Tác giả Trương Hải Cường là cán bộ giảng dạy Bộ môn Khoa học về tôn giáo, Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội. Sách được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự Thật xuất bản, tại Hà Nội, năm 2012.
“Một số vấn đề về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay” là một quyển sách không dày lắm, chỉ 174 trang, khổ 14,5 x 20,5 cm, không đi sâu vào tư liệu, mà chỉ đặt nặng vấn đề nhìn nhận và phương pháp nghiên cứu tôn giáo. Vì vậy, đây là một quyển sách gợi mở và định hướng vấn đề, những vấn đề rộng lớn, mang tính chất nền tảng. Phạm vi của vấn đề được đặt ra không chỉ giới hạn ở việc nghiên cứu tôn giáo mà còn ở cả việc nghiên cứu chính sách, triển khai những điểm cụ thể của luật pháp đối với hoạt động tôn giáo.
Đóng góp chính của quyển sách nằm ở chỗ phân biệt mặt xã hội (hiện tượng) của tôn giáo và mặt tâm linh của tôn giáo, phân biệt nghiên cứu tôn giáo từ bên ngoài và nghiên cứu tôn giáo từ bên trong, chỉ ra yêu cầu cần thiết phải bổ sung nghiên cứu tôn giáo từ bên trong.
Sách “Một số vấn đề về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay” đi đến những kết luận chính như sau:
“1. Về mặt xã hội, trong việc nghiên cứu tôn giáo cần phải thừa nhận rằng có sự khác biệt giữa nghiên cứu tôn giáo từ bên trong và nghiên cứu tôn giáo từ bên ngoài. Sự khác biệt này xuất phát từ việc nghiên cứu tôn giáo từ bên trong thừa nhận sự tồn tại thực của cái siêu nhiên thần thánh với nhiều biểu hiện khác nhau, cái siêu nhiên thần thánh là cái quyết định cuối cùng cho sự ra đời, tồn tại, phát triển của tín ngưỡng, tôn giáo; còn nghiên cứu tôn giáo từ bên ngoài chỉ thừa nhận cái tôn giáo có thể kiểm chứng được bằng tư liệu khoa học, các sự kiện xã hội, các phương pháp mà khoa học về tôn giáo sử dụng.
2. Xét một cách khách quan và toàn diện, cho đến nay việc nghiên cứu tôn giáo cho thấy, có tôn giáo tâm linh và tôn giáo xã hội. Cái tôn giáo tâm linh có được là nhờ nghiên cứu tôn giáo từ bên trong, còn cái tôn giáo xã hội là do nghiên cứu tôn giáo từ bên ngoài khi coi tôn giáo là một hiện tượng của đời sống xã hội. Tuy nhiên, xét cho cùng thì tôn giáo là tôn giáo – nghĩa là chỉ có một, song do hai góc nhìn khác nhau nên mới có hai tôn giáo này. Cái tâm linh đang còn là vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau, song với người có tín ngưỡng, tôn giáo (nhất là đối với nhà tu hành và chức sắc tôn giáo cũng như những người làm tâm linh), cái tâm linh là có thực và bằng khoa học (chí ít là khoa học hiện nay) thì không chứng thực được.
3. Ngày nay, tôn giáo có sự gia tăng ở phạm vi toàn cầu, sự gia tăng không chỉ ở tôn giáo xã hội mà còn ở tôn giáo tâm linh; việc sinh hoạt tôn giáo tâm linh đã và đang đặt những vấn đề về mặt xã hội cần phải có sự lý giải, tìm kiếm cách thức ứng xử cho phù hợp.
4. Chính sách đối với tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam đã đáp ứng được đòi hỏi của nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo bình thường của nhân dân, song vấn đề sinh hoạt tôn giáo tâm linh (gồm tín ngưỡng tâm linh, tôn giáo tâm linh và tâm linh ngoài tín ngưỡng, tôn giáo) đang còn có sự thiếu hụt, bất cập. Đây là điều cần tính tới trong việc bổ sung, hoàn thiện chính sách và việc thực hiện chính sách đối với tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay.
Phật giáo, cũng như trong các công trình nghiên cứu về tôn giáo tại Việt Nam, đã được tác giả Trương Hải Cường dành cho sự quan tâm đặc biệt. Tuy có phiến diện ở chỗ mặt tôn giáo tâm linh trong Phật giáo chỉ tập trung vào vấn đề “căn tu”, nhưng khi viết về “căn tu”, tác giả đã đi vào khá cụ thể chi tiết:
“Với đạo Phật, có người gọi là tôn giáo vô thần, thì cũng không thể thiếu được quan niệm linh thiêng (chí ít với khoa học hiện nay vẫn phải gọi như vậy). Ví dụ về sự xuất hiện đạo Phật, xét ở triết lý và giáo lý Phật giáo thì thế giới này là vô thủy vô chung, song trong đó luôn có tính Phật, nghĩa là: trước đây có Phật, sau này vẫn có Phật (Phật quá khứ, Phật hiện tại, Phật vị lai), như vậy không thể có sự ra đời của Phật. Ngay Phật Thích Ca Mâu Ni cũng chỉ là người đạt đến quả Phật và truyền bá giáo lý Phật mà thôi.
Đặc biệt, ở Phật giáo những quan niệm về nghiệp kiếp, luân hồi luôn là vấn đề được truyền dạy và đầy tính bí ẩn. Đúng là Phật giáo có đề cao vai trò của con người hiện tại, song còn có con người khác – con người của tiền kiếp, và con người của sự giải thoát trong hiện tại và tương lai. Sự chồng chất của các kiếp người, của luân hồi sinh tử là một vòng tròn không thể dứt ra được nếu không được giải thoát.
Cái tâm linh Phật giáo chỉ ra rằng cần phải cắt đứt một khâu nào đó (có thể là khâu quan trọng nhất và cũng có thể là khâu dễ dứt bỏ nhất – tùy căn cơ và nghiệp lực từng người) mới có thể phá vỡ được cả chuỗi luân hồi sinh tử.
Việc quan niệm về kiếp và luân hồi dẫn đến mỗi người không chỉ tu (sửa đổi cho đúng – đúng với giáo lý Phật giáo) ở kiếp này mà có thể và cần phải tu ở cả các kiếp trước.
Ở đây, ăn chay theo đạo Phật không chỉ là sự thanh tẩy cơ thể mà quan trọng hơn là tránh được sát sinh, mà sát sinh không phải chỉ là sát sinh vật sống mà là sát các kiếp của con người. Ăn chay là để không ăn thịt của các kiếp trước của con người.
Người theo đạo Phật hay chịu ảnh hưởng của đạo Phật ở Việt Nam trước đây trước khi sát sinh một con vật nào đó luôn tâm niệm một câu: “Ta hóa kiếp cho mày để mày được chuyển sang một kiếp khác”.
Căn tu cũng là vấn đề thuộc yếu tố tâm linh, có thể có những bất hạnh nào đó (ốm đau không khỏi, sa cơ, thất tình, bi quan, v.v), song với căn tu thì những cái đó không phải là cái quyết định để ai đó xuất gia theo Phật, có một cái gì đó không dễ dàng giải thích được về lý do xuất gia tu Phật – cái đó gọi là căn tu, và trong một số trường hợp là không thể trốn tránh được.
Việc thiền định để đạt được một nhận thức chân như dường như là (hay phải là) thoát khỏi mọi chấp nhược trần thế, mọi nhận thức biện biệt và đạt được nhận thức về thực tại chân thực cũng không thể không cần đến yếu tố linh thiêng.
Ở đây có thể có những người trình độ học vấn không cao nhưng vẫn có thể là cao tăng, cái cao tăng của họ là nhờ tu tập mà có chứ không phải (hay chủ yếu) là do học, bởi vậy, trong Phật giáo dùng từ nhà tu hành để chỉ về những người đã cắt ái nhập tu, đương nhiên để tu thì không thể không học, song ở đây học chỉ là phương tiện cho tu hành mà thôi.
Hành ở đây là hành đạo, do vậy để hành đạo thì phải tu (và đầy đủ hơn là tu trì), chỉ có tu đạo mới có thể và có quyền hành đạo. Đối với Phật giáo Việt Nam (Phật giáo đã được bản địa hóa, đã đan xen với các tín ngưỡng bản địa Việt Nam) thì yếu tố tâm linh còn được thể hiện ở nhiều sinh hoạt tín ngưỡng khác nhau như: trấn trạch, cúng vong, cúng cô hồn, cúng dâng sao giải hạn, cúng xá tội vong nhân, v.v..
Thực chất có các sinh hoạt tín ngưỡng này là nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của tín đồ Phật giáo cũng như của những người chịu ảnh hưởng bởi Phật giáo””.
Sách “Một số vấn đề về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay” có ích cho những người nghiên cứu về tôn giáo học, người có nhu cầu tìm hiểu về Phật giáo Việt Nam trong mối liên hệ với những tôn giáo khác cũng như người Phật giáo mong muốn hành đạo tại Việt Nam.
Cuối sách, còn có phụ lục “Các tôn giáo ở Việt Nam hiện nay”, với các số liệu theo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với công tác tôn giáo, tháng 12 – 2010, tài liệu lưu hành nội bộ.
MT