Đoàn chúng tôi rời Hà Nội đến Thượng Hải và từ đó khởi hành đi Châu Sơn. Hơn 5 tiếng đồng hồ trên xe ô tô vừa tha hồ ngắm cảnh, vừa hồi hộp chờ mong về đất Bồ Tát. Và cuối cùng thì phà cũng chở chúng tôi ra đảo đến với PHỔ ĐÀ SƠN – Đạo tràng của Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát.
Những gì chúng tôi đọc và xem – giờ đây đã thật sự hiện ra trước mặt. Chùa Phổ Tế, Tháp Đa Bảo – những công trình được xây dựng từ thế kỷ thứ V. Cả đoàn sững sờ khi thực sự được có mặt tại Bất Khảng Khứ Quan Âm Viện – nơi ngài Quán Thế Âm Bồ Tát thuyết pháp và trú xứ. Chúng tôi thẫn thờ khi đến Trúc Lâm Tự – nơi Ngài đấu phép với Xà Vương. Cả đoàn thỏa thích ngắm, chiêm bái và làm lễ tại tượng đài Bồ Tát Quan Âm Nam Hải cao 33m.
Cũng tại Phổ Đà Sơn, chúng tôi đã thăm và chiêm bái Pháp Vũ Tự – nơi tu tập của ngài Thái Hư Đại Sư, vị tổ sư của Tịnh Độ Tông và đi cáp treo lên viếng thăm Huệ Tế Tự.
Điểm thú vị là khi chuẩn bị đến Phổ Đà Sơn, chúng tôi được thông báo là sẽ có bão. Tuy nhiên sáng hôm sau chỉ có mưa nhỏ rồi sau đó trời tạnh ráo. Cả đoàn mừng vui khôn xiết. Một thành viên trong đoàn nói rằng, bởi ngài Quán Thế Âm Đại từ Đại bi đã nghe thấu tâm can của 26 thầy trò, đã hiểu nguyện vọng của cả đoàn Việt Nam nên … làm cho trời quang mây tạnh!
26 thầy trò chúng tôi rời Phổ Đà Sơn để đi CỬU HOA SƠN – đạo tràng của ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát. Tại nơi đây, chúng tôi được viếng bái các ngôi chùa nổi tiếng như chùa Hòa Thánh, cung Bách Tuế. Cả đoàn rất xúc động khi viếng bái điện Nhục Thân – nơi bảo tồn nhục thân của ngài thiền sư Hải Ngọc, người đã dùng máu từ lưỡi của mình để viết kinh và hiện kinh vẫn còn được bảo tồn. Chúng tôi vô cùng ấn tượng với cung 500 La Hán.
Tôi khá bất ngờ về sự hùng vĩ và trang nghiêm của các ngôi chùa Đông Nha Thiền Tự – nơi Bồ Tát Địa Tạng tung áo cà sa xin đất xây Chùa,; Sơn Môn Tự, Đế Viên Tự. Tôi mải mê ngắm bức tượng ngài Địa Tạng cao đến 99 mét đang sắp hoàn thành.
Buổi sáng trước ngày rời Cửu Hoa Sơn tôi dạy rất sớm. Hơn 6h sáng tôi đi bộ đến khu hồ bán nguyệt và khoảng sân rất rộng phía trước Hóa Thành Tự và thấy rất đông người đang đi nhiễu quanh nền móng của 1 ngôi nhà cổ. Tôi cũng hòa vào dòng người. Hóa ra đó là tháp Lương Nàng được xây 8 góc và 7 tầng từ thời xa xưa thờ mẹ của Địa Tạng Vương Bồ Tát. Tháp Lương Nàng bị phá đi trong thời cách mạng văn hóa và chỉ có nền móng được giữ lại. Tuy nhiên đây là khu vực rất linh thiêng nên được các Phật tử làm lễ và đi nhiễu liên tục.
Cũng trong chuyến hành hương về đất Bồ Tát này, chúng tôi được thăm 3 thành phố lớn và rất đẹp của Trung Quốc là Thượng Hải, Hàng Châu và Tô Châu. Một số phật tử còn mua được cả quà quý từ mỗi miền đất như trà Long Tỉnh Tây Hồ, ấm pha trà Tử Sa, lụa Hàng Châu,… Và hầu như ai cũng thỉnh được kinh sách quý.
Bạn sẽ hỏi tôi, ấn tượng nhất của chuyến đi là gì. Tôi thành thật mà nói rằng, ở đâu, bất cứ chùa nào cũng được Đại đức Thích Minh Đồng và quý tăng, ni tổ chức lễ Phật, tụng kinh, trò chú và đi nhiễu Phật, Bồ Tát rất trang nghiêm và tôn kính. Rất nhiều Phật tử nước ngoài và địa phương cũng tham gia cùng đoàn. Tôi ấn tượng bởi 3 va ly đồ lễ mang từ Việt Nam sang bao gồm cả trái cây, bánh kẹo, hương thơm đã được đoàn dâng lên các chư Phật và chư Bồ Tát tai cả chục ngôi chùa trong suốt chuyến hành hương. Tôi rất vui bởi ai cũng hoan hỷ và có được cơ hội tu tập tuyệt vời.
Năm nay thầy trò chúng tôi về với đạo tràng của 2 ngài Quán Thế Âm và Địa Tạng Vương Bồ Tát, còn ngày 21/04 âm lịch năm ngoái, thầy Minh Đồng cho chúng tôi về Ngũ Đài Sơn và Nga My Sơn để chiếm bái và đảnh lễ đạo tràng của 2 ngài Đại trí Văn thù Sư Lợi và Đại hạnh Phổ Hiền Bồ Tát. Cách đây 2 năm, tức 2010 thầy trò chúng tôi đã về với Tứ Động Tâm đất Phật tổ Thích Ca Mâu Ni nơi Nepal và Ấn Độ.
Chuyến đi thật tuyệt diệu và tràn đầy năng lượng. Tôi mong đến sang năm 2013 để lại có thêm 1 chuyến hành hương ý nghĩa và tuyệt diệu nữa. Cùng thầy và bạn đạo./.
Thiện Đức Nguyễn mạnh Hùng – Công ty sách Thái Hà