Trang chủ Bài nổi bật Xuân, Hạ, Thu, Đông… Rồi Lại Xuân: Thước phim đầy chiêm nghiệm...

Xuân, Hạ, Thu, Đông… Rồi Lại Xuân: Thước phim đầy chiêm nghiệm về cuộc đời của quái kiệt điện ảnh Kim Ki Duk

1935
Gã quái kiệt Kim Ki Duk ra đi để lại cho điện ảnh thế giới những chiêm nghiệm về ý nghĩa cuộc đời đầy sâu sắc thông qua tác phẩm Xuân, Hạ, Thu, Đông… Rồi Lại Xuân.

Trong loạt phim được làm bởi “quái kiệt xứ Hàn” Kim Ki Duk, Xuân, Hạ, Thu, Đông… Rồi Lại Xuân (2003) hẳn là bộ phim nhẹ đô và dễ xem nhất. Tác phẩm này từng nhận về vô vàn giải thưởng, như C.I.C.A.E., Don Quixote, giải thưởng của Ban giám khảo trẻ tại Liên hoan phim quốc tế Locarno, giải thưởng Khán giả bình chọn của Liên hoan phim quốc tế San Sebastian, giải Đại Chung Phim xuất sắc nhất 2004. Phải nói, nếu muốn làm quen với Kim Ki Duk thì Xuân, Hạ, Thu, Đông… rồi lại Xuân là một lựa chọn hoàn hảo để có thể thấy được sự tài hoa của người nghệ sĩ này nhưng vẫn không bị tấn công tâm lý quá mạnh mẽ đến mức phải bỏ chạy.

1. Xuân, hạ, thu, đông và bài học về một kiếp người

Xuân, Hạ, Thu, Đông… Rồi Lại Xuân đưa khán giả đến với một ngôi chùa lênh đênh giữa hồ, nơi có một chú tiểu và sư phụ của chú. Ở đây, khán giả sẽ chứng kiến cuộc đời của chú tiểu, với mỗi mùa xuân – hạ – thu – đông ứng với từng giai đoạn tuổi tác, cách biệt từ vài năm đến cả chục năm. Trong suốt hành trình đó, chúng ta sẽ được nhìn bằng lăng kính Phật giáo cùng học thuyết “Tứ Diệu Đế”, tức “4 chân lý màu nhiệm”: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế. Từ đó, câu hỏi về ý nghĩa của cuộc đời mà chính đạo diễn Kim Ki Duk đặt ra sẽ dần được lý giải.

Xuân, Hạ, Thu, Đông… Rồi Lại Xuân: Thước phim đầy chiêm nghiệm về cuộc đời của quái kiệt điện ảnh Kim Ki Duk - Ảnh 1.

Ở mùa xuân, hạ, thu, chúng ta lần lượt đi qua triết lý về Khổ đế, Tập đế và Diệt đế, tức là quá trình nếm, ngộ ra nguyên nhân và chấm dứt hoàn toàn cái khổ. Trong đó, vào mùa xuân, chú tiểu khi chỉ mới non xanh đã nghịch ngợm buộc hòn đá vào ba con vật cá – ếch – rắn rồi khoái trá nhìn chúng khổ sở. Người thầy thấy vậy không lập tức la mắng mà mang về một hòn đá rồi lén cột lên lưng chú vào ban đêm. Sáng hôm sau, ông bắt chú tiểu đeo hòn đá đó đi tìm ba con vật để giải thoát cho chúng cùng lời dặn: “Nhưng nếu bất cứ một con vật nào chết, thì con sẽ mang theo hòn đá này trong tim đến hết cuộc đời.” Tuy nhiên, con cá và rắn đã chết. Đó là cái khổ thứ nhất, cũng là cái khổ mang tính báo hiệu về tương lai hạ, thu.

Xuân, Hạ, Thu, Đông… Rồi Lại Xuân: Thước phim đầy chiêm nghiệm về cuộc đời của quái kiệt điện ảnh Kim Ki Duk - Ảnh 2.

Mùa hạ, chú tiểu bước vào tuổi mới lớn rồi đem lòng yêu thương một cô gái. Họ si mê rồi quan hệ tình dục với nhau. Sư phụ phát hiện ra và đuổi cô gái ra khỏi chùa. Chú tiểu không chấp nhận được, mang theo tượng của Di Lặc Bồ Tát rồi trốn đi. Đây là tội lỗi thứ hai để dẫn cái khổ thứ ba được báo hiệu bằng lời nhà sư dặn: “Ham muốn đánh thức khao khát chiếm hữu, từ đó đánh thức ý định sát sinh”. Và quả thật lúc 30 tuổi, anh trở về chùa để chạy trốn tội lỗi giết hại người phụ nữ anh yêu – người đã bỏ anh đi theo gã khác. Anh quyết định tự sát bằng cách bịt ba mảnh giấy viết chữ “BẾ” (đóng) vào mắt, mũi và mồm. May nhờ sư phụ phát hiện kịp thời mà anh ta không chết, chỉ nhận được một trận đòn nhừ tử. Đó là cái khổ thứ ba.

Điều đáng nói là cả 3 cái khổ của chú tiểu không chỉ là cái khổ của một người mang theo chấp niệm gạt bỏ bụi trần mà nương nhờ cửa Phật, đó là cái khổ của cả nhân gian. Theo Tập đế – chân lý về nguyên nhân cái khổ, sự đau đớn này xuất phát từ vô minh – không tìm được ánh sáng của đời mình, không biết được đâu là sự thật, là đúng sai, là bản chất của mọi thứ. Vì vậy nên trong mùa xuân, chú vô tình gắn hòn đá lên lưng những sinh mạng bé nhỏ mà không biết chúng sẽ bị giết chết, mùa hạ chú rơi vào lưới tình không biết tình yêu không bao giờ là mãi mãi, và mùa thu chú quyết định chạy trốn tội lỗi của mình bằng cách tự sát mà không biết “giết người thì có dễ nhưng giết mình không dễ đâu”. Vì thân xác chết nhưng tội ác và tâm tính của con người thì còn mãi.

Xuân, Hạ, Thu, Đông… Rồi Lại Xuân: Thước phim đầy chiêm nghiệm về cuộc đời của quái kiệt điện ảnh Kim Ki Duk - Ảnh 4.

Vì thế nên đạo diễn Kim Ki Duk đưa con người ta đến quá trình diệt đế và đạo dế ở cuối mùa thu cũng như xuyên suốt mùa đông. Diệt đế là diệt khổ, chấm dứt cái khổ. Quá trình này được thể hiện qua phân đoạn người đàn ông 30 tuổi mặc đồ sư rồi khắc bài kinh bài kinh Bát-nhã lên sàn ngôi chùa, theo vết mực sư phụ viết mẫu, bằng chính con dao gây tội của mình. Nó khởi đầu bằng sự thiếu tập trung, vì sự sợ hãi hai vị cảnh sát, từ tiếng súng bắn và từ thiên nhiên. Nhưng với sự hỗ trợ, uốn nắn của sư phụ, anh có thể yên tâm trở về khắc kinh. Cho đến sáng hôm sau, khi anh tỉnh dậy và thấy ánh mặt trời rực rỡ, không gian yên bình và thậm chí cả phần việc còn lại đã được hai cảnh sát đi cùng phụ giúp. Nếu xem phần khắc kinh là quá trình tu luyện, những người bình thường xung quanh là tạp niệm xoay quanh nhân vật trung tâm thì có thể thấy, tạp niệm dần biến mất chuyển hóa thành sự tin tưởng, cảm thông còn nhân vật trung tâm thì hiểu rõ bản thân đã làm gì, sẽ phải chịu gì. Đó là khi anh đã diệt được khổ. Để rồi trong mùa đông, lúc anh đã thụ án xong và quay về, anh bước vào Đạo đế, tu luyện để đắc đạo, chấm dứt hoàn toàn cái khổ để không bao giờ phải khổ nữa.

Xuân, Hạ, Thu, Đông… Rồi Lại Xuân: Thước phim đầy chiêm nghiệm về cuộc đời của quái kiệt điện ảnh Kim Ki Duk - Ảnh 5.

Có thể thấy, một vòng đời xuân, hạ, thu, đông của chú tiểu ít nhất có 3 hành trình đầu ta đã thấy ta. Thấy ta vì ham thích, vì yêu, vì tham lam rồi vì căm thù mà làm nên nhưng sai lầm to lớn. Còn mùa đông mà Kim Ki Duk gửi gắm là mùa đông muốn con người ta hướng đến, mùa đông mang tính dẫn dắt người xem. Để người xem nhận ra đời là vô thường, không gì kéo dài mãi mãi. Chỉ có ta là ta, một sinh thể duy nhất với bản ngã riêng biệt. Từ đó nhìn về ánh sáng mà sống cho trọn đạo lý. Đó là ý nghĩa của cuộc đời. Cũng là cái nhân văn của Xuân, Hạ, Thu, Đông… Rồi Lại Xuân.

2. Ngôn ngữ điện ảnh được sử dụng một cách điêu luyện, vượt ngưỡng “đẹp” để càng trở nên hoàn mỹ

Xuân, Hạ, Thu, Đông… Rồi Lại Xuân mở ra cho ta một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp về ngôi chùa giữa hồ, về rừng cây và sông suối, về những tán lá, hang động và những âm thanh tự nhiên trong trẻo, đơn thuần. Cái “đẹp” trải dài xuyên suốt bộ phim, khiến người xem phải không ngừng rung động. Nhưng với Kim Ki Duk, đẹp thôi là chưa đủ, đẹp là thứ hiển nhiên và thậm chí là tầm thường. Vì ông gửi gắm nhiều hơn cả đẹp vào từng khung hình.

Xuân, Hạ, Thu, Đông… Rồi Lại Xuân: Thước phim đầy chiêm nghiệm về cuộc đời của quái kiệt điện ảnh Kim Ki Duk - Ảnh 6.

Đầu tiên, ta bàn về chú tiểu. Chú tiểu không hề được gọi tên. Chú lớn lên và đi qua vòng tuần hoàn xuân, hạ, thu, đông để trở nên đắc đạo. Sau đó, ta gặp một chú tiểu mới, mở ra một vòng tuần hoàn mới – “rồi lại xuân”. Chú tiểu là đại diện cho chúng sinh, cứ hết thế hệ này đến thế hệ khác sinh ra, gặp phải sai lầm rồi được chỉ dạy để giác ngộ. Sự chỉ dạy đó cần một người thông thái, đó là khi ta hướng ánh nhìn về sư phụ. Phân đoạn đáng nhớ nhất hẳn là khi vị sư phụ sau khi tiễn đồ đệ của mình đi đã chọn tiếp tục cuộc đời bằng cái chết. Ông đẩy thuyền ra giữa hồ, xếp củi lên thuyền; dán chữ “BẾ” vào mắt, mũi, miệng và tai; đặt một ngọn nến dưới đống củi và bắt đầu hành động tự thiêu. Cái chết của vị sư khác với cái chết đồ đệ, ông không trốn chạy bất cứ tội lỗi nào cả. Cái chết đó được mở ra khi ông đạt đến trạng thái Niết Bàn và giác ngộ xong người đồ đệ. Chẳng còn gì phải vương vấn với cuộc sống đầy sân si, ông rời đi như cách Quán Thế Âm Bồ Tát làm. Bồ Tát sẽ nhập Niết-bàn sau khi thực hiện xong hạnh nguyện.

Xuân, Hạ, Thu, Đông… Rồi Lại Xuân: Thước phim đầy chiêm nghiệm về cuộc đời của quái kiệt điện ảnh Kim Ki Duk - Ảnh 7.

Có thể thấy, ngôi chùa có một chiếc thuyền nhưng người sư phụ không bao giờ dùng nó. Chiếc thuyền ấy chỉ để đưa đón đồ đệ về và khách đến thăm – những người còn vướng phải tạp niệm trần gian. Thậm chí, khi vị đồ đệ rời đi theo hai cảnh sát, chỉ khi người thầy vẫy tay thì thuyền mới chạy. Thuyền là vật đại diện cho người còn chấp ngã, không cần thuyền, thậm chí là điều khiển được thuyền là khi hiểu và bỏ qua được những cám dỗ cuộc đời. Đó là trạng thái mà sau này người đồ đệ cũng tìm đến được khi anh trở về sau khi thụ án.

Trong phim chúng ta thấy có ba bức tượng. Đầu tiên là bức tượng Phật to lớn, thô sơ, bằng đá vôi trên núi – nơi chú tiểu vẫn trèo lên ngày nhỏ để ngắm cảnh. Bức tượng đại diện cho giáo lý Phật giáo nguyên thủy – một thứ cao siêu mà cậu bé chỉ có thể hiểu một cách non nớt trên bề mặt. Thứ hai là bức tượng Quán Thế Âm trong chùa. Bức tượng này bằng đá, đại diện cho những gì sư phụ giác ngộ được từ giáo lý nguyên thủy và truyền dạy cho đệ tử của mình. Cuối cùng là bức tượng Di-lặc bằng đồng, tuy chỉ xuất hiện ở đoạn cuối nhưng lại là bức tượng quan trọng nhất. Nó đồng hành cùng người đàn ông trên con đường đi lên đỉnh núi, thực hành “Bát chính đạo” để đạt tới Niết-bàn. Bức tượng Di-lặc nhỏ nhắn và tinh xảo, thể hiện sự giác ngộ Phật pháp hoàn toàn ở người đàn ông. Đây là hình tượng lớn nhất, tầm vóc nhất mà Kim Ki Duk sử dụng để thể hiện quá trình trưởng thành của chú tiểu ngày nào.

Xuân, Hạ, Thu, Đông… Rồi Lại Xuân: Thước phim đầy chiêm nghiệm về cuộc đời của quái kiệt điện ảnh Kim Ki Duk - Ảnh 8.

Có thể thấy, Xuân, Hạ, Thu, Đông…. Rồi Lại Xuân không chỉ có những góc máy tuyệt vời. Những khung hình của bộ phim là thứ ngôn ngữ điện ảnh đỉnh cao góp phần đẩy câu chuyện đến với người đọc một cách sâu sắc, hoàn hảo nhất. Và đó là điều khiến tác phẩm này đáng được ngưỡng mộ đến như vậy.

3. Kim Ki Duk và mùa đông của quái kiệt đáng nể xứ Hàn

Hình ảnh, âm thanh xuất sắc, diễn xuất của các diễn viên trọn vẹn, điều này góp phần giúp bộ phim trở thành siêu phẩm kinh điển của điện ảnh xứ Hàn. Thế nhưng, để đạt được tầm vóc đó, sự tài hoa, tâm huyết của vị đạo diễn Kim Ki Duk mới là thứ đáng nói nhất. Chính ông đã khởi sinh ra bộ phim từ ý tưởng về câu hỏi: “Ý nghĩa của cuộc đời là gì?”. Sau đó lý giải nó một cách sâu sắc nhất, thuyết phục nhất bằng cả 3 cuộc đời (sư thầy, chú tiểu và một chú tiểu mới ở cuối phim). Ông không giải quyết câu hỏi một cách thờ ơ, hời hợt mà đặt tâm huyết vào từng hình ảnh, câu thoại. Để con ếch, con cá, con rắn, cái cây cũng có ý nghĩa riêng của nó. Sự tài hoa của Kim Ki Duk, dù vị đạo diễn có vướng phải vô số tranh cãi về nhân cách, cũng khó có thể phủ nhận. Bởi tới nay khi nhiều phim chỉ có thể dừng ở cái đẹp, cái giật gân, cái hấp dẫn, cái hoành tráng thì Xuân, Hạ, Thu, Đông… Rồi Lại Xuân đã vượt xa cái ngưỡng đó. Để không cầu kì, không kịch tính hóa nhưng người xem thời đại nào xem rồi vẫn thấy đúng, vẫn gật gù chiêm nghiệm.

Xuân, Hạ, Thu, Đông… Rồi Lại Xuân: Thước phim đầy chiêm nghiệm về cuộc đời của quái kiệt điện ảnh Kim Ki Duk - Ảnh 9.

Kim Ki Duk ra đi vì Covid-19, chúng ta không biết vị đạo diễn này đã chạm được tới mùa đông, tới Niết Bàn hay chưa. Và nếu nhìn khách quan có khi ta vẫn biết rõ là chưa. Vì những tạp niệm, vì bao tai tiếng xung quanh ông vẫn nhiều. Nhưng những tác phẩm của ông hẳn vẫn là đỉnh cao trong nền điện ảnh, không chỉ ở Hàn Quốc mà còn là cả thế giới. Minh chứng cho điều đó là những lời khen, tràng vỗ tay, giải thưởng mà khán giả dành cho Xuân, Hạ, Thu, Đông… Rồi Lại Xuân dù là phương thức, thời điểm họ xem là lúc nào.


LẠC/ Nguồn ảnh: Tổng hợp (TỔ QUỐC)