Ai cũng đều có quyền lựa chọn môi trường sống và làm việc cho chính mình. Nhưng nếu bình tâm nhận diện được đâu là một môi trường lành mạnh để được sống, làm việc, học tập thì sẽ có sự tác động rất lớn đến việc hình thành nhân cách cao thượng cho bản thân.
Do vậy, nếu trẻ em được giáo dục tốt, có môi trường trong sạch, được sống trong môi trường đạo đức và trí tuệ, xung quanh hầu hết là người tốt thì tuổi thơ của các em dần trở nên chín chắn, hiền thiện và an lành hơn, đồng thời chính các em cũng có thể là tấm gương tốt trong cư xử cũng như trong hành động đối với cha mẹ hay những người thân.
Ngày nay, thực tiễn cuộc sống cho thấy người già vui chùa và trẻ thơ cũng vui chùa. Vì đạo Phật là đạo chung tất cả, rất bình đẳng, không dành cho riêng ai, không trọng người sang, không chê kẻ nghèo khó, không dành riêng cho người già hay riêng nam giới mà dành cho tất cả mọi người, mọi loài chung hữu tình mong muốn giải thoát khổ đau, cứu độ chúng sinh.
Đặc biệt, đạo Phật là “đạo của tuổi thanh xuân đang căng nhựa sống và tha thiết yêu đời” vì thật tính của đạo Phật rất thích hợp với Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng. Sự thích hợp ấy bởi độ tuổi hoa niên này có những điểm: Thanh tịnh, Chân thật, Từ bi, Tinh tiến, Trí tuệ. Tóm lại, tuổi trẻ có đầy đủ phương tiện thực hiện triệt để giáo lý cao siêu của Phật và tuổi trẻ mới đủ bầu nhiệt huyết hăng hái quả cảm trên con đường tự giác, giác tha, dù gặp mọi gian nguy khó khổ nên đạo Phật thích hợp nhất với tuổi trẻ.
Tuổi trẻ cũng là độ tuổi có nhiều ưu thể mở rộng lòng thương theo đức từ bi và trau dồi trí tuệ, cầu giác ngộ. Việc hoằng pháp đối với tuổi trẻ cần phải ưu tiên cho việc học hỏi, nghiên cứu Phật pháp. Mấy năm lại đây, sự khởi sắc, đổi mới của phong trào Phật giáo là một sự thật. Các nhà chùa ngày càng đông vui nhộn nhịp với các hoạt động ngày càng gắn kết với đời sống đa dạng của xã hội, lôi cuốn, hấp dẫn mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, trong đó có thanh thiếu nhi. Nhà chùa như trẻ lại, sức sống được hồi sinh, đó là điều rất đáng mừng, rất đáng trân quý. – trích trong bài viết Đức Pháp chủ với thanh thiếu nhi Phật giáo Thủ đô của tác giả Giang Nam đăng trên trang tin phattuvietnam.net ngày
Đây đã là năm thứ tư mà chư Tôn thiền đức Ban lãnh đạo Thiền viện chấp thuận cho phép Đoàn TTN.PT Trần Thái Tông liên tục tổ chức, hướng dẫn thiếu nhi đến sinh hoạt Phật Pháp trong dịp nghỉ hè nhằm góp phần cùng gia đình, nhà trường, xã hội xây dựng nền tảng đạo đức và tâm linh cho tuổi thơ các em – hai phần quan trọng nhất của con người và của xã hội. Đạo đức và tâm linh băng hoại thì từ gia đình đến xã hội không thể không đọa lạc.
Nhìn các em hồn nhiên, trong sáng, thanh thoát như buổi sáng bình minh ở chốn thiền môn trong những ngày hè chủ nhật năm 2012 này, chúng tôi lại càng yêu thương và tôn thờ tuổi thơ hơn. Ở một cuốn sách nào đó đã viết: Tuổi thơ là tuổi hồn nhiên và vô tư. Thiền cũng là hồn nhiên và vô tư. Tuổi thơ là thiền. Thiền là tuổi thơ. Ai có sự hồn nhiên và giữ được sự chân thật hồn nhiên thì người ấy có thiền, có niềm vui, có hạnh phúc. Thiền giúp tuổi thơ thông minh hơn, sáng suốt hơn và mạnh khỏe hơn.
Phúc Đức của Em thật lớn!
Giới thiệu chùm ảnh “Trẻ thơ với Thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc” của PT. Huy Long: