Trang chủ Tin tức TP.HCM: Đồng bào Khmer đến chùa làm lễ tắm Phật ngày tết...

TP.HCM: Đồng bào Khmer đến chùa làm lễ tắm Phật ngày tết Chôl Chnăm Thmây

PTVN - Chôl Chnăm Thmây là lễ hội mừng năm mới theo lịch cổ truyền của dân tộc Khmer. Chôl nghĩa là Vào và Chnăm Thmây là Năm Mới. Lễ Chôl Chnăm Thmây cũng là những ngày Tết của người dân các nước Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanma, Sri Lanka. Ngoài truyền thống Đạo Phật, người Khmer còn tin rằng mỗi năm có một vị thần trên trời (Têvôđa) được sai xuống để chăm lo cho cuộc sống và con người trong năm đó, hết năm lại về trời để vị thần khác xuống hạ giới.

474

Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ được tổ chức vào các ngày 14, 15 và 16/4 dương lịch. Là một cộng đồng dân tộc theo Phật giáo Nam truyền nên mọi sinh hoạt lễ hội của đồng bào Khmer Nam Bộ đều diễn ra tại chùa.

Mọi sinh hoạt lễ hội của đồng bào Khmer Nam Bộ đều diễn ra tại chùa

Chiều ngày 16/4, tại chùa Candaransi (quận 3) tổ chức lễ tắm Phật theo văn hoá truyền thống đón năm mới cho đồng bào Khmer đang sinh sống làm việc tại TP.HCM về tham dự.

Lễ bái Tam bảo trước khi vào nghi thức tắm Phật

Chứng minh buổi lễ, Hòa thượng Danh Lung – Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN, trụ trì chùa Candaransi đã hướng dẫn Phật tử tụng kinh an lành đầu năm mới và chia sẻ về ý nghĩa của lễ tắm Phật có tại các nước Phật giáo Nam truyền như: Campuchia, Lào, Thái Lan, Miến Điện, Srilanka.

Theo truyền thống, vào ngày thứ ba của tết Chôl Chnăm Thmây, sau khi đã dâng cơm sáng trưa cho các vị sư ở chùa, người ta làm lễ tắm tượng Phật bằng nước có ướp hương thơm, nhằm rửa sạch hết cái cũ, những bụi bặm của trần thế trong năm cũ, để bước sang năm mới với một thân thể sạch sẽ hoàn toàn mới.

Sau nghi thức tắm Phật, chư Tăng trong chùa cùng các Phật tử đã làm lễ sám hối những lỗi lầm trong năm cũ trước Hoà thượng Trụ trì và đảnh lễ xin thực hiện nghi thức tắm, rửa tay chân cho Hoà thượng nhằm thể hiện tinh thần tri ân đến bậc sư trưởng.

Sám hối là một nghi thức truyền thống tốt đẹp nhằm gội rửa tâm cho được trong sạch để bước sang năm mới

Tắm, rửa chân tay cho sư trưởng để thể hiện tinh thần tri ân, hiếu kính
Phật tử tắm, rửa tay chân cho chư Tăng và nhận lại sự chúc phúc

Cuối cùng họ phân tán về nhà làm lễ tắm tượng Phật thờ trong từng gia đình và tắm cho ông bà lớn tuổi trong gia đình, rồi chúc mừng cha mẹ, ông bà, dâng bánh trái để tạ ơn. Đến đêm họ tiếp tục cúng bái làm lễ và tổ chức các cuộc vui chơi cho đến khuya mới chấm dứt.

Trong ba ngày Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer Nam bộ, bà con Khmer còn đi thăm hỏi, mừng tuổi năm mới cho nhau, chúc nhau sức khỏe, cuộc sống yên vui, phát đạt. Các thanh niên nam nữ tổ chức hát múa vui chơi các trò chơi dân gian tại chùa.

Trước đó, vào sáng sớm ngày 14/4, chư Tăng tại chùa đã tiến hành nghi thức đón mừng chư thiên năm mới (Maha SongKran).

Theo quan niệm truyền thống, vị thần cai quản năm nay là Mondeadevi (con gái thứ tư của Đại Phạm Thiên Kapila) sẽ gia hộ cho đất nước được bình an, người dân Khmer có cuộc sống ấm no và hạnh phúc.

Một số hình ảnh ngày lễ hội:

người ta làm lễ tắm tượng Phật bằng nước có ướp hương thơm…
…nhằm rửa sạch hết cái cũ, những bụi bặm của trần thế trong năm cũ,…
…để bước sang năm mới với một thân thể sạch sẽ hoàn toàn mới.
Chư Tăng thực hiện nghi thức tắm Phật
Những vật phẩm tốt đẹp nhất được dùng để cúng dường lên Đức Phật
Dùng nước có ướp hương thơm để tắm tượng Phật
Tôn kính, biết ơn nhớ Đức Phật, đồng thời gột rửa mọi điều không may của năm cũ, bước sang năm mới, mọi sự như ý.

Chư Tăng chùa thực hiện nghi thức sám hối trước khi thực hiện tắm cho Hòa thượng trụ trì
Hoà thượng rảy nước chúc phúc đến chư Tăng và Phật tử
Tôn kính sư trưởng
Xin phép được tắm, rửa tay chân cho Hoà thượng
Hành động thể hiện sự hiếu kính
Tắm, rửa chân tay cho sư trưởng để thể hiện tinh thần tri ân, hiếu kính
Tinh thần tri ân, báo ân
Tết Chôl Chnăm Thmây là lễ hội cổ truyền có ý nghĩa đặc biệt, là dịp đồng bào dân tộc Khmer đón mừng năm mới, thêm tuổi, thêm may mắn
Phật tử tắm, rửa tay chân cho chư Tăng và nhận lại sự chúc phúc

 

Các cận sự nam thường xuyên nhắc nhở các người nữ không được chạm vào thân thể của chư Tăng. Đây là hành động ý nghĩa nhằm hộ giới cho chư Tăng của người Phật tử.


Anh Quốc