Sư giả là chuyện mọi người đều biết, nên chúng ta nói nhiều hơn đến việc giả không theo đạo Phật.
“Giả” không theo đạo Phật
Theo kết quả Tổng Điều tra dân số năm 2009, số người theo Phật giáo được thống kê chỉ còn 6.802.318 người, chiếm 7,92% dân số. Chúng tôi đã bình luận, là với con số như thế, năm 2012, Phật giáo đã trở thành tôn giáo thiểu số tại Việt Nam so với Cơ đốc giáo (gồm tín đồ Tin Lành và Ca tô La Mã cộng lại, có tính đến mức gia tăng hàng năm).
Nhiều ý kiến phản hồi cho đó là kết quả không trung thực, không chính xác, không phản ánh thực tế, theo nghĩa số tín đồ Phật giáo không đến nỗi giảm sút như thế.
Theo những ý kiến như vậy, số tín đồ Phật giáo đúng ra phải nhiều hơn số lượng thống kê ở trên.
Như vậy, ở đây có hiện tượng giả. Là tín đồ Phật giáo, nhưng lại không xác nhận vì những lý do nào đó.
Khoan bàn đến mức độ tin cậy của nhóm ý kiến này, cứ giả sử rằng nó là đúng, thì ở đây cũng đã có rất nhiều vấn đề.
Vì sao trong khi tín đồ các tôn giáo khác mạnh dạn, tự hào là người theo đạo, thẳng thắn xác định rõ đạo của họ, không ngần ngại vì bất kỳ lý do gì, thì trong Phật giáo lại xảy ra hiện tượng như thế. Có theo đạo Phật nhưng không xác nhận mình theo đạo Phật, mà lại tự khai rằng không tôn giáo!
Trong đạo Phật, cấm nối dối là một trọng giới. Mình có theo đạo Phật nhưng vì ngại chuyện này, lo chuyện nọ, nên từ khước tôn giáo của mình, khai thác đi trong khai trình hành chính. Đó là việc làm phạm giới nặng nề.
Nhưng chắc là những người khai giả là không đạo Phật không ý thức như thế, nên họ mới làm vậy.
Nhưng dù ý thức hay không ý thức, tất cả đều cùng nói lên rằng, ý thức về đạo Phật của số tín đồ Phật giáo này rất thấp, tín tâm bấp bênh.
Số người này chiếm tỷ lệ đến khoảng 1/3 so với một con số tín đồ đạo Phật khác lưu hành rộng rãi tại Việt Nam là trên 10 triệu người. Trên 10 triệu người mà giảm còn 6.802.318 người, dao động đến khoảng hơn 3 triệu, tức là đến gần 1/3. Một con số quá lớn! Một tỷ trọng quá cao!
Phải thấy rằng dù kết quả phản ánh Phật giáo là tôn giáo thiểu số tại Việt Nam là không trung thực đi nữa, thì số lượng tín đồ giả không theo đạo Phật (tức không xác nhận mình là Phật giáo) là con số quá lớn, chiếm tỷ trọng quá cao. Nó cho thấy trong bản thân tín tâm của người Phật tử Việt Nam có vấn đề lớn. Quá đông người nói giả đi rằng mình không theo đạo Phật, hệ quả của một niềm tin Phật giáo bấp bênh, dao động, không vững chắc.
Như thế, phải chăng Phật giáo Việt Nam của chúng ta không phải là mạnh, bản thân số lượng tín đồ có nhiều vấn đề, từ mức dao động, khác biệt lớn giữa các thống kê, cho đến thực tế từ chối nhận mình theo đạo Phật.
Vì sao? Đơn giản là vì Phật giáo chưa được hoằng hóa sâu rộng, tín tâm Phật tử không vững vàng, người ta tin Phật với niềm tin hời hợt, dễ lung lay, dễ phủ nhận, dễ nói giả là không theo đạo Phật, dù cho lý do không phải rõ ràng.
Giả sư
Cái giả thì ở đâu cũng có, nhưng sư giả thì lại là một hiện tượng nổi cộm thường xuyên tái đi tái lại, hầu như không thể giải quyết.
Chuyện sư giả đã nói đến nhiều, đã được thấy rất rõ, nên ở đây chúng tôi không miêu tả lại, mà chỉ xem xét nó trong mối quan hệ với hiện tượng giả không theo đạo Phật.
Một đàng là người ngoài giả tu sĩ Phật giáo, đàng khác thì người theo đạo Phật lại nói giả là mình không theo đạo. Hai vấn đề có vẻ là ngược chiều nhau, nhưng thực ra, nó cùng một nguyên nhân. Đó là vấn đề ở trình độ, bản lĩnh người Phật tử.
Thiếu trình độ, bản lãnh Phật tử, người Phật tử dễ dàng chối đạo, không nhận mình theo đạo.
Cũng vì thiếu trình độ, thiếu bản lãnh Phật tử, người Phật tử lại dễ dàng tin tưởng vào những tu sĩ giả mạo, vô tình tạo cho kẻ gian đất sống. Nếu không ai tin tưởng, sư giả không còn có đất để giả. Đàng này, Giáo hội đã đình chỉ việc khất thực từ lâu, các hệ phái có truyền thống khất thực đã nghiêm túc tuân thủ yêu cầu không khất thực. Ấy vậy mà vẫn có một số không ít Phật tử không biết đến điều đó, không thể phân biệt sư giả, vô tình tạo cho những người bất lương giả sư đất sống. Có người cúng tiền, sư giả mới còn tiếp tục giả. Cứ như vậy, câu chuyện sư giả vẫn tiếp nối bất tận…
Cái gốc của vấn đề chính là từ trong đạo Phật ta, tập trung vào tín đồ. Nếu người Phật tử thâm tín Phật giáo, phân biệt giả chân, kiên cố tin tưởng Đạo Pháp, thì làm gì có chuyện tín đồ giả làm người không theo đạo, người bất lương giả làm sư kiếm tiền.
Ghi nhận, phân tích những nghịch lý như trên hiện đang tồn tại trong Phật giáo, chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điều: Đây là lúc cần chấn hưng Phật giáo hơn bao giờ hết.
Chấn hưng Phật giáo là làm cho người Phật tử mạnh mẽ xác nhận mình là Phật tử, không chối đạo, giả nói là không theo đạo vì bất cứ lý do gì, cũng như làm cho người Phật tử không còn dành chỗ để sư giả sinh sống, hoạt động, nhận chân, vạch mặt sư giả, xóa bỏ sư giả.
MT