Trang chủ Văn hóa Giới thiệu sách Khi người thơ quy thiền

Khi người thơ quy thiền

126

Bình Nguyên Trang muốn “bãi công” đối với niêm luật, thậm chí cố gắng hết sức mình để gạt bỏ niêm luật sang một bên. Nhưng phận liễu yếu đào tơ, các cụ ta xưa nay vẫn nói thế, mà cả gan dám tuyên bố “chiến binh nhà thơ nổi loạn” thì cũng đáng để cánh mày râu phải tâm phục khẩu phục lắm rồi.

Bãi công và thiền là hai trạng thái vận động hoàn toàn trái ngược nhau: một động và một tĩnh. Dù cho cô gái gốc quê Nam Định này có “chán niêm luật” đến mức nào đi chăng nữa, rồi cuối cùng tất sẽ nhận ra ánh sáng từ đấng tối cao đã “chiếu mệnh” cho thi nhân rồi.

Thực tình, tuyên bố là một chuyện, còn làm lại là một câu chuyện khác. Nhiều khi trong lúc cầm bút, cao hứng lên, người ta hay thích đùa vui vậy thôi, chứ tôi nào đâu thấy người thơ làm được gì nhiều sau những lời tuyên bố ấy.

 Nhà thơ Bình Nguyên Trang.

Hóa ra cái sự “bãi công”, “nổi loạn”… chủ về tính dương trong con người Bình Nguyên Trang đã bị cái nữ nhi, cái “huê tình” của thi ca chủ về tính âm hóa giải từ lúc nào, mà ngay chính cô cũng không hay biết nữa, để đến khi duyên phận biến nhà thơ thành kẻ ngu ngơ, rong ruổi mãi trong cõi thiền khi hai người vướng vào nhau: “Như cỏ rối bời/ Em không sắp xếp nổi mình trước nghiêng ngả tình yêu” (Tình yêu).

Ngọng nghịu, tình si đến cuống cuồng lên như thế thì “bãi công” làm sao  được cơ chứ. Họa chăng chỉ có những kẻ yếu đuối, hay mơ mộng viển vông, đặc biệt là những người luôn cảm thấy cứ như trên đời này không có thơ là không sống nổi lấy một ngày, dẫu cho có nhà cao, xế xịn, chồng tài (vợ đẹp), con khôn. 

Công bằng mà nói, dù ít hay nhiều, Bình Nguyên Trang đã bước đầu tìm ra cách “bãi công” bằng việc vượt qua lằn ranh giữa cái hữu hạn (khuôn mẫu) và cái vô hạn (tự do) để đi tới chân trời nghệ thuật mà theo Trang, chỉ có ở đấy mới cho phép nhà thơ có thể sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo: “Người đàn bà mỉm cười/ Mắt nâu son đỏ/ Viên mãn/ Trên chiếc khung chật hẹp cuộc đời/ Trong triển lãm có tên Hạnh phúc/ Họ đến và chiêm ngưỡng/ Giấc mơ đủ đầy/ Chị tồn tại như một ví dụ...” (Trong triển lãm có tên Hạnh phúc).

Qui tắc ứng xử trong đời sống, niêm luật trong thi ca hay cái khung của bức tranh trong triển lãm… một số người đã ngộ nhận rằng chính những cái ấy đã giết chết sự sáng tạo của nghệ sĩ. Vâng! Điều ấy có thể là đúng. Nhưng còn một chân lý khác, mà theo tôi còn sáng láng hơn nhiều, là nếu không có quy tắc hay niêm luật thì không bao giờ người ta có được thước đo xác thực về sự sáng tạo trong lao động xã hội cũng như trong nghệ thuật. Tự do và qui tắc là hai mặt của một thực thể tồn tại.

 
Nhưng trong một góc phòng chiếu nào đấy, chúng trở thành hai cái có vẻ như đối nghịch nhau, mặc dù trong thực tế chúng lại luôn song tồn, thậm chí nhiều lúc, nhiều nơi hòa với nhau làm một, tựa vào nhau mà tồn tại và phát triển, khiến một ai đó hoặc thích phiêu lưu mạo hiểm, hoặc chưa đủ kinh nghiệm để nhận ra, thường chỉ khăng khăng đòi tự do cho sáng tạo mà quên mất rằng lẽ ra mình cũng cần phải đòi cả niêm luật nữa. Còn Bình Nguyên Trang thì: “…Thấy/ Còn niêm luật/ Nhà thơ xin đừng bước qua/ Nếu không đau buồn chiếu mệnh/ Biết đâu câu chữ mù lòa” (Chán niêm luật).

Nhân loại đã mất cả ngàn năm, triệu năm mới tạo ra được niêm luật (qui tắc) để điều chỉnh hành vi của mình trong cuộc sống cũng như trong sáng tạo nghệ thuật. Còn tự do tuyệt đối là cái tồn tại vĩnh hằng, nhưng lại chỉ có trong tự nhiên. Có lẽ Bình Nguyên Trang không mấy khó khăn để nhận ra một sự thật hiển nhiên, mặc dù cô luôn muốn chối bỏ nó, nhưng đâu phải dễ vì: “...Người đàn bà đứng trong triển lãm/ Phơi bày một niềm vui/ Mà nỗi buồn đã bảo tàng/ Vĩnh viễn…” (Trong triển lãm có tên Hạnh phúc).

Cuối cùng, Nguyên Trang đã chọn cách hóa giải cho sự xung đột trong tình yêu và sáng tạo nghệ thuật bằng con đường hữu hiệu nhất là cứ thiền như những bông hoa trước hiên nhà kia, không cần đắn đo, căn vặn vì sao hoa lại nở vào ban mai hay hoa khoe sắc với ai, ắt sẽ tìm đến chân lý vĩnh hằng của sáng tạo: “…Những bông hoa đang thiền/ Trước hiên nhà/ Bên bậu cửa/ Nơi ta ngồi trút bỏ lo âu/…/ Chợt hỏi lòng ta biến mất vào đâu/ Khi những bông hoa ngã bóng xuống thiền” (Những bông hoa đang thiền). 

Sẽ chưa thể nói được gì nhiều về thi pháp qua một tập sách của ai đó khi người ấy mới có ý định tìm con đường đi cho riêng mình ở cõi tự do tuyệt đối trong sáng tạo nghệ thuật. Nhưng không thể không thừa nhận rằng bất cứ ai muốn làm một điều gì mới, bao giờ cũng phải khởi xuất từ ý tưởng. Không có ý tưởng thì chẳng bao giờ làm được gì cả.  

(1) “Những bông hoa đang thiền”, thơ Bình Nguyên Trang, NXB Hội Nhà văn, năm 2012