Ngoài những ngày này ra thì rất ít người đi Chùa Hương (từ tháng 4 đến cuối năm, trừ các ngày mồng 1 và ngày rằm). Nhưng chúng tôi- những người ưa khám phá, lại thích cái khác người ấy.
Chùa Hương mùa không hội vắng vẻ và yên ả. Không ồn ào, xô bồ, chen lấn giữa biển người, khung cảnh lúc đó mới thật là “bầu trời cảnh bụt” như Chu Mạnh Trinh từng tả. Bạn sẽ được thong dong ngắm mênh mông trời đất, tận hưởng cái bình yên vốn có nơi cửa chùa.
Từ Hà Nội, thẳng đường Hà Đông, Ba La, chừng hơn một giờ đồng hồ là bạn đã đến địa phận huyện Mỹ Đức. Hành lý bạn mang theo cho chuyến đi này chỉ nhẹ nhàng với đồ ăn trưa và nước uống. Cách Chùa Hương khoảng 2km chúng tôi đã “được” săn đón bởi vài người nhà thuyền, với lời mời gọi lo trọn gói, chỉ việc đưa tiền cho họ sau khi kết thúc hành trình.
Nhưng từ chối lời mời của họ, chúng tôi thẳng tiến đến bến thuyền bên sông Yến, mua vé trực tiếp từ ban quản lý và thoải mái chọn một chiếc thuyền để đi. Vì đi vào mùa không lễ hội nên cái không khí và cảm giác đầu tiên mà chúng tôi đặt chân đến bến thuyền thật khác lạ so với những lần đi Chùa Hương vào mùa hội. Không đông đúc, ngột ngạt khó chịu, thay vào đó là một không gian thoáng đãng, thưa vắng. Có 6 người đi nên chúng tôi chọn thuyền nhỏ và chắc chắn để đảm bảo độ an toàn khi đi trên sông. Đặc biệt là chị lái đò vui tính, nhiệt tình, không kì kèo, chèo kéo khách. Mùa hội thì hầu hết du khách sẽ đi tuyến chính: tuyến Hương Tích: đền Trình – chùa Thiên Trù – động Tiên Sơn – chùa Giải Oan – đền Trần Song – động Hương Tích. Nhưng vì đi vào dịp này nên chúng tôi đã chọn đi thêm tuyến phụ khác: tuyến Thanh Sơn: chùa Thanh Sơn – động Hương Đài và tuyến Tuyết Sơn: chùa Bảo Đài – động Chùa Cá – động Tuyết Sơn.
Tuyến đi Thanh Sơn xưa nay vốn không quá nhiều thuyền bè qua lại, cộng thêm mùa không hội nên suối dày đặc rong. Chúng tôi cũng không vội, cứ để thuyền chậm chạp mà đi. Đường lên động Hương Đài khá quanh co, thuyền phải đi sâu vào trong các hẻm núi, theo những lối mòn, leo qua khoảng hơn trăm bậc đá thì tới cửa động. Từ đây có thể phóng tầm mắt bao quát cả một vùng thắng cảnh Hương Sơn trùng điệp núi non. Trên vách núi, những gốc mơ cổ thụ bám chặt vào đá, khung cảnh nơi này hoang sơ khác hẳn với hai bên bờ suối Yến. Nghỉ ngơi ăn trưa, 6 người chúng tôi tiếp tục rong ruổi đi Tuyết Sơn – Bảo Đài. Đây cũng là một trong những điểm di tích ít người đi.
Phàm là người dân sống ở Hà Nội, hẳn sẽ có một lần bạn đến với chùa Hương, nhưng khi đến với thắng cảnh này, chưa chắc bạn đã đến chùa Bảo Đài. Những người có mặt trong chuyến hành trình hôm đó đã sững sờ trước vẻ đẹp của ngôi chùa cổ nằm sâu trong các dãy núi điệp trùng.
Chùa Bảo Đài là chặng cuối cùng trong hành trình khám phá danh thắng Hương Sơn. Dọc đường trở ra, chiều đã buông trên dòng Yến Vĩ. Chỉ mất một ngày chúng tôi đã khám phá được 3 tuyến tham quan khu du lịch Chùa Hương và mỗi tuyến lại có một vẻ đẹp và bí ẩn riêng. Chị lái đò, bạn đồng hành, cũng là hướng dẫn viên hẹn, khi nào trở lại, chị sẽ đưa chúng tôi đi thăm tuyến: chùa Long Vân – động Long Vân – hang Sũng Sàm…Chúng tôi hẹn chị trở lại vào mùa không lễ hội năm sau.