Tôi không chấp nhận và yêu cầu sửa lại, thì vị cán bộ nọ tỏ vẻ khó chịu và miễn cưỡng sửa lại, sau khi tôi đề nghị cho biết lý do.
Tôi tưởng mình là trường hợp cá biệt, thế nhưng sau này, khi có việc liên quan đến vấn đề này, trao đổi với anh em bạn bè thì hầu như mọi người đều nhìn nhận là có trường hợp đó xảy ra đối với họ khi làm giấy CMND.
Tôi cảm thấy kỳ lạ và khó hiểu, tuy nhiên tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng những cán bộ công an đó, có lẽ bản thân họ là đảng viên – không tôn giáo – nên họ không thích người thuộc thành phần có tôn giáo (mà họ cho là “mê tín”), vậy thôi.
Thế nhưng, về sau này, tôi mới hiểu tác dụng của vấn đề này và tác hại của nó!
Điều đáng báo động hơn nữa là cách đây hơn 3 năm có một tu sĩ Phật giáo, là người quen của kẻ viết bài này, khi trở về quê (Thanh Hoá) làm mới CMND để bổ sung thủ tục làm giấy Chứng Nhận Tăng Ni và Sổ Hạ (một loại giấy tuỳ thân của Tu sĩ Phật giáo), thế mà điều phi lý và không thể tưởng tượng nổi đã xảy ra: cán bộ Công an vẫn vô tư ghi chữ Không to tướng vào phần tôn giáo, trong khi một ông thầy chùa đầu tròn áo vuông rành rành ngồi trước mặt!
Như trên đã nêu, việc kê khai một cách áp đặt và có chủ ý như thế sẽ có một ít tác dụng và để lại nhiều tác hại không nhỏ.
Tác dụng thế nào? Về mặt quản lý nhà nước, phải chăng nếu cứ theo cách ghi áp đặt, tuỳ tiện của cán bộ cộng với sự vô tâm, hờ hững của người dân, thì chẳng bao lâu sau, TRÊN GIẤY TỜ THỐNG KÊ CHÍNH THỨC, người ta có thể đường hoàng bảo rằng, tại Việt Nam, số người theo Đạo Phật có là bao đâu! Tôn giáo này chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ (thiểu số) trong tổng số nhân khẩu, thì có gì quan trọng mà “quí vị” làm ầm ĩ!
Tác hại ra sao? Cũng chính vì trên GIẤY TỜ CHÍNH THỨC, Phật giáo chỉ là thiểu số, cho nên các tôn giáo khác mừng rỡ vì bất ngờ họ khám phá ra (hay được trao cho?) một “cánh đồng” bao la rộng lớn, mầu mỡ, hứa hẹn cho “một mùa gặt lớn” trên đất nước này, đất nước đã từng có 2 triều đại hiển hách, vinh quang, chói lọi – triều đại Lý Trần- mà lúc bấy giờ, Phật giáo hiển nhiên là quốc giáo (dầu cho chưa bao giờ có sự công bố nào như vậy, từ phía các vị vua chúa, cũng vốn là Phật tử thuần thành hoặc là thiền sư hoặc là được tôn xưng là Phật như Phật Hoàng Trần Nhân Tông).
Xin hãy đọc đoạn sau đây để thấy rõ hơn nhận định này: “Nếu trong thiên niên kỷ thứ nhất Kitô giáo, thánh giá đã được trồng trên đất Châu Âu, trong thiên niên kỷ Kitô giáo thứ hai, thánh giá được trồng trên đất Mỹ Châu và Phi Châu, thì chúng ta có thể cầu xin trong thiên niên kỷ Kitô giáo thứ ba, giáo hội sẽ gặt được một mùa gặt lớn (chúng tôi nhấn mạnh – NP) trên lục địa vừa rộng lớn vừa tràn trề sức sống này” (Trích chương Số 1 – Tông Huấn Giáo Hội tại Châu Á – Ecclesia In Asia do Giáo hoàng Giôn Pôn II ban hành trong chuyến mục vụ tháng 11/1999 tại Ấn Độ).
Và: “Do Thái giáo, Hồi giáo, Ấn giáo, Phật giáo, Lão giáo, Khổng giáo, Bái Hỏa giáo (Zoroastrianism), đạo Giaina (Jainism), đạo Sikh và Thần đạo (Shintoism). Các giá trị tôn giáo mà các đạo ấy giảng dạy đang chờ được hoàn thành trong đức Giêsu Kitô” (!?) (chươngSố 6)
Vô tình hay hữu ý, cả một thời gian dài, người ta đã tiếp tay cho việc làm suy giảm Phật giáo, và vì thế, xét trên bình diện nào đó, lại tạo điều kiện cho tôn giáo khác trục lợi.
Để thấy rõ sự cảnh báo này, lại xin hiến quí độc giả độc lời thú nhận của Linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, (dịch giả bản “Tông huấn…”nêu trên) : “Dù đã dịch nhiều văn kiện quan trọng của Giáo hội… nhưng chưa thấy văn bản nào có tầm mức quan trọng và bao quát như Tông huấn này. Có thể nói, đây là văn bản định hướng hoạt động cho các Giáo hội địa phương tại Châu Á trong nhiều năm sắp tới…”
Cũng Lm Sơn, trong bản góp ý cho đại hội dân Chúa ngày 21-25/11/2010 đã viết:
“Dân tộc VN hiện nay, theo Kết quả Tổng Điều tra Dân số năm 2009, có 6.802.318 người theo Phật giáo (7,92%), 5.677.086 theo Công giáo (6,61%), 1.433.252 theo Phật giáo Hoà Hảo (1,66%), 807.915 theo đạo Cao Đài, 734.168 theo Tin Lành (0,8%), 75.268 theo Hồi giáo, 56.427 theo Bà La Môn giáo và các đạo nhỏ khác. Tổng số những người có tôn giáo là 15.651.467 trên tổng số 85.846.997 người, tính vào thời điểm 1-4-2009.
Như thế, số người có tôn giáo trong cả nước chiếm 18,23%, số còn lại không xác định tôn giáo và rất nhiều người theo đạo ông bà tổ tiên. Đây là một trách nhiệm lớn và cũng là một lợi thế lớn cho sứ mạng truyền giáo của GHVN vì hơn 81% dân số chưa xác định được tín ngưỡng của mình.”
Ở đây xin phép được lập lại một lần nữa một ý kiến của người viết phản hồi nhân bài viết đăng ngày 25/7/2012 về Chấn hưng Phật giáo cũng của cư sĩ Minh Thạnh (Truyền thông Phật Giáo & Tái khởi động công cuộc Chấn hưng Phật giáo):
“…Những khiếm khuyết đó cần phải được kiên quyết sửa đổi, cần phải lập lại trật tự để làm hưng thịnh nền văn hoá PG vốn gắn bó mật thiết với dân tộc để cho ngôi nhà PGVN ngày càng phát triển. Xét trên ý nghĩa đó, việc chấn hưng PGVN hẳn là sẽ không bao giờ kết thúc. Cũng ví như toà nhà ta đang ở, việc trùng tu, sửa chữa, xây dựng mới tất nhiên không bao giờ kết thúc, trừ phi TA ĐỂ MẶC CHO NÓ XUỐNG CẤP VÀ ĐỔ SỤP!
Một vài diễn biến trong thời gian qua (chuyện đòi đất toà khâm; chuyện ở Con Cuông – Nghệ An gần đây; liên tiếp mấy vụ cháy chùa và chuyện năm nọ có một ngôi chùa tổ chức lễ noel như báo chí đã đưa tin)… lẽ nào không khiến chúng ta phải giật mình suy tư hay sao?
Ước mong sao toàn thể đồng bào Phật tử, bất kể tông phái, vùng miền hãy CHÁNH KIẾN để thấy đúng rằng: công cuộc chấn hưng PGVN vẫn phải luôn được duy trì, cần được đẩy mạnh với tất cả tâm huyết, nhiệt huyết.
Trong sứ mệnh lịch sử trường thiên này, đúng như tác giả đã viết, vai trò báo chí, trong đó Phattuvietnam.net là tác nhân hết sức quan trọng, hết sức cần thiết trong việc tạo nên “làn sóng dư luận” để tạo nên tiếng nói đồng lòng của Tăng Ni Phật tử trong và ngoài nước.”
Mong lắm thay!