Trang chủ Đời sống Chuyện đời - Ý đạo Những cây cầu “An lạc” nơi vùng xa, biên giới

Những cây cầu “An lạc” nơi vùng xa, biên giới

125
Học sinh thôn Tân Nhiên, xã Nhật Tiến, huyện Hữu Lũng phải đi xuồng đi học (ảnh chụp năm 2020).

Không còn phải lội qua suối, hay đi qua cầu tre, cầu gỗ tạm bợ, những chiếc cầu dân sinh mang tên “An Lạc” bằng bê tông vững chắc tại nhiều bản, làng vùng sâu của tỉnh Lạng Sơn đã giúp các em nhỏ bớt đi nguy hiểm trên đường đến trường khi mưa lũ về.


Cầu, ngầm tràn ngập sâu vào mùa mưa lũ, cha mẹ cõng con em lội nước đến trường hay các em học sinh phải vượt sông bằng chiếc xuồng kéo tay… là những hình ảnh thường gặp tại thôn Tân Nhiên, xã Nhật Tiến, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Ngày lũ lên cao, trên những con xuồng sắt nhỏ chòng chành kéo bằng dây tời, người và phương tiện vượt qua dòng nước cuồn cuộn chảy. Lũ trẻ thì lo sợ, người lớn thì vội vàng tát nước, bịt những lỗ thủng trên xuồng… Anh Linh Hồng Quân, người dân thôn Tân Nhiên, xã Nhật Tiến, huyện Hữu Lũng nói: “Khi nước tràn cầu, nếu còn lội được thì người lớn phải cõng trẻ em đi học, nếu nước lên siết quá thì phải đi bằng xuồng. Nếu mưa bão đến mà tình trạng nước ngập kéo dài thì ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống cũng như việc tiêu thụ nông sản của bà con nơi đây”.

Không chỉ người dân thôn Tân Nhiên mà rất nhiều bản vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lạng Sơn cũng đang từng ngày trông ngóng những cây cầu vững chắc, việc đi lại được thuận tiện, an toàn bởi đã có không ít tai nạn thương tâm do vượt suối gặp lũ bất ngờ.

Góp phần giúp người dân vùng sâu, vùng xa đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp xây dựng những cây cầu “An Lạc” – những cây cầu dân sinh. Đại đức Thích Bản Chung, Phó Trưởng Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Sau khi cây cầu được xây dựng, thì các địa phương đã đầu tư những con đường mới dẫn vào tận các thôn bản, giúp người dân họ dễ dàng tiêu thụ nông thổ sản để phát triển kinh tế. Điều kiện kinh tế của bà con qua đó cũng được nâng lên, quyết tâm xóa nghèo, giảm nghèo ở địa phương cũng được đẩy cao. Kết hợp với chủ trương xây dựng nông thôn mới, việc xây dựng các cầu dân sinh cũng là một trong những tiêu chí được các cấp rất quan tâm”.

Được triển khai từ năm 2018, đến nay trên địa bàn toàn tỉnh Lạng Sơn đã có 9 cây cầu An Lạc được xây dựng, đưa vào sử dụng tại các huyện Đình Lập, Tràng Định, Chi Lăng với tổng giá trị hơn 2 tỷ đồng. Những cây cầu đã phát huy tác dụng, góp phần đảm bảo an toàn cho người dân đi lại những ngày mưa lũ và cùng với hệ thống đường liên thôn, liên xã từng bước được đầu tư đã góp phần phát triển kinh tế xã hội, cải thiện điều kiện sống của đồng bào khu vực biên giới, vùng sâu vùng xa.

Những chiếc cầu dân sinh mang tên An Lạc góp phần bảo đảm an toàn giao thông nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân tỉnh Lạng Sơn.

Tại xóm Khòn Mon, thôn Bình Trung, xã Vân An, huyện Chi Lăng, trước kia cứ đến mùa lũ là dường như bị cô lập nhưng sau khi cầu An Lạc số 7 được hoàn thành, đưa vào sử dụng, các em học sinh đi học không còn phải lội suối, người dân dễ dàng dùng xe máy, thậm chí cả xe tải nhỏ chuyên chở hàng hóa, nông sản. Bà Đàng Thị Luyên, Chủ tịch UBND xã Vân An, huyện Chi Lăng và anh Vi Văn Là, người dân thôn Bình Trung, Xã Vân An, chia sẻ: “Khi cầu An Lạc được đưa vào sử dụng, bà con rất mừng bởi nó đã góp phần mở thông các tuyến đường giữa 2 khu dân cư, giao lưu hàng hóa thuận tiện hơn rất nhiều. Trước kia nhân dân đi lại qua cầu tạm rất vất vả, khó khăn, đặc biệt là trong mùa mưa bão. Giờ đây các cháu học sinh trong mùa mưa bão thì không phải lo lắng là sẽ phải nghỉ học và mất an toàn khi đi qua cầu nữa.

Tính chung, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn còn hơn 300 điểm cầu, ngầm. Để đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa lũ, cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của chính quyền các cấp, Ban Trị sự GHPG tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân để có kinh phí xây dựng thêm những cây cầu An Lạc khác. Những cây cầu luôn được mong chờ của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS sẽ góp phần bảo đảm an toàn giao thông nông thôn và tạo điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân./.


Nguyễn Hoàng Duy Thái/ Pháp Luật