Đối tượng được tiêm vắc-xin phòng ngừa Covid-19 lần này là chư tôn đức Ban Trị sự Phật giáo Thành phố và một số Ban Trị sự quận/huyện và các Ban chuyên ngành trực thuộc.
Tại đây, chư tôn đức đã được sự hướng dẫn của y bác sĩ về việc khai báo y tế, kiểm tra sức khoẻ và một số thủ tục liên quan.
Theo đó, y bác sĩ đã lần lượt tư vấn về những điều cần biết khi tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19. Đặc biệt là vịệc theo dõi sức khoẻ bản thân sau khi tiêm chủng.
Đợt này, chư tôn đức Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM được tiêm loại vắc-xin Astra Zeneca do Nhật Bản tặng cho Việt Nam ngày 17/6 vừa qua.
Theo quan sát, sau khi tiêm chủng xong, chư tôn đức đã lưu lại tại khu vực theo dõi sau tiêm trong thời gian tối thiểu 30 phút trước khi trở về trú xứ.
Y bác sĩ đã tư vấn một cách cụ thể đến chư tôn đức một số lưu ý như: không tự điều khiển phương tiện giao thông cá nhân khi thấy không khoẻ sau khi tiêm vắc-xin; không bôi, đắp thuốc hoắc bất cứ thứ gì lên vết tiêm.
Sau khi tiêm xong, nhân viên y tế tại bệnh viện đã trao nhận giấy xác nhận tiêm vắc-xin phòng Covid-19 và mong chư tôn đức thực hiện đầy đủ các khuyến cáo tự theo dõi sức khoẻ bản thân.
Được biết, sau khi tiêm chủng, người được tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 có thể gặp một số dấu hiệu thông thường như: sốt, mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh, đau cơ, đau khớp, tăng cảm giác đau, ngứa, sưng đỏ, đau tại chỗ tiêm, bồn chồn,…
Ngoài ra, còn một số phản ứng nghiêm trọng hơn được coi là hiếm gặp như: (1) Ở miệng: tê quanh môi và/hoặc lưỡi… (2) Ở da: phát ban, môi mẩn đỏ, tím tái hoặc đỏ da… (3) ở họng: ngứa, căng cứng, tắt nghẹn, khản đặc… (4) đường tiêu hoá: nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng… (5) đường hô hấp: thở dốc, thở khò khè, thở rít, khó thở, cảm giác nghẹt thở, ho… (6) toàn thân: mạch máu yếu, chóng mặt, choáng/xây xẩm, cảm giác muốn ngã, chân tay co quắp… Nếu gặp phải những dấu hiệu nghiêm trọng hoặc bất thường này, người được tiêm hãy đến ngay cơ sở y tế để được khám và sử lý kịp thời.
Một số hình ảnh tại buổi tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 sáng nay:
Uy Phong