Trang chủ Quốc tế PGVN Hải ngoại Đạo Phật trong cộng đồng Việt kiều tại Thái Lan

Đạo Phật trong cộng đồng Việt kiều tại Thái Lan

75

Việt kiều có mặt tại Thái Lan
 
Dân tộc của một quốc gia luôn gắn bó với quê hương đất tổ, khi phải ra đi vì lý do kinh tế, buôn bán làm ăn, hay vì lý do chính trị, thay đổi triều đại, hay bất cứ một lý do nào khác đều hướng về quê cũ với niềm hoài vọng cố hương.
 
Vào năm 1781, một đoàn người Việt đến Thái Lan được ghi nhận là nhóm người Việt đông đảo nhất do Vua Gia Long cùng đoàn tùy tùng hướng dẫn, đã đến Thái Lan lánh nạn chính trị, số đông dân chúng trong đoàn đã ở lại hòa nhập với một số người Việt sang Thái vì nhiều lý do khác trở thành cộng đồng Việt kiều trên đất Thái, luôn hướng về Việt Nam, mang theo Đạo Phật Việt Nam, đạo hiếu nghĩa thờ cúng ông bà, xây dựng những ngôi chùa mang hình ảnh ngôi chùa làng thân thương trên đất Thái.
 
Cũng chính cộng đồng Việt kiều trên đất Thái đã hỗ trợ người Việt Nam, tham gia đấu tranh vì tổ quốc thời nhà Nguyễn, thời cách mạng tháng 8-1945, và đặc biệt ưu ái nuôi dấu, cưu mang, tạo điều kiện cho Bác Hồ tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa Mác-Lê chuẩn bị huấn luyện cán bộ hình thành tổ chức cách mạng Việt Nam trên đất Thái.
 
Như vậy, khi nói về Đạo Phật trong công đồng Việt Kiều tại Thái Lan phải nói đến ba dấu ấn quan trọng:
 
– (1) Đạo Phật trong Đoàn người Việt theo Vua Gia Long sang Thái Lan,
 
– (2) Dấu ấn văn hóa Phật Giáo Việt qua các ngôi tự viện, cách thờ cúng, dòng tu Phật giáo Việt Nam, Annamnikaya, Việt tông
 
– (3) sự kiện Bác Hồ được Phật giáo Việt Nam tại Thái cưu mang trong thời kháng chiến.
 
Đạo Phật trong đoàn người theo vua Gia long sang Thái Lan 
 
Trong đoàn người Việt đi với vua Gia Long, có nhiều người theo đạo Phật. Đối với người Việt theo đạo Phật, ngôi chùa trong tâm trí họ là hình ảnh chùa làng êm ả, thanh tịnh, là hình ảnh trong tâm cảm của mỗi người về lý tưởng con đường thoát khổ và tình yêu quê hương ( Mái chùa che chở hồn dân tộc- Nếp sống muôn đời của tổ tông ) hai ngôi chùa do cộng đồng Việt kiều thành lập đầu tiên vào khoảng 1776. Sau đó, hai ngôi chùa kế tiếp được xây dựng khi vua Gia Long còn trên đất Thái, vào khoảng 1782, triều đại Rama. Vua Yodfah chulaloke- Rama I (1782-1809) đã ban sắc đặt tên cho dòng Phật giáo của người Việt trên đất Thái là Annamnikaya. Annamnikaya có từ thời đó vẫn mãi lưu truyền và phát triển cho đến hôm nay (Vua Rama IX) và mai sau.
 
Theo sử liệu người Thái gọi vua Gia Long với tên gọi vừa kính nể vừa thân thiện Ong Ziang –Sue (Ông Thiên Tử). Người Việt trong đoàn tháp tùng vua Gia Long đứng ra xây chùa Việt đầu tiên trên đất Thái là Ong Ziang-Zun (có người nói đó là Tôn Thất Thuyết).
 
Dấu ấn văn hóa Việt qua các ngôi tự viện Việt Tông Annamnikaya
 
 Một trong hai ngôi chùa đầu tiên của cộng đồng Việt kiều được xây dựng trên đất Thái là chùa Hội khánh Wat Mongkornsamagom tại Bangkok (có nơi gọi là Mongalasamagom).
 
Từ đó, nhiều ngôi chùa mang hình ảnh ngôi chùa Việt Nam trên đất Thái được xây dựng, tính đến nay đã có 15 ngôi chùa.
 
Ở Thủ đô Bangkok có 7 ngôi: Wat Kusolsamakorn (Chùa Phổ Phước),Wat Ananamnikayaram ( Chùa Quảng phước), Wat Lokanuckor ( Chùa Từ Tế), Wat Samananamborihan ( Chùa Cảnh Phước), Wat Upairadchabamrung ( Chùa Khánh Vân), Wat Chaiyapummikaram ( Chùa Tỉ Ngạn),  Wat Mongkornsamakom ( Chùa Hội Khánh) .
 
 Ở Miền nam Thái Lan có 7 ngôi chùa : Wat Thamkhounoy (Chùa Khánh Thọ), Wat Thawornwararam (Chùa Long Sơn), Wat Khednabunyram, Wat Mahayankanchanamadrabamrung, Wat Annamnikaya (Chùa Tam Bảo Công), Wat Upaipatikaram ( Chùa Khánh Thọ), Wat Thawornwararam Hadyai  Và 01 chùa ở Đông bắc Thái Lan : Wat Sunthonpradid ( Chùa Khánh An ).
 
Theo một thông tin  khác cho biết có thể có 18-19 chùa đã xây dựng và 15 chùa đang xây dựng. Hầu hết các chùa Việt trên đất Thái đều được vua Thái sắc phong. Hiện tổng số các tu sỹ trong Annamnikaya Việt tông vào khoảng 500 vị. Văn phòng của Việt tông đóng ở Học Viện Tăng Già Phổ Phước, do Tăng trưởng Annamnikaya là trụ trì chùa Phổ Phước điều hành. Annamnikaya luôn là chỗ dựa tinh thần của cộng đồng người Thái gốc Việt từ hơn 200 năm qua. Đặc biệt kiến trúc chùa có hình mái chùa cong, màu ngói đỏ, có hình rồng (khác hình rồng Thái). Các bảng hiệu, hoành phi, trướng liễng, kinh sách còn viết chữ nho, bên cạnh phiên âm tiếng Thái. Riêng chùa Hội Khánh có bảng tiếng Việt. Cách bài trí bên trong phỏng theo chùa Việt ở quê nhà, khác với chùa Thái, theo kiểu Tiền Phật Hậu Thánh, và thờ nhiều tượng Phật và các vị Bồ tát, có nhà tổ thờ cá vị tổ sư tiền nhiệm. Mỗi năm có 2 lễ lớn là lễ đầu năm âm lịch tết Nguyên Đán và lễ hội ngày rằm tháng bảy Vu Lan báo hiếu. Cộng đồng Việt kiều Thái ngoài việc thờ Phật, còn thờ cúng tổ tiên, ông bà cha mẹ đã qua đời.
 
Chùa Việt trên đất Thái thuộc Annamnikaya có những nét phải theo Luật quốc gia dành cho tu sỹ Phật Giáo Thái Lan. Chùa không có điệu, chú tiểu, chỉ có sa di dưới 20 tuổi, và tỳ kheo nếu tu sỹ trên 20 tuổi. Các sa di được đào tạo theo chương trình của Bộ Giáo dục Thái. Các sa di sau khi tốt nghiệp học viện được tiếp tục học trong các trường Trung cấp Phật học hoặc đại học, nếu đủ tuổi sẽ được thọ cụ túc giới, nếu không tiếp tục làm tu sỹ sẽ trở về gia đình làm thiện tín. Các tu sỹ, vào mỗi buổi sáng sớm phải quấn y đi khất thực như các tu sỹ Phật giáo Thái Lan. Do số tu sỹ Việt tông giới hạn nên việc các ngôi chùa tổ chức cho các tu sỹ giảng pháp, làm công tác xã hội có giới hạn.
 
Năm 2002, Trường đại học Đại Trí ra đời, tên đầy đủ là trường đại học Đại Trí Văn Thù, của Việt tông Annamnikaya tổ chức chiêu sinh giảng dạy giáo lý Bắc truyền
 
Nhìn chung hệ thống chùa Việt, người Thái gọi là Wat Yuon, thuộc Việt tông , được tạo dựng trang nghiêm thanh tịnh, luôn tấn tu và động viên người con Phật Việt kiều xa quê an tâm làm ăn sinh sống trên đất người, nhận đất người làm quê hương thứ hai. Sự tin tưởng của cộng đồng Việt kiều Thái được tăng trưởng và vững vàng một phần lớn nhờ ân đức của chư tôn đức, tăng chúng đang hành trì ở các chùa Việt tông. Trong các vị này phải kể đến Hòa Thượng Thích Kính Chiếu, tăng trưởng Annamnikaya, đã trực tiếp hoặc hỗ trợ xây dựng các ngôi chùa Việt, lập trường học giáo dục tăng ni từ tiểu học đến đại học… Hòa thượng Bình Lương trụ trì chùa Việt Tông Từ Tế là người đã cưu mang Bác Hồ trong suốt thời gian từ tháng 7 đến tháng 11/1929 . Hòa thượng Bình Lương còn được cộng đồng người Việt ở Thái gọi là cụ sư Ba. Ông sinh năm 1882 tại xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Tên thật của nhà sư là Phan Ngọc Đạt…
 
Bác Hồ được Phật giáo Việt Nam tại Thái cưu mang trong thời kháng chiến
 
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, tháng 7-1928, Bác Hồ từ Đức sang Thái Lan tìm đường giải phóng dân tộc, lấy tên Thầu Chín, hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước ở các tỉnh Udon Thaini, Phi Chit, Sakon Nakhon… trước khi về ở tại bản Na- Chock của tỉnh Nakhon Phanom. Hiện nay có di tích Nhà Bác Hồ ở bản Na-Chok, tỉnh Nakhon Phanom.
 
 Bác Hồ đã đi khắp bản làng có Việt kiều để mở lớp huấn luyện, tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin, khơi dậy lòng yêu nước trong Việt kiều, xây dựng được đội ngũ quần chúng trung kiên của cách mạng. Nhiều cán bộ cốt cán đã trở về tham gia  cách mạng tháng 8-1945. Trong đội quân liên minh Việt – Lào chống thực dân Pháp.
 
Năm 1929, Thực dân Pháp ra lệnh cho mật thám Pháp  phối hợp với cảnh sát Thái quyết truy lùng ráo riết tìm bắt Bác hồ tại Thái Lan. Để có thể tiếp tục sự nghiệp cách mạng, Bác ẩn mình trong một ngôi chùa trên đất bạn. Theo hồi ký bà Đặng Quỳnh Anh (một Việt Kiều Thái Lan) viết, lúc ấy, Bác từ U đon đi bộ 70km đến huyện Sa Vàng (tỉnh Sa Côn) mất 1 ngày. Sau đó, Bác từ Sa Côn lên Băng Kok (cách đó hơn 600km) và vào chùa Từ Tế vào thời gian trên. Bác Hồ phải cạo đầu, mặc áo cà sa giả làm sư và ẩn dật trong ngôi chùa này. Sau thời gian trên, Bác hồ mới rời Thái Lan sang Thượng Hải, rồi sang Hồng Kông.(Trần Dân Tiên (1975),“Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” NXB Sự Thật ) .
 
Sự việc trên cũng được minh chứng bởi hình ảnh Bác mặc áo cà sa vàng. Bức ảnh này từng được Hội Việt kiều Thái Lan tại Uông Bí tặng cho Hội Việt kiều Hà Nội. Tại khu lưu niệm về Hồ Chí Minh tại U đon Tha Ni của Thái Lan cũng có treo một bức ảnh Bác Hồ trong trang phục áo cà sa tương tự.
 
 Hơn một năm hoạt động ở Thái Lan, cuối năm ấy, Bác lại sang Trung Quốc, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3-2-1930, tại Cửu Long, Hương Cảng. Một tháng sau Bác trở lại Thái Lan, xây dựng tổ chức đảng trong Việt kiều.
 
Sự kiện trên cũng làm tăng thêm tình nồng ấm giữa cộng đồng Việt kiều Thái theo đạo Phật với người Việt yêu nước ở quê nhà.
 
 Kết Luận
 
Để có một cái nhìn chung cuộc về Đạo Phật trong cộng đồng Việt Kiều Thái, không ai không nhận thấy, Phật giáo Việt Nam của người Việt di cư sang Thái hoàn toàn hội nhập được với nếp sống sinh hoạt tôn giáo, tập tục của người Thai Lan từ lâu đời. Các vua Thái,Vua Sãi của Thái đều thừa nhận Việt tông Annamnikaya. Việt tông qua hơn 200 năm đã xây dựng và phát triển tông phái hợp với thời đại, tuy còn nhiều bất cập số sư sãi chưa đáp ứng bao quát hết nhu cầu phục vụ tâm linh cho người Phật tử Việt kiều Thái trong tu học giáo lý Phật đà.
 
Đặc biệt, Đạo Phật trong cộng đồng Việt kiều Thái, trong lịch sử phát triển của mình đã không ngừng nêu cao tình đoàn kết, thương nhớ tổ quốc, thương yêu giúp đỡ người yêu nước, đóng góp công sức tích cực trong cách mạng kháng chiến vì dân tộc và an ninh quốc gia.