Để phục vụ cho mục tiêu khơi gợi lên một làn sóng dư luận mới đối với việc tiếp tục tiến trình chấn hưng Phật giáo, chúng tôi sẽ trích giới thiệu một số tài liệu có nội dung liên hệ.
Đoạn trích dưới đây là từ tiểu mục cùng tên trong sách Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc Việt Nam (1924 – 1954). Nội dung bài trích cho thấy công cuộc chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc Việt Nam có những mục tiêu chưa đạt được và đó là một phần cũng phản ánh tình trạng chung của tiến trình chấn hưng Phật giáo trên cả nước. Ở đây xin có lời kính xin phép tác giả.
Những vấn đề mà bài trích nêu ra sẽ cho thấy sự cần thiết của việc tiếp tục tiến trình chấn hưng Phật giáo.
Minh Thạnh (giới thiệu)
Suy xét một cách kỹ càng, có thể nhận thấy, mặc dù đã phát triển ở một diện rộng với những kết quả đáng ghi nhận nhưng phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc, do nhiều nguyên nhân khác nhau, chưa đạt chất lương cao. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thực trạng đó là tính chất thiếu triệt để của phong trào, biểu hiện ở một số nội dung tiêu biểu dưới đây:
– Về tổ chức giáo hội:
Nếu như tổ chức Giáo hội Trung ương của Hội Phật giáo Bắc Kỳ căn bản giống Hội Phật học An Nam, thì tổ chức Giáo hội cơ sở của hai tổ chức này có những điểm khác nhau. Giáo hội cơ sở của Hội Phật giáo Bắc Kỳ rõ ràng được tổ chức kém chặt chẽ so với Hội Phật học An Nam. Giáo hội cơ sở của Hội Phật học An Nam có các cấp: Tỉnh hội, Huyện hội, Chi hội, Khuôn hội và thấp nhất là các Vức. Còn ở Hội Phật giáo Bắc Kỳ, tổ chức Giáo hội cơ sở ban đầu gồm cấp tỉnh (thành), phủ (huyện), đều được gọi chung bằng thuật ngữ Ban Đại lý Hội Phật giáo.
Sau năm 1945, nhất là những năm 1950 – 1951, tổ chức Giáo hội cơ sở của Phật giáo ở miền Bắc, bên cạnh cấp tỉnh, thành, phủ, huyện, còn phát triển xuống đến cấp xã, phường, đều gọi chung là Chi hội Việt Nam Phật giáo.
Mối dây liên hệ giữa Giáo hội cơ sở với Giáo hội Trung ương về mặt hành chính đạo của các tổ chức Phật giáo ở miền Bắc cũng khá lỏng lẻo. Chính vì vậy, các tổ chức Phật giáo ở miền Bắc, giống như các tổ chức Phật học ở miền Nam, có thể hoạt động độc lập mà không cần viện đến tổ chức cấp dưới, trong khi Hội Phật học An Nam lại dựa vào sự hoạt động đều khắp của tổ chức Giáo hội phương. Sự lỏng lẻo về tổ chức của các chi hội Phật giáo địa phương và mối liên hệ giữa tổ chức Phật giáo cấp địa phương với cấp trung ương của các tổ chức Phật giáo ở miền Bắc đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của phong trào. Một hệ quả tất yếu là phong trào chủ yếu phát triển ở những khu vực thành thị, chưa phát triển sâu rộng ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Sự thiếu chặt chẽ về tổ chức của các Hội Phật giáo ở miền Bắc còn thể hiện trong việc thành lập các hội đoàn Phật giáo, một loại hình tổ chức của Phật giáo ra đời trong phong trào chấn hưng đầu thế kỷ XX.
Cho đến trước năm 1945, nếu như Hội Phật giáo An Nam đã thành lập được những hội đoàn Phật giáo phong phú như Đoàn Đồng ấu (1935), Đoàn Phật học Đức Dục (1940), Gia đình Phật hóa phổ (1943) (sau này đổi tên thành Gia đình Phật tử), v.v., thì ở Hội Phật giáo Bắc Kỳ giai đoạn này mới thành lập được các Ban Đồng ấu, Ban Thanh Niên, Ban Phụ nữ. Mãi đến tháng 10 -1950, học tập mô hình của Hội Phật học An Nam, Hội Phật giáo Việt Nam Bắc Việt mới quyết định thành lập tổ chức Gia đình Phật hóa phổ Bắc Việt.
Có thể khẳng định, các hội đoàn Phật giáo ở miền Bắc kém phong phú cả về loại hình lẫn chất lượng hoạt động. Điều này còn đặc biệt rõ ràng nếu so sánh với Phật giáo ở miền Trung và miền Nam sau năm 1954, với sự thành lập các hội đoàn Phật giáo hết sức đa dạng: bên cạnh Gia đình Phật tử còn là các tổ chức hội đoàn Phật giáo khác hoạt động rộng khắp và hiệu quả như Đoàn Thanh niên Phật tử, Đoàn Hướng đạo Phật tử, Đoàn sinh viên Phật tử, Liên đoàn Học sinh Phật tử, Đoàn Thợ may Phật tử, Đoàn Hớt tóc Phật tử, Đoàn Thương Gia Phật tử, Đoàn Công chức Phật tử, Đoàn Tiểu thương Phật tử, Đoàn Xích lô Phật tử, Đoàn Giáo chức Phật tử, v.v. (1).
– Về giáo dục Phật giáo:
Một thực tế không thể phủ nhận là các trường Phật học ở miền Bắc chưa đào tạo được một đội ngũ nhà sư tài năng, đi đầu trong hai lĩnh vực Phật học và thế học, đủ sức kế thừa, phát triển sự nghiệp hoằng dương Phật pháp và lôi cuốn quần chúng. Những nguyên nhân chính của vấn đề này theo chúng tôi gồm:
Nguyên nhân thứ nhất, nằm ngay trong sự suy thoái của Phật giáo ở miền Bắc kéo dài từ khi địa bàn này không còn là trung tâm hội tụ của nhân tài trong suốt thời nhà Nguyễn, đặc biệt từ nửa cuối thế kỷ XIX về sau. Có thể nói, đà suy thoái này đã khiến cho Phật giáo ở miền Bắc đi theo truyền thống của từng tổ đình, từng sơn môn trong phạm vi từng địa phương, từng ngôi chùa mà thiếu đi một sự liên kết đào tạo rộng rãi giống như miền Trung và miền Nam. Dù kết quả vẫn có những bậc cao tăng thạc đức nhưng quy mô ảnh hưởng của các vị không rộng rãi, nếu như không nói là tự bó mình vào bên trong.
Nguyên nhân thứ hai, do xã hội Việt Nam đương thời quy định. Do chính sách cai trị của thực dân Pháp, cả ba miền của đất nước đã hình thành một tầng lớp trí thức Tây học, thạo tiếng Tây, đọc sách Tây và tiếp thu được những phương pháp nghiên cứu khoa học tiên tiến của phương Tây, nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu xã hội, kết hợp với lòng yêu nước, nên ở họ đã hình thành khả năng nhìn nhận và nghiên cứu lịch sử dân tộc theo một lối mới.
Họ nhận thấy di sản Tam giáo là một truyền thống lâu đời và đã trở thành bản sắc văn hóa của dân tộc. Do vậy, họ đã dành một sự chú ý thích đáng đến Tam giáo, đặc biệt là Phật giáo, thực sự coi Phật giáo là một di sản văn hóa cần có sự nghiên cứu sâu sắc hơn để hiểu rõ tình cảm và truyền thống dân tộc, qua đó bày tỏ tinh thần yêu nước của mình.
Nhưng khác với các trí thức ở miền Trung và miền Nam, phần đông trí thức Tây học ở miền Bắc không phải là những người tu tập Phật giáo, những gì họ đề cập đều dừng ở mức độ nghiên cứu và bước đầu thâm nhập vào giáo lý và kinh tạng. Cho nên, họ không thể đóng vai trò người hướng dẫn và đào tạo Phật học thực sự giống như các trí thức cư sĩ ở miền Trung và miền Nam.
Mặt khác, trong giai đoạn này, sự thâm nhập của tư tưởng tiến bộ phương Tây, mà cụ thể là sự du nhập của chủ nghĩa Mác – Lê nin vào Việt Nam và sự ra đời và phát triển của Đảng Cộng sản Đông Dương đã tạo ra một phong trào chống thực dân và chính quyền phong kiến rộng khắp, đặc biệt là ở miền Bắc, nên đã cuốn hút nhiều thanh niên trí thức tham gia, khiến cho sự quan tâm của tầng lớp này đối với Phật giáo có phần suy giảm. Do đó, khả năng tạo nguồn của Phật giáo cũng suy giảm theo. Vì vậy, số Tăng Ni được đào tạo chỉ chiếm thiểu số trong số thanh niên trí thức.
Nguyên nhân thứ ba, là hệ quả của hai nguyên nhân trên. Trong sự giáo dục Tăng Ni của các tổ chức Phật giáo ở miền Bắc, vai trò của các cư sĩ đã thể hiện rõ, nhưng chỉ tập trung vào hai khía cạnh là bảo trợ và tổ chức, chưa phải là những giảng sư có uy tín trong lĩnh vực giảng giải giáo lý và tu tập như các cư sĩ ở Huế mà điển hình là Tâm Minh Lê Đình Thám và một số nhân vật khác.
Nói một cách ngắn gọn, phần nhiều các nhà sư đóng vai trò nồng cốt của phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc có đạo hạnh tốt, hiểu sâu giáo lý đạo Phật nhưng hiểu biết về Tây học và khoa học hiện đại có phần hạn chế. Cho nên, nhiều hoạt động chấn hưng Phật giáo như ra báo Phật học, xuất bản sách Phật học, mở trường Phật học,… của các tổ chức Phật giáo ở miền Bắc dựa nhiều vào các vị cư sĩ và nhà Phật học.
Do vậy, cùng với những lý do khách quan khác, phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc không tránh khỏi những khó khăn, mà một trong những biểu hiện cụ thể là chưa đào tạo được một thế hệ Tăng sĩ chất lượng cao.
– Về cơ sở thờ tự Phật giáo:
Tuy đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng vấn đề cải cách nơi thờ tự của các tổ chức Phật giáo ở miền Bắc chưa thực sự sâu sắc và rõ ràng. Điều này có lẽ do hai nguyên nhân chính sau đây:
Thứ nhất, chủ trương của các tổ chức Phật giáo ở miền Bắc là sử dụng ngay những ngôi chùa đã có để làm chùa hội quán cho các chi hội Phật giáo địa phương. Những ngôi chùa này thường đã ổn định về kiến trúc cảnh quan, không gian thờ tự và đối tượng thờ tự. Cho nên, việc đưa thêm vào hay bỏ bớt đi ban thờ hoặc đối tượng thờ nào đó là việc làm không mấy dễ dàng, thậm chí là không thể thực hiện được.
Thứ hai, cũng giống như nhiều nội dung khác, việc cải cách nơi thờ tự của các tổ chức Phật giáo ở miền Bắc thường mang tính chất vận động. Điều này, rất khác biệt so với Hội Phật học An Nam, nơi hầu hết các nội dung cải cách đều được thể hiện rõ ràng và chính thức bằng văn bản từ cấp Trung ương Giáo hội. Xin được dẫn một ví dụ. Ngày 16-10-1940, Hội trưởng Hội Phật học An Nam Nguyễn Đình Hòe đã ra Định số 18 về cách thờ tự và việc đọc các kinh ở các chùa hội quán. Theo đó, những thần linh không phải của Phật giáo như Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Thánh Mẫu, v.v., đều bị nghiêm cấm thờ phụng trong các chùa Hội quán của Hội Phật học An Nam.
Những chùa Hội quán ở xứ Huế, do được xây mới hoàn toàn và có chủ trương rõ ràng từ Trung ương Hội Phật học An Nam, nên đều học tập mô hình chùa Từ Đàm, Hội quán Trung ương, không những về kiến trúc cảnh quan mà còn cả về bài trí đối tượng thờ phụng trên Phật điện. Tất cả đều rất giản dị và mang tính cải cách triệt để: chỉ thờ độc tôn một pho tượng Thích Ca Mâu Ni ngồi trong tư thế kiết già trên đài sen.
Như vậy, nhiều nội dung của phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc do mang nặng tính vận động, thuyết phục nên kết quả thu được còn hạn chế. Những hạn chế đó không những ảnh hưởng đến chất lượng của phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc đương thời mà còn ảnh hưởng đến đời sống Phật giáo ở khu vực này trong những giai đoạn tiếp theo và kéo dài cho tới hiện nay.