PTVN – “Phật điển phổ thông: Dẫn vào tuệ giác Phật” được Việt dịch từ nguyên tác tiếng Anh là Common Buddhist Text: Guidance And Insight From The Buddha (CBT). Sách này là một dự án của Hội Đồng Vesak Quốc Tế, đặt tại Đại Học MCU của Thái Lan. Kết tập và soạn tập sách này là nhiều Biên tập viên và dịch giả Quốc tế. Trong đó, phía người Việt có Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, GS.TS.Lê Mạnh Thát, và Thượng toạ TS.Thích Nhật Từ. PTVN xin chia sẻ một vài thông tin về các bản dịch và dịch giả tiếng Việt của cuốn sách này từ Nguyễn Quốc Bình – một trong những dịch giả của cuốn sách.
Sau khi bản tiếng Anh của Common Buddhist Text: Guidance And Insight From The Buddha (CBT) được in tại Thái, một số ít sách đã được đưa về Việt Nam trước bởi những người có vai trò trong hội đồng. Vào khoảng cuối năm 2017, thầy Lê Mạnh Thát có đặt vấn đề phiên dịch quyển CBT sang tiếng Việt với thầy Tuệ Sỹ. Công việc này được thực hiện trực tiếp trước hết bởi Nguyễn Anh Tú và Nguyễn Quốc Bình. Tuy nhiên, do muốn đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành cho kịp lễ Vesak quốc tế năm 2018 sẽ diễn ra ở Thái, một số nhân sự đã được bổ sung vào, gồm có Thích Nữ Khánh Năng, cư sĩ Pháp Hiền, và Thích Thanh Hòa. Công việc được phân chia cụ thể như sau:
Nguyễn Anh Tú phụ trách việc tìm các bản Việt dịch tham khảo lẫn nguyên bản Pāli, Sanskrit hay Hán đã có của các đoạn trích trong phần đức Phật lịch sử (L.), Thượng Tọa Bộ (Th.) và Đại Thừa (M.), sau đó tiến hành nhuận văn, điều chỉnh thuật ngữ, câu cú toàn bộ 69 đoạn phần L. và 231 đoạn phần Th. theo bản tiếng Anh của CBT. Quá trình này có sự hỗ trợ của Nguyễn Quốc Bình.
Nguyễn Quốc Bình thực hiện dịch mới toàn bộ 91 đoạn của phần Kim Cang Thừa (V.). Với phần về Kim Cang Thừa này, tài liệu trong nước còn ít và cũng chưa quy chuẩn về thuật ngữ, nên việc phiên dịch còn phải tham khảo thêm các bản dịch tiếng Anh và Trung hiện có. Các thi kệ trong những đoạn trích cũng được dịch thành dạng kệ hoặc thơ.
Phần M. được chia cho ba nhân sự còn lại. Cư sĩ Pháp Hiền phụ trách 57 đoạn gồm: M.14-22 (Chương 3), M.23-38 (Chương 4), M.39-45 (Chương 5), và M.46-70 (Chương 6). Thích Nữ Khánh Năng phụ trách 56 đoạn gồm M.77-108 (Chương 7), M.109-128 (Chương 8 ), và M.156-159 (Chương 10). Thích Thanh Hòa phụ trách 22 đoạn gồm: M.1-13 (Chương 2), M.160-164 (Chương 11), và M. 165-168 (Chương 12). Vì hoàn thành trước, nên Nguyễn Quốc Bình được bổ sung để thực hiện thêm 22 đoạn chưa xong gồm M.129-150 (Chương 9), và M.151-155 (Chương 10) cho dự án kịp tiến độ.
Phần lời dẫn, lời tựa; các phần dẫn luận tổng quan, cuộc đời đức Phật lịch sử, Tăng-già, Thượng Tọa Bộ, Kim Cang Thừa; các phụ lục về các liên kết và tài liệu tham khảo cũng được dịch bổ sung bởi Nguyễn Quốc Bình. Phần bảng chú giải thuật ngữ và tên riêng được dịch bởi Thích Nữ Khánh Năng. Phần dẫn luận về Đại Thừa được viết bởi thầy Tuệ Sỹ và hiệu đính tiếng Anh bởi GS. Harvey cũng đã được dịch ra tiếng Việt trước đó bởi Thích Hạnh Viên khi thực hiện Hương Tích Phật học luận tập và đăng trên trang web huongtichphatviet.com.
Sau đó, công việc gom bài và tiến hành hiệu đính được thực hiện chung bởi Nguyễn Anh Tú, Nguyễn Quốc Bình và Thích Nữ Khánh Năng trong suốt nhiều ngày liên tục. Các việc cần làm gồm có: dịch bổ sung các đoạn trích còn thiếu (M.71-76 (Chương 6)) cũng như các lời dẫn của các đoạn trích khác còn thiếu; kiểm tra các lỗi chính tả; định dạng lại văn bản; thống nhất thuật ngữ và văn phong sử dụng trong cả cuốn sách. Một số đoạn trích dịch sai lệch về ý nghĩa, hoặc cấu trúc không khớp phần trích trong bản tiếng Anh, hoặc tự ý lược bớt nhiều phần, hoặc không dịch mà viết ý của mình vào, hoặc copy lại nguyên văn các bản Việt dịch khác; các đoạn như vậy đều được dịch mới lại. Quá trình này cứ luân phiên, người đọc, người dò, các đoạn bất thường đều tra lại nguyên bản cổ ngữ cùng các bản dịch đã có ở mọi ngôn ngữ tìm được trước đó. Thầy Tuệ Sỹ cũng hỗ trợ giải đáp các đoạn khó trong quá trình này.
Cho đến gần lễ Vesak năm 2018, công trình phiên dịch CBT mới tạm định hình. Một số bản giấy được in nhanh dưới dạng lưu hành nội bộ và mang sang Thái Lan trình cho ICDV. Phiên bản này còn ghi rõ từng người phụ trách phiên dịch ở đầu lẫn từng đoạn trích theo đúng quy ước trong bản tiếng Anh. Tiếp theo, để chuẩn bị cho việc phát hành chính thức tại Việt Nam, thầy Tuệ Sỹ cũng tranh thủ thời gian hiệu đính thêm một lượt nữa từ đầu đến cuối các vấn đề như đã nêu. Văn phong được điều chỉnh cho phù hợp với đại chúng nhất, đối sánh giữa nguyên bản và bản Anh. Nhiều đoạn dịch thơ được chuyển thành văn xuôi cho dễ hiểu.
Công việc phát hành CBT tại Việt Nam được giao cho thư quán Hương Tích toàn quyền phụ trách. Bản in đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 4 năm 2019, ngoài những chỉnh lý như đã nêu, còn có những khác biệt bất thường về mặt tác quyền dịch phẩm so với bản in nộp cho hội đồng Vesak năm 2018. Tên tất cả nhân sự thực hiện dịch Việt ở mỗi đoạn đều bị xóa đi; danh mục công việc phụ trách của từng người bị xóa; lời tri ân các bản kinh tiếng Việt của HT. Thích Minh Châu, NS. Thích Nữ Trí Hải, HT. Thích Trí Quang, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh… làm tham khảo khi dịch thuật cũng bị xóa. Đặc biệt, Nguyễn Anh Tú bị bỏ tên ra khỏi danh sách; trong khi Thích Hạnh Viên, người phụ trách Hương Tích, thị giả của thầy Tuệ Sỹ, người chỉ dịch một bài trong sách, không phải là người trực tiếp biên tập, cũng không phải là người có hạ lạp cao nhất, thì tự để tên ở đầu danh sách dịch giả; đồng thời thứ tự các dịch giả khác cũng bị thay đổi. Ngoài ra, Lê Mạnh Thát không đóng góp chữ nào trong quá trình phiên dịch nhưng cũng nghiễm nhiên đứng đầu làm chủ biên bản dịch. Không rõ là công trình học thuật cũng cần có hội đồng chứng minh, hay dự án tâm linh cũng cần mướn bằng tiến sĩ.
Ở đây có điều bất thường là danh sách “Biên tập viên và dịch giả tiếng Việt” trên trang “sachhuongtich” không có tên Lê Mạnh Thát, bất đồng với bìa sách của bản dịch Việt “Chủ biên bản dịch Việt: LÊ MẠNH THÁT – TUỆ SỸ” (PTVN)
Lẽ thường, ngay cả đối với người chỉ phụ giúp giấy mực, hay giúp tháo gỡ một ý tưởng, hay gợi ý một từ ngữ nào đó, thì bất luận họ là ai, hay cho dù thành quả của mình có vượt quá họ, người viết cũng cần phải có đôi dòng cảm ơn. Về mặt đời, đó là sự tôn trọng tối thiểu vì đã tiêu tốn thời gian, công sức, và tài nguyên của người khác; cho dù không có công lao cũng có khổ lao, thậm chí là “học từ sai lầm của người khác”, trước khi nói đến việc biết mình “đứng trên vai người khổng lồ”, hay hiểu lẽ “bán tự vi sư”. Về mặt đạo, việc tri ân đến từng hạt cơm, giọt nước của tín thí cũng là điều phải làm. Tri ân, theo nghĩa rộng đó, không chỉ là cơ chế để phòng tránh ngã mạn, tự coi mình hơn hẳn thiên hạ; mà còn là cơ chế để giữ cho xã hội vận hành dựa trên những mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau. Đó không chỉ là lịch sự, đó còn đạo đức, thậm chí còn là nền móng của xã hội. Nếu có người vì địa vị xã hội, hay quan hệ cá nhân mà mập mờ đánh lận con đen, hay vì ăn theo danh vị của ai đó, mà lấy công người khác làm công người này, thì đó là vi phạm liêm chính học thuật, là trá ngụy, là vọng ngữ, có tội với lòng tin của tín thí nuôi sống mình, là triệt đường phát triển và làm mục nát gốc rễ Phật giáo trong quần chúng vậy. Nếu chuyện đứng tên hay mượn danh được xem là chuyện thường tình trong khoa học đến đời sống, từ thế tục đến tâm linh, thì ấy là không có tàm quý, và đã đến lúc chúng ta cần phải tự nhìn lại chính mình như một cách giải bày cho hậu thế. Tuy mỗi thế hệ có một hệ giá trị cho mình, nhưng nếu ngay cả hệ giá trị do mình đề cao mà mình cũng cố tình sai phạm, thì cũng đáng cho đời sau khinh miệt.
Toàn bộ quá trình thực hiện phiên dịch đều được theo dõi bởi thầy Tuệ Sỹ, nhưng thầy không hề lên tiếng gì về việc này dù CBT sau đó được Hương Tích tái bản lại nhiều lần theo cách kể của nó. Điều này chứng tỏ rằng hoặc là thầy Tuệ Sỹ bao che; hoặc là thầy đã không thể kiểm soát được đại cục; hoặc còn một khả năng nữa mà chúng tôi không muốn nghĩ tới. Những điều này trở nên thật sự quan trọng, không chỉ cho cá nhân mà còn đối với xã hội, khi thầy Tuệ Sỹ trở thành người danh chính ngôn thuận đứng đầu “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất” sau khi thầy Thích Quảng Độ mất. Sự việc Thích Phước Nguyên (Nguyễn Thành Long) trước đó suốt một thời gian dài đi khắp nơi mạo xưng truyền nhân của thầy Tuệ Sỹ, đạo văn làm sách, vào tận Học viện Phật giáo TP.HCM để giảng dạy cho Tăng Ni sinh, thậm chí đứng trước Hội nghị Vesak Quốc tế mà khua môi múa mép, mà thầy Tuệ Sỹ không lên tiếng, Học viện cũng không chịu nhận ra,¹ là một tiếng chuông cảnh tỉnh cho chúng ta về những nguy cơ khôn lường của sự lũng đoạn từ trong nội bộ Phật giáo, cũng như những nghi ngại hợp lý về năng lực quản trị của những người có liên quan. Tuy nhiên, dù sao đi nữa, sự việc hiện tại cũng giúp giải thích nghi vấn rằng vì sao một thiên tài như thầy Tuệ Sỹ mà trước nay lại không có lấy một đệ tử thành tài, để rồi khi Thành Long mạo nhận, mới dễ dàng qua mắt được nhiều người.
Trái với ý nguyện của công trình CBT khi khởi sự là phân phát miễn phí, đặc biệt là cho các hệ thống khách sạn, việc phát hành bản dịch này hướng đến các tín đồ và tự viện nhiều hơn là hệ thống khách sạn Việt Nam. Hương Tích thông báo trên facebook của mình rằng sách này chỉ được ấn tống cho các chùa và tự viện theo một danh sách không công bố. Trong khi đó, cũng theo thông báo này, các Phật tử muốn thỉnh quyển sách có in chữ ấn tống trên bìa này thì cần phải trả 70,000 VND phí in ấn cho mỗi cuốn và không được bán lại. Để lãng tránh việc không công bố file sách, Hương Tích lấy lý do phải xin phép các tác giả, tuy nhiên, lại không một lời hỏi ý các dịch giả. Ngoài ra, Hương Tích cũng can thiệp vào việc thương mại hóa sách này của các tổ chức khác.
Trong khi việc phát hành sách giấy bản tiếng Việt được độc quyền bởi Hương Tích, nhiều số tổ chức khác đã thực hiện các phiên bản sách nói khác nhau và phổ biến qua internet. Các bản sách nói này được thực hiện một cách tự phát, không có sự hỗ trợ từ tổ chức biên soạn và phân phối chính thức của CBT. Điều này, một mặt thể hiện sự tiếp nhận tích cực của cộng đồng dưới góc độ tôn giáo, đưa ra cách giải quyết cho hạn chế về mặt phân phối; mặt khác lại là một cách giải quyết không triệt để vì hình thức sách nói không hoàn toàn thích hợp với chức năng nghiên cứu đối sánh của CBT.
Ngày 3 tháng 2 năm 2021, trang phatgiao.org.vn, Cổng thông tin Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đăng bài viết Đọc “Phật điển phổ thông: Dẫn vào tuệ giác Phật” ² của Nguyên Giác. Bài điểm sách đầu tiên bằng tiếng Việt này đã phân tích một vài đoạn trích lục trong sách sau khi dành hết lời khen ngợi và quảng bá cho quyển sách. Khi viết bài này, dù tác giả tự thừa nhận vẫn chưa đọc xong quyển sách, nhưng bài điểm sách vẫn thể hiện rõ được tâm thái tiếp nhận của cộng đồng. Theo đó, trong ba chức năng đã nêu của CBT, chức năng thánh thư vẫn là nổi bật nhất.
Ngày 9 tháng 4 năm 2021, dịch giả Nguyễn Anh Tú chính thức lên tiếng về việc bị xóa tên và công bố file mềm của CBT tiếng Việt. Ban đầu, do được thầy Tuệ Sỹ nhờ cậy, chúng tôi mới dịch cuốn CBT. Chúng tôi không có nhu cầu về danh tiếng, càng chẳng có hứng thú được nêu danh trong quyển nguyên tác đầy khiếm khuyết và mượn danh tôn giáo để làm chính trị này, thế nên đối với mấy trò tranh giành bấy lâu nay không thèm lên tiếng. Vậy mà có kẻ nhàn rỗi sanh tâm đố kị, e người làm được việc đe dọa sự thừa tự của mình, nên đặt điều dèm pha, nhân việc chúng tôi làm bộ Chân Nguyên Tuệ Đăng cho thầy Lê Mạnh Thát mà đơm đặt thêu dệt. Lại có người đức cao vọng trọng mà lại nghe lời một phía, tin tưởng người nhà mà bất phân thị phi, không chủ trì được công đạo mà cưỡng cầu sự hòa hợp, không dẹp yên gia sự mà mộng tưởng cao xa, không đoái hoài sự thật mà vọng cầu chân lý, nên để lại sự thất vọng không phải ở cá nhân mà là ở lý tưởng mà cá nhân đó theo đuổi và làm đại diện. Thất chí, Tú đã bỏ ngang mọi công việc sách vở mà về quê làm ruộng. Ấy thế mà có kẻ trong lòng tự thẹn, muốn cả vú lấp miệng em, tiên hạ thủ vi cường, vẫn truy cùng giết tận, tiếp tục gieo tiếng ác. Lần này Tú lên tiếng cũng là con giun xéo lắm cũng oằn rồi vậy.
Tuy nhiên, tiếng nói của kẻ cô thế lại bị đổi trắng thay đen thành lời vu khống khi mà Tú, người bị xóa đi tên tuổi, không thể đưa ra được bằng chứng cho điều mình nói. Trong khi đó, tôi cũng là người trong cuộc của tất cả các sự việc vừa nêu, vẫn giữ lại đầy đủ các tài liệu làm việc; tên tôi lại vẫn còn trong danh sách dịch giả của CBT, cũng như lời đầu cho bộ Hương Tích Phật học luận tập, nên lời nói của tôi hoàn toàn là có đủ thẩm quyền làm chứng trong việc này. Vì vậy, cho dù là trách nhiệm với cá nhân hay trách nhiệm với sự thật, tôi cũng buộc lòng phải lên tiếng lúc này.
Tú là nhân tài hiếm có trong thế hệ người Việt của mình, tuy nhiên, tính tình quá bộc trực, nhiệt tình, dễ sai bảo, làm được nhiều việc lại không nhận công, chịu thiệt cũng không nói, thế nên người ngoài không biết đến, người trong cuộc lại coi thường, bọn dã tâm tính đường lợi dụng, lũ tiểu nhân nuôi tâm đố kị. Đã làm không công lại bị vu vạ, im lặng mấy năm, nhưng giờ lại lên tiếng, đó cũng là vì bị áp bức quá đáng lắm rồi vậy.
Ngày 14 tháng 4 năm 2021, Hương Tích công bố bản mềm trên nền tảng của mình. Hiện nay, việc thỉnh sách giấy CBT ở Hương Tích cũng đã được thông báo là miễn phí.
Ngày 8 tháng 5 năm 2021, giữa scandal về Võ Hoàng Yên, Thích Nhật Từ công bố một bản dịch thứ hai của CBT trên trang web daophatngaynay.com của mình. Bản dịch này lấy tên tiếng Việt là Phật điển thông dụng: Lối vào tuệ giác Phật. Lời giới thiệu của dịch phẩm ghi rõ:
“Ấn bản tiếng Việt đầu tiên do HT. Thích Tuệ Sỹ và GS. Lê Mạnh Thát làm chủ biên bản dịch, xuất bản lần đầu tại Việt Nam vào mùa Phật đản năm 2019.
Vì rất muốn phổ biến rộng rãi ấn bản tiếng Việt đến cộng đồng Phật giáo Việt Nam, nhưng do không xin được bản dịch tiếng Việt đã xuất bản trước, tôi quyết định tự mình dịch tác phẩm này.
… Mục đích của tôi là cúng dường dịch phẩm này lên đức Phật nhân mùa Phật đản năm 2021, đồng thời góp phần kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam bằng cách ấn tống rộng rãi tác phẩm này đến cộng đồng Phật giáo Việt Nam.”³
Điều này một mặt chứng tỏ sự độc quyền và yếu kém về năng lực phân phối của Hương Tích. Mặt khác, nó cũng nói lên một sự thật là nhóm của Thích Tuệ Sỹ và nhóm của Thích Nhật Từ không phải là đồng thanh đồng khí, đồng chí đồng tình; việc hai vị cùng đứng tên trong bản gốc của CBT chỉ là hoàn cảnh bắt buộc.⁴
Tuy nhiên, Thích Nhật Từ không đích thân thực hiện bản dịch thứ hai này mà giao nó lại cho các thành viên của Trung tâm nghiên cứu và phiên dịch Phật học. Điểm đáng quý ở đây là sách tôn trọng bản quyền dịch phẩm trước, nói rõ lý do phải dịch lại, đồng thời khi nêu chi tiết nhân sự phụ trách từng phần.
“Do bận nhiều Phật sự nên tôi không thể thực hiện ý định trong năm 2018-2020. Trước tết 2021, tôi mời 8 thành viên của Trung tâm nghiên cứu và phiên dịch Phật học do tôi làm Giám đốc thuộc Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam cùng tham gia phiên dịch bản tiếng Việt thứ hai này. Có thêm một bản dịch tiếng Việt đối với sách này chắc chắn sẽ góp phần làm phong phú giá trị của tác phẩm, vốn là sự đóng góp chất xám tập thể của gần 20 người đại diện các trường phái Phật giáo, trực tiếp tham gia công trình biên soạn này.
Ngoài việc phân công, đôn đốc các dịch giả, tôi hiệu đính bản dịch, bổ sung dấu đối với các thuật ngữ Pāli, Sanskrit, thống nhất hóa một cách tương đối các thuật ngữ trong sách, Việt hóa tối đa các thuật ngữ Phật học, bổ sung bảng viết tắt… để độc giả Việt Nam dễ hiểu và trải nghiệm lời Phật trong cuộc sống.”⁵
Bản Phật điển thông dụng: Lối vào tuệ giác Phật chỉ được hoàn thành gấp rút trong vòng 1 tháng rưỡi.
“Tôi tán dương quý Thầy, Sư cô và các Phật tử thuộc Trung tâm nghiên cứu và phiên dịch Phật học đã hoan hỷ đồng hành với tôi trong việc phiên dịch hoàn thành tác phẩm này trong 45 ngày. Tôi tán dương các Phật tử chùa Giác Ngộ và Ban lãnh đạo Quỹ Đạo Phật Ngày Nay đã phát tâm ấn tống hàng chục ngàn bản của tác phẩm này.”⁶
Do đó, bản dịch này còn mắc nhiều lỗi. Các thuật ngữ không thống nhất;⁷ không thống nhất quy ước phiên âm hay dịch tên riêng, quy ước ghi gạch nối; format theo kiểu replace all;⁸ đánh mã lẫn lộn;⁹ lỗi chính tả, nhất là ở thuật ngữ Pāli/Sanskrit, còn nhiều;¹⁰ không hiểu hết bản dịch thứ nhất;¹¹ sửa từ đúng thành sai;¹² thêm footnote tủn mủn, không phân biệt rõ ràng với các footnote của nguyên tác;¹³ không hiểu quy tắc trích dẫn khoa học các kinh/tác phẩm trong ghi chú nguồn dẫn;¹⁴ bám vào bản tiếng Anh thái quá;¹⁵ cố ý làm cho bình dân học vụ và khác đi so với bản dịch đầu.¹⁶ Tóm lại, trong khi đó Phật điển phổ thông là dịch lại bản tiếng Anh, lấy cơ sở từ văn bản cổ ngữ gốc, dựa trên sự đối chiếu với nhiều ngôn ngữ khác, thì bản Phật điển thông dụng, ngay từ tựa đề, đã cho thấy đây chỉ là sự xào nấu lại từ Phật điển phổ thông một cách vụng về dựa trên sự đối chiếu với bản CBT tiếng Anh. Với cách làm này thì chắc Tam tạng Thánh điển Phật giáo cũng sẽ nhanh chóng giải quyết xong các vụ không xin được bản quyền dịch phẩm.
Kì thực, trong vòng 45 ngày mà 9 người dịch lại một cuốn sách khoảng 8-900 trang khổ nhỏ được như vậy là đã bỏ công nhiều rồi, không thể đòi hỏi thêm được. Vấn đề là CBT xong từ 2015, Phật điển phổ thông xong từ 2018, tính luôn cả thời gian kì kèo bản quyền với Hương Tích thì cũng không hiểu được vì sao phải đợi quá lâu rồi lại làm gấp rút đến vậy. Ngoài ra, Phật điển phổ thông đã trình cho ICDV và Hương Tích lấy lý do xin phép ICDV để biện hộ cho việc bê trễ của mình, nên không rõ Phật điển thông dụng có trình và được phép ICDV phổ biến đồng thời thâu nhiếp vào bộ sách của mình chưa (xem hình bìa sách). Cũng không rõ bản dịch mới này rồi có đặt trong khách sạn theo yên cầu ban đầu của CBT không.
(trích “Common Buddhist Text – Một tham vọng về quyển kinh thánh Phật giáo”; tiêu đề được đặt mới)
—————
Ghi chú:
¹ Đỗ Quốc Bảo, Hiện tượng Phước Nguyên (PN) và những bộ kinh được “tân dịch” từ Phạn ngữ, April 17, 2020, Tư Tưởng, https://tutuongvanhanh.wordpress.com/…/hien-tuong…/ Accessed April 23, 2021.
² Nguyên Giác, Đọc “Phật điển phổ thông: Dẫn vào tuệ giác Phật”, https://phatgiao.org.vn/doc-phat-dien-pho-thong-dan-vao… Accessed March 31, 2021.
³ Peter Harvey (chủ biên), Phật điển thông dụng: Lối vào tuệ giác Phật, Thích Nhật Từ (chủ biên bản dịch), tr. xxvi Viện nghiên cứu Phật học, nxb. Tôn Giáo, 2021. http://www.daophatngaynay.com/…/31250-phat-dien-thong… Accessed May 8th, 2021.
⁴ Xem phần 1.3.
⁵ Như Ibid tr. xxvi-ii.
⁶ Như Ibid tr. xxix.
⁷ Như Kim cang thừa và Kim cương thừa.
⁸ Ibid tr. Xix.
⁹ Ibid tr.649.
¹⁰ Như Ibid tr. 22.
¹¹ Chẳng hạn, Phật điển phổ thông trang 253 có dùng chữ “khứng” ở bài Th. 19; Phật điển thông dụng ghi chú ở footnote trang 270 để so sánh và tô đỏ chữ này. Khứng 肯[khẳng, khừng] nghĩa là ưng thuận.
¹² Như mật tục và mật tông.
¹³ Như Ibid tr. 537, 757, 766.
¹⁴ Ghi chú cuối tất cả các đoạn kinh.
¹⁵ Như Ibid tr. 268, 269, 270, 271, 272, 275, 276, 278, 283.
Chẳng hạn, Sheldon B. Kopp có một quyển sách tên là If you meet the Buddha on the road, kill him!. Ai có kiến thức về thiền tông sẽ biết đây là điển “Phùng Phật sát Phật”, nếu muốn bình dân thì dịch là Gặp Phật giết Phật. Ai chỉ biết bám sát bản tiếng Anh sẽ dịch là Nếu bạn gặp đức Phật trên đường, hãy giết ngài ấy! rồi cho đây là chính xác và dễ hiểu. Các ví dụ tương tự có thể được tìm thấy khi so sánh bản tiếng Anh quyển Thiền luận của Suzuki với bản dịch của Trúc Thiên và Tuệ Sỹ.
¹⁶ Như Ibid tr. 444, 512, 757, 766, 781, 787.
Nguyễn Quốc Bình