Chị Trang Thị Ngọc Phượng thỉnh thoảng về Việt Nam không ngoài công tác từ thiện. Chuyến nầy có cả người anh là Trang Văn Sang và cô con gái Trang Thị Ngọc Hân. Trên chuyến bay Viet Nam airlines từ Canada về, 24 giờ vượt không gian bao la, chị về quê với một tâm nguyện Bồ Tát và một tấm thân bệnh hoạn.
Suốt tuần lễ qua, chị luôn canh cánh về những người có số phận kém may, vì thế mà thời gian dành cho việc chữa trị cũng không được thoải mái.
Chị Phượng là người em của sư cô Hương Nhũ. Chị hướng Đông em hướng Tây, thế mà hạnh nguyện “không đụng hàng” của hai chị em luôn nhịp nhàng hợp ý.
Phượng là người tài trợ để sư cô Hương Nhũ in ấn những bản kinh chữ nổi cho người Phật tử khiếm thị tụng đọc. Ngày đầu tiên ra mắt kinh cho người Khiếm thị, chỉ có ba người được nhận lãnh thì hôm nay, số người phật tử khuyết tật đã được gia tăng đáng kể. Chẳng những là kinh nhật tụng thông dụng, còn có những bộ kinh lớn thuộc đại tạng Bắc truyền như Pháp Hoa, Lăng Nghiêm… Đây là công việc truyền pháp cho người khiếm thị chưa từng có, vì thế, một công việc của một hạnh nguyện “không đụng hàng”.
Hàng năm số Việt kiều về nước làm từ thiện rất nhiều, đa số là tặng quà cho các vùng sâu vùng xa; một ít thực phẩm như thế đến với người nghèo khó chỉ đủ vài hôm, sau đó họ lại đối diện với nghèo đói; Việt kiều Ngọc Phượng và Việt Ni Hương Nhũ có một hướng đi để lại dấu vết sâu đậm sau bước đi tiên phong đó đối với người nhận quà – quà vật chất lẫn quà tinh thần.
Chính quà tâm linh mới là thực phẩm cần thiết để chuyển hóa đời sống của những người kém may mắn, thiếu ánh sáng như anh chị em khiếm thị – họ đã mất đi gần phân nửa giá trị cuộc sống, nhưng, sư cô Hương Nhũ đã có sáng kiến kết hợp cùng Ngọc Phượng bù đắp phân nửa mất mát đó, đem lại cho một số anh chị em vui vẻ, yêu đời hơn khi biết đọc tụng những bản kinh mà chưa ai làm được.
Cũng từ kinh điển của người khuyết tật, một số khuyết tật trở thành những Phật tử thuần thành, trường trai tu tập tự thân và còn xả kỷ lập hội Thiện nguyện chia sẻ những bất hạnh đối với chung quanh, kể cả thế giới của những người mắt sáng gặp lúc hoạn nạn.
Một ngọn lửa nhỏ, tiếp nối bởi một tâm nguyện lớn, để ngày nay, Thiên Quang Ni Tự biến thành "Tổ Đình" của những người khiếm thị có duyên với sư cô Hương Nhũ và chị Trang Thị Ngọc Phượng.
Năm nay, lần đầu tiên, ba trăm người từ những vùng lân cận đã hân hoan đến với chùa, dưới táng cây thưa của chùa, bóng mát của Tam bảo, tình cảm đạo vị của sư cô Hương Nhũ và có sự chứng minh của Ni trưởng Thích Nữ Huệ Giác – viện chủ tu viện Quan Âm, Biên Hòa, cùng chư tôn đức. Chị Phượng tuy mãn nguyện nhưng không dấu được nét mệt mỏi, hầu như tất cả những người có mặt hôm nay đều có một cảm nhận chung tấm lòng đạo đức của người con Phật không những ban phát mà còn chan hòa. Các em sinh viên cũng chung tay với chùa để có những phần cơm cho mọi người hiện diện.
Trong phần văn nghệ, các em nhỏ khiếm thị, tuy giọng chưa điêu luyện như các chị các cô lớn, đã làm xúc động mọi người không ít với nhạc phẩm: "Hãy đến với em" và "Lớn lên trong tình người" của thầy giáo Sim đồng cảnh ngộ. Các em trên dưới 10 tuổi, sử dụng nhạc cụ rất chuẩn.
Một số báo đài cũng có mặt để chứng kiến một việc làm hy hữu của người con Phật, tận mắt thấy được nỗi bất hạnh của thế giới mù lòa, họ nắm tay từng đoàn tăm tối đi giữa ánh sáng Phật pháp, họ gặp nhau một điểm chung là niềm tin tôn giáo, niềm tin tình người, vì thế, họ vẫn sống một cách an lạc yêu đời và đóng góp không nhỏ cho xã hội chúng ta, khi mà xã hội đang cuồng nhiệt tranh thủ làm giàu thì họ chỉ vừa đủ ăn.
Chẳng những thế, có những người bị kẻ sáng mắt gạt gẩm cướp từng xấp vé số trên tay họ, gây tai nạn cho họ rồi bỏ chạy. Có em bị mất chiếc đàn hàng chục triệu đồng, đó là tài sản quý báu mà các em phải vay mượn để kiếm sống qua ngày, còn vô số hoàn cảnh bất hạnh khác do người sáng mắt thiếu lương tri đem đến cho họ; nhưng tuyệt nhiên họ không hận thù oán than, không phải họ an phận trong cảnh tối tăm mà họ an lạc trong tâm của người con Phật.
Người con Phật mắt sáng đến với con người mắt tối để rồi biến họ thành những người sáng lòng. Họ đã được truyền ngọn lửa niềm tin nên họ thật sự đã sáng tâm hơn những người còn tăm tối không định hướng cho mình giữa kiếp ba đào.
Trời không cánh nhạn bay qua,
Nhạn in đáy nước xóa nhòa một khi.
Người con Phật làm việc thiện cũng thế, không muốn lưu lại dấu vết của thiện hạnh cho cõi đời vì danh, nhưng thực sự họ đã để lại dấu vết khó phai cho những mảnh đời bất hạnh, mà từ đó, nỗi bất hạnh đã biến thành lạc hạnh được lan tỏa rộng dần.
Các bạn khiếm thị cầu mong Tam bảo gia hộ cho chị Ngọc Phượng bệnh hoạn tiêu trừ, mong sư cô Hương Nhũ hoàn thành tốt trong những công tác hoằng pháp, và hy vọng "tổ đình" Thiên Quang sẽ khang trang để có chỗ cho các anh chị em khiếm thị đến tu tập mỗi tháng. Vì ngoài chị Ngọc Phượng, Thiên Quang đã trở thành bóng mát cho nhiều mảnh đời bất hạnh hiện nay.