Con người đang sống trong thế kỷ 21, kỷ nguyên của sự tiến bộ vượt bậc về các lĩnh vực như: y học, giáo dục, thiên văn, khoa học công nghệ, kinh tế… góp phần đem lại sự tiện ích, phục vụ nhu cầu sinh sống của nhân lọai.
Trong đó, sự trỗi dậy của nhu cầu tâm linh cũng chính là sự kiện quan trọng, đã tạo động lực định hướng, cải tạo và hình thành nên một xã hội loài người thân thiện, hòa hợp trên tinh thần từ bi, bất bạo động của nhiều tôn giáo trên thế giới, mà Phật giáo cũng vinh dự có mặt.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện một số căn bệnh, tạm gọi là “căn bệnh hoang tưởng và trốn chạy” do một loại virus nguy hiểm đủ khả năng xâm nhập vào những người kháng thể yếu, khiến bệnh tình ngày thêm trầm trọng và lây lan rất nhanh, gây ra hội chứng miễn dịch ở một số khu vực nhất định.
Triệu chứng của căn bệnh này chính là trạng thái hoang tưởng, tin vào ngày thế giới tận diệt, dẫn đến một hệ lụy tâm trí bất an, hoảng loạn, trốn chạy tất cả, ngày đêm nguyện cầu về với Thượng đế, bỏ mặc các mối quan hệ gia đình, cộng đồng.
Để tìm phương cách phòng chống và điều trị sự truyền nhiễm của căn bệnh, trước hết nên cần biết nguyên nhân cụ thể. Áp dụng loại thuốc thích hợp để cứu lấy bệnh nhân, giúp họ thoát khỏi khổ đau và hướng đến an vui ngay trong cuộc sống hiện tại.
Thứ nhất, điều trị căn bệnh hoang tưởng do sùng bái Thượng đế
Niềm tin cho rằng thế gian này được hình thành do một “Đấng sáng thế”. Từ đó, dẫn đến sự sùng bái Thượng đế, hoàn toàn gắn đặt mọi sự vui sướng, đau khổ của mình vào một đấng thần quyền, có khả năng ban ân, giáng họa.
Điều này hoàn toàn đi ngược với những gì mà khoa học hiện đại đã minh chứng và khám phá. Đồng thời, những kẻ hoang tưởng đã bị mắc lừa với chiêu bài “ Trái đất sẽ nổ tung vào ngày 21 tháng 12 năm 2012”.
Từ khi xuất hiện niềm tin có một Thượng đế trên cao, làm chủ vận mệnh của muôn loài, kéo theo một loạt các lời tiên tri, dự đoán, dự báo. Ngoài những ứng nghiệm nhất định của một số lời tiên tri, phần nhiều còn lại tự cho mình có năng lực truyền thông với Thượng đế, nhận được “Mật chỉ tối thượng” rồi ghi chép, rao giảng cho các “tôi tớ trung thành” với luận điệu hết sức cuồng tín, hoang đường.
Tác giả Trần Chung Ngọc, trong bài viết “Thêm một tiên đoán về ngày tận thế” đăng ngày 29 tháng 04 năm 2010 đã trích dẫn một số đoạn liên quan đến những luận điệu hoang đường mà người bình thường không thể nào nghĩ tưởng đến.
Xin được trích lược nguyên văn: “Sách Khải Huyền ở cuối Tân ước, Chúa đã khẳng định là Chúa chỉ cho có 144000 (một trăm bốn mươi bốn ngàn) người Do Thái thuộc 12 bộ lạc Do Thái lên với Chúa. Khải Huyền 7: Sau đó tôi thấy bốn thiên sứ đứng ở bốn góc địa cầu [nguyên văn từ Kinh Thánh Việt Nam, quả địa cầu của Ki Tô Giáo có hình tứ giác, có bốn góc] cầm giữ gió bốn phương trên đất, khiến cho khắp đất, biển và cây cối đều bất động. Tôi lại thấy một thiên sứ khác đến từ phương Đông, cầm con dấu (seal) của Thượng đế hằng sống. Thiên sứ này lớn tiếng kêu gọi bốn thiên sứ đã được Thượng đế ban quyền cho làm hại đất và biển (who had been given power to harm the land and the sea): Đừng làm hại đất, biển và cây cối cho đến khi chúng ta đóng dấu ấn lên trán của những tôi tớ Chúa. Rồi tôi nghe thấy số người được đóng dấu ấn trên trán, tất cả là 144000 (một trăm bốn mươi bốn ngàn) thuộc 12 bộ lạc của Israel, mỗi bộ lạc là 12000 người…”
Nếu thật sự trái đất sẽ nổ tung vào ngày đó thì đấng Thượng đế đang được sùng bái hiện giờ nơi đâu? Ngài đang vui sướng ở cảnh giới của ngài, hay đang loay hoay để lựa chọn những người nào có thể đem về thượng giới?
Nếu ngài có đủ khả năng tạo dựng thế gian này, vậy tại sao ngài không thể kéo dài sự sống cho trái đất, cho con người nhiều cơ hội tốt để sống và hưởng thụ? Sao ngài lại vội lấy đi tất cả và bỏ mặc những tôi tớ khờ dại mà ngài đã nặn ra và đặt chúng vào thế gian này?
Tại sao ngài chỉ chọn lựa chỉ có 144000 người mà không cứu lấy hàng triệu tín đồ của ngài trên khắp thế giới?
Và quả thật, những câu hỏi trên sẽ không bao giờ được Thượng đế trả lời. Bởi vì ngài cũng chỉ là một trong số biểu tượng được nhào nặn ra từ trí tưởng tượng phong phú của con người.
Điểm lại những câu chuyện hoang đường nhất trên thế giới, rõ ràng đã có không ít trường hợp cầu xin về cõi vĩnh hằng của Thượng đế bằng cách tự tử, nhảy từ lầu cao, uống thuốc độc.
Cụ thể là: “Năm 1978, hơn 900 người vừa tự sát, vừa bị cưỡng ép uống thuốc độc chết tại Jonestowwn, Guyana bởi mục sư Jim Jones. Tối ngày 28 tháng 10 năm1992, tín đồ Tin Dữ Nam Hàn tụ tập trong nhà thờ Maranatha Mission ở trung tâm Los Angeles. Họ chờ đợi Chúa trở lại vào lúc 12 giờ đêm và bốc họ lên thiên đường. Nhưng 12 giờ đêm trôi qua mà bóng dáng đấng cứu rỗi vẫn biền biệt.
Năm 1993, khoảng 75 người đàn ông, đàn bà, trẻ con chết thiêu khi hệ phái Branch Davidian của David Koresh tử thủ trong một trang trại tại Waco, Texas bởi David Koresh tự nhận là Chúa Con (Son of God). Năm 1997, khoảng 39 người tự sát vì tin rằng Thượng đế sẽ phái một phi thuyền xuống bốc lên thiên đường, bởi hệ phái Heaven’s Gate ở California chủ xướng. Tất cả chỉ vì tin rằng ngày tận thế đã đến, và tin vào khả năng của đấng quyền năng có đủ uy lực để đưa tất cả về thiên giới.
Nhưng họ (phần lớn là những người sinh ra từ những quốc gia tiên tiến, được xem là có học thức và có nên văn minh về nhiều mặt) đã lầm, và không tự nhận biết mình đã bị lừa ngay trong lời tiên tri của Thánh kinh.
Để tránh tình trạng lây lan, gây hậu quả nghiêm trọng đối với hạnh phúc gia đình, sự bình ổn xã hội, an nguy của quốc gia, căn bệnh này cần phải được trừ diệt với liều thuốc: “Nhân quả, nghiệp báo”.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Thánh nhân dòng họ Thích, bậc Giác Ngộ, người dám nói lên tiếng nói chân thật, chỉ rõ sự sai trái do tin vào thần quyền của các giáo phái. Ngài đã tuyên bố trong kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt, thuộc Trung Bộ Kinh, số 135 như sau: “Các loài hữu tình là chủ của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình, nghĩa là có liệt có ưu”.
Lời tuyên bố này đã phá tan mối nghi ngờ về sự hình thành đặc điểm giống và khác nhau giữa con người với con người và con người với các chủng loài trong vũ trụ. Cộng nghiệp chính là sự giống nhau về phần cơ bản, biệt nghiệp chính là sự khác nhau về phần chi tiết liên quan đến đặc tính bên ngoài và cá tính bên trong.
Vậy nghiệp là gì? Nghiệp chính là hành động được tạo tác từ thân, miệng và ý. Xét trong loài người đã nhận thấy sự thiên sai vạn biệt. Cụ thể hơn, những thành viên trong cùng một gia đình. Tất cả đều do mỗi cá nhân con người tạo ra nghiệp và nhận lấy những gì do nghiệp đã tạo mang đến.
Cũng trong bài kinh trên, Đức Thế Tôn đã nói rộng thêm: “Ở đây này thanh niên Subha Todeyyaputta, có người đàn bà hay người đàn ông sát sinh tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loại chúng sinh. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy. Sau khi thân hoại, mạng chung bị sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nếu không sinh vào cõi dữ, mà được sinh làm loài người, chỗ nào nó sinh ra nó phải đoản mạng (chết yểu). Con đường ấy đưa đến đoản mạng. Này thanh niên, tức là sát sinh tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loại hữu tình.Nếu từ bỏ sát sinh, biết tàm quí, có lòng từ, sống thương sót đến hạnh phúc tất cả chúng sinh và các loại hữu tình. Do nghiệp ấy sau khi thân hoại mạng chung được sinh vào thiện thú, nếu sanh ở loài người được trường thọ. Đó là con đường đưa đến trường thọ”.
Như thế, rõ ràng con người tạo nghiệp và cũng chính con người nhận lấy hậu quả tốt hay xấu, hoàn toàn không có một đấng Thượng đế nào, đủ thẩm quyền tham gia vào quá trình tạo nghiệp và thọ nhận nghiệp báo. Từ đó đi đến nhận định rằng, hành tinh này hủy diệt sớm hay muộn đều do con người quyết định.
Nếu từ thân, miệng, ý tạo điều lành, biết bảo vệ môi sinh, sống chan hòa với thiên nhiên, sử dụng tài nguyên khoán sản có khoa học, sống nhân ái, không hận thù… thì ngày tận diệt của thế giới hãy còn xa lắm. Nhưng nếu từ thân, miệng, ý tạo điều bất thiện, sống ích kỷ, phá hoại thiên nhiên, giết hại muôn thú, khai thác nguồn tài nguyên khoán sản bừa bãi, chính là nguyên nhân trực tiếp khiến trái đất sớm hủy diệt.
Vậy, trái đất có phải Thượng đế tạo ra trái đất và ngài sẽ hủy diệt nó đi không? Sự giàu sang, nghèo khổ có phải do Thượng đế sắp đặt hay không? Xin khẳng định là “Không!”.
Thượng đế chính là mỗi chúng ta. Đừng tìm Thượng đế ở bên ngoài, cần quay vào bên trong để mỗi ngày mỗi làm mới chính mình, trau dồi cho ông Thượng đế bên trong được thanh tịnh, biết yêu thương, chan hòa, nhân ái và sáng suốt hơn.
Đây chính là lời giải đáp cho những bệnh nhân hoang tưởng, hãy uống liều thuốc này để giải trừ hết các độc tố do tin vào đấng Thượng đế chí tôn.
Thứ hai, điều trị căn bệnh trốn chạy, do bám chấp vào tự ngã
Từ căn bệnh hoang tưởng, bệnh nhân dễ bị biến chứng sang căn bệnh trốn chạy. Tâm lý này tạo ra một trạng thái lo sợ, hoảng lọan dẫn đến hậu quả bỏ mặc hết tất cả hoặc cố tìm mọi phương cách để hưởng thụ, sử dụng tối đa những gì được cho là ta, là của ta.
Với ý niệm bám chấp vào tự ngã, không chấp nhận thực tại, khiến bệnh nhân đau khổ tột cùng khi đề cập đến cái chết. Họ cố trốn chạy một chân lý luôn chi phối con người và vạn vật, đó chính là quy luật sinh, già, bệnh, chết. Đơn thuốc điều trị cho căn bệnh này rất đơn giản, chỉ vọn vẹn hai chữ “Vô thường”.
Đề cập đến vấn đề này, trong số các mẩu chuyện thường được nhắc đến, có câu chuyện như sau: “Trong khu biệt thự cao cấp, sang trọng có một người phụ nữ xinh đẹp đang sinh sống. Bà thường đứng trước gương hằng giờ đồng hồ để chăm sóc mái tóc, làn da, nụ cười, ánh mắt… đó cũng chính là điều khiến bà luôn bận rộn trong ngày.
Một hôm, khi nhìn vào gương, bà thấy tóc có vài sợi hoa râm, trên trán xuất hiện một vài nếp nhăn. Điều này làm bà rất khó chịu, đi ngay đến mỹ viện để tẩy nếp nhăn và nhổ đi những sợi tóc đáng ghét kia.
Cứ như thế, ngoài việc chăm chút sắc vóc, công việc mà bà phải làm thêm là thường xuyên đi đến các trung tâm chăm sóc sắc đẹp uy tín trong thành phố.
Thế rồi, sau một đêm mất ngủ, khi đối diện với gương bà thấy tóc mình bạc đi quá nữa, trán và mí mắt xuất hiện quá nhiều nếp nhăn. Bà rơi vào tuyệt vọng đau khổ tột cùng, vội lấy tay úp mặt, khóc và ngất đi vì sự thật phủ phàng đó.
Từ hôm đó, dù rất cố gắng nhưng bà không thể lấy lại vóc dáng như xưa. Bà không thiết gì đến ăn uống, dẹp hết gương và các tấm kính có thể phản chiếu hình ảnh già nua của bà. Sống trong sự trốn chạy và sợ hãi như vậy, cuối cùng bà đã qua đời trên giường bệnh trong hình thể héo gầy của tuổi già.
Câu chuyện gợi nhắc đến những mụ phù thủy, thường sống trong bóng tối, cố gắng tu luyện để được vóc dáng tuyệt trần, nhưng rất sợ áng sáng. Ở đây, bóng tối chính là sự trốn chạy, sợ hãi. Ánh sáng chính là sự thật, chân lý tuyệt đối. Nhưng dù có trốn chạy đi đâu, sự thật vẫn cứ là sự thật. Sử dụng các biện pháp khỏa lấp, hay tìm cách khống chế, chỉ là những giải pháp mang tính tạm thời, không ai có đủ khả năng xoay chuyển được tình thế, cũng như không thể dùng tay che ánh sáng mặt trời.
Từ bao đời nay, con người đã trốn chạy thế gian này, kiếp sống này, nhưng rồi sinh tử vẫn tiếp diễn không hề ngừng nghĩ. Trốn chạy khổ nhưng khổ vẫn đến. Chối bỏ sự thật của sinh, già, bệnh, chết mà chúng vẫn đi theo. Càng trốn chạy, sự khổ càng dồn dập. Chỉ khi nào chúng ta biết dừng lại, nhìn thẳng vào sự thật, thấy rõ bản chất của khổ, tìm ra nguồn gốc sự khổ, học phương pháp chuyển hóa khổ, để đạt được hạnh phúc chân thật.
Theo quan điểm đạo Phật, tất cả cái gì sinh ra đều sẽ hoại diệt. Nhưng thời gian hoại diệt phụ thuộc vào nhiều yếu tố nội tại lẫn ngoại tại tác động (duyên). Con người trên thế gian, quả địa cầu này cũng chỉ là một hợp thể được cấu thành từ đất, nước, gió, lửa và các yếu tố phụ sinh khác. Định luật sinh, trụ, dị, diệt hay thành, trụ, hoại, không sẽ chi phối toàn bộ quy trình vận hành của một hợp thể.
Nhìn rõ vào bản chất thực tại, chấp nhận định luật vô thường như là một động lực thôi thúc con người biết trân quý giá trị của sự sống trong phút giây hiện tại. Sự già, chết sẽ đến và an vui sống trong sự thật sẽ tạo ra một năng lượng giúp thân, tâm con người luôn tươi trẻ, kéo dài tuổi thanh xuân cùng với trạng thái tâm lý an lạc, yêu thương, tỉnh thức. Người sống với vô thường, luôn thấy rõ sự hoại diệt của cơ thể con người trong từng sát na, người đó được xem như là “hiểu đạo” hay tự tại trong sinh tử.
Câu chuyện giữa Đức Thế Tôn hỏi các vị đệ tử trong Kinh Bốn Mươi Hai Chương sẽ xác tín điều khẳng định trên.
“Đức Phật hỏi một vị Tỳ kheo:
– Mạng sống con người tồn tại bao lâu?
– Trong vài ngày.
– Thầy chưa hiểu đạo.
Đức Phật hỏi vị khác:
– Mạng sống con người tồn tại bao lâu?
– Khoảng một bữa ăn.
– Thầy cũng chưa hiểu đạo.
Đức Phật hỏi thêm một vị nữa:
– Mạng sống con người tồn tại bao lâu?
– Trong một hơi thở.
– Hay lắm, thầy đã hiểu đạo”.
Cụm từ “hiểu đạo” trong đoạn kinh trên không bao hàm toàn bộ giá trị lời đức Phật dạy trong 45 năm thuyết giáo của Ngài. Ở đây, cần phải xác định “hiểu đạo” của vị Tỳ kheo, được gói gọn trong phạm trù “hiểu rõ về vô thường trong con người và vạn vật”. Khi bản chất của vô thường được hiểu rõ, sẽ là nền tảng giúp hành giả có một bước tiến dài trên lộ trình khám phá tâm linh, chứng ngộ chân lý giải thoát, giác ngộ.
Vậy, sự sinh diệt của một kiếp người hay của bất kỳ hành tinh nào trong vũ trụ cũng chỉ là khoảng thời gian ngắn ngủi, rất khó dùng toán số tính đếm được. Cụ thể, trong trường hợp này, mạng người chỉ tồn tại “trong một hơi thở”.
Do mưu sinh trong cuộc sống, chạy theo cơm, áo, gạo, tiền, danh vọng, địa vị… con người đã không còn thời gian nhận thấy quy trình vận hành của định luật khắc khe ấy, đang diễn biến đều đặn trên thân và tâm. Đại bộ phận đều nghĩ mình sẽ sống đến 60 hay 70 hoặc 100 tuổi, không ai từng nghĩ và dám nghĩ “cái chết” luôn là bạn đồng hành cùng với mình. Tất cả đều do chấp vào tự ngã, sinh ra sự ưu ái, luyến tiếc, cố giữ cái thân, và những gì liên quan đến thân thể, tên tuổi, tài sản… Điều này khiến bao thế hệ phải trầm luân trong sinh tử, ngụp lặn ở biển mê luân hồi.
Biết vô thường, rõ vô ngã, con người sẽ trân quý những gì mình đang có, sẵn sàng chia sẽ đến những người kém may mắn xung quanh. Và, nếu ngày mai trái đất này có thật sự nổ tung, đối với người “hiểu đạo” vẫn luôn giữ tâm bình thản. Vì bản chất của thế gian là vậy. Cái chết của đời sống này chính là sự mở đầu cho một đời sống khác. Cứ như thế, khi nào còn thở vào, thở ra, tức là sự sống mầu nhiệm vẫn còn hiện hữu. Hạnh phúc chân thật ở ngay đây, nơi mỗi bước chân tỉnh thức, mỗi cái nhìn thấy rõ tình thân ái, mỗi nụ cười trao nhau niềm an lạc, mỗi việc làm xoa dịu những đau thương.
Thiên đường hay cực lạc, phải được tạo dựng, trải nghiệm từ ý niệm tỉnh giác, việc làm lợi ích, lời nói hòa ái, phát xuất từ lòng đại từ bi và trí tuệ chân thật ở ngay trong giây phút hiện tại. Và, sẽ quá muộn khi đợi đến lúc chết đi mới thực hiện điều này.
Đó chính là thông điệp, cũng là liều thuốc phòng chống để ngăn ngừa căn bệnh “hoang tưởng và trốn chạy” đang rất phổ biến trong cuộc sống ngày nay.