Đây là phương pháp đem trái tim và khối óc để thực hiện lý tưởng bao đời của nhân loại với mong muốn đưa chúng thành hiện thực.
Với cốt lõi từ nền tảng ấy, một số triều đại ở các quốc gia như: vua Asoka ở Ấn Độ, triều đại Lý Trần ở Việt Nam, một số nhà vua ở Trung Quốc, Tây Tạng, Mông Cổ, Nhật Bản, Triều Tiên, Thái Lan, Lào, Campuchia, v.v… sau khi thống nhất đất nước đã lấy Phật giáo làm kim chỉ nam xây dựng hiến pháp và pháp luật cho quốc gia mình, cũng có nghĩa là xây dựng chế độ tôn trọng giáo dục, đề cao tinh thần nhân bản bình đẳng.
Sau khi Thái tử từ bỏ các loại tâm niệm về tham dục, sân hận, si mê, tâm không còn chi phối bởi các cảm giác buồn vui cá nhân, mà chỉ tập trung giải quyết vấn đề căn bản của cuộc sống.
Sau khi chứng Tứ thiền, một trạng thái không còn bị ràng buộc bởi các giác quan, Thái tử vượt qua thời gian và không gian, đi sâu quán chiếu về cá nhân, đạt được sự hiểu biết toàn vẹn về bản thân, tức là Minh thứ nhất (paṭhama vijjā) là Túc mạng tri (pubbe-nivāsânussati-ñāṇa), có khả năng nhớ lại vô số kiếp sống của mình về trước.
Trên cơ sở này, Thái tử tiếp tục hướng tâm về chúng sinh và quán chiếu họ có giống với những bản chất chung của mình không, thì đạt được Minh thứ hai (dutiya vijjā) là Hữu tình sinh tử tri (sattānaṁ cutûpa- pāta-ñāṇa).
Thấy được sự sống và đầu thai của hữu tình khác, sự đầu thai vào cảnh giới thiện ác, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, cuộc sống may mắn hay bất hạnh, đều là do quả báo của ba nghiệp thân khẩu ý tạo nên, chứ không phải ai hay một đấng tối cao nào đó làm chủ, mà tự mình làm chủ lấy chính mình.
Từ đó đạt được minh thứ ba (tatiya vijjā) là lậu tận tri (āsavānaṁ khaya-ñāṇa), tức là biết rõ về cảm giác khổ, nguyên nhân hình thành khổ, trạng thái cuộc sống không có khổ và phương pháp để đi đến trạng thái an vui đó.
Cuối cùng, nhờ biết như vậy, nhận thức được như vậy, tâm của Thái tử thoát khỏi dục lậu (kāmâsava), thoát khỏi hữu lậu (bhavâsava), thoát khỏi vô minh lậu (avijjâsava), hiểu rõ tất cả sự tồn tại của muôn loài đều có mối quan hệ tương quan tương duyên lẫn nhau, không tách rời độc lập.
Từ sự phát hiện ra chân lý duyên khởi sinh tồn trên, Thái tử đã giác ngộ và từ đó Người bắt đầu công tác giảng dạy những điều này với những ai hữu duyên.
Xuất phát từ lập trường trí tuệ hiểu biết và lòng vị tha, Ngài là người tiên phong trong lịch sử nhân loại chủ trương xây dựng một xã hội bình đẳng, không phân biệt giai cấp, sắc tộc, dù cho xã hội đương thời không chấp nhận, nhưng quan điểm đó được Ngài áp dụng trong Tăng đoàn, không phân biệt xuất thân của đệ tử trong giai cấp nào, chỉ cần có tâm muốn tìm sự hiểu biết và mong cầu giải thoát, thì Ngài giảng dạy, và tất cả mọi người đều có quyền bình đẳng như nhau, cùng làm thực hiện theo một quy chế chung, và họ sẽ có quyền biểu quyết mỗi khi cần lấy ý kiến cho một vấn đề.
Đó là một sự cải cách lớn nhất trong lịch sử giáo dục, vì nếu như chúng ta trở lại thời ấy, chỉ có giai cấp chính trị và Tôn giáo mới có quyền đọc tụng Kinh điển, rửa tội, học tập kiến thức xã hội, còn các giai cấp công nhân và nông dân thì chỉ là giai cấp phục tùng, và quy định ấy không thể thay đổi được thân phận con người, dù cho họ có chết đi và đầu thai kiếp khác.
Hệ thống tư tưởng này đã ấn định sự bất công như vậy, giai cấp thống trị ngoại bang này đã hình thành nên tư tưởng Phạm Thiên và mị dân bằng hình thức là chế độ giai cấp do đấng này sáng tạo nên.
Nhưng đức Phật lại không chấp nhận các chủ trương chống lại tư tưởng Phạm Thiên, bằng hệ thống triết học thiếu sáng suốt hoặc ẩn dật bất mãn lúc bấy giờ.
Cái khó về bình đẳng giai cấp, bình đẳng chủng tộc có thể vượt qua, nhưng bình đẳng nam nữ lại càng trở nên khó hơn, vì đương thời, nữ giới chỉ phụ thuộc vào nam giới, họ không có quyền được học hành, được hưởng phúc lợi xã hội, được tiếp thu tư tưởng triết học.
Nhưng đối với đức Phật thì chủ trương ai ai cũng bình đẳng với chân lý, vì chân lý ấy như ánh sáng mặt trời, thì muôn loài đều có quyền hấp thụ như nhau, tùy theo khả năng của mình.
Nên sau khoảng 10 năm khi thành lập Tăng đoàn cho người nam xuất gia học đạo, vì Tăng đoàn lúc này đã dần ổn định về mặt tổ chức, đủ an toàn cho người nữ xuất gia, nên đức Phật đã chấp nhận người nữ theo Ngài học đạo, đây là bước tiến vượt bậc trong tất cả các chủ trương và tôn giáo khác, người nữ được giảng dạy dưới lời Ngài đều chứng ngộ quả vị tối cao như người nam là A-la-hán, họ cũng trở thành người truyền đạo khắp muôn phương, giảng dạy cho tất cả các tầng lớp khác, và những bài kệ chứng ngộ được ghi chép lại trong “Trưởng Lão Ni Kệ”; trong đó có 522 bài thơ chứng đạo; khi đó “Trưởng Lão Tăng Kệ” có 1279 bài, đây là tác phẩm trước công nguyên đã ghi chép lại.
Qua đó, chúng ta thấy tinh thần bình đẳng nam nữ của Ngài, không chỉ trong giáo thuyết mà thực tế đã chứng minh một cách hùng hồn, và đến triều đại Khổng Tước (Maurya 319 ~ 180 TCN), thì số lượng người xuất gia nam và nữ tương đương với nhau.
Và từ đó Ngài đã được nhân loại tán thán ca ngợi: “Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc; cũng vậy, Chính pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Thưa Tôn giả Gotama, nay con xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo”.
Qua mùa Phật đản, cùng nhau ôn lại lời dạy của đức Phật về quyền nhân bản của con người, chúng ta thấy giáo lý trong ba tạng Kinh, Luật và Luận, không chỉ giới hạn ở phương pháp tu tập dành cho những người theo tu học, mà còn là phương pháp hữu hiệu cho mọi ngành nghề trong xã hội, từ việc nghiên cứu, chính trị, kinh tế, giáo dục. Vì vậy mà bao thế kỷ qua, hàng đệ tử của Ngài đã phát huy những ưu điểm này một cách sâu sắc và triệt để với mong muốn mang nhiều an lạc đến với tất cả chúng sinh.