Trang chủ Nghiên cứu Phật giáo và Khoa học Bắc Ninh: Hệ thống bia đá Chùa Giáo Đường, Thuận Thành

Bắc Ninh: Hệ thống bia đá Chùa Giáo Đường, Thuận Thành

442

Chùa Giáo Đường còn có tên Nôm là chùa Bến nằm trên bãi bồi dòng sông Thiên Đức (sông Đuống) thuộc địa phận thôn Chi Trung, xã Tân Chi, huyện Tiên Du. Hiện chùa Giáo đường còn lưu giữ được hệ thống bia đá chứa đựng giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học và mỹ thuật. Đặc biệt nội dung văn bia còn cho biết việc xây dựng và tu sửa cầu Hồ vào thế kỷ XVIII.


Hệ thống bia đá đặt tại chùa Giáo đường.

Chùa Giáo Đường từng là một trong những Trung tâm Phật giáo lớn nơi đào tạo các tăng ni cho nhiều chùa ở vùng Kinh Bắc xưa. Ngoài thờ Phật, chùa còn thờ Thiền sư Nguyễn Minh Không – Quốc sư dưới triều vua Lý Thần Tông (1128 – 1138). Chùa có niên đại khởi dựng từ lâu đời, dưới thời Lê Trung Hưng được mở rộng với quy mô to lớn gồm nhiều hạng mục công trình kiến trúc. Trong kháng chiến chống Pháp (năm 1947) chùa bị phá hủy hoàn toàn. Khi hòa bình lập lại (năm 1957) nhân dân địa phương khôi phục lại chùa gồm các công trình: Tam bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà tạo soạn, nhà bia… Công trình kiến trúc chính là Tòa Tam bảo được xây dựng lại vào năm 2015 có mặt bằng kiểu chữ Đinh, quay hướng Đông Nam, gồm Tiền đường 5 gian, Thượng điện 2 gian theo lối “tầu đao lá mái”. Toàn bộ khung nhà làm bằng gỗ lim, kết cấu vì kèo theo kiểu “chồng dường giá chiêng”, trang trí chạm khắc trên các cấu kiện gỗ đề tài “tứ linh”, “tứ quý”, vân mây, hoa lá cách điệu theo phong cách nghệ thuật truyền thống.

Giá trị của chùa Giáo Đường tập trung chủ yếu ở hệ thống bia đá hiện đang bảo lưu tại di tích. Tất cả có 6 tấm bia đá cổ niên đại dựng khắc vào thế kỷ XVII, XVIII. Trong đó riêng tấm bia “Diên Phúc tự bi” (bia chùa Diên Phúc) đã mờ hết chữ, tuy nhiên căn cứ vào kiểu dáng, hoa văn trang trí cho thấy tấm bia có niên đại vào thế kỷ XVII. Năm tấm bia còn lại khắc vào thế kỷ XVIII gồm: “Lập kiều giang bi” và “Hồng kiều bi ký” đều tạo tác năm Vĩnh Thịnh 3 (1707), “Trùng tu hồng kiều tập phúc bi văn” khắc năm Vĩnh Thịnh 13 (1717), “Thập phương công đức” khắc năm Cảnh Hưng 21 (1760), “Tái tạo hồng kiều bi” khắc năm Cảnh Hưng 31 (1770). Nội dung của 5 tấm bia này đều phản ánh về việc xây dựng, trùng tu, tái tạo cầu Hồ xưa. Toàn bộ hệ thống bia đá ở chùa Giáo Đường chứa đựng giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học và mỹ thuật tiêu biểu như:

Về mặt niên đại, kiểu dáng của văn bia: tấm bia có niên đại tạo tác sớm nhất vào khoảng giữa thế kỷ 17 và muộn nhất là năm 1770. Trong số 6 tấm bia có tới 4 tấm là bia tứ diện dáng mái long đình, xung quanh diềm bia trang trí dây lá, chim, hoa, khắc chữ Hán cả 4 mặt, còn lại 2 tấm bia dẹt khắc chữ Hán 2 mặt. Kích thước bia đá ở chùa Giáo Đường không đều nhau các tấm bia khắc vào đời vua Lê Dụ Tông niên hiệu Vĩnh Thịnh có kích thước lớn, sang đến đời vua Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng có xu hướng nhỏ dần. Hiện tại tấm bia có kích thước lớn nhất ở với chiều cao lên tới 2,2m (riêng phần chóp bia cao 60cm), rộng 70cm, tấm bia có kích thước nhỏ nhất cao 90cm, rộng 70cm, dầy 27cm.
Về mặt nghệ thuật điêu khắc: mỗi tấm bia ở chùa Giáo Đường là một tác phẩm nghệ thuật tạo hình hoàn chỉnh, từ việc trang trí hoa văn trên trán và diềm bia tới các kiểu chữ Hán được khắc trên mỗi một tấm bia. Hệ thống bia góp phần vào việc nghiên cứu về nghệ thuật điêu khắc đá của người Việt dưới thời Lê Trung Hưng.

Về mặt tư liệu lịch sử: nội dung văn bia ngoài việc cho biết xa xưa chùa Giáo Đường có tên chữ là Diên Phúc tự [?] còn lại đều phản ánh về việc xây dựng, trùng tu, tái tạo cầu Hồ xưa. Thí dụ như tấm bia “Tái tạo hồng kiều bi” khắc năm 1770 có đoạn viết về việc dựng cầu như sau: “…Việc xướng xuất bắt đầu từ tiền Hội chủ hưng công Thực Lại Quận phu nhân trong lưỡng phủ đều là sự hiệp đồng của tất cả thập phương cung kính tin theo; những người ở xa ít nhiều đều có, người có công, người có tiền, người đang trên đường tìm đến phúc đức. [Xây cầu] để mọi người đều vui vẻ đến chợ mua bán. Kẻ phú thương thì vui vẻ xuất ra nghìn vạn tiền để cùng giúp làm cầu để mong thung dung trên hồng kiều cùng nhiều quý khách. Nhân đó dựng bia đá ghi danh để bố cáo việc làm cầu đã hoàn thành để liệt kê tôn ty trên dưới cùng bài minh trên đá để quan tước tính danh bất hủ, để lưu lại cho con cháu được phúc đẳng hà sa như cây cầu này, để nghìn năm sau công luận còn biết đến…”(1). Bên cạnh đó nội dung trên 5 tấm bia đều ghi khắc họ tên những người công đức tiền của cho việc xây dựng, tu tạo cầu Hồ.

Việc nghiên cứu, tìm hiểu hệ thống bia đá ở chùa Giáo Đường góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị tư liệu Hán Nôm trong các di tích trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Đặc biệt nội dung văn bia cung cấp thêm nhiều thông tin giá trị về chùa Giáo Đường cùng việc xây dựng, trùng tu, tái tạo lại cầu Hồ vào thế kỷ XVIII. Các tác phẩm văn bia còn phục vụ công tác nghiên cứu, tìm hiểu về kỹ thuật điêu khắc đá phát triển đến đỉnh cao vào thời Lê Trung Hưng hiện còn tồn tại trên vùng đất cổ văn hiến Bắc Ninh – Kinh Bắc.

———–
(1): Trích theo bản dịch của nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Khải


Theo báo Bắc Ninh