Trang chủ Quốc tế Giáo hội Phật giáo Việt Nam hỗ trợ Giáo hội Phật giáo...

Giáo hội Phật giáo Việt Nam hỗ trợ Giáo hội Phật giáo Lào vượt khó

78
Thượng tọa Thích Minh Quang. (Ảnh: Trần Xuân Sơn)

Hiện Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang tiếp tục vận động phật tử trong nước tiếp tục quyên góp để hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với không chỉ các chư tăng Lào mà cả các chư tăng Campuchia.

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, sáng 24/4, tại thủ đô Viêng Chăn, Thượng tọa Thích Minh Quang, Trụ trì chùa Phật Tích thủ đô Viêng Chăn, đã trao 1.000 thùng mỳ cho Giáo hội liên minh Phật giáo Lào.

Đây là tấm lòng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhằm hỗ trợ các chư tăng, Phật tử Lào vượt qua khó khăn hiện nay khi chính phủ phải áp đặt lệnh phong toả đối phó với dịch bệnh COVID-19.

Thay mặt chư tăng Lào, Hòa thượng Bounma Simaphome, quyền Chủ tịch Giáo hội liên minh Phật giáo Lào, đã cảm ơn Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh đã luôn đồng hành cùng các chư tăng, Phật tử Lào; luôn quan tâm, chia sẻ những khó khăn trong thời điểm nhiều tỉnh/thành của Lào thực hiện phong toả do dịch COVID-19.

Nhân dịp này, Hòa thượng Bounma cũng cảm ơn các chư tăng, Phật tử Việt Nam tại Lào đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với chư tăng, phật tử Lào trong suốt những năm qua, nhất là khi dịch COVID-19 bùng phát.

Thượng tọa Thích Minh Quang cho biết hiện Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đang tiếp tục vận động phật tử trong nước tiếp tục quyên góp để hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với không chỉ các chư tăng Lào mà cả các chư tăng Campuchia.

Bên cạnh đó, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Lào cũng mong nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng người Việt tại Lào để giúp các chư tăng Lào vượt qua những khó khăn do thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 của chính phủ.

Được biết, Phật giáo Nam tông là quốc giáo ở Lào. Chư tăng tại đây vẫn duy trì hạnh trì bình khất thực vào buổi sáng, tín đồ dâng cúng vật thực lên chùa vào mỗi buổi trưa.

Tuy nhiên, do thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, người dân hạn chế ra khỏi nơi cư trú. Trong khi đó, các chùa tại Lào không có nhà bếp và cũng không lưu giữ nhiều vật thực, vì vậy, đại dịch đã ảnh hưởng đến đời sống hằng ngày của chư tăng ở đất nước này./.

Phạm Kiên – Thu Phương (TTXVN/Vietnam+