1) Vấn đề
Cùng với sự gia tăng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam, khách du lịch nước ngoài đến thăm các chùa ở Việt Nam từ thành thị đến những vùng cao nguyên hay duyên hải xa xôi ngày càng nhiều, nhất là những ngôi danh lam, cổ tự.
Quan điểm của các chùa đối với hiện tượng gia tăng khách du lịch nước ngoài đến chùa có khác nhau. Có chùa thì hoan nghênh, nhiệt thành đón tiếp. Nhưng có chùa thi dè dặt, thậm chí không hoan hỷ, không muốn đón tiếp khách du lịch nước ngoài, vì không ít trong số khách du lịch nước ngoài, mà phần lớn đến từ phương Tây, theo các tôn giáo khác, đến chùa chỉ vì sự tò mò. Vì vậy, có khi họ đi giày dep vào chính điện, trang phục thiếu kính đáo…
Theo chúng tôi, thì dù thế nào đi nữa, cổng chùa cũng phải mở rộng cửa đón tiếp khách du lịch dù trong hay ngoài nước. Bởi lẽ đơn giản, nhà chùa không thể nào đóng cửa chùa, xua đuổi khách du lịch. Mà nếu đuổi khéo hay tiếp một cách không thiện cảm, thì còn tệ hại hơn nữa.
Ở đây, cần nhận thức vấn đề với tinh thần “không đổi được hướng gió thì tất phải đổi hướng buồm”, hay nói theo nhà Phật, là “tùy thuận chúng sinh”.
2) Đón khách du lịch nước ngoài thăm chùa như thế nào?
Đến chùa, khách du lịch nước ngoài quan tâm, không chỉ là phong cảnh, kiến trúc, nghệ thuật bày trí tạc tượng, mà còn là các biểu hiện văn hóa khác, có tính phi vật thể, như nghi lễ, sinh hoạt tôn giáo. Thường thì họ không được đáp ứng đầy đủ, vì thời gian thăm chùa thường chỉ rất ngắn, chỉ kịp lướt qua cảnh trí, hay đáng quý hơn, thắp cây hương xá Phật.
Đây là điều đáng tiếc, vì mỗi một người khách đến chùa, dù là khách du lịch nước ngoài chính là mỗi cơ hội hoằng pháp. Mỗi khách thập phương trong đó gồm cả khách du lịch nước ngoài, nên được coi là những Phật tử niềm năng.
Như vậy, đón khách du lịch nước ngoài thăm chùa nên được thực hiện như là một hoạt động hoằng pháp nhắm đến đối tượng cụ thể này. Chúng tôi tạm gọi đây là hoạt động hoằng pháp cho người nước ngoài tại chỗ.
Hoằng pháp cho người nước ngoài tại chỗ có thể tiến hành bằng nhiều phương thức và những phương thức đó có thể tiến hành đồng thời. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ nêu tổ chức phương thức khóa lễ dành cho khách du lịch nước ngoài đến thăm chùa.
3) Nghiên cứu biên soạn nghi thức khóa lễ dành cho khách du lịch nước ngoài
Thời điểm khách du lịch nước ngoài đến viếng thăm chùa ở Việt Nam thường là từ 8g đến 10g30 vào buổi sáng và chiều thì từ 14g đến 17g30. Vào khoảng thời gian này thì nhà chùa không có một thời công phu nào cả, trừ những trường hợp đột xuất.
Để cho du khách có dịp tiếp xúc tìm hiểu nghi lễ Phật giáo, chúng ta không thể tổ chức một hình thức nghi lễ có tính chất “trình diễn” được có chăng, đoàn khách du lịch kính thỉnh một khóa lễ cầu an theo đúng nghi thức Phật giáo. Khi đó, đoàn khách du lịch nước trở thành thanh viên tham dự khóa lễ với tư cách thí chủ.
Đây là một phương án giải quyết được yêu cầu được tiếp cận nghi lễ Phật giáo trong hình thức sinh động tránh được việc “trình diễn” nghi lễ, bảo đảm được vẻ trang nghiêm cho cuộc lễ, nhất là những người khách du lịch trở thành những thí chủ trong khóa lễ cầu an cho chính họ, tức đã là một thành tố tạo nên khóa lễ.
Tuy nhiên, thực tế, tuy dự được khóa lễ Phật giáo, xem được nghe được, nhưng do bất đồng ngôn ngữ, họ vẫn không hiểu được. Điều đó, làm giảm đi rất nhiều hiệu quả hoằng pháp.
Vì vậy, nên chăng, chúng ta nghĩ đến bước thứ hai, là nghiên cứu khả năng biên soạn nghi thức tụng niệm cầu an Việt – Anh vắt tắt, dùng cho những khóa lễ cầu an có sự hiện diện của khách du lịch nước ngoài.
“Nghiên cứu khả năng biên soạn”, chúng tôi xin nhấn mạnh điều này. Đó là nghiên cứu tiền khả thi, không phải bắt tay ngay vào thực hiện công việc.
Nghi thức khóa lễ cầu an rút gọn song ngữ Việt – Anh cần thỏa mãn yêu cầu:
– Phần tiếng Việt phải thể hiện một cách trung thực những nét chính của nghi thức Phật giáo Việt Nam, đáp ứng yêu cầu tìm hiểu, giao lưu văn hóa của khách du lịch nước ngoài.
– Phần tiếng Anh cử hành tiếp sau giúp khách du lịch nước ngoài hiểu được nội dung kệ, tán, kinh, sám… tiếng Việt, có tác dụng hoằng pháp đối với đối tượng này.
– Ngắn, vắn tắt, nhưng tiêu biểu, vừa giúp du khách nước ngoài cảm nhận được nghi thức Phật giáo Việt Nam, vừa giúp họ hiểu được nội dung khóa lễ, vừa phù hợp với thời gian họ thăm chùa, vừa tạo duyên cho du khách nước ngoài tham gia hành lễ.
– Có tác dụng hoằng pháp, tạo cho du khách nước ngoài những ấn tượng tốt đẹp về Phật giáo Việt Nam đưa họ đến gần hơn với Phật pháp, chủ động tham gia vào một sinh hoạt nghi lễ của Phật giáo Việt Nam, hơn là chỉ là người ngoài cuộc quan sát để thỏa mãn trí tò mò.
– Giải quyết được mâu thuẫn vừa giới thiệu được văn hóa phi vật thể Phật giáo Việt Nam, vừa tránh được tình trạng phải “trình diễn” nghi thức, du khách nước ngoài tiếp cận được nghi lễ Phật giáo Việt Nam nhưng không phải ở vị trí “khán giả”.
Phần tinh tuyển nghi thức cầu an tiếng Việt có lẽ là điều dễ dàng, dịch ra tiếng Anh cũng không khó. Cái khó khăn ở chỗ đọc tụng những bài tán, kệ, kinh văn, sám… dịch ra tiếng Anh như thế nào.
Việc tụng những bài kinh dịch từ tiếng Việt ra tiếng Anh không phải là điều hoàn toàn mới lạ.
Kinh nghiệm của Làng Mai có thể là những bài học tham khảo tốt trong việc ứng dụng.
Nếu việc sử dụng chuông mõ đối với phần kinh tụng tiếng Anh không thích hợp thì giọng tụng kinh theo phong cách Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam có thể là một tham khảo.
Xưa kia những vị cao tăng tiền bối phải băng rừng, lội suối vượt qua sa mạc, lênh đênh trên biển cả, tìm đến những người chưa tiếp xúc được ánh sáng Phật pháp, chịu cực khổ gian nguy để hoằng dương chánh pháp.
Ngày nay, có những người khách từ phương xa đến thăm chùa lễ Phật tạo ra cơ duyên để Tăng Ni Phật tử Việt Nam có thể hoằng pháp nhưng chúng ta không tìm cách đưa thuận duyên thành kết quả thiện pháp giúp bạn bè trên thế giới tiến tới gần hơn nữa ánh sáng nhiệm mầu của Đức Phật thì thật là điều vô cùng đáng tiếc, và trách nhiệm rõ ràng thuộc về chúng ta.
Vì vậy, một hình thức nào đó, mà nội dung đề cập trên đây chỉ là một gợi ý nhỏ, cần được xem xét khởi động.
Mong bạn đọc quan tâm đến vấn đề, đóng góp nhiều ý tưởng khác, là những phương thức để cùng hướng tới mục tiêu đã được xác định ở trên.
Hiện nay, số Tăng Ni có học vấn đại học, đồng nghĩa với việc đã có được trình độ tiếng Anh tương đối khá không phải là nhỏ. Hơn nữa, việc đọc đi đọc lại một bản kinh văn bằng tiếng Anh không phải là điều khó thực hiện ngay cả đối với người có trình độ tiếng Anh. Vì vậy, điều chúng ta hướng đến không phải là mơ ước, mà là một khả năng trong tầm tay nếu cố gắng.
MT