Trang chủ Diễn đàn Chấn hưng Phật giáo Hoằng pháp, vài góp ý

Hoằng pháp, vài góp ý

80

 

Muốn hoằng pháp có kết quả, thì người diễn giảng phải biết quần chúng muốn gì. Nhiều người chưa là Phật tử hoặc hiểu rất sơ đẳng về Phật học, lại gặp hoàn cảnh khó khăn vì thất nghiệp hoặc bệnh tật v.v.. mà người giảng quá cao hoặc thiếu thực tế như “đạo Phật là đạo giác ngộ giải thoát”… thì người nghe không muốn hoặc chưa cần phải giải thoát giác ngộ, chưa muốn thành Phật vì quá tầm tay với, mà cần phải đối trị với sự thiếu ăn thiếu mặc và nhất là bệnh tật đang hoành hành.  
 
Như thế, người diễn giảng hay vị trú trì nên có phương án. Nếu tìm được phương án thì thành công mà không thì thất bại. Và hiện nay, trên tổng thể, Phật Giáo đang thất bại; tín đồ bị cải đạo ngày càng tăng mà chúng ta thì, hình như, chưa có phương án cụ thể mang tính “chiến lược”, thực tế, hiệu quả và lâu dài theo tinh thần “Khế cơ, khế lý và khế thời”.
 
Có người bi quan cho rằng đạo Phật sẽ là một tôn giáo thiểu số trên quê hương, không phải là điều không thể xẩy ra, nếu chúng ta không có kế sách thực tế và cấp bách.
 
Trước lúc góp ý vài phương án hoằng pháp theo cái nhìn có thể rất chủ quan và phiến diện của mình, tôi muốn sơ lược vài phương cách truyền đạo của vài tôn giáo có mặt tại Việt Nam, để qua đó chúng ta thấy được ưu khuyết của mình và của người.
 
Hòa Hảo là một tôn giáo có ít tín đồ bị đổi đạo, vì phần lớn giáo lý được giảng diễn và lưu hành dưới dạng các bài vè, nên tín đồ sơ cơ dễ học, dễ nhớ những điều căn bản của giáo lý. Hòa Hảo cũng chú trọng việc tương tế nên tín đồ ít bị lung lay lúc gặp hoàn cảnh khó khăn.
 
Ki Tô. Lực lượng truyền giáo của Ki tô, nói chung, rất áp đảo, vì có huấn luyện, có tổ chức, có tiền, cuồng tín và ngoại bang hỗ trợ.
 
Tin lành, nói đúng là Phản thệ giáo (Protestantism). Có trên 250 giáo phái khác nhau. Khoảng một triệu tín đồ tại Việt Nam. Phần lớn giống như Thiên chúa giáo, nhưng Mục sư Tin lành ít học nên mức độ cuồng tín rất cao. Cũng như TCG, tín đồ TL cũng được dạy bảo làm sứ mệnh tông đồ, nghĩa là đi đổi đạo kẻ khác.
 
Thiên chúa giáo. Thờ thần Trời gọi là Thượng đế hay Chúa trời. Tín đồ khoảng 5-6 triệu. Thành phần truyền giáo có “bài bản” và khả năng cao, có khoảng 72 ngàn người (Wikipedia), gồm Giám mục, Linh mục dòng, Linh mục triều, sư huynh và thầy giảng. Nếu lấy số 6 triệu tín đồ chia cho 72 ngàn sẽ ra con số 83. Nghĩa là cứ 83 con chiên là có một người chăn đón.     
 
Mỗi con chiên, cũng như TL, được dạy bảo và có khả năng thực hiện sứ mệnh tông đồ, nghĩa là đi cải đạo tín đồ các tôn giáo khác, mà chủ yếu là tín đồ Phật Giáo.
 
Như thế, Ki tô giáo, không những chỉ có 72 ngàn “giảng sư” mà có thêm cả 6 triệu con chiên, cộng với 1 triệu tín đồ TL, là một lực lượng trên 7 triệu người sẵn sàng và có khả năng đổi đạo Phật tử.  
 
Cách dụ đạo của họ rất dễ. Bạn gặp khó khăn trong cuộc sống ư? Đến với hội “Thánh”, hội sẽ lo cho. Có 5 hoặc 3 triệu đồng hay vài chục kí gạo là sẽ có thêm một tín đồ mới. Lúc “cá đã cắn câu”. Họ sẽ hăm dọa phải đóng 10 % lợi tức hàng tháng cho nhà thờ, nếu không lúc chết Chúa đày xuống địa ngục. Điều đó cho thấy, những tân tòng bị cho vay quá nặng lãi. Một số người quá ngán ngẩm nên đã trở lại tín ngưỡng truyền thống của mình.
 
Giáo lý còn giản dị hơn. Tin Chúa, lúc chết Chúa rước lên Thiên đàng, không tin Chúa đày xuống địa ngục. Thật là giản dị. Mặc dù đây chỉ là những cái bánh vẽ, nhưng có bao nhiêu người biết được như thế?
 
Còn Phật Giáo, nhiều trường hợp giống như “ai chết mặc ai”. Nhiều chùa khôngban từ thiện, không tổ chức qu tương tế. Nên lúc một Phật tử bị “thất cơ lỡ vận” là lúc tín đồ ấy, nếu không giữ nổi lập trường, thì dễ bị đổi đạo.
 
Giáo lý thì “thậm thâm vi diệu, phải tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Khó quá! Và tâm lý chung của con người là lười biếng, ít thích đương đầu với thử thách chông gai; dễ thì giành, khó thì tránh. Lại thêm, gặp những bài pháp quá cao, “Đạo Phật là đạo giác ngộ, giải thoát, tánh không, duyên khởi v.v..”. Tín đồ sơ cơ chưa có tầm với tới, nên họ dễ bị lung lạc trước những tuyên truyền trông như thật của TL và TCG.
 
Ngoại trừ cuốn Phật pháp Bốn cấp của Gia Đình Phật tử (hơn 50 năm tuổi, chưa được tu chỉnh). Phật Giáo, hơn 2 ngàn năm qua, chưa chính thức có cuốn giáo lý căn bản được Giáo Hội chỉ đạo soạn thảo và ban hành cho tín đồ sơ cơ tu học. Mà chỉ mang tính tự biên tự diễn do một số quý Tăng Ni, hoặc cư sĩ, có lòng soạn thảo. Nhưng vì chưa có Giáo Hội chuẩn y hoặc giới thiệu nên việc phổ biến rất giới hạn. Bộ Phật học Phổ thông do cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa biên soạn, rất quý, nhưng quá cao đối với hàng Phật tử sơ cơ.     
 
Đó là lý do chính khiến nhiều Phật tử không hiểu căn bản giáo lý của Phật. Vì thế, lúc gặp hoàn cảnh khó khăn, hoặc hôn nhân khác tôn giáo, người Phật tử thường dễ dãi và hiểu sai rằng “tôn giáo nào cũng dạy con người làm lành tránh dữ”, nên họ dễ bị đổi đạo vì, thiếu gạo hoặc thiếu hiểu biết về giáo lý của ta và của người.
 
Phật Giáo Việt Nam hiện nay có khoảng 42 triệu tín đồ (theo Wikipedia), nhưng có bao nhiêu giảng sư? Theo thông tin của ban Tôn giáo Chính phủ là có 5 ngàn vị. Lấy con số 42 triệu chia cho 5 ngàn sẽ có 8400. Nghĩa là một giảng sư phải coi sóc khoảng 8 ngàn 400 tín đồ. Đây là chưa nói đến tình trạng có không ít giảng sư được đào luyện nhiều năm, nhưng chưa thể thực hiện nhiệm vụ của mình, nhiều vị khác thiếu “đam mê” hoằng pháp! Xem trên diễn đàn đại chúng, chúng ta thấy những vị có băng giảng hoặc có đi giảng, con số chỉ là vài chục chưa đến con số trăm, chứ nói gì đến số 5 ngàn.
 
Còn những cư sĩ có lòng và có khả năng thì chưa được Giáo hội Trung ương cho phép, chưa được giáo hội địa phương quan tâm thu dụng để, giúp các chùa chưa có trú trì, hay các làng chưa có chùa, hoặc các chùa có trú trì nhưng quý vị thiếu thì giờ hoặc thiếu sức khỏe, nên cần phải bổ sung nhiều cư sĩ phụ giảng tạm thời.
 
Nếu Giáo Hội không linh động các chương trình hoằng pháp mang tính đại tràng, phổ thông và thích hợp thì TCG và TL sẽ tích cực thay thế Giáo hội làm công việc ấy. Kết quả là, những cánh đồng hoang không ai trồng cây ăn trái thì, cỏ dại sẽ thoải mái không những mọc nhanh, mà còn mọc tốt và mang tính áp đảo.
 
Các nhà thờ, mỗi ngày Chủ nhật có vài khóa lễ, vì lễ một lần không đủ chỗ. Và nếu tín đồ nào vắng đi lễ chỉ một lần thôi là vị chủ chiên đã biết ngay.
 
Trái lại, vài vị trú trì của chúng ta, lúc bổn đạo khỏe mạnh hay đến chùa cúng dường thì Thầy Cô thường biết đến, nhưng có một số tín đồ bị đau ốm hoặc đã qua đời vài tháng rồi mà chùa chưa hay.
 
Các buổi lễ ngày Chủ nhật tại nhà thờ thì đông đảo. Còn nhiều chùa, Phật tử mỗi năm đi lễ Phật nhiều nhất là ba ngày: Tết, Phật đản và Vu lan. Còn lễ hàng tháng như mồng một và ngày rằm, rất lác đác!
 
Mỗi nhà thờ, thường có ban tương tế, ai ốm đau hoặc lâm chung đều có người an ủi giúp đỡ. Còn phía nhà chùa ít thấy dịch vụ nầy. Một số quý Thầy, quý Cô thấy được khuyết điểm nên đã than phiền rằng chúng ta nhận nhiều sự cúng dường của tín đồ, nhưng lại ít bố thí, ngay cả pháp thí!      
 
Tình trạng bi quan đến nỗi, một số Phật tử lúc gia đình có người lâm chung mà không tiền mua quan tài, nên nhà thờ đến “xin lo” trọn gói miễn phí, từ săng hòm đến lễ nghi chôn cất…Hậu quả là sau khi đám tang xong, cả gia đình đều đổi đạo! Những con chiên tân tòng nầy, không những hăng say dụ dỗ anh em họ hàng bà con đổi đạo, mà còn oán hận xuyên tạc tôn giáo cũ của mình!
 
Nghi lễ tại nhà thờ rất giản dị, ngắn gọn, có ghế ngồi thoải mái. Con chiên, nhất là giới trẻ, được khuyến khích bận y phục đẹp và hợp thời trang để dễ thu hút giới trẻ không cùng một tín ngưỡng. Người chủ tế, thường là Linh mục hay Mục sư, giảng diễn khoảng 15-20 phút. Sau đó đọc kinh cầu nguyện và hát Thánh ca. Vài tín đồ, nhất là các tân tòng, được mời lên phát biểu cảm nhận của mình trong thời gian qua, và trình bày lý do đổi đạo. Dĩ nhiên là được hoan nghênh nhiệt liệt và đề cao tột mức.
 
Còn chùa, trong cũng như ngoài nước, tín đồ phải ngồi hoặc quỳ trên nền gạch, hoặc xi măng. Nhiều người lớn tuổi không chịu nổi. Tuổi trẻ thì thường bận quần bó ống hay quần “thiếu vải” nên khó thích hợp lúc ngồi trên một điều kiện thiếu tân thời như thế.
 
Giáo hội PGVN cũng chưa có cuốn Nghi lễ chung cho tín đồ các chùa, nên nhiều chùa tự soạn nghi lễ riêng. Hệ quả là Phật tử chùa nầy khó hòa nhập các buổi lễ với chùa khác. Lễ lại thường quá dài, kinh có nhiều phần Hán tự, và nhiều bài chú, đa phần tín đồ không hiểu nghĩa và không hiểu tác dụng của các mật chú vì không được giải thích. Đó là chưa nói đến có nhiều vị trú trì quá trẻ, chưa được đào luyện chính quy, chưa quen giảng diễn ngay cả chưa quen nghi lễ.
 
Trên đây tôi chỉ đề cập đến con số 5 ngàn giảng sư. Theo thống kê, Phật Giáo Việt Nam có hơn 40 ngàn Tăng Ni. Với con số nầy cũng làm nhiều người có lòng với Phật Giáo cảm thấy bớt bi quan hơn tôi. Nhưng thực tế, phải thừa nhận rằng trong hơn 40 ngàn vị, chưa hẵn là tất cả đều đã được huấn luyện có trường lớp, có bài bản để biết cách đem đạo vào đời.
 
Một Linh mục thì phải trải qua ít nhất là 10 năm được đào luyện trong chủng viện. Sau đó học thêm các môn về tâm lý quần chúng, nghệ thuật diễn giảng…và một số môn mang tính khoa học, nhưng nhằm để đương đầu với những khác biệt giữa Thánh kinh và Khoa học. Và học cách vay mượn điều hay của tôn giáo khác làm của mình, và cũng để xuyên tạc tôn giáo ấy, mà chủ yếu là Phật Giáo.
 
Về Phật Giáo, nhiều nam nữ Phật tử trẻ đi tu không mang tinh thần “sơ tâm xuất gia” mà vì hoàn cảnh kinh tế gia đình. Cha mẹ không thể chu toàn đời sống kinh tế cho con nên đem đến chùa xin Thầy Cô giúp đỡ. Nhờ lòng lân mẫn của vị trú trì mà các em được chấp nhận xuất gia. Nhưng nhiều chùa cũng lại gặp tình trạng kinh tế khó khăn. Phương tiện học nội điển, ngoại điển trở nên bất cập. Sự cố nầy đưa đến một vấn nạn nan giải là có không ít Tăng Ni có tâm muốn tu học thành tài nhưng thiếu điều kiện và rồi sống lâu ra lão làng, cũng được thụ phong Đại đức, Thượng tọa, Hòa Thượng. Nhiều vị ra lập cốc, tạo chùa riêng, chức vị rất cao nhưng trí và đức chưa đạt, và nhiều vị chưa đủ khả năng hướng dẫn Phật tử của chùa tu học nói gì đến việc “Tác Như lai sứ, hành Như lai sự”.
 
Nhiều vị Tôn túc rất buồn cho vấn nạn nầy và nhận định, “không phải tre già măng không mọc, nhưng mọc xiêu vẹo thiếu nề nếp và chất lượng”.
 
Phải chăng, quý vị trú trì nên tùy phương tiện để nhận đồ chúng , huấn luyện và tạo điều kiện để những vị tân xuất gia có đủ khả năng và tinh thần “Thượng cầu hạ hóa” của một trưởng tử Như lai.
 
Trong lúc nhiều quốc gia Âu châu, tín đồ đi lễ nhà thờ chưa đến 10 %, thì tại Việt Nam, một số tôn giáo đã từng mang họa thực dân đến cho tổ quốc, nay lại có cơ duyên bành trướng làm xáo trộn truyền thống tâm linh và tín ngưỡng lâu đời của dân tộc.
 
Trên đây chỉ là một số thông tin tiêu biểu để chúng ta có thể rút ra một vài phương án, xem thử có thể áp dụng được cho hoàn cảnh Phật Giáo hôm nay?
 
1. Nhân sự.Trong các hành hoạt của Giáo Hội, nên chăng cần có sự tham gia của tất cả 4 chúng nhất là lãnh vực hoằng pháp. Cách đây 10 năm, 2002, nhân dự đại hội Phật Giáo toàn quốc tại Hà Nội, trong tham luận, tôi có nhận xét là tổ chức của GHPGVN như cái ghế một chân (vì chỉ có Tăng, còn Ni và hai chúng cư sĩ không có mặt), thì tự thân cái ghế chưa đứng vững được, nói gì đến việc phát triển. Ngày nay, nhân sự của Giáo Hội trung ương cũng như địa phương vẫn chưa được cải tiến nhiều lắm.
 
Như chúng ta thấy ở trên, TL và TCG có tổng số 7 triệu tín đồ và 72 ngàn “giảng sư”. Tất cả đều sẵn sàng và có khả năng làm sứ mệnh tông đồ để đổi đạo Phật tử!
 
Nhìn vào Phật Giáo, chúng ta thấy tình trạng hết sức bất cập. Ban Tri Sự Trung Ương của GHPGVN chỉ có vài trăm vị Tăng, mà một số, tuổi đã cao lại còn kiêm nhiệm nhiều chức!
 
Ban Tri Sự tại nhiều Giáo hội địa phương cũng tương tự. 5 ngàn Giảng sư, nhưng chỉ có vài chục vị theo đuổi nhiệm vụ. Còn thành phần cư sĩ có khả năng và tâm huyết, nhưng chưa thấy Giáo Hội cho phép tham gia việc phụ giúp hoằng pháp trước tình trạng tín đồ bị đổi đạo.
 
2. Sách giáo lý và nghi lễ: Giáo hội, phải chăng cần xuất bản một cuốn Giáo lý Phổ thông và một Nghi thức Tụng niệm cho hàng Phật tử sơ cơ? Cuốn Phật Pháp Bốn Cấp của GĐPT, nên chăng, cần được tu chỉnh sớm càng tốt?
 
3. Cơ sở vật chất: GiáoHội, hình như, ít quan tâmđến trường mầm non và nhà trẻ, còn các cơ sở khác như xây thêm nhiều chùa, nhiều am thất mà có chỗ đã bị lạm phát. Phải
chăng Giáo Hội nên quan tâm điều chỉnh?
 
4. Diễn giảng: Phải chăng? các bài giảng không những cần đúng với chánh pháp, mà còn phải đáp ứng tâm lý quần chúnghợp với thời đại khoa học tân tiến ngày nay.
 
Khoa học tiến thì tôn giáo lùi, nhưng Phật Giáo là một biệt lệ. Thật vậy, 50 năm qua, khoa học gia và y giới đã làm chứng thêm cho lời dạy của Phật là Thiền-Tịnh có khả năng làm cho đời sống con người có hạnh phúc hơn, mạnh khỏe hơn, thông minh hơn, đẹp hơn, sống lâu hơn, chống bệnh tật và lão hóa”.    
 
Chúng ta có nên vận dụng những lợi ích của phương pháp “Thiền -Tịnh” song tu vào việc hoằng pháp, cũng như góp phần vào chương trình canh tân đất nước?
 
5. Chùa: là nơi Phật tử có thể đến tu học, và phải là nơi để tuổi trẻ và các em GĐPT có chỗ sinh hoạt. Chùa nên có ban tương tế để bổn đạo có cơ hội giúp nhau lúc gặp những hoàn cảnh bất trắc. Chùa có nên mở các lớp Thiền và Tịnh cho việc chữa trị bệnh tật và nâng cao đời sống của dân chúng?
 
6. Chương trình hoằng pháp hiện đại: tôi nghĩ, nếu ban Hoằng pháp Phật Giáo mỗi tỉnh tuyển chọn khoảng 100 Tăng Ni và cư sĩ có trình dộ Phật học cao, tập huấn trong vòng một ngày là có thể sử dụng những khám phá mới của Khoa học về lợi ích của Thiền và Tịnh cho việc hoằng pháp, thì Phật Giáo sẽ đến nông thôn trong một thời gian rất ngắn, không quá vài tuần. Nếu mỗi tỉnh chỉ có 10 vị, thì thời gian sẽ nhân lên theo cấp số nhân, nhưng cũng sẽ đạt kết quả tốt trong vòng tối đa là 6 tháng. Ý kiến nầy, dĩ nhiên, là mang tính chủ quan, nhưng tự thân, trong gần hai năm qua, tôi đã thí nghiệm qua 40 địa điểm thuyết trình “Thiền – Tịnh và những lợi ích thiết thực” trong nhiều tỉnh và đô thị từ Nam ra Bắc.
 
Bên trên là vài bức tranh tiêu cực để, chúng ta không nên quá lạc quan về tình hình Phật Giáo xuyên qua lăng kính của những cơ sở vật chất hoành tráng và nhiều sinh hoạt ấn tượng đang có hiện nay.
 
Nhưng trong thực tế cũng phải thấy rằng, Phật tử Việt Nam đang thừa hưởng ân đức của chư Tôn Đức Tăng Ni trong cũng như ngoài ban Tri Sự Giáo Hội Trung ương, ân đức của ban Tri sự các tỉnh, quận huyện, xã thôn, ban Giám hiệu và ban Giáo thọ các học viện các trường Sơ cấp, Trung cấp và Cao đẳng Phật học, ân đức của chư Tăng Ni thầm lặng, quý vị trú trì, thiện hữu tri thức, các đoàn thể Thanh thiếu niên, GĐPT và Phật tử mười phương.
 
Bằng vào nhân sự và những yếu tố đáng quý ấy, cho thấy một ngày mai tươi sáng của Phật Giáo Việt Nam nằm trong tầm tay với.
                                                      
22.6.2012