Vốn là một bé trai nhút nhát, ít nói, sau được đào tạo chính quy trong trường nghệ thuật múa và theo chân biên đạo múa Trần Văn Lai tuyển vào Sài Gòn. Anh mang theo tiếng ra của mẹ xuôi Nam và thành phố không có mùa đông lại chính là cái nôi cho anh trưởng thành trong lĩnh vực âm nhạc. Đây là tài năng hay là may mắn? Có lẽ là cả hai và + + vài yếu tố khác nữa. Được trời phú cho một giọng ca ấm thuyết phục, học hỏi nhạc lý, tự luyện thanh là điều đương nhiên. Hùng đã tận dụng nó trở thành một tài năng trong cách thể hiện trên sân khấu thu hút khán giả.
Khán giả không chỉ nghe Hùng hát mà được ngắm nhìn vóc dáng đẹp như vẽ của anh, xem anh thể hiện từng bước nhẩy hay múa, từng đường nét đi lại tự tin dưới ánh đèn sân khấu.
Là một diễn viên sở hữu lưng vốn về nghệ thuật múa, nhưng Phi Hùng ít khi lạm dụng cái “vốn” ấy trên sân khấu. Anh muốn chinh phục người nghe bằng chính giọng hát của mình. Thỉnh thoảng mới thấy anh “rộng lượng” múa vài đường nét trong một bài hát nào đó, chỉ vậy thôi cũng để lại ấn tượng rất khó quên cho khán giả.
Mang lời hát của mình lan toả trên khắp các loại hình sân khấu, dù trên sân khấu đẳng cấp lộng lẫy với kỹ xảo đèn mầu, hay trên sân khấu mộc mạc quê mùa nơi xa ánh đèn đô thị hoặc trong một khoảnh trống mấy mét vuông trong chánh điện của một ngôi chùa thì với Hùng tất cả đều là thiên đường biểu diễn. Khán giả của anh có cả những nhà “tài phiệt”, có cả tuổi teen, những người nông dân chân đất, cả những đứa trẻ mặt mũi lọ lem cũng đều là những tri ân mà anh muốn dốc hết khả năng biểu diễn, là giá trị từng tấc lòng của anh dành cho họ.
Đến Cái Răng thành phố Cần Thơ, Hùng mê tít với đủ thứ trái cây ú ụ đầy ghe trên chợ nổi sông nước, Hùng chỉ muốn mua tất cả kho tàng cây trái về nhà.
Mỗi giải đắt đặt chân đến tạo trong Phi Hùng những buồn vui lẫn lộn. Qua giải đất phèn chua anh thấy xót lòng những mái nghèo trơ vơ trong vùng lũ. Cảm xúc đến nao lòng mênh mang màu xanh xứ dừa dưới vòm trời cao thẳm.
Bước ra khỏi nơi ẩn náu của mình, hoặc tạm rời gót sân khấu biểu diễn, bất cứ thứ gì lọt vào trong đáy mắt anh đều là những thuớc phim ghi nhận trong tâm thức, để rồi anh chọn lọc thành vần, thành ý, thai nghén thành những nhạc phẩm của mình. Như bài hát Người miền Tây mang đậm chất “e” nam bộ, dặt dìu, trữ tình dâng đầy cảm xúc với hình ảnh cầu tre lắt lẻo, thân dừa soi bóng đầu giang, gió đẩy giọng hò quện hương cây trái…
Ai mà né tránh được tuổi thơ? Tuổi thơ nào chẳng khờ dại, chẳng đôi lúc làm cho đấng sinh thành phải chau mày vì cái tính ương như ổi xanh của mình? Cậu bé Hùng cũng vậy. Có lần choai Hùng làm cho mẹ khóc vì không bảo được thói ương ngạnh của con. Mẹ buồn quá… khóc, choai Hùng cũng khóc. Đó là những giọt nước mắt ăn năn, từ đó Hùng tự nhủ không bao giờ để cho mẹ khóc nữa để chứng tỏ sự sám hối của mình.
Bước qua thủa “bang bang” mặc quần cụt thời nghèo khó cho đến khi khoác trên mình những trang phục “uy” như một “hoàng tử” lúc thành đạt, Phi Hùng không bao giờ quên tất cả những gì mình đã trải qua, coi đó như học phí cho anh thêm kiến thức đường đời. Với hình hài nho nhã “sặc mùi công tử”, nhưng trong anh lại ẩn chứa chiều sâu về nội tâm một cách sâu sắc. Mới trên 30 tuổi, xa lộ phía trước anh còn dài, chỉ với tài năng sẵn có và cái bằng ra nghề chưa đủ, Phi Hùng cần một cái bằng đại học nữa ngoài đời. Cái vốn ấy rất quan trọng để có thể thử sức trong các lĩnh vực nghệ thuật sân khấu, phim và sáng tác.
Là một người chưa có kinh nghiệm trên phim trường, năm 2003, Phi Hùng được mời vào vai Vũ Lâm nhân vật chính trong phim Hải Âu của Hãng phim TFS. Thường thì diễn viên có được bạn diễn giỏi sẽ giúp vai diễn thăng hoa lên nhiều cung bậc. Thế nhưng bạn diễn của Hùng là một cô bé vị thành niên chưa hiểu gì về điện ảnh lại bị khuyết tật thật ở ngoài đời. Nhân vật Vũ Lâm là một diễn viên bị cụt tay từ một tai nạn giao thông sau ngày tốt nghiệp ở Úc về. Tàn tật, người yêu bỏ, anh ra biển tự tử, xác dạt vào một hòn đão được ngư dân cứu sống. Khi Vũ Lâm gặp cô bé tàn tật, anh đã nén nỗi đau thể xác và tâm hồn để dìu dắt cô bé trở thành diễn viên múa trên sân khấu trong Chương trình biểu diễn dành cho người khuyết tật. Phi Hùng đã vào vai Vũ Lâm một cách ngọt ngào, anh bộc lộ cái đẹp sẵn có trong tâm đức của mình để diễn mà như không diễn, đã góp phần làm nên hồn cốt của bộ phim mang về giải Cánh diều bạc, riêng anh đoạt giải Diễn viên triển vọng.
Từ sau giải Diễn viên triển vọng, đã tạo thêm tự tin cho anh mỗi khi xuất hiện trước ống kính. “Hải âu” đã chắp cánh cho Phi Hùng bay cao hơn, anh đang sải cánh không mỏi trên mọi miền mang tiếng hát, mang tấm lòng từ bi đến với mái nghèo, đón nhận những bàn tay tuổi thơ không may mắn.
Phong cách sống giản dị nhưng lại kỹ tính trong công việc, Phi Hùng không quan trọng hoá mọi cái nhưng trân trọng tất cả những gì đến với mình. “Oai” trong một bộ comlet, thư sinh trong áo thun đơn giản, dễ thương trong bộ trang phục dân tộc, đó cũng là trang phục yêu thích mỗi khi anh có cơ hội khoác nó lên người.
Người viết bài này có lần hỏi: Nếu có một đạo diễn nào đó mời Phi Hùng vào vai tường cướp hoặc một vai quân phiệt thì có đảm nhận được không? Anh nói: “Phi Hùng sẵn sàng được thử sức vào những thách đố mới trong nghệ thuật điện ảnh. Được giao vào một vai có tính cách phức tạp là mơ ước của Hùng”. Hy vọng là các đạo diễn điện ảnh tin tưởng và tạo cơ hội mới cho Phi Hùng.
Biểu diễn và công việc nuốt chửng nhiều thời gian của Phi Hùng, nhưng anh vẫn dành khoảng thời gian phải có cho những hoàn cảnh nghèo, trẻ em khuyết tật v v… Phi Hùng gởi gấm tấc lòng ấy vào giai điệu của ca khúc Phép màu dành cho những thân phận thiệt thòi trong xã hội :
“… Một bàn tay ấm, tựa ngàn tia nắng.
Hãy mang trong đời tiếng yêu con người sẻ chia khó khăn
Để niềm đau lắng vơi. Bạn sẽ thấy như một phép màu.
Xung quanh ta không còn khổ đau.
Cuộc sống sẽ luôn xanh màu, khi một ngày ta biết nghĩ cho nhau.
Và hãy khắc ghi giây phút này. Đặt bàn tay lên một bàn tay.
Ta nghe hơi ấm tình người. Đang trào dâng trong trái tim mọi người.
Đem yêu thương nhân khắp thế gian.
Cho muôn nơi không tiếng oán than, cho em thơ vui tiếng hát vang, chào một ngày mới…”