trang chủ Nghiên cứu Phật giáo và chiến lược ngoại giao hòa bình của Ấn Độ

Phật giáo và chiến lược ngoại giao hòa bình của Ấn Độ

288

Không ít người vẫn nghĩ, chuyện tôn giáo chi phối, ảnh hưởng đến chính trị, đến chính sách ngoại giao… là chuyện của thời trung cổ, hay ít ra chỉ là chuyện thế kỷ XIX, khi các vị tu sĩ thiên chúa giáo còn gởi các bức thư đến triều đình Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha khuyến cáo nên dùng vũ lực ở chỗ này, xâm chiếm thuộc địa ở chỗ nọ…

Thế kỷ XIX là thế kỷ tôn giáo bị loại ra khỏi đời sống chính trị, các vị chủ chăn còn không được các con chiên ngoan ngoãn nghe theo nữa là tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng ngoại giao.

Nhưng tình hình lại bắt đầu diễn biến khác đi vào cuối thế kỷ XX các nhà khoa học Mỹ đã sớm tiên đoán thế kỷ XXI là thế kỷ của chính trị tôn giáo. Tiêu biểu hơn cả là Samuel Hungtinton với công trình nghiên cứu nổi tiếng có bản dịch tiếng Việt tên Sự va chạm của các nền văn hóa (Nhà xuất bản Lao Động).

Trong công trình trên, S. Hungtinton  nhìn thế giới tương lai với viễn cảnh xung đột giữa các nền văn minh trên cơ sở tôn giáo, kể cả những hình thái không hẳn là tôn giáo như Khổng giáo, đều được nhắc đến, trừ Phật giáo.

S. Hungtinton coi Ấn Độ là quốc gia mà chính sách được chi phối bởi Ấn Độ giáo, còn Trung Quốc, Triều Tiên… chịu sự chi phối của Khổng giáo. Đối với nhiều quốc gia, thì chịu sự của Hồi giáo là quá rõ ràng.

Thực tế những cuộc chiến cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI khiến cho lập luận của S. Hungtinton được nhiều người chia sẻ. Đến khi xảy ra sự kiện 11/9 thì những quan điểm của Hungtinton lại càng thêm trọng lượng.

Chúng tôi đánh giáo cao công trình Sự va chạm của các nền văn minh. Chia sẻ phần lớn với  những luận điểm cơ bản của quyển sách và thấy rằng thực tế lịch sử thế giới hiện đại phần lớn diễn biến theo cái trục mà Hungtinton đã đưa ra.

Vấn đề mà chúng tôi muốn bàn luận là Phật Giáo đã ở đâu và có thực việc chính trị, chiến lược ngoại giao của Ấn Độ chỉ chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo, tôn giáo mang tên chính quốc gia này, và là tôn giáo chủ yếu của quốc gia này.

S. Hungtinton thấy ở Nam Á một lò lửa chiến tranh, một thùng thuốc súng bên cái lò lửa ấy, mà một bên là Hồi giáo và một bên là Ấn Độ giáo.

S. Hungtinton không thấy Phật giáo ở đâu cũng là điều dễ hiểu, vì Phật giáo đã biến mất khỏi Ấn Độ từ lâu, thay vào đó là Ấn Độ giáo và Hồi giáo. Chính sự xung đột giữa hai tôn giáo này đã phân chia tiểu lục địa Ấn Độ, dẫn đến một số cuộc xung đột lớn, dẫn đến cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân, chạy đua vũ trang qui ước, đặc biệt là chạy đua hỏa tiễn tấn công.

Đi cùng với một hướng lập luận của Hungtinton, nhiều học giả, nhà chính trị, nhà báo khi đề cập đến Ấn Độ/ Pakistan thì đều gán chúng với Ấn Độ giáo và Hồi giáo. Các vụ phóng thử hỏa tiễn, nổ thử nghiệm bom nguyên tử đều bị coi là có mùi vị tôn giáo Ấn / Hồi. Không đưa thành một kết luận rõ ràng, nhưng bàn bạc trong tác phẩm của Hungtinton một cái nhìn xem xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan, Ấn giáo và Hồi giáo là một cuộc va chạm giữa các nền văn minh ở cấp độ tiêu biểu, điển hình.

Sự căng thẳng của quốc giáo Pakistan quả là rõ ràng, nhưng nhìn nhận như thế thì chi phối chính sách ngoại giao, quốc phòng Ấn Độ cũng là những cái đầu nóng tương đương mà phía sau là  tư tưởng của Ấn Độ giáo.

Trước S. Hungtinton, nhiều học giả, nhà chính trị Mỹ cũng quan niệm như vậy. Đáng kể hơn hết là Henry Kissinger, người từng đảm nhiệm các chức vụ cố vấn an ninh quốc gia, ngoại trưởng Mỹ trong một thời gian khá dài. Có thể thấy những suy nghĩ của Kissinger thể hiện rõ trong hồi ký Những năm bão táp, ở Việt Nam là bản dịch của Lê Ngọc Tú, nhà xuất bản Công an Nhân dân xuất bản năm 2003.

Trong tập 1, chương “Khuynh hướng” cuộc khủng hoảng Ấn Độ – Pakistan 1971”, tiến sĩ Henry Kissinger nhìn Ấn Độ như là một quốc gia Ấn Độ giáo hiếu chiến, lạnh lùng, nguy hiểm và tráo trở. Theo ông, Ấn Độ vừa chủ trương 5 nguyên tắc sống chung hòa bình, vừa gầy dựng và lãnh đạo phong trào “không liên kết”, nhưng lại ký kết liên minh quân sự tay đôi với Liên Xô, để sau đó “xâm lược” quốc gia Hồi Giáo Pakistan nhỏ bé hơn.

Kissinger không đi sâu vào các vấn đề văn minh tôn giáo như S. Hungtinton, mà chỉ chú trọng đến các sự kiện nhưng qua lời văn, chúng ta thấy ngay Kissinger tư duy cùng một kiểu “va chạm” như Hungtinton. Ấn Độ là gắn liền với đạo Hindu. Ông viết trong phần mở đầu “Nguồn gốc của bi kịch”: “Đạo Hindu tự hào và tin chắc vào mình, không nhận những kẻ quy theo và ông coi Pakistan (lúc đó gồm cả phần Đông Hồi giáo) luôn trong “nỗi sợ sự thống trị của những tín đồ đạo Hindu”.

Chúng tôi vừa có những quan điểm vừa đồng nhất nhưng cũng vừa trái ngược với các học giả Mỹ. Dù rằng tôn giáo đã có những ảnh hưởng sâu sắc đối với tư duy chính trị, chiến lược ngoại giao quốc phòng của Ấn Độ, nhưng tôn giáo đó thực chất là Phật giáo. Sự có mặt của Ấn Độ giáo, tuy có nhưng chỉ là một phần.

Vấn đề không phải chỉ ở tôn giáo hiện tại, mà cốt lõi là vấn đề truyền thống. Truyền thống của Ấn Độ gắn liền với Phật giáo. Phật giáo chỉ còn trong 1% dân số Ấn Độ, nhưng biểu tượng của Phật giáo, pháp luân, thập nhị nhân duyên, vẫn uy nghi trên quốc kỳ, trụ đá 4 đầu sư tử do vua Ashoka dựng tại Lộc Uyển vẫn chói lọi trên quốc huy Ấn Độ.

Ấn Độ là một quốc gia giành độc lập trong hòa bình, bằng hòa bình và cũng chịu sự phân biệt cũng vì hòa bình. Những nhà lãnh đạo đầu tiên của Ấn Độ độc lập đã nhẫn nhịn để tránh một cuộc nội chiến từ phía những người Hồi giáo ly khai. Đó là một tư duy dưới ảnh hưởng của Phật Giáo.

Chính sách đối ngoại “hòa bình, độc lập, trung lập, hữu nghị và không liên kết” được nêu thành khẩu hiệu xuyên suốt từ khi Ấn Độ độc lập tuy không nói thẳng ra ảnh hưởng của đạo Phật trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ mà chỉ nói “ảnh hưởng sâu rộng đến lịch sử, đất nước và con người Ấn Độ” nhưng sau đó cũng khẳng định “tư tưởng ‘từ bi, hỷ xả’ luôn biết khoan dung, không sử dụng bạo lực đã góp phần tạo nên bản chất hữu nghị trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ”.

Các học giả phương Tây và cả Liên Xô đều thống nhất ở chỗ chính sách của Hoàng đế Ashoka đã tạo nên truyền thống của tư duy chính trị Ấn Độ. Tư tưởng Ashoka “chủ trương không xúc phạm, không làm tổn thương, không sát sinh…”. Đó là gì nếu không phải là những tư duy cơ bản của Phật Giáo. Sách đã dẫn cũng chi tiết hóa: “Từ đó, tư tưởng ‘bất bạo lực’ hay ‘chung sống hòa bình’ được Ashoka thực hành cả trong chính sách đối ngoại lẫn đối nội. Tư tưởng tôn giáo và truyền thống của Ashoka là cơ sở rất quan trọng trong việc thực hiện con đường ‘bất bạo lực’ trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Ấn Độ[5]. Mà tư tưởng tôn giáo và truyền thống Ashoka không gì khác hơn là Phật Giáo.

Nếu chỉ là đạo Hindu theo cách nhìn của S. Hungtinton hay H. Kissinger thì Ấn Độ không thể có tư duy hòa bình “bất bạo lực” thể hiện thành 5 nguyên tắc cơ bản “chủ quyền, không gây hấn, không can thiệp, bình đẳng và chung sống hòa bình”. Đặc biệt, nguyên tắc “bình đẳng” không có trong tư duy của Ấn Độ giáo, một tôn giáo phân chia giai cấp triệt để. “Bình đẳng” chỉ có ở Phật giáo mà thôi.

Từ ngày độc lập đến nay Ấn Độ đã phải gánh chịu nhiều cuộc chiến tranh, nhưng lịch sử đã chứng tỏ Ấn Độ không phải là một quốc gia gây hấn. Trong cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc, Ấn Độ đã tỏ ra kiềm chế và chủ trương giải quyết hòa bình. Cuộc chiến 1971 mà H. Kissinger nói đến nhiều trong hồi ký sau nhiều năm đã cho thấy việc xử lý đúng đắn của Ấn Độ không phải là nước xâm lăng.

Như vậy, thì vấn đề mâu thuẫn Ấn Độ – Pakistan phải chăng từ mâu thuẫn Ấn Độ giáo – Hồi giáo, lại chuyển thành mâu thuẫn Phật Giáo – Hồi Giáo? Theo cách lập luận đó, thì sẽ dẫn đến một vấn đề gai góc, là liệu cuộc chạy đua vũ trang, chạy đua hạt nhân, chạy đua hỏa tiễn đạn đạo ở tiểu lục địa Ấn Độ có liên hệ đến… Phật giáo (?!) trong ảnh hưởng của nó đến tư duy chính trị Ấn Độ.

Nếu đã chỉ ra được Phật giáo ở đâu trong thế giới hiện đại, trái với sự loại trừ của S. Hungtinton và nếu chia sẻ với Hungtinton lý thuyết về sự “va chạm văn minh”, thì chúng ta phải tìm câu trả lời cho vấn đề Phật giáo cũng tồn tại và liên hệ ra sao trong cuộc “va chạm” lớn toàn cầu đó!

Chúng tôi không khảo sát vấn đề rộng lớn trên ở đây, nhưng thấy cần thiết phải điểm qua một số nội dung liên hệ.

Hungtinton không thấy Phật Giáo ở đâu trong chính trị thế giới hiện đại, thì vô hình trung, ông ta đã làm phiếm diện học thuyết của mình, bỏ qua không nhìn thấy nhóm các quốc gia Phật giáo Nam tông như Thái Lan, Myanma, Srilanka, Lào, Campuchia, mà chắc chắn, nếu lập luận như kiểu văn minh tôn giáo chi phối chính trị, ngoại giao của Hungtinton thì nhất định không thể phủ nhận dấu ấn Phật giáo trong chính sách đối ngoại, đối nội của các nước này.

Cũng như các nước trên thế giới, các quốc gia Phật giáo cũng phải có quân đội, cũng phải phát triển quân bị và có chính sách ngoại giao thích hợp với điều kiện của quốc gia mình. Ấn Độ cũng thế, nhất là vị trí nhạy cảm của quốc gia này.

Lý giải chính sách ngoại giao, quốc phòng của Ấn Độ trong mối liên hệ với ảnh hưởng Phật giáo cần phải có những nghiên cứu sâu hơn, nhưng bước đầu chúng ta có thể ghi nhận những điểm sau:

Tư tưởng Phật giáo thể hiện cụ thể qua chính sách của hoàng đế Ashoka là hướng đến một quốc gia mạnh nhưng trên cơ sở hiểu tư tưởng “bất bạo lực”.

Hiểu tư tưởng Phật giáo luôn luôn xem vũ khí như là một vật đáng bài trừ là chưa chính xác, các bộ kinh đều phản ánh thời niên thiếu Đức Phật đã xuất sắc trong môn học võ nghệ, tinh thông nhiều loại vũ khí, đứng đầu trong các hoàng tử. Đây là kết quả của phước báu nhân thiên, không hề là sai lầm của Đức Phật.

Tư tưởng Phật giáo ảnh hưởng đến tư duy chính trị, đối ngoại, quốc phòng của nhà nước Ấn Độ hiện đại không phải thể hiện ở vũ khí, chạy đua vũ trang, hay “va chạm” mà theo chúng tôi trước hết ở cách ứng xử đối với những “va chạm”. Điều này yêu cầu cần tìm hiểu nhiều hơn lịch sử hiện đại Ấn Độ.

Để kết thúc bài viết chúng tôi xin ghi nhận thêm hai vấn đề nữa. Trước hết là ảnh hưởng đương nhiên của Ấn Độ giáo đối với Ấn Độ hiện đại và điều thứ hai, quan trọng hơn, như nhận định của Henrry Kissinger, vấn đề nặng về phía Pakistan và những người Hồi giáo với “nỗi sợ sự thống trị của những tín đồ đạo Hindu” thường trực trong họ.

MT