Trang chủ Quốc tế Angkor: Dấu ấn Phật giáo

Angkor: Dấu ấn Phật giáo

260

Angkor Wat


Angkor Wat là công trình lớn nhất và ngoạn mục nhất của Angkor do vua Suryavavarman II khởi công xây dựng năm 1112 và hoàn thành năm 1153. Đền này thờ thần Vichnou, vị thần mà nhà vua Suryavarman II tự xưng  chính là bản thân mình xuống trần gian để trị vì thiên hạ. Nhìn  từ xa, Angkor Wat  đầy vẻ  uy nghi, đường bệ khiến cho người  xem phải choáng ngợp. Trông gần lại, nghệ thuật điêu khắc và chạm nổi sinh động, sâu sắc cùng lối kiến trúc huyền bí càng khiến cho khung cảnh thêm huyền ảo. Công trình vĩ đại này được xây toàn bằng những loại đá tảng đưa từ nhiều vùng trong đất nước Kampuchia đến. Theo ước tính phải dùng đến 22.000 mét khối đá trong việc xây dựng cơ bản.Angkor Wat là một khối kiến trúc hình chữ nhật (1500m X 1300m) với hào rộng 190m và 3 lớp hành lang bao quanh, và khu vực đền ở chính giữa. Từ bên ngoài, một chiếc  cầu dài làm bằng đá sa thạch tảng lớn bắc qua hào dẫn đến hành lang thứ nhất. Phía ngoài của hành lang này là những cột đá hình vuông, phía trong là tường đá chạm trổ hình cách nàng tiên Apsara, những nam vũ công cưỡi trên những con thú huyền thoại đang nhảy múa. Trần của hành lang trang trí những bông sen khắc trên đá.


Trong ngọn tháp bên  phải của cổng, một tượng thần Vichnou chạm khắc từ một tảng đá nguyên khối, cao 3,25m, có 8 cánh tay cầm trượng, giáo, tù và… Dẫn từ hành lang thứ nhất đến hành lang thứ hai là một con đường dài 475m, rộng 9,5m, có lan can hình rắn Naga khổng lồ là hình tượng cầu vồng, nối trần thế với thiên giới. Đằng sau là hình ảnh của ngọn núi Meru (Tu Di) như được trình bày trong kinh điển “Bạch hào uyển chuyển ngũ Tu Di”, điều mà nhà khảo cổ Louis Bezacier nhấn mạnh đến sự hòa hợp Ấn Giáo và Phật Giáo thời chuyển tiếp.


Hai bên đường có hai thư viện và hai hồ nước với phong cách kiến trúc tao  nhã. Mặt trong của bức tường ở hành lang thứ hai là những bức tranh chạm nổi trải dài trên mặt đá, kể lại những huyền thoại của Ấn Độ bằng những hình ảnh  rất sâu  sắc và  sống động: trận đánh của vua Kurukshetra, quân đội của vua Suryavarman II, Thiên giới và Địa ngục, Khuấy biển sữa, Cổng voi, Trận ác chiến Lanka… Nhà vua hối hận, nguyện cầu và quy y. Hành lang thứ ba bao bọc chung quanh khu đền đài chính. Khu đền nầy xây trên một bệ đá cao, hình vuông, làm bằng đá ong, gồm có 3 tầng, tầng trên hẹp hơn và xếp nghiêng 70 độ so với tầng dưới. Có bậc thang nối những tầng và hành lang quanh co nối với nhau như mê cung. Đặc biệt là tầng hai lên tầng ba là những bậc thang dốc ngược sừng sững, với 38 bậc vừa hẹp vừa cao. Ở bốn góc của tầng hai là bốn ngọn tháp cao. Chính giữa tầng ba là tháp chính vươn cao 31m và 55m tính từ mặt đất. Năm ngọn tháp của Angkor Wat đã dược  lấy làm biểu tượng trên quốc kỳ của Kampuchia. Ngày xưa trong tháp chính có một pho tượng thần Vichnou bằng vàng cưỡi trên một con nhân điểu; đó là hình  ảnh của vị vua từ thiên giới Suryavarman II. Angkor Wat là một kiến trúc vĩ đại, uy nghiêm mà lại giàu chất thơ. Kiến trúc của năm ngọn tháp ở giữa tượng trưng  cho núi thiêng Meru (Tu Di), nơi ngự trị của Thiền thần, Bồ Tát và là trung tâm của vũ trụ theo thế giới quan của Ấn Độ;  các sân bên trong đều biểu hiện cho các  lục địa và các hào nước, biểu trưng cho các đại dương. Các tác phẩm điêu khắc ở đây là những bức tranh thuộc loại dài nhất thế giới, vô cùng phong phú và sống động: nét chạm nào cũng sắc, cũng tươi, có đến hàng trăm hình ảnh của những nàng tiên Apsara,  nhưng mỗi nàng một vẻ mặt, một dáng điệu không trùng lắp với nhau. Một đặc điểm khác của Angkor Wat là quay về hướng Tây. Phải đến khi hoàng hôn xuống thì mới thấy được vẻ đẹp thần kỳ, hừng hực của ngôi đền. Bóng chiều càng xuống thì ngôi tháp dường như vươn cao lên hơn. Trong cảnh tĩnh mịch của thiên nhiên, những phiến đá như nói lên tiếng nói từ hòa, độ lượng của đức Quán Thế Âm


Angkor Thom


Nằm cách Angkor Wat 3 km về hướng bắc, thành Angkor Thom được xây cất vào giữa thế kỷ XIII, dưới triều vua Jayvanma VII. Thành này  được thể hiện phỏng theo câu chuyện thần thoại của Ấn Độ “Khuấy biển sữa tìm thuốc trường sinh” trước khi tầm đạo nhiệm mầu. Angkor Thom hình vuông vắn, mỗi chiều 3.000m, có thành cao 8m bao bọc chung quanh, bên ngoài thành là hào rộng 100m; tương truyền ngày xưa có nuôi nhiều cá sấu để bảo vệ thành. Thành có 5 cổng, cổng cao 20m, dọc hai bên là những thân voi đá, đầu là đức Phật Quan Thế Âm (Avalokitecvara) 4 mặt  khổng lồ. 


Trước mỗi cổng, một bên là tượng của 54 vị thần Deva; bên kia là tượng của 54 tượng quỷ Asura; tất cả đều đang ra sức ghì chặt thân của rắn thầnVasuki, như  một cảnh thể hiện sự tích “Khuấy biển sữa tìm thuốc trường sinh” trên vách đền Angkor Wat. Một số những công trình bên trong gồm có: Đền Bayon do vua  Jayarvarman II  xây dựng  lên ở chính giữa thành Angkor Thom, thờ Phật Quán thế  Âm có 4 mặt. Ngôi đền vốn bị bỏ hoang trong nhiều thế  kỷ nay. Di  tích còn lại là những bức tranh chạm nổi trên tường sa thạch dài tổng cộng 1.200m, với hơn 11.000 hình vẽ, mô tả  cảnh sinh hoạt của vua quan, sư sãi, lính tráng, dân chúng… Đặc biệt là 54 tháp cao trên 10m, trong đó có 43 tháp hình đầu đức Quán Thế Âm Bồ Tát. 172 khuôn mặt giống nhau chiều cao 2, 3m, cái ở trên cao, cái ở dưới thấp, cái sáng một nửa, cái sáng một góc, cái tối cả, hướng về khắp bốn phương trời; cái nào cũng có cặp mắt khoan hòa nhân hậu. Đền Bapoun cao và đồ sộ hơn đền Bayon, cách đền Bayon khoảng 200m về hướng Tây Bắc. Đền này có hình  Kim Tự Tháp, tượng tưng cho núi Meru (Tu Di). Đường vào đền dài 200m, rộng 10m làm bằng những phiến đá sa thạch bắc trên những cây cột cao chừng 1m, tựa như chiếc cầu. Ngôi đền chính cao 43m, có 3 tầng, nhưng hiện nay nhiều chỗ đã  hư sập. Phía tây của ngôi đền có một tượng đức Phật nằm, dài 40m, chạm trổ còn dở dang. Bệ voi đền Phimeanakas rộng 200m, dài 300m, được bao bọc bởi tường đá cao 4m, bệ  có đục những hình voi lớn như voi thật. Bệ có hai bậc, ở giữa có ngôi đền kiến trúc hệt như đền Bapoun nhưng nhỏ hơn; đó là đền Phimeanakas. Tương truyền ngôi đền này có cái tháp bằng vàng; noi đây là  nơi nhà vua thường đến để di dưỡng tinh thần sau việc triều chính. Bệ Vua Hủi ở ngay bên cạnh bệ Voi. Ở đây không có gì đặc biệt lắm ngoại trừ tượng của Vua Hủi ngồi trên bệ; đến nay vẫn chưa rõ là tượng của vị vua nào ? Trước mặt bệ Voi và bệ Vua Hủi là một khoảng trống có hình chữ nhật, rộng tới hàng trăm ngàn mét vuông.


Trong tập Du Ký của Châu Đạt Quan thì “sân này có thể chứa hàng ngàn người, chăng đèn kết hoa, đêm đêm thường đốt pháo bông để cho vua ngắm”. Cửa Khải Hoàn tương tự như của Angkor Thom, nhưng hai bên có thêm hai dãy 54 vị thần ôm hai con rắn Naga nhiều đầu. Theo truyền thuyết, rắn Naga chính là vị Thần Nước, lấy đầu che đức Phật khi Ngài thiền định. Những vị thần này kích thước lớn hơn người thật, ngồi cách nhau 2m, trông khá hùng vĩ. Angkor kỳ vĩ đến nổi người Khmer tin rằng kiến trúc này rập khuôn “cung điện thượng giới”, nơi ngự trị của Ngọc HoàngIndra và chính các Thiên thần đã được phái xuống để xây dựng Angkor. Di tích Angkor giúp chúng ta được hiểu nhiều thêm về những giá trị lịch sử, tôn giáo, nhân văn của Kampuchia. Tuy chịu ảnh hưởng của Ấn Độ, nhưng kiến trúc Khmer cũng đã thoát khỏi phong cách Ấn, trở thành một loại hình có một không hai: kiến trúc đền núi. Kiến trúc đền núi mang biểu tượng tôn giáo chứ không phải là nơi tiến hành nghi lễ như Giáo đường Thiên Chúa Giáo hay chùa Phật Giáo; vì thế nội điện thường hẹp hơn, những hình điêu khắc cũng không được nhất thống. Angkor được xây dựng bằng đá, tuy nhiên đã không dùng đá vữa, chỉ dùng mộng gỗ hay chất sắt để ghép những tảng đá lớn lại với nhau, khít khao và khéo léo đến nổi trải qua bao nhiêu thế kỷ đến nay những vẫn đứng vững với thời gian. Angkor Wat đã được công nhận là Di sản Văn Hóa Thế giới năm 1992. Ngày nay Angkor là một trong những điểm du lịch của Kampuchia cùng với Phnom Penh và Vịnh Thái Lan.


Bayon: Nghìn nụ cười Bát Nhã


Khu đền đài Bayon là trung tâm của quần thể kiến trúc kỳ vĩ Angkor Thom  tại Kampuchia. Đây là biểu trưng cho hình ảnh nghệ thuật tuyệt vời của Khmer. Bình đồ chính của  bố cục này trải ra theo hình chữ “Thập”. Rồi  người ta chận các góc ngoài bằng các hành lang thước thợ, để tạo thành một bình đồ hình chữ “Nhật”  (80m x 57m). Bố cục này lại được tạo bởi một hành lang bên ngoài rộng hơn. Ở  trung tâm là một nền tròn khổng lồ (đường kính đo được 25m) đội ngôi tháp chính cao 23m. Từ tháp chính đó có 12 gian tỏa ra chung quanh và đan xen giữa hàng loạt ngôi tháp. Riêng ở chung quanh có 16 tháp. Tính tất cả thì ở Bayon có  54 tháp lô nhô trông giống như một rừng đá. Trên mỗi mặt của các tháp đều có hình mặt  người. Phía đông, nằm giữa hai hồi lang là các Thánh thư. Toàn bộ đền Bayon cao 43m. Trong điện thờ chính có một pho tượng Phật trầm tư, đồng thời chính là chân dung vua Jayavarman VII. Các tháp bao quanh đều có tượng chân dung các quan đại thần của nhà vua. Các mặt người trên tháp đều vật chất hóa sự có mặt mọi nơi của vị vua thần linh phóng tầm mắt ra toàn cõi của mình qua đầu bộ tham mưu tập họp bên dưới. Một giả thuyết khá hấp dẫn và lý thú cho rằng: hàng nghìn “nụ cười Bayon” huyền bí là biểu trưng cho sự nhiệm mầu ở Sravasti. 


Căn cứ theo  Phật thoại, để chứng minh phé  mầu vĩ đại của mình, đức Phật đã phóng lên không trung rồi hóa ra hàng nghìn đức Phật lấp lánh ánh lửa, xoay chung quanh như một vòng sao. Trừ phần xây dựng kiến trúc chung quanh trục,  không thấy có cách nào hữu hiệu hơn để thể hiện hình ảnh trên. Bayon đã thành  công trong việc mô tả bằng kiến trúc hình ảnh kỳ diệu của đức Phật (Durand).


Khác với Angkor Wat, Bayon không có tường bao bọc  chung quanh. Các nhà nghiên cứu đặt ra nhiều nghi vấn trong vấn đề này. Đa số cho rằng : tường thành là hào nước vây quanh Angkor Thom chính là tường bao vây Bayon. Cũng có ý kiến: hình tượng Bayon là một bộ phận trong tổng thể hình tượng lớn của Angkor Thom. Cũng như Angkor Wat, mặt tường bên trong của các hồi lang Bayon được trang  trí bằng nhiều loại phù điêu khác nhau. Phù điêu ở tầng hồi lang ngoài chủ yếu thể  hiện những cảnh đời thường. Những cảnh gà chọi, lễ hội, diễn xướng, những cảnh vui chơi giải trí. Tất cả những cảnh đó đã được những nhà điêu khắc thể hiện sống động. Bayon có thể xem là một bộ bách khoa bằng đá đồ sộ về cuộc sống thường  ngày của cư dân Khmer trong những thời đại xa xưa thời hữu sử. Những phù điêu  trên tường của hồi  lang mô  tả những hoạt cảnh trong chốn cung đình. Ở đây, các cảnh vũ nữ đang múa, các ca sĩđang hát, cảnh vua đang thiết triều, cảnh vua cỡi voi đi ra ngoài thành, cảnh ngự giá thân chinh… Nếu cứ vừa đi vừa xem kỹ các hình thù của phù điêu Bayon, từ ngoài vào trong, sẽ thấy được đời sống văn hóa của  xã hội của người Khmer một cách khá đầy đủ và toàn diện. Chỉ ở tầng trên cùng, phù  điêu Bayon mới mang đầy đủ tính chất tôn giáo. Dọc các hồi lang của tầng thứ ba là những phù điêu thể hiện các sự tích đức Phật, hay khắc chạm các hình Tiên nữ Apsara. Cũng như Angkor Wat, Bayon ngày xưa lộng lẫy, rực rỡ vàng son, chứ không chỉ toàn bằng đá như hiện nay. Các vết tích còn lưu lại cho biết : các chi tiết kiến trúc đá, các hình điêu khắc đã được sơn thiếp hay dát vàng, mạ bạc hay đá quý. Một bi ký cho biết : Chỉ dùng để trang trí cho những hình vua, đã phải dùng đến 5 tấn vàng, 5 tấn bạc, 40.000 viên đá quý. Không chỉ phù điêu, Bayon lại còn có nhiều loại tượng tròn. Đó là những tượng chân dung Jayavarman VII, tượng các  quan đại thần, tượng Phật, tượng Bồ Tát. Tượng tròn và tượng chân dung tại Bayon đã góp phần quan trọng tạo ra phong cách độc đáo kiến trúc Bayon. Tiền của và tài trí đổ ra trong việc kiến tạo Bayon rất lớn lao. Theo tài liệu của giáo sư  Grossilet, phải cần đến 1.000 nhà điêu khắc lành nghề làm việc chuyên cần trong 21 năm trời ròng rã để hoàn thành các công trình này. Sau gần một thế kỷ nghiên cứu, các nhà mỹ thuật học mới tìm ra những câu trả lời tương đối khoa học cho Bayon. Ngôi đền kỳ lạ này đã gây bao nhiêu cuộc luận chiến và nhận định trái ngược nhau trong giới mỹ học thế giới. Kể từ ngày phát hiện ra cho tới những năm 30 của  thế kỷ XX, bức tranh này được vẽ ra đầy huyền bí. Người thì cho Bayon là một kiến trúc lạ lùng, kỳ dị nhất của người Khmer. Người thì cho Bayon là một công trình xây dựng mang tính thần tiên nhất. Một số khác nhận định : Bayon là  ngôi đền không giống như bất cứ ngôi đền Ấn Độ nào. Có ý kiến cho rằng : Các tháp Bayon là những Linga (sinh thực khí đàn ông) của thần Shiva.


Chỉ sau những phát hiện của nhà khảo cổ học H. Parmentier ở mặt Tây của tháp số 47 vào năm 1925, các nhà khoa học mới nhận khuôn mặt của đức Quán Thế Âm Bồ Tát trên các tháp và hình tượng tôn giáo của Bayon. Từ trước  những năm 30, người ta đều công nhận Bayon là công trình xây dựng trong  khoảng thế kỷ thứ IX và X. Về sau, nhà nghiên cứu Pháp P. Sterk, qua nghiên  cứu Phóng xạ Carbon  C.14, niên đại là thế kỷ XIII. Chủ nhân đích thực của Bayon là vua Jayavarman VII. Tuy cố chứng tỏ mình như một vị cứu tinh của dân tộc để cải thiện đời sống cho toàn dân, nhưng rồi nhà vua Jayavarman VII vẫn theo vết của  những vị vua thời trước, bỏ nhiều công sức, tiền bạc, nhân công để xây đền đài.  Sự suy thoái quốc gia ngày càng sâu, nông nghiệp suy sụp, kinh tế khủng hoảng.  Người dân Khmer không thể làm gì hơn là bỏ Angkor trở về vùng đồng bằng để kiếm sống. Angkor suy tàn từ đó.