Sư thầy Thích Đàm Dược đã nói với tôi như vậy trong một lần ghé thăm chùa Ngòi, ngôi chùa nằm giữa cánh đồng xã Quảng Phú (Lương Tài, Bắc Ninh). Nơi đó đang là mái nhà chở che của những mảnh đời khó khăn tìm nơi chữa bệnh và cư ngụ.
Từ nỗi đau mình hiểu nỗi đau đời
“Năm 1978, tôi bị liệt nửa người. Do uống nhiều thuốc điều trị, bệnh đã biến chứng chuyển sang chảy máu dạ dày, xoang… Đi chữa trị khắp nơi mà không khỏi, có lúc thất vọng tưởng như mình thành phế nhân.
Nhưng may nhờ phúc nhà Phật, đến năm 1980 thì được các sư thầy chùa Ninh Cường chữa khỏi bệnh. Cũng từ đó, tôi xin các sư thầy cho mình ở lại chùa học thêm nghề bốc thuốc Nam chữa bệnh. Mãi tới năm 1986, tôi mới bắt đầu tu, quy y cửa Phật” – Sư thầy Đàm Dược nhớ lại.
Cuộc đời sư thầy là những thước phim về hành trình cứu người gần 20 năm của mình. Từ năm 1986, thầy đã lặn lội khắp nơi đi sưu tầm bài thuốc, có khi vào tận Đà Lạt, Nha Trang tìm phương thuốc mới.
Thầy kể: “Trong thời gian này tôi tìm đến với phương pháp chữa bệnh bằng Thiền học, châm cứu, diện chẩn, truyền khí thông huyệt đạo.
Điều căn cốt của phương pháp này là hài hòa các luồng khí, các huyệt đạo trong cơ thể con người. Trước đây phương pháp này với nước ta còn mới mẻ, chỉ những thầy lang còn lưu giữ được”.
Đến năm 2002, thầy được Hòa thượng Thích Thanh Hy ở T.Ư Giáo hội cử về trông coi chùa Ngòi. Năm 1952, các sư trong chùa bị quân Pháp giết hại nên chùa cứ mãi hoang phế.
“Ban đầu tôi cũng chỉ được cử trông coi giúp vài tháng thôi, nhưng đã về mà chùa như vậy thì đi sao đành, nên tôi xin T.Ư Giáo hội Phật giáo cho ở hẳn lại nơi này luôn”.
Phải mất hơn 4 tháng sư thầy cùng các phật tử trong vùng mới đắp xong con đường đất vào chùa. Cũng hơn 2 năm xây dựng mới trùng tu lại và xây thêm 2 gian chùa mới của chùa Ngòi bây giờ.
Cơ ngơi chùa Ngòi là hai dãy nhà ngang, một dãy để thờ Phật, dãy còn lại là phòng khám và nơi chữa bệnh cho bệnh nhân xa gần.
Sư thầy trăn trở: “Huyện Lương Tài vẫn là huyện nghèo, di chứng chiến tranh như chất độc da cam, các bệnh về thần kinh vẫn còn nhiều mà các Trung tâm y tế lại xa và không đáp ứng được thường xuyên nên tôi chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, hoàn cảnh khó khăn”.
Thế là sư thầy đi khắp nơi trong huyện, về nhà từng người bệnh đi khám và “xin” cả bệnh nhân về chăm sóc chữa bệnh tại chùa. Hiện tại con số bệnh nhân chất độc da cam, mất trí, dị tật do tai nạn ở tại chùa là 50 người.
Chủ yếu là các em nhỏ có hoàn cảnh gia đình khó khăn ở khắp các tỉnh như Bắc Ninh, Nam Định, Thanh Hóa… Nhà chùa còn thành lập “Trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi” và lớp dưỡng sinh tâm thể cho những người cao tuổi có hoàn cảnh neo đơn đến sinh hoạt.
Cho và nhận
Sư thầy và các bệnh nhân trong chùa |
Trịnh Thị Huyên, người huyện Yên Định (Thanh Hóa) là học sinh giỏi văn nhiều năm liền của huyện và tỉnh. Bỗng dưng một chiều, Huyên thấy đau đầu khủng khiếp và ngất đi ngay trên đường đi học về.
Khi tỉnh lại, trí nhớ của Huyên suy giảm, đọc sách cũng thấy đau đầu. Cho đến một ngày Huyên không còn nhận ra cả người nhà và phá phách lung tung, đập vỡ hết các đồ đạc trong nhà.
Nhà Huyên chỉ còn có hai mẹ con, người mẹ là giáo viên đưa con đi khám nhưng bệnh viện tỉnh không phát hiện được bệnh. Hai mẹ con dắt díu nhau ra bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng chỉ nhận được câu trả lời Huyên mắc chứng bệnh tâm thần hoang tưởng, mất trí và phải điều trị lâu dài và rất tốn kém.
Đang lúc túng quẫn cùng cực thì chị nhận được thông tin từ người bệnh cùng phòng về phòng khám chùa Ngòi. Với túi tiền lộ phí chỉ đủ bắt xe tới huyện Lương Tài, người mẹ đành thử vận may cuối cùng của mình.
Vào chùa, hai mẹ con được ở hẳn một phòng riêng. Toàn bộ chi phí ăn uống thuốc men hoàn toàn do nhà chùa chu cấp. Nhưng quan trọng nhất là bệnh tình của Huyên có tiến triển dù chậm.
Thầy Đàm Dược quyết định cho Huyên chữa trị theo phương pháp đặc biệt. Sau một thời gian, bệnh tình của Huyên đã thuyên giảm hẳn.
Dương Thị Lan (Thuận Thành, Bắc Ninh) bị suy tim nặng bắt buộc phải thay van tim nhân tạo. Nhưng gia đình quá khó khăn, tiền trợ cấp xã hội cũng chỉ được 1/10 trong số 100 triệu đồng viện phí phải trả.
Lan chỉ mới vào chùa tháng 5/2006 nhưng tình hình sức khỏe đã ổn định, có thể đi lại bình thường được…
Gia đình ông Nguyễn Khắc Quang ở thôn Trung Bạn (thị trấn Chờ, Yên Phong, Bắc Ninh) sinh được 4 người con đều bị ảnh hưởng của chất độc da cam.
Trong đó người con trai út bị câm, người con gái thứ ba bị suy tim nặng, còn hai anh trai đều bị mất trí. Cả bốn anh em đều được nhà chùa nhận về điều trị.
Chị Nguyễn Thị Viện, 24 tuổi, con gái ông Quang đã điều trị hơn một năm cho biết: “Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, bố mẹ đều già yếu, khả năng lao động của 4 anh em đều hạn chế.
Bản thân tôi đã 2 lần phải mổ tim, tiền phụ cấp cho 4 anh chị em đều lo vào thuốc thang bệnh tật cho cả nhà nên được nhà chùa nuôi dưỡng là điều mong mỏi mà bấy lâu nay tôi và gia đình cũng chẳng bao giờ dám mơ tới”.
Nhưng cũng có trường hợp người bệnh tìm đến nhà chùa vào lúc sư thầy đi vắng và người nhà đem đến trong tình trạng đã nguy kịch nên không thể làm gì hơn được.
“Đó là trường hợp tôi ân hận nhất. Đôi khi chỉ vì “không duyên” với nhau nên chẳng thể làm gì. Hôm đó nếu tôi chỉ về sớm hơn 1 ngày thôi thì có thể mọi chuyện đã khác” – Sự thầy Thích Đàm Dược trầm tư.
Ước vọng tới mai hậu
Do điều kiện chỗ ở hạn chế nên hiện tại chùa đang thực hiện chế độ luân phiên chữa bệnh. Người bệnh tìm đến đều được khám và cấp thuốc miễn phí nhưng tùy vào tình trạng bệnh mà có thể ở lại chùa một thời gian rồi về nhà chữa trị và vào chùa khám lại.
Từ những mảnh đời khó khăn trong đời mà tiếng lành đồn xa. Thông qua Hội Chữ thập đỏ của tỉnh, bệnh nhân ở các tỉnh xa như Thái Nguyên, Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội, Hà Tây, Thanh Hóa tìm đến chùa ngày càng nhiều…
Theo ước tính của sư thầy con số này đã lên tới hơn 200 người, nhưng do cơ sở vật chất thiếu thốn, số giường bệnh chỉ 30 giường không thể đáp ứng hết được. Nhà chùa đang có dự định xây dựng 100 căn phòng, có thể giải quyết việc ăn ở sinh hoạt, điều trị cho khoảng 400 người.
Về tương lai xa hơn, chùa đang hy vọng có thể xây dựng một Trung tâm chăm sóc sức khỏe miễn phí cho người bệnh nghèo đến điều trị. “Đó là trung tâm chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.
Trung tâm sẽ quan tâm đặc biệt đến những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội như: người nhiễm HIV, người già không nơi nương tựa, trẻ bị di chứng chất độc da cam, trẻ lang thang”.