Tại Khóa bồi dưỡng nghiệp vụ Thông tin truyền thông Phật giáo thời đại 4.0 diễn ra ở TP. Huế cách đây ít lâu, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhấn mạnh ý của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, rằng nhân loại đang đối diện với cuộc di chuyển từ thế giới thực vào thế giới số, một cuộc di chuyển vĩ đại nhất của nhân loại cho đến ngày nay.
Giờ đây, mọi hoạt động của con người, từ các hành vi, đạo đức, cho đến các hoạt động kinh doanh, thương mại, tuyên truyền… đều xuất hiện trên không gian mạng.
Song cũng trên không gian mạng, thời gian qua đã xuất hiện rất nhiều tin xấu, độc, sai sự thật. Không ít kẻ xấu đã lợi dụng hình ảnh của Phật giáo để câu view, chẳng hạn vừa rồi trên mạng có hình ảnh 1 tu sĩ Phật giáo nhưng thực sự không phải người xuất gia, cố tình câu view để các YouTuber tập trung lợi dụng. Điều này hết sức nguy hiểm.
“Việc ngăn chặn các tin xấu độc, giữ gìn hình ảnh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là rất quan trọng. Các chư tôn đức, tăng ni trẻ cần lưu ý, đăng tải 1 hình ảnh rất nhanh chỉ 1 giây thôi nhưng có thể gây ảnh hưởng tới cả niềm tin tôn giáo, đường lối chính sách… Hãy hết sức chú ý khi tham gia, sử dụng không gian mạng”, Thượng tọa Thích Đức Thiện khuyến nghị.
Được biết, sau Hội nghị Tăng sự toàn quốc năm 2020 tại chùa Tam Chúc, Giáo hội đã ra Thông tư về việc điều chỉnh các hành vi và có những chế tài khi tham gia không gian mạng đối với các tăng ni. Theo đó, không thể thoải mái đăng tải mọi nội dung theo ý thích cá nhân. Chẳng hạn, một vị ni lên mạng than thở rằng giá vàng tăng có thể ảnh hưởng tới niềm tin của mọi người vào Phật giáo.
“Giáo hội kêu gọi mỗi tăng ni, Phật tử phải nêu cao tinh thần Phật giáo, giữ gìn hình ảnh tốt đẹp truyền thống mà chư vị đại tổ sư đã xây dựng cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Khi tham gia không gian mạng phải tự nhắc nhở mình xem việc mình làm có đem lại lợi ích cho số đông, niềm tin vào đạo pháp, chính pháp hay không. Sự lợi dụng của các thế lực thù địch, không thiện chí rất nhiều, có thể dễ dàng gây mất niềm tin vào giáo lý trong sáng của đạo Phật, mất niềm tin vào đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, mất niềm tin vào phương châm hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Giáo hội mong muốn, kêu gọi mỗi một tăng ni, Phật tử hãy vì sự trong sáng, vì niềm tin của xã hội đối với đạo Phật, hãy giữ gìn hình ảnh của Giáo hội khi tham gia không gian mạng”, Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.
Đánh giá cao việc thời gian qua, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã xử lý rất kịp thời các cá nhân, cơ sở tự viện có các hành vi vi phạm được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, song Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng cũng đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải tăng cường quản lý điều hành, tổ chức chặt chẽ nhằm kiểm soát được những thông tin sai lệch trên các mạng xã hội, đặc biệt là trong việc giữ gìn giới luật, chấp hành quy định của Giáo hội và các quy định pháp luật của nhà nước trong các hoạt động tu học, hành đạo và hướng dẫn tín đồ của các tu sĩ Phật giáo.
“Một sự việc, một hiện tượng xảy ra thì phải tìm hiểu bản chất, tìm hiểu nguyên nhân mới có những thông tin chính thống. Tránh tình trạng chỉ quan sát hiện tượng, sau đó đưa tin, gây những dư luận bức xúc, hiểu lầm trong xã hội”, ông Vũ Chiến Thắng lưu ý.
Thừa nhận trong thời đại khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, hoạt động thông tin và truyền thông của Phật giáo vẫn còn hạn chế, Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Thông tin Truyền thông Trung ương bày tỏ mong muốn các chư tôn đức có thêm nhiều ý kiến trao đổi, đóng góp thiết thực về công tác thông tin và truyền thông Phật giáo trong bối cảnh hiện nay, góp phần xây dựng hình ảnh Phật giáo nói chung, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói riêng ngày càng tốt đẹp trong lòng dân tộc.
Theo Vietnamnet