Trang chủ Diễn đàn Kỳ vọng của một khán giả gửi truyền hình An Viên

Kỳ vọng của một khán giả gửi truyền hình An Viên

45

 

Sự xuất hiện kênh truyền hình Văn hoá Phương Đông đầu tiên ở Việt Nam (truyền hình An Viên) là niềm vui cho người Việt nói chung, và khán giả truyền hình nói riêng. Bài viết này, với tư cách là khán giả xem truyền hình, xin được chia sẻ góc nhìn của một Phật tử.
 
Ngày nay, các bạn trẻ làm truyền hình có ưu điểm năng động, nhiệt huyết và sáng tạo. Với một kênh truyền hình Văn hóa Phương Đông, đòi hỏi các bạn trẻ phải trau dồi những gì ngoài kỹ năng, nghiệp vụ? Các bạn trẻ cần hành trang gì để làm ra những chương trình khác biệt, sâu sắc?
 
Sự sâu sắc bắt đầu từ những tình huống giản dị được ứng xử nhân văn, đạo đức trong cuộc sống; Sự sâu sắc của mỗi con người phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nói gần thì đó là Tâm hồn và Trí tuệ; nói xa thì đó là Phúc và Đức. Sự sâu sắc có mạch nguồn từ những giá trị Văn Hoá Phương Đông.
 
Văn hoá Phương Đông, Văn hóa Phật giáo, nó không nằm ở hình tướng tôn giáo, mà thẫm đẫm vào hồn dân tộc Việt Nam hàng nghìn năm rồi. Văn hóa Á Đông là gì? Văn hóa làng xã là gì?  Hồn Việt là gì? Là sự giao thoa, hoà quyện Nho – Lão – Phật. Từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống, ví dụ hình ảnh ăn cơm ngồi khoanh chân, xếp bằng… hàm chứa trong đó cả giá trị Văn hoá Phật giáo; hình ảnh đôi đũa tre chứa đựng triết lý sống Á Đông.  Hay hình ảnh cây lúa cũng hàm chứa triết lý Nho – Lão – Phật.
 
Giả thiết, nếu một phóng viên, biên tập truyền hình không thích giá trị truyền thống, hoặc không thích đạo Phật, thì người đó sẽ làm nội dung với tâm trạng đối phó, trám sóng? 
 
Theo tâm lý học, mỗi sản phẩm văn hóa được đưa ra đám đông  sẽ in dấu vết ý thức và vô thức của những người tham gia làm sản phẩm ấy. Do đó, sở thích, lối sống của cá nhân cũng in hằn dấu vết với sản phẩm ấy. Thiết nghĩ, việc sàng lọc sở thích, cá tính, lối sống lành mạnh và hướng thiện tưởng như không liên quan tới chuyên môn, nghiệp vụ, nhưng sự thực chúng có mối tương quan với  nhau.
 
Cách đây hơn 2500 năm, đức Phật đã dạy rằng:
 
“Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ ý tạo,
Nếu với ý ô nhiễm
Nói lên hay hành động
Khổ não bước theo sau…”
                                      (Kinh pháp cú)
 
Sự thực, việc phát huy tính sáng tạo, tinh tế, nhạy cảm có tỷ lệ thuận với tâm ý thanh tịnh. Trong một cuốn sách dạy phương pháp tư duy [1], các nhà khoa học phương Tây đã chứng minh, bộ não của chúng ta có khả năng sáng tạo tối ưu trong trạng thái Tĩnh. Họ ví bộ não như hộp số, gồm 4 số:
 
– Số 1 và 2 là tần số Tĩnh, giúp cá nhân có khả năng sáng tạo tốt.
 
– Số 3 và 4 là tần số Động, giúp cá nhân lý luận, giao tiếp, phản biện tốt.
 
Động và Tĩnh; Phương Đông và Phương Tây; Truyền thống và Hiện đại; Văn minh và Đạo đức.v.v…
 
Văn hóa nền của Việt Nam và tiểu văn hóa của thế hệ trẻ đang diễn ra không ngừng. Là sự hoà nhập Đông – Tây; Chọn lọc – Bảo tồn – và Phát triển? 
 
Hay là sự hoà tan, đánh mất gốc rễ truyền thống do sự bùng phát "văn hoá cá tính, văn hoá cái tôi" –  cái thứ văn hoá đi ngược chiều và phá vỡ các giá trị văn hoá Phương Đông. 
 
Trong kho tàng văn hoá Phương Đông, văn hoá Vô ngã của đạo Phật là đỉnh cao tinh hoa đặc sắc. Với góc nhìn nhập thế, tinh thần Vô ngã là trí tuệ sống vị tha, tận tuỵ, siêng năng, là sự trung thành, hay sự thuỷ chung. v.v…  Văn hoá Vô ngã là nhân ái, cống hiến, phụng sự cộng đồng, giúp đỡ tha nhân. Nói cách khác, văn hoá Vô ngã chính là chìa khoá gìn giữ sức mạnh dân tộc khi đất nước gian nan.
 
Ví dụ, sau hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của dân tộc Việt Nam, có lẽ người Tây phương sẽ không bao giờ lý giải được một điều “tại sao người Việt Nam thấp bé nhẹ cân, mà dám hy sinh anh dũng vì dân tộc?” Đơn giản vì đó là tinh thần Vô ngã thẩm thấu vào tâm hồn người Việt. Bởi văn hoá Vô ngã đã thẩm thấu trong nguồn mạch văn hoá dân tộc hàng nghìn năm.
 
Ví dụ, hình ảnh năm đứa trẻ đi mót điều, một trẻ ngã xuống mương, những trẻ kia lao xuống mương cứu bạn. Sự hy sinh quên mình trong giây phút ấy chính là tinh thần Vô ngã.
 
Xung quanh chúng ta, cuộc sống hàng ngày, vẫn luôn thấp thoáng đâu đó nét đẹp của văn hoá Vô ngã. Hình ảnh một học sinh cõng bạn bị bại liệt đến trường ròng rã hơn mười năm. Hình ảnh một vị bộ trưởng mỗi ngày chỉ dám ngủ bốn tiếng, vì tận tuỵ với việc nước.
 
Tinh thần Vô ngã là nền tảng phát triển trí tuệ, sâu xa hơn Vô ngã là nền tảng phát triển Phúc và Đức. Vì thế Phương Đông có truyền thống giáo dục cho trẻ em giữ kỷ luật, biết vâng lời. Hình ảnh đứa trẻ hiếu thảo, vâng lời cha mẹ, đó là đó là nét văn hoá gia đình ở phương Đông. Hình ảnh một đứa trẻ cầm điện thoại báo cảnh sát vì cha mẹ cản trở ý muốn của nó, đó là nét văn hoá gia đình ở phương Tây.
 
Văn hoá Phương Đông và văn hoá Phương Tây tuy có sự khác biệt nhau rất lớn, nhưng vẫn có những điểm giao thoa giống nhau, đó là sự cống hiến, phụng sự cộng đồng, giúp đỡ tha nhân.  Dù Đông hay Tây thì trí tuệ của nhân loại, lương tri của nhân loại luôn hướng đến Nhân ái – Dân chủ – Bình đẳng, và khao khát hoà bình thế giới.
 
Như vậy, Văn hoá Phương Đông là một kho tàng tinh hoa mà có thể làm chất liệu cho truyền hình.  Người viết bài này kỳ vọng rằng, truyền hình An Viên luôn là điểm sáng, mang đến cho công chúng những chương trình khác biệt và sâu sắc giữa trăm hoa đua nở của thị trường truyền thông./.
 
Bạch Tầm Xuân
 
 
 
Chú thích:
([1] ) Cuốn sách “Nghĩ thông minh, làm sáng suốt”.
Nguyên tác “Think smart act smart”
Tác Giả: Darren Bridger & David Lewis