Trang chủ Diễn đàn Ngôi chùa giữa thủ đô không có Phật đản!

Ngôi chùa giữa thủ đô không có Phật đản!

604

Chùa to cảnh lớn


Chùa Hà, tên chữ là Thánh Đức tự, ở thôn Bối Hà, xã Dịch Vọng, Huyện Từ Liêm, nay là phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy – Hà Nội, thuộc về phía Tây của kinh thành Thăng Long xưa. Nơi đây nổi tiếng là một vùng quê văn hiến của xứ Đoài.


Tương truyền, chùa được xây dựng bởi một gia đình làm nghề gốm phát tài, quê ở Bối Khê, nay còn lưu lại lăng mộ ông bà chủ được thờ phụng sau chùa.


Vua Lê Thánh Tông (nửa sau thế kỷ XV), thuở còn bé chạy loạn Nghi Dân có ghé qua chùa này trú ẩn lánh nạn. Chữ Thánh Đức có lẽ do vậy mà có được.


Tới nay chùa còn lưu giữ được một số cổ vật rất có giá trị như quả chuông đúc năm Cảnh Thịnh thứ nhất (1793), cao 1,3 mét, đường kính miệng 0,73 mét, trên đó có bài minh do nhà Nho Nguyễn Khuê soạn, phản ánh được hơi thở của thời đại Tây Sơn. Trong chùa còn có một lư hương bằng đồng từ thời Lê Thánh Tông và nhiều tượng, đồ thờ có giá trị về lịch sử và nghệ thuật.


Bên phải chùa là ngôi đình Hà rất to đẹp, mới làm lại toàn bằng gỗ quý, thờ nhị vị thành hoàng là Triệu Chí Thành và Chu Lý – các tướng của Triệu Việt Vương (thế kỷ VI) có công chống giặc Lương. Đình và chùa kết hợp với nhau thành một khu di tích, được quản lý và điều hành bởi một tiểu ban.


Đây còn là di tích Cách mạng được xếp hạng, do là nơi hội bàn của Thành uỷ Hà Nội chuẩn bị cướp chính quyền, tháng Tám năm 1945.


Chùa Hà đã trải qua nhiều lần trùng tu, xây dựng. Diện mạo quy hoạch và kiến trúc ngày nay là kết quả của mấy đợt hưng công gần đây. Hết sức khang trang, bề thế, hoành tráng: Tam quan, thượng điện, nhà mẫu, phương đình, hành lang, sân, hồ, tường bao, nhà khách; tượng, đồ thờ, v.v, đều được thiết kế tinh xảo, chế tác từ các loại vật liệu gỗ, đá quý hiếm, đắt tiền, theo lối cổ. Tổng kinh phí xây dựng, tu tạo, sắm sửa cho cụm di tích chùa – đình Hà trong mươi năm qua phải tới nhiều chục tỷ đồng. Được biết toàn bộ kinh phí xây dựng là tiền thập phương công đức khi đến cầu cúng tại đây.


Dân chúng truyền tụng đây là nơi  rất linh thiêng (nhất là cầu duyên). Khách thập phương coi đây là một địa chỉ “đỏ” khi đi cầu tài, cầu lộc. Vào dịp ngày rằm, mùng một hàng tháng, nhất là dịp Tết và rằm tháng Bảy thì đông vô kể. Cứ gọi là “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”.


Bên ngoài cổng chùa, dọc theo phố Chùa Hà, các dịch vụ trông xe, bán đồ lễ, viết sớ, khấn thuê “được hưởng lộc”, bung ra, rất “phát tài”. Đương nhiên, doanh thu tính bằng tiền thu được từ đa dạng các dịch vụ, trong đó phải kể đến tiền “công đức thập phương” cũng càng ngày càng lớn. Và liên quan đến tiền thì có rất nhiều vấn đề phát sinh.


Người viết bài này cho rằng: tịnh tài do thập phương tín thí cúng dàng Tam Bảo cần phải được sử dụng hoàn toàn trong cả Phật sự, Pháp sự, Tăng sự. Và chủ thể điều hành việc đó không ai khác, mà phải là và chủ chốt là các vị sư – người đại diện duy nhất cho Tăng bảo trụ trì thế gian. Mọi tổ chức hay cá nhân, dù nhân danh bất cứ ai và theo đuổi bất cứ mục đích nào, nếu phủ nhận vai trò của Tăng chúng thì đều là phi Pháp.


Tam Bảo ở nơi đâu?


Sáng thứ ba, ngày13/4 năm Đinh hợi, trước Phật đản 2 ngày, người viết bài này đã tới chùa Hà và đã ở đó 3 giờ. Mắt được chiêm ngắm nhiều nơi, tai được nghe nhiều chuyện từ khách đi lễ, các già chấp tác, các cụ ông trong tiểu ban di tích, v.v. Nghe và ngẫm kỹ, tôi giật mình thấy ra, chùa Hà là chùa mà lại không hẳn như thế! Hay nói các khác, đây là một ngôi chùa cá biệt, rất đáng trăn trở.


Được biết trước năm 1954, ở chùa Hà đã từng có sư trụ trì. Nay trong nhà mẫu có thấy ban thờ Tổ ở gian cạnh. Có cả tượng và ảnh. Nhưng sau đó, đặc biệt cho tới bây giờ thì tuyệt nhiên không có bóng dáng của ngôi “thế gian trụ trì Tam bảo”!


Trao đổi với các cụ trong tiểu ban di tích – những người cao tuổi được cắt cử ra trông coi chùa thì được biết, chùa Hà không có và không cần sư, chỉ cần tiểu ban di tích và trên là UBND phường là đủ: chùa vẫn được xây dựng khang trang, khách vẫn đến cầu cúng nườm nượp, tiền nong được quản lý chặt chẽ, v.v. Như vậy thì cần gì sư cho phức tạp!!!


Một cụ có trách nhiệm cho biết, đã có vài vị sư có nguyện vọng về trông coi chùa nhưng các cấp không đồng ý, vì thấy không cần thiết. Nếu sư về thì chắc gì đã xây dựng được bề thế như bây giờ, sẽ giải quyết vấn đề kinh tế và “quyền” quản lý như thế nào? tốt nhất là giữ nguyên hiện trạng!


Nghe vậy, người viết bài này không còn biết nói gì trước “cái gọi là lý” đó.


Còn tín đồ thì sao? Logic tất yếu là ở chùa Hà không có Phật tử theo gần đúng nghĩa của từ đó, hay nói đúng hơn là chỉ có Phật tử dưới dạng tha hoá của nó.


Rất đông khách thập phương, trong đó có một phần không nhỏ là sinh viên học sinh, đến đây để cầu xin tài, lộc, tình duyên, quan chức, v,v. Lễ vật họ mang đến là những thứ phổ biến, trong đó đặc biệt nhiều là tiền (âm và dương). Vào những ngày tuần thì hàng tạ tiền âm phủ và đồ mã được đốt, khét lẹt cả một vùng trời. Muốn ngăn cũng khó mà được.


Việc truyền Pháp tại đây tuyệt nhiên vắng bóng. Giáo lý nhà Phật ở đâu có ai cần biết?


Trong Đại điện, chư Phật, chư Bồ tát được thờ tự cùng với cơ man nào là hòm công đức, đủ các kích cỡ to, vừa, nhỏ; với các chất liệu: thùng xi măng, thùng gỗ, thùng sắt, thùng kính. Chúng há miệng để đón tiền ở tất cả mội chỗ tiện tay nhất, gợi cảm nhất!!! Theo cách đếm số học thì, chùa Hà có tới gần 30 thùng “công đức”. Phản cảm không biết chừng nào!


Muốn xem Phật đản thì đi nơi khác!


Chỉ còn hai hôm nữa là đến Phật đản mà ở chùa Hà tuyệt nhiên không thấy động tĩnh gì. Không một panô, một thông báo, một băng rôn… Chùa khá vắng vẻ.


Trao đổi với một cụ bà chấp tác tại chùa:


– Thưa cụ, sắp đến Phật đản, chùa ta làm lễ tắm Phật chưa ạ?


– Phật đản à? ở đây không có Phật đản! Tắm Phật à? ở đây ngày nào chúng tôi chả lau chùi! Muốn xem lễ Phật đản thì đến chùa Thọ Cầu (gần đó) mà xem, ở đấy mới có sư!


Rồi dường như sợ tôi không hiểu nổi lý luận ngắn ngủi đó, cụ nói tiếp:


– Bác không thấy chùa này đẹp à? đã mấy chùa được như ở đây, một tay dân gây dựng đó. Bộ mặt khu di tích càng ngày càng khang trang, riêng xây tường bao quanh khu đình, thế thôi mà những hơn 800 triệu đồng đó! khách thập phương cứ gọi là đến nườm nượp…


Cụ còn nói nhiều, nhưng tôi không còn muốn nghe nữa. Ôi! Biết nói gì đây? Chùa Hà được coi là chùa lớn ở đất Thăng Long ngàn năm văn vật, đã được không biết bao nhiêu tờ báo, bao nhiêu cuốn sách viết bài ca ngợi, coi là một ngôi chùa nổi tiếng!


Từ cái nhìn Phật giáo, ai đồng ý, ai không đồng ý đây có phải là một ngôi chùa hay không, tôi làm sao mà biết được. Trước mùa Phật đản, suy tư về chùa Hà và những ngôi chùa như thế, sao trong lòng tôi bỗng thấy trăn trở quá!


Xin chia sẻ cùng độc giả một số hình ảnh thuận nghịch ghi được ở nơi đây ngày 13 tháng Tư âm lịch, năm 2007.



Tam quan chùa Hà, vẫn bình lặng như mọi ngày, không thấy có bóng dáng băng rôn, cờ Phật giáo, đèn lồng mừng Phật đản.


Chỏng chơ chiếc xe chở rác trong sân chùa


Chùa Hà được lưu truyền trong giới sinh viên là nơi cầu tình duyên rất thiêng. Ngày rằm, mùng một, nơi đây đông chật sinh viên, nam thanh, nữ tú. Lẽ ra, đây có thể là nơi rất tốt để hoằng pháp, đưa đạo Phật đến với giới trẻ. Thế nhưng, đây chỉ là nơi tốt nhất để thu tiền công đức


Hòm công đức đặt khắp mọi nơi, mọi chỗ












Những người đi lễ chùa này có thể được lợi lạc gì cho đời sống tinh thần và đạo đức?