Trang chủ Đời sống Cặp vợ chồng giả danh người của nhà chùa để trục lợi

Cặp vợ chồng giả danh người của nhà chùa để trục lợi

101

 

Bán hương với giá cắt cổ

Thời gian gần đây, trên địa bàn các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Nghệ An…, thường xuyên xuất hiện một số đối tượng vào vai các nhà sư, lợi dụng danh nghĩa Phật giáo để đi khất thực và quyên tiền công đức. Chúng cũng vận áo cà sa, tay cầm bát tộ, sổ công đức, miệng lẩm bẩm “A di đà Phật”, các đối tượng giả sư đã làm động lòng nhiều người đi đường để xin tiền tư túi.

Vợ chồng sư giả

Mánh khóe của chúng là nhân danh chùa này chùa nọ đi khắp các thôn xóm để bán hương, viết sớ và xin tiền công đức trái quy định pháp luật. Những người này đều xuất thân từ nghề làm ruộng. Nghe theo bạn bè rủ rê, họ thành lập một nhóm cắt tóc, may quần nhuộm màu, vận áo cà sa, cổ mang chuỗi tràng hạt dài để đóng giả nhà sư.

Để qua mặt cơ quan chức năng cũng như thu hút được sự chú ý của những người dân quê, các nhà sư dởm này tìm cách đi đến các xã xa trung tâm, nơi người dân khó phân biệt được sư thật với sư giả để hoạt động. Trong vai nhà chùa, họ tìm đủ mọi thủ đoạn để moi tiền như khất thực, xin quyên góp công đức để hỗ trợ kinh phí trùng tu chùa này, dựng tượng nọ, họ bán hương với giá cao cắt cổ so với ngoài thị trường.

Ngày này qua ngày khác, hai đối tượng một nam, một nữ chuyên rong ruổi trên chiếc xe máy đến các xã miền núi cả huyện Đô Lương (Nghệ An) để kiếm ăn. Với vẻ mặt phúc hậu trên nền chiếc áo cà sa cùng giọng nói miền Bắc truyền cảm, dễ gần, hai “nhà sư” này đã gây dựng được niềm tin cho rất nhiều người dân ở đây. Gặp bất cứ ai, cặp đôi này cũng tự xưng là phật tử của một ngôi chùa nổi tiếng mãi trong Tiền Giang. Với mảnh giấy quy y tam bảo, bọn chúng bán hương, nến lộc Phật với giá cao ngất ngưởng thu lợi bất chính. Cái giá mà người dân phải trả cho 5 bó hương là gấp 6 lần so với hương bán ngoài chợ. Tuy nhiên, tin lời “nhà sư”, cho rằng với giá 30.000 đồng cho 5 bó hương, là mình công đức cho nhà chùa nên ai nấy đều vui vẻ.

Vợ chồng sư giả sa lưới

Sau khi nhiều đối tượng sư giả đã bị cơ quan chức năng xử lý cũng như Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiều lần cảnh báo về vấn nạn này, người dân các vùng quê cũng bắt đầu cảnh giác. Khoảng giữa tháng 6/2012 khi phát hiện có hai nhà sư một nam, một nữ đi qua địa bàn xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương, có dấu hiệu nghi vấn, người dân ngay lập tức báo lên ban công an xã. Không lâu sau đó, công an xã Xuân Sơn đã mời hai đối tượng nói trên đến kiểm tra.

Trước những câu hỏi về tôn giáo, hai “nhà sư” tỏ ra vô cùng lúng túng. Khi được hỏi về ngôi chùa mà hai đối tượng đang đi công đức để sửa sang lại ở đâu, cả hai lắc đầu không biết. Biết mình không thể tiếp tục qua mặt cơ quan chức năng nên cặp sư giả này đành khai nhận sự thật.

Qua lời khai nhận ban đầu thì hai đối tượng này là Nguyễn Đình Trung (SN 1987) và vợ là Nguyễn Thị Lan (SN 1980), cả hai đều trú tại xã Chi Lăng, huyện Quế Võ (Bắc Ninh). Được biết, trước đây, Trung có quen với chị Nguyễn Thị Tươi cùng quê dạy cho nghề đi bán hương. Chị này mách nước rằng muốn bán được nhiều thì phải ăn mặc kiểu nhà sư thì mọi người mới tin tưởng. Từ đó, Trung về rủ vợ gia nhập đoàn sư giả gồm 6 người từ Bắc Ninh vào tận Nghệ An để đi bán hương, khất thực, viết sớ kiếm tiền.

Xét thấy vụ việc khá phức tạp nên công an xã Xuân Sơn đã lập hồ sơ chuyển công an huyện Đô Lương xử lý theo pháp luật.

Nguyên Hồ