Từ lúc đầu du nhập vào Việt Nam bằng con đường Tơ Lụa, Phật giáo Việt Nam nói chung, Phật giáo Nam tông nói riêng luôn thể hiện tinh thần Từ, Bi, Hỷ, Xả của đức Phật, tinh thần: Mahà Pariccàga (Đại thí: Thí con, thí vợ, thí máu, thí thân, thí mạng), của đức Phật khi Ngài còn là Bồ tát; Tinh thần đó được thể hiện xuyên suốt theo bề dày lịch sử hoằng pháp đồng hành cùng dân tộc.
Lúc đất nước hưng thịnh cũng như lúc suy, Phật giáo luôn gắn liền trách nhiệm của mình đối với đất nước, đối với dân tộc, chư tăng-phật tử thể hiện tinh thần Từ, Bi, Hỷ, Xả, tinh thần Mahà Pariccàga bằng những hành động cụ thể và thiết thực vào cuộc sống tu hành.
Rõ nhất là những lúc đất nước lâm nguy, đất nước còn bị chia cắt, người dân không cơm ăn áo mặc, bệnh tật không thuốc men chữa trị, chư tăng, phật tử không yên tâm tu hành, chùa chiền thì hoang tàn, đức Phật ở nhiều chùa không ai được vào để dâng hương, hoa quả … nên lúc ấy nhiều chư tăng dù có những ngày không một hạt cơm – một miếng cháo, có những ngày chỉ có cháo buổi sáng thì cũng cố gắng tu hành, hoằng pháp, động viên phật tử vững chắc tinh thần, tin chắc vào nhân quả rồi vượt qua khó khăn trong cuộc sống, cố gắng giữ chùa, giữ gìn phum sróc…
Và cũng có những vị phải xả thân, xả y cà sa để cùng đồng bào phật tử đòi lại ruộng đất, từng hạt lúa, hạt cơm để nuôi những người còn lại giữ gìn phum sróc và chư tăng cố gắng tu giữ chùa, dâng hương tụng kinh, niệm phật.
Đó là hoà thượng Tăng Phố (tức là Trần Phố), cùng với phật tử, Ban quản trị chùa Láng Cát chống Pháp và điền chủ cướp đất, phá chùa.
Tháng 6 năm 1894, Mật thám Pháp bắt Hoà thượng đày ra Côn Đảo cùng 22 phật tử, Ban quản trị chùa Láng Cát, Kiên Giang.
Sau khi HT. Tăng Phố bị bắt thì HT. Tăng Hô là thị giả thân cận tiếp tục sự nghiệp của ân sư, mật thám Pháp truy bắt, hoà thượng lánh về chùa Cù Là Cũ, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, rồi sau đó hoà thượng về chùa Giồng Cấm, thuộc tỉnh Hậu Giang ngày nay.
Ở đây được tổ chức Việt Minh giao cho Hoà thượng làm Chủ tịch Hội đồng Kỷ luật Sư sãi khu Tây Nam Bộ (tiền thân của Hội Đoàn Kết Sư Sãi Yêu Nước) và là Phó Chủ tịch Uỷ ban Hành chánh Kháng chiến Nam Bộ.
HT. Tăng Hô viên tịch, HT. Tăng Nê là học trò tiếp tục sự nghiệp và giữ chức vụ của cố hoà thượng để lại. Cùng thời đó HT. Sơn Vọng ở chùa Giồng Chuối, tỉnh Trà Vinh, hoà thượng được bầu vào chức Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam (UBTWMTGPMNVN), Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Hoà bình thế giới và cố vấn Ủy ban MTDT Giải phóng khu Tây Nam Bộ.
Đồng thời cũng có những vị Y Vàng phước điền của đức phật còn đắp chéo vai, nhưng không thể chịu nỗi khổ bởi nạn chết đói, chết bởi đòn tra tấn, bởi bom đạn…
Còn với đường tu hành theo đức Phật để giải thoát thì cũng không thể bỏ được, nên vẫn Y Vàng chéo vai lên đường tập kết ra Bắc hy vọng tìm được hạnh phúc cho dân tộc, cho chư tăng phật tử, tìm được sự bình yên cho phum sróc, cho quê hương, như : Đại đức Danh Chương ở Kiên Giang; Đại đức Châu Ngọc Ánh, Phó Trụ trì chùa Soay Xiêm Cũ, tỉnh Trà Vinh; Đại đức Sơn Wan Na Ri ở Vĩnh Châu, Sóc Trăng, Phó Trụ trì chùa Hoà Bình, tỉnh Bạc Liêu ngày nay; Đại đức Lý Xô ở Bạc Liêu; Đại đức Trần Trí ở Trà Vinh.
Năm vị đại đức là những chư tăng Nam Bộ, tiêu biểu tập kết ra Bắc và luôn được Bác Hồ quan tâm thường xuyên đến thăm động viên, Bác thăm hỏi chư tăng, đồng bào phật tử Nam Bộ, Bác biết năm vị là chư tăng Mahànikàya (Nam Tông Khmer), việc sinh hoạt hằng ngày như ăn uống cũng có những điều khác hơn các Thầy ngoài Bắc, nên sau giờ làm việc Bác thường đến thăm, Bác dành cho từng hộp sữa, gói trà, viên kẹo…để các vị dùng chiều tối có sức học tập.
Tinh thần sẵn có cộng với sự động viên của Bác, các vị ấy sau này đều là cán bộ giúp ích cho xã hội.
Pháp rút đi, Mỹ – Diệm bắt đầu bước chân vào cai trị Miền nam Việt Nam, Phật giáo nói chung, Phật giáo Nam tông (Mahànikàya) nói riêng lại phải hoằng pháp theo kiểu mới, nông thôn và thành thị thường bị chia cắt, chùa nông thôn thường bị nhiều bom đạn, đôi lúc đang hoằng pháp, sinh hoạt lễ hội thì phải xuống hầm tránh đạn, nhiều chư tăng bị bắt đi lính…do đó để hoằng pháp, cứu độ chúng sinh thì phật giáo Nam tông phải chia ra nhiều hệ phái: Theravada, Mahànikàya, Khemaranikàya, rồi đến Samàkum Bhrasang Sàmaggì Sneahàjàti (Hội Đoàn Kết Sư Sãi Yêu Nước).
Sau mùa hè đỏ lửa năm 1972, Miền nam Việt Nam lúc nào cũng sôi sục khói lửa bom đạn, chùa chiền nông thôn thì hoang tàn, phum sróc thì vắng lặng; để có đủ quân số, Mỹ- Nguỵ không những bắt con em phật tử đi lính mà còn bắt chư tăng phải cởi áo Cà-sa gởi lại với đức Phật rồi theo chúng cầm súng, giết hại nhân dân vô tội.
Chư tăng không cam chịu cảnh gia đình phật tử người thì mất chồng, người thì mất vợ, người thì mất cha lẫn mẹ, còn phum sróc thì điều hiu, có những chùa lúc nào cũng có tiếng kinh cầu siêu, bầu trời khói bom đạn hoà lẫn với khói hoả táng nạn nhân…cho nên lúc này tinh thần Từ, Bi, Hỷ, Xả, và Mahà Pàraccàgga (Đại thí) cùng tinh thần đại đoàn kết càng hiện lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết trong mỗi người phật tử xuất gia và tại gia.
Quá khứ Bồ Tát Sena Pandita (Bạch Thố) dùng thân, mạng của mình để cứu mạng sống một cụ già, ngày nay trước cảnh đau thương, chết chóc, tàn phá chùa chiền, bắt sư sãi đi lính của Mỹ-Nguỵ đã có rất nhiều vị noi theo gương cao cả của đức Bồ Tát, chư tăng phật tử không sợ súng đạn, cùng nhau đoàn kết thành một khối dưới ngọn cờ lục sắc lên đường biểu tình đòi Mỹ-Nguỵ thả chư tăng và con em phật tử, không được lụt soát bắn phá chùa chiền, bắt con em phật tử và chư tăng đi lính, phải tôn trọng phong tục tập quán, tôn trọng tiếng nói chữ viết, tôn trọng tự do tín ngưỡng…
Cuộc biểu tình kéo dài và lan rộng hầu hết các tỉnh Nam Bộ. Và đỉnh cao là ngày 10 tháng 6 năm 1974, tại tỉnh Kiên Giang (Rạch Giá), với sự vận động và dẫn đầu của chư tăng, chư tăng Hội Đoàn Kết Sư Sãi Yêu Nước, hơn hai ngàn chư tăng phật tử Khmer và một số đồng bào Kinh-Hoa tham gia biểu tình, bất chấp nắng mưa, bom đạn, hay kẽm gai.
Hồi ấy, chư tăng cao hạ, trung hạ, chư tăng già trẻ không ai nhắc ai, khlum Y vàng, đeo dèm, cầm dù, cầm Micrô phát thanh, cầm băng rôn biểu ngữ : “Phải trả tự do cho các vị sư bị bắt đi quân dịch”, “chấm dứt bắn phá chùa chiền, bắt sư sãi đi lính, giết hại đồng bào vô tội”, “Lập lại hoà bình, chấm dứt chiến tranh phi nghĩa”, “Tôn trọng tự do – tín ngưỡng, chống chính sách ngu dân, đồng hoá dân tộc” và “phải thực hiện nhân quyền và bình đẳng mọi mặt”; giới tử, học sinh thì sách nước, cầm dép, phật tử người sách túi chanh, người sách nước, cầm cây, người đi chợ, người đi ruộng cũng gia nhập đoàn biểu tình, người dân hai bên đường người thì dâng nước, người thì tham gia cùng đoàn chật kín đường lộ. Còn tín nữ, phật tử lớn tuổi không ai nhắc ai, người thì bơi xuồng, chèo ghe đem cơm nước, canh rau muống, rau ngổ, kho mắm, thuốc men từ các chùa nông thôn để dâng chư tăng và phật tử đoàn biểu tình…
Trong cuộc biểu tình bảo vệ Phật pháp, bảo vệ dân tộc và bảo vệ chính nghĩa này đã có 4 vị hy sinh là đại đức: Lâm Hùng, Danh Hoi, Danh Tấp, Danh Hom và 32 vị bị thương, các vị đã hành theo hạnh Bồ Tát để đổi lấy sự an vui cho nhân loại, sự bình yên cho đất nước, đổi lấy sự trường tồn cho Phật pháp.
Để phi tang, Mỹ-Nguỵ đã cướp lấy thi hài của 4 vị đưa về nhà xác tỉnh Rạch Giá, đem Y bỏ xuống biển, cho mặt bộ đồ đen, đặt 4 khẩu súng bên 4 thi hài, lãnh đạo đoàn biểu tình đấu tranh mãi mới đem được thi hài của 4 vị về làm tang lễ.
Lễ tang của 4 vị sư diễn ra trong mấy ngày đêm lúc đất nước vẵn còn khói lửa chiến tranh, thông tin truyền thông còn nghèo nàn, nhưng hàng chục ngàn lượt Tăng- ni, Phật tử Khmer – Kinh – Hoa trong và ngoài tỉnh đến hộ niệm.
Hạnh Mahà Pàraccàgga đại thí của 4 vị cũng như của đoàn biểu tình đã góp phần to lớn cho sự thành công trong công cuộc thống nhất đất nước, hạnh phúc của nhân dân, góp phần to lớn cho sự trường tồn của phật pháp. Đức Phật đã từng dạy: “Nhân thiện sẽ trổ quả lành. Nhân bất thiện sẽ trổ quả dữ”, thật đúng vậy, với tội ác của mình Mỹ-Nguỵ đã sớm tan biến như khói mây, bầu trời sáng chói đã phủ khắp đất nước Việt Nam thân yêu.
Hàng năm cứ đến ngày 10 tháng 6, Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, Ban dân tộc tỉnh và các ban ngành trong tỉnh và huyện – thị, Hội Đoàn Kết Sư Sãi Yêu Nước tỉnh và các huyện – thị, cùng khoảng trên 1.000 chư tăng- ni phật tử Khmer – Kinh – Hoa, học sinh- sinh viên- tăng sinh Kiên Giang, Tp Hồ Chí Minh tề tựu nơi tháp 4 sư liệt sĩ, tưởng niệm và ôn lại truyền thống ngày Mahà Jìvita Pàraccàgga đại thí mạng, Mahà Anga Pàraccàgga đại thí thân, là ngày hy sinh độc nhất vô nhị của Phật giáo nói chung và của chư tăng – phật tử Khmer nói riêng trong công cuộc bảo vệ phật pháp, bảo vệ đất nước và dân tộc.
Năm nay, quang lâm tham dự và chứng minh buổi lễ có sự hiện diện của Trưởng lão Hoà thượng Danh Nhưỡng, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh TW.GHPGVN, Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Kiên Giang, Chủ tịch Hội đoàn kết Sư sãi Yêu nước tỉnh, cùng chư tôn đức thường trực Ban Trị sự, thường trực Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh và huyện, thị, thành trong tỉnh và khoảng 500 tăng ni- phật tử trong tỉnh và Tp.HCM.
Đến dự lễ tưởng niệm về phía chính quyền có ông Nguyễn Thanh Sơn, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Kiên Giang; ông Danh Ngọc Hùng, Tỉnh uỷ viên, Trưởng ban Dân tộc tỉnh; ông Nguyễn Hoàng Oanh, Trưởng ban Tôn giáo tỉnh cùng các cơ quan ban ngành, đoàn thể tỉnh và huyện, thị, thành trong tỉnh với chương trình từ 16 giờ đến 17 giờ 30 gồm: Văn nghệ, giới thiệu thành phần tham dự, diễn văn của ông Bùi Công Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, Trưởng ban tổ chức ôn lại truyền thống ngày 10 tháng 6, cảm tưởng của chư tăng đại diện huyện Giồng Riềng, tặng quà cho 4 gia đình thân nhân của 4 vị sư và cảm tạ của ban tổ chức; buổi tối có khoảng 100 phật tử đến tụng kinh, sau đó xem văn nghệ.
Hồi ấy, chư tăng phật tử ai cũng tự giác, đoàn kết thành một sức mạnh tổng hợp, một tinh thần yêu chuộng hoà bình vững chắc dũng mãnh, biến những đau thương mất mát bởi đàn áp Phật pháp, bắn phá chùa chiền, bắt sư sãi và con em phật tử cho đi lính tham gia chiến tranh phi nghĩa …thành những hành động, thành hạnh đại thí cao cả của chư Bồ Tát, góp phần không nhỏ cho sự thống nhất đất nước, sự bình yên cho nhân dân và góp phần to lớn cho sự trường tồn của Phật pháp.
Là một thành viên ngày ấy, ước chi ngày nay và mai sau, mỗi người trong chúng ta, đang sống trong đất nước thanh bình, đang hưởng sự ấm no, hạnh phúc, hưởng sự bình yên an tâm tu hành, tự do sinh hoạt lễ hội-tín ngưỡng-tôn giáo, thì tất cả trong chúng ta ai cũng biết trân trọng đúng mức, xứng tầm với sự hy sinh và đại thí cao cả của hàng triệu thân mạng trong quá khứ, rồi biến ngày 10 tháng 6 hằng năm thành ngày giáo dục, bồi dưỡng tinh thần đại đoàn kết, tinh thần yêu chuộng hoà bình, mỗi người chung tay chung sức từ những việc nhỏ nhất như ngày ấy, góp phần bảo vệ và phát huy thành quả của cha ông và các bậc tiền bối đã để lại, được như vậy chúng ta mới không hổ thẹn với lịch sử, xứng đáng là người hiếu thảo (Katannù Katavedì ), là người xứng đáng thọ hưởng thành quả của các bậc hữu ân.
Và cần nhất là lớp trẻ hiện nay, đang sống trong bối cảnh đất nước đổi mới, hội nhập toàn diện, thách thức xen lẫn với cơ hội, thuận lợi xen lẫn với khó khăn, nhiều mặt trận, nhiều công nghiệp không khói đang và sẽ tác động mạnh mẽ đến môi trường sống, do đó người dễ ảnh hưởng nhiều nhất là lớp trẻ, là chủ nhân của đất nước, là chủ nhân của Giáo hội Phật giáo trong tương lai, rất cần và khao khát được sự vun bồi, chăm sóc từ các cấp lãnh đạo, các cấp quản lý và từ xã hội. Đức Phật đã dạy: “Quả hôm nay là cái nhân của quá khứ, Nhân tốt hôm nay sẽ là quả tốt trong tương lai”, Bác cũng đã từng dạy: “Vì sự nghiệp mười năm trồng cây, Vì sự nghiệp trăm năm trồng người”.