Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Lộng lẫy chùa Xiêm Cán

Lộng lẫy chùa Xiêm Cán

225

Xiêm Cán là một ngôi chùa nguy nga, tráng lệ, mang phong cách đặc trưng của văn hóa Khmer ở Bạc Liêu. Nằm trên địa bàn ấp Biển Đông B (xã Vĩnh Thạnh Đông, thành phố Bạc Liêu), chùa Xiêm Cán không chỉ là một công trình tín ngưỡng, tâm linh điển hình của người Khmer Nam Bộ, mà còn là điểm tham quan hấp dẫn ở Bạc Liêu.


Chùa Xiêm Cán được khởi dựng năm 1887, trên khuôn viên rộng gần 50.000m2. Ban đầu, chùa có quy mô nhỏ và nằm sát biển (cách bờ biển 500m) nên được đặt tên theo tiếng Khmer là Komphir Sakor Prêchru. Sau này, một bộ phận người Hoa đến đây định cư đã gọi chệch từ Prêchru thành Xiêm Cán. Tên gọi này được người dân sử dụng cho đến ngày nay.

Chùa Xiêm Cán gây ấn tượng mạnh mẽ với du khách cả về quy mô lẫn nghệ thuật kiến trúc mang đậm dấu ấn văn hóa – tín ngưỡng của người Khmer. Chùa bao gồm các công trình: Cổng tam quan, chính điện, sala (giảng đường, tăng xá), khu mộ tháp, cột trụ biểu…

Theo lối cổng chính đi vào chùa, bên phải là khu chính điện nguy nga, đồ sộ. Bước qua ba cấp nền khá cao, du khách sẽ lên tới chính điện. Chính giữa là ban thờ với hệ thống tượng Phật có kích thước lớn, nhỏ khác nhau. Trên vách, trần, cột có những bức phù điêu, bích họa được chạm khắc, tô vẽ cầu kỳ.

Hệ thống mái bên ngoài chính điện gồm nhiều tầng chồng lên nhau, được thiết kế hài hòa cùng các chóp nhọn theo phong cách kiến trúc đặc trưng của đền tháp Angkor. Nếu quan sát kỹ, du khách sẽ phải ngạc nhiên bởi mỗi mảng chạm trên mái, cột giống như những tác phẩm nghệ thuật, được trang trí với hình tượng rồng Khmer, rắn thần Nagar, chim thần Krud… vô cùng sinh động.

Đối diện với khu vực chính điện và mộ tháp là quần thể tháp – tượng, gồm 3 tháp chính cùng các pho tượng Phật ở các tư thế tọa thiền khác nhau. Một số tượng được dựng theo những điển tích của nhà Phật. Đây là không gian kết nối chính điện, khu mộ tháp và khu sala… Các công trình này đều có gam màu vàng chủ đạo kết hợp cùng hệ thống hoa văn nhiều màu sắc làm nổi bật phong cách kiến trúc Khmer truyền thống.

Ngoài ra, tại chùa Xiêm Cán hiện còn lưu giữ bộ sách cổ được viết trên lá cây dày 70 trang cùng nhiều sách quý khác. Với những giá trị văn hóa – tín ngưỡng và kiến trúc đặc trưng, năm 2001, chùa Xiêm Cán được tỉnh Bạc Liêu công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật.


MỘC LAN/HÀ NỘI MỚI