Được một người bạn tặng cho 2 cuốn sách của đạo sư Duy Tuệ: “Mở rộng tâm” và “Khai mở đạo tâm”, xem qua cuốn sách và thông tin tác giả, thấy có vẻ hoành tráng và đáng tin tưởng. Trên bìa 4 của cuốn sách in số lượng các cuốn sách của tác giả đã xuất bản là 12 cuốn, với những cái tên rất hấp dẫn với phật tử và đặc biệt là các bạn trẻ: “Hành trang vào đời”, “Thiền minh triết”, “Tình thương là tài sản vô giá“…, nhiều cuốn còn in song ngữ Việt – Anh, Việt – Pháp. Và trong danh sách có đề khoảng 6 cuốn sách sắp xuất bản. Tất cả đều của Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin cấp giấy phép. Bìa sách có nhiều hình ảnh Đức Phật Thích Ca, Ngọc Xá Lợi Đức Phật Thích Ca, và hình ảnh vị tu sĩ, có vẻ như là những cuốn sách Đạo Phật khác. Đối với một người bình thường cầm vào cuốn sách thì đây là một cuốn sách khá hấp dẫn.
Cầm 2 cuốn sách trên tay, đọc 2 trang đầu tiên của cuốn “Mở rộng tâm”, cũng chưa có gì để nói. Bắt đầu từ trang 3 trở đi, rồi trang 4, trang 5 và đến nửa cuốn sách, mình đã thấy những điều vô lý, khác hoàn toàn với giáo lý của nhà Phật, phía sau cái vỏ cuốn sách đạo Phật là một nội dung nhiều phần phỉ báng đạo Phật, tự khen ngợi cái đạo do ông ta tìm ra. Xin viết lại trong bài viết này, hy vọng có thể giúp nhiều bạn đọc chưa từng đọc các cuốn sách của ông Duy Tuệ có thể tránh và cẩn thận hơn trong việc lựa sách, khi mà hiện nay trên thị trường ngập tràn vô số các sách, về tất cả các lĩnh vực.
Trang 10: Cho nên trước khi muốn tụng kinh trước hết ta phải suy nghĩ xem tụng để làm gì hoặc tìm đến vị thầy để tìm hiểu việc này nhằm mục đích gì? Nếu bảo rằng tụng kinh được phước đức thì quý vị hãy thử tập cho con nhồng tụng kinh xem có được phước hay không?
Trang 12: Ví dụ, đáng lẽ trước khi lên chùa tụ kinh phải chu toàn việc gia đình rồi mới đi, đằng này cứ bỏ bừa mà đi nên bị chồng con phiền trách, sau đó lại đổ thừa do tụng kinh Diệu Pháp Liên Hoa mà đổ nghiệp. Phật nói “nghiệp” cũng nhằm an ủi chúng sinh trong lúc đang khổ, chứ thực ra nếu suy xét tĩnh tâm ta thấy rõ mọi việc dẫn đến đau khổ là do chúng ta thiếu hiểu biết… Do đó, nếu học Phật mà cứ nói chuyện nghiệp thì chẳng bao giờ tiến bộ.
Trang 13: Ngoài ra, những điều Đức Phật thường rao giảng xưa nay là tạm thời cốt để cho mọi người yên tâm chứ chưa phải là cái cốt lõi.
Trang 20: Hầu hạ chư Phật là gì? Có nghĩa là lúc nào cũng phải nghĩ tới điều này.
Trang 23: Đôi khi chúng ta nghe những lời rao giảng: “Hãy bỏ vọng theo chân, bỏ cái sinh diệt mà theo cái trường tồn”. Thật ra, tôi chưa thấy ai “bỏ vọng theo chân” cả, còn những người khuyên Phật tử bỏ vọng theo chân thì chính họ lại thâu tóm vọng! Một ly nước đậu nành có đầy đủ chất béo bổ dưỡng thì ko phải là ảo mà là thực.
Trang 26: Và đạo Phật chính là đạo Thiền.
Trang 30: Chính vì lẽ ấy mà đôi khi tôi suy nghĩ, nếu nói rằng mình theo đạo Phật thì cũng chưa hẳn là đúng hoàn toàn, chi đúng ở phần hình tướng và tâm thức thô.
Trang 34: Là vì Phật ở cõi thuần khiết, hễ ai cần gì Phật cấp cho cái đó. Con cá lòng tong muốn ăn cái gì thì Phật phóng cho, cá chép muốn ăn gì Phật cũng phóng cho, cá Kình muốn ăn gì Phật cho cái đó… Từ cõi thuần khiết, Phật phóng vô lượng thực phẩm cho tất cả chúng sinh… Phật cứ việc cung cấp thức ăn cho đầy đủ. Ở cõi thuần khiết, chỗ vô lượng thực phẩm ấy, Phật chia thực phẩm cho chúng sinh ăn mãi không bao giờ hết.
Trong cuốn sách “Khai mở đạo tâm”, NXB Văn hóa Thông tin xuất bản năm 2009, ngay phần mở đầu của cuốn sách, ông còn tự nhận mình là bậc đại trí tuệ, tài ba: “Rõ ràng, qua thực tế của cá nhân thầy sống hơn 10 năm bình yên, an lạc và trí tuệ liên tiếp phát sinh ra mỗi ngày để thầy viết, thầy giảng, làm tất cả ngày đêm cho quý đệ tử của thầy cũng như bá tính học hỏi, mở tâm, mở trí…”
Những cuốn sách của ông Duy Tuệ thật sự nguy hiểm cho những người chưa hiểu nhiều về Đạo Phật, với những cái nhìn và phân tích rất lệch lạc của ông, độc giả có thể hiểu Đạo Phật theo những nội dung viết sai lạc đó.