Vì vậy, trong giáo lý của mình, Đức Phật đã phương tiện chỉ bày pháp nhân thừa, khuyến tấn con người để thực hiện trọn vẹn trách nhiệm công dân, từ việc ứng xử trong gia đình đến ngoài xã hội của một con người bình thường, và rộng hơn nữa là cách thức trị quốc an dân của bậc quân vương, người đứng đầu, lãnh đạo đất nước.
Khi vua Ưu Điền vương hỏi Đức Thế Tôn về cách thức trị quốc, Đức Phật đã chỉ dạy rằng “Đại vương nên biết rõ những việc: thất bại, công đức, suy tổn, đáng trân trọng, cần thực hiện và nhân duyên phát khởi pháp đáng trân trọng, cần thực hiện của người đứng đầu đất nước và áp dụng nó trong việc trị quốc sẽ được thành công. Bằng không, tuy nhà vua có kho tàng đầy dẫy, tôi giỏi phụ tá, và quân đội hùng mạnh cũng không được dân chúng quy ngưỡng, công nghiệp trị nước cũng bị phá hỏng (*). Trong đó, những điều thất bại của người đứng đầu, lãnh đạo đất nước là:
1- Chủng tộc không cao sang: Điều này được hiểu là, vị vua do bậc thứ thần, hay giai cấp hạ tiện sinh ra, không thuộc dòng dõi sang quý. Kẻ lên làm vua không đúng dòng long phượng, không phải người được lựa chọn kế vị mà là kẻ tiếm vị hay nhưng đối tượng khác, nghĩa là không phải người xứng đáng và không được thần dân lựa chọn, suy tôn.
2- Không được tự tại, chủ động và chính kiến: Điều này nghĩa là, nhà vua bị quan phụ tướng đại thần khống chế, việc làm không được tùy ý, thường gặp sự can ngăn, cho nên những thú vui riêng cũng không được tự do. Kẻ đứng đầu nhà nước như thế khi quyết định một việc gì cũng bị chi phối bởi các quan khanh, đặc biệt là những người giữ trọng trách và có bè đảng. Như thế, ý kiến, sắc lệnh của vua ban ra không thể theo chính kiến và khó vì mục đích phục vụ nhân dân.
3- Tính tình hung bạo: Điều này chỉ người lãnh đạo, đứng đầu đất nước có tính bạo ác đối diện và bối diện. Tánh bạo ác đối diện là khi bầy tôi hay kẻ khác có chút lỗi nhỏ, liền giận dữ la hét, dùng lời thô tháo quở mắng ngay trước mặt, thêm xử phạt, biếm truất. Tánh bạo ác bối diện là dù kẻ ấy không có mặt tại đó, cũng vẫn quở mắng (sau lưng), gây mất uy tín, hạ thấp danh phẩm của khanh tướng, rồi nặng thêm nữa gia hình phạt tội, hoặc hằng đem lòng giận ngầm không quên.
4- Nóng giận quá đáng: Chỉ vị quốc vương tính quá nóng, khi thấy bầy tôi phạm lỗi nhỏ, hơi vượt kỷ luật, liền tước hết bổng lộc, đoạt hết mọi điều kiện đãi ngộ, đem hình phạt nặng mà phạt tội.
5- Ân huệ hẹp hòi: Mặc dù kẻ thần thuộc, hầu cận hết sức trung kiên thanh bạch hợp với tâm mình, nhưng vua chỉ dùng lời nhu nhuyễn an ủi, nếu có ban thưởng cũng là phần chút ít không xứng đáng với công lao. Hoặc có khi vua lưu dụng lâu, hay để cho phục dịch nhiều rồi mới thi ân huệ, khen thưởng. Khi ấy chả còn mấy giá trị của sự khen thưởng, động viên khích lệ người có công.
6- Nghe lời tà nịnh: Vị quốc vương không minh mẫn và nghe tiếng ngọt ngào, lời luận bàn a dua nịnh bợ của một nhóm thần thuộc. Những kẻ này thật ra chẳng phải hạng trung lương, không hiểu rành quốc pháp, không có tài trị nước, hay ganh ghét bậc hiền thần, chỉ xu phụ theo vua để gây thế lực bè đảng riêng. Do bởi quốc vương ưa nghe lời của bọn tà nịnh ấy, mà kho tàng hao thiếu, công vụ ngưng trệ, thiện chánh không lưu hành, cho đến quốc thể bị ô nhục và tiếng tốt của vua cũng tiêu tan.
7- Không gìn giữ được pháp chế của tiên vương: Vị quốc vương không biết xem xét lựa chọn đức tính, khả năng của bầy tôi. Vì thế, trong việc nước, kẻ không năng lực và đạo đức lại ủy nhiệm trọng trách, người có thể ủy nhiệm lại không ủy nhiệm, việc đáng phong thưởng mà hình phạt, việc đáng hình phạt lại phong thưởng. Ðây gọi là không duy trì nổi luật pháp, không gìn giữ được giáo mạng của tiên vương.
8- Chẳng nghĩ đến pháp lành: Nhà vua không tin nhân – quả, không hiểu nghiệp báo lành, dữ ở tương lai, từ nơi thân, khẩu, ý tùy tình tạo những ác pháp. Ðã thế mà vua lại không huệ thí, tu phúc, trì trai, học giới, tu hành theo phép Phật và phát tâm Từ – Bi – Hỷ – Xả.
9- Không đoái đến việc phải quấy hơn kém: Vị quốc vương dụng tâm điên đảo, không nhận biết rõ những sự trung tín, tài năng, trí tuệ của bầy tôi. Vì thế đối với kẻ không trung tín tưởng là trung tín, kẻ bất tài tưởng là tài năng, kẻ nông cạn sai lầm tưởng là trí tuệ. Lại đối với hạng thần thuộc có công phụ tá hầu hạ gần gũi mình lâu năm, thấy họ suy già không còn thế lực, cố ý lơ lãng không sanh tâm mến trọng, không cấp cho bổng lộc để đền đáp, biết họ bị kẻ khác lăng miệt cũng bỏ qua không thăm hỏi.
10- Buông lung, phóng dật: Nhà vua say đắm theo thú vui ngũ dục, không tự dè dặt giới hạn, không làm những việc đáng làm, không ủy lạo phong thưởng kẻ có công. Nhà vua như thế không thể làm gương cho thiên hạ, khó có thể nhiếp phục và cai trị thiên hạ.
Nếu người đứng đầu đất nước vướng phải mười điều thất bại như trên, tuy có kho tàng đầy dẫy, tôi giỏi phụ tá, quân đội hùng mạnh, dân chúng cũng không quy ngưỡng, chẳng bao lâu trong nước sẽ sinh tai họa biến loạn.
Để khuyến hóa các bậc đế vương, người đứng đầu đất nước thực hiện tốt trọng trách của mình, Đức Thế tôn cũng chỉ cho những điều đáng trân trọng mà họ cần phải thực hiện để phát khởi những điều thiện lành trong việc cai trị đất nước, đó là:
1- Ân dưỡng thương sinh: Chỉ về vị quốc vương, người lãnh đạo tính biết vừa đủ, hay cẩn thận không tham lam, thành tựu được hạnh trong sạch. Kho tàng có bao nhiêu, vua đều tùy phận đem ra cấp thí cho những kẻ nghèo khổ côi cút, lại thường nhẫn nhục nhu hòa, đem lời êm dịu mà hiểu dụ trong dân chúng. Các bầy tôi nếu ai phạm pháp, vua lường công tội mà tha thứ, dù phải trách phạt cũng hợp thời, hợp lý, và có bằng chứng rõ ràng. Do nhà vua dùng ân đức, chánh đạo mà trị hóa thương sinh như thế, nên được dân gian yêu kính.
2- Ðầy đủ anh dũng: là vị quốc vương mưu lược và võ bị đều đầy đủ, kẻ chưa hàng phục có thể hàng phục, người đã hàng phục lại gia sức hỗ trợ việc trị nước.
3- Phương tiện khéo léo: Đó là vị quốc vương biết rành rẽ việc trị nước, khéo dùng phương tiện mà điều hòa nhiếp phục những cường đảng, nên hay dẹp yên được tất cả oán địch.
4- Giỏi về việc điều nhiếp: Người đứng đầu đất nước khéo suy tính sự tăng giảm của kho tàng, nên việc chi dụng được đầy đủ. Vị quân vương như thế không xa hoa hoặc bỏn sẻn, biết tùy thời mà chu cấp cho trong thân quyến, bầy tôi, và tất cả kẻ thuộc hạ. Khi những người nầy hay chính mình đau yếu, lại khéo lo việc thuốc thang, biết lựa chọn các thức đáng ăn hay không đáng ăn. Lúc có muốn ăn ngon thì đem phân chia đồng nhau, khiến cho những người tùy thuộc đều hoan hỷ.
5- Siêng tu pháp lành: Người đứng đầu đất nước, muốn trăm họ lê dân hòa hợp, đồng lòng, tránh xa những việc xấu ác, thường làm các việc thiện thì vị quốc vương đó phải có lòng tin trong sạch, nhận chắc có đời sau và những quả báo lành dữ. Trong ngày lục trai mỗi tháng và ba tháng trường trai mỗi năm, vua đều thọ trì và giữ các tịnh giới như: không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói vọng, không uống rượu và buông lung theo các việc vui chơi. Vua lại ưa nghe học về lý nhân – quả, pháp Bát – nhã và các diệu môn của thánh đạo, siêng năng nghiên cứu cho thông đạt cùng tiến tu đức nghiệp. Ðối với những kẻ quan, quả, cô, độc, nghèo khổ, tật bệnh, vua thường thi hành việc làm nhân đạo, mang quốc khố để cứu vớt không có chút tâm bỏn sẻn, hối tiếc. Với những bậc Sa – môn học rộng, có giới hạnh, vua thường gần gũi hỏi han, và xa lánh các giáo phái tà ác. Chẳng những thế vua còn đốc suất quyến thuộc, quần thần cùng trì trai giữ giới, bố thí làm lành. Trên đây là những điều: chánh tín, giữ giới, cầu học, bố thí, tịnh huệ của nhà vua biết siêng tu pháp lành.
Trên đây là những điều căn bản cần thiết đối với người đứng đầu đất nước, Đức Phật đã tùy thuận người hỏi là một vị quân vương mà chỉ dạy cho đạo trị quốc. Nếu thực hiện được những điều ấy thì không những đất nước cường thịnh, chư hầu quy thuận mà trăm họ lê dân còn một lòng quy ngưỡng tuân phục sự lãnh đạo và gia sức cống hiến cho sự phát triển vững bền của quốc gia. Trong đó, có những điều là phương pháp trị quốc an dân, nhưng có những điều lại gắn với việc tôi rèn, tu sửa và vun bồi nhân cách cho bản thân người giữ vị trí lãnh đạo.
Đất nước cường thịnh hay suy vi còn phụ thuộc vào thời cuộc và nhiều lý do khách quan, chủ quan, nhưng không thể không đề cập đến vai trò quan trọng nhất của người đứng đầu đất nước. Những nội dung và lời lẽ trên đây đã được Đức Phật nói ra cách nay đã mấy nghìn năm nhưng nếu suy xét kỹ nó vẫn đáp ứng được tính thời sự của đòi hỏi xã hội hiện nay, và chúng ta vẫn thấy nó còn nguyên giá trị thực tế dù đã qua hơn 2.000 năm tồn tại và phát triển./.
Nguồn: Ban Tôn giáo Chính phủ;