Trang chủ Đời sống Nghệ thuật sống Thành công

Thành công

237
Đến một ngưỡng nào đó, chạm tới một mục đích nào đó mà người ta mong ước, người ta gọi đó là thành công. Thành công là thoả mãn chủ quan có điều kiện. Thành công không phải chỉ có một loại duy nhất cho tất cả. Người mong ước có tiền, kiếm được nhiều tiền là thành công. Người mong ước có quyền, đến được quyền lực là thành công. Người mong ước có danh tiếng, có sức khoẻ, chuyên môn hay có một sự tự do nào đó cũng sẽ thấy thành công khi mong ước danh tiếng, sức khoẻ, chuyên môn và sự tự do đó của mình được hiện thực.
Con người, ở mọi thời đại, có mong ước thì có muốn thành công. Mong ước khác nhau sẽ cho những thành công khác nhau. Thành công thường mang theo hạnh phúc. Nhưng khi thành công bị đóng khung, tức là buộc phải thành công và chỉ thành công theo một cách duy nhất, hạnh phúc sẽ biến mất.
Vì thế, trong cuộc đời cá nhân cũng như trong cộng đồng xã hội, chúng ta nghe và có không ít thành công, nhưng lại không nghe và cảm được bao nhiêu hạnh phúc cả. Chính phủ muốn chúng ta thành công theo cách của chính phủ. Gia đình muốn chúng ta thành công theo cách của gia đình. Tôn giáo muốn chúng ta thành công theo cách của tôn giáo. Chúng ta có rất ít tự do cho thành công mà mình thực sự thấy kết nối được với mong ước bên trong chính mình. Kết quả là chúng ta khổ trong thành công nhiều hơn là hạnh phúc.
Ngoài ra, khi yên lặng nhìn mình và nhìn người, ta thấy thành công được đa số theo đuổi dường như chỉ chạy quanh năm dục (tiền bạc, quyền thế, thanh danh, dục sắc và ăn ngủ). Trong khi, ẩn sâu bên trong năm dục là lệ thuộc, thù hận và đau thương. Nói như cách của Phật Gotama thì: “Các dục vui ít, khổ nhiều, sự nguy hiểm tồn tại bên trong càng nhiều hơn nữa. Một người tham đắm các dục, như một người khát nước uống nước mặn. Càng uống, càng khát.”

Ngồi yên một chút, chúng ta thấy chúng ta đang bị mắt kẹt trong áp lực của thành công không chỉ từ xã hội mà còn từ lòng tham và u mê của mình. Chúng ta bị định hướng ngay từ nhỏ bởi gia đình, tôn giáo và thể chế chính trị. Chúng ta cũng bị dẫn mũi khi lớn lên bởi chủ nghĩa tiêu thụ và lòng tham.
Đã đến lúc chúng ta phải dũng cảm và chân thành nhìn lại những gì được cho là thành công của mình và nhân loại. Chúng ta phải tự hỏi lại thế nào là thành công thật sự. Hỏi lại để nhìn thấy thành công nào là thành công mình muốn và thành công nào là thành công có hạnh phúc cho nhau.
Thành công, mong ước của đa số. Nhưng nếu không biết thành công nào là thành công có hạnh phúc và có kết nối với mong ước sâu xa trong mình, thành công có thể là một giấc mộng đầy đau thương cho mình và nhân thế. Cho nên đừng giới hạn chính mình trong một phương hướng thành công nào đó. Thành công không bao giờ chỉ có một. Thành công nào có hạnh phúc và thành công nào có kết nối với chính mình đều là thành công. Mức độ hạnh phúc và chiều sâu kết nối sẽ cho chúng ta biết, mà không phải ai khác, chúng ta có thực sự thành công hay không trong chính cuộc đời mình.

NHUẬN ĐỨC