Chùa chiền ở Trung Quốc được xây dựng với những nét đặc trưng riêng về kiến trúc và văn hóa. Cùng đến thăm chùa Hàn Sơn để tìm hiểu những nét đặc trưng của kiến trúc chùa trên đất nước này.
Hàn Sơn Tự là ngôi chùa cổ nằm ở phía tây của trấn Phong Kiều (Tô Châu). Chùa do Thiền sư Hy Thiên, pháp danh là Hàn Sơn Tử Giả xây vào khoảng năm Thiên Giám đời Lương từ đầu thế kỷ thứ VI, sau nhiều thăng trầm, ngôi chùa được gìn giữ, tu bổ cho đến ngày nay. Tên gọi ban đầu của ngôi chùa là Diệu Lợi Phổ Minh Tháp viện về sau chuyển thành Hàn Sơn Tự để ghi nhớ câu chuyện của hai vị Hàn Sơn, Thập Đắc.
Ngôi chùa cổ này từ lâu đã trở thành một trong số những ngôi chùa linh thiêng nhất được tâm thức người dân Trung Hoa hướng về.
Ở Trung Hoa, các lĩnh vực văn hóa hòa quyện với nhau nên không khó hiểu khi ngôi chùa này càng trở nên nức danh khi gắn với bài thơ nổi tiếng của Trương Kế từ hơn ngàn năm trước:
“Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên/ Giang phong ngư hoả đối sầu miên/ Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn Tự/ Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền” (“Trăng tà tiếng quạ kêu sương/ Lửa chài cây bến, sầu vương giấc hồ/ Thuyền ai đậu bến Cô Tô/ Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn”.)
Giống như lối kiến trúc xây chùa phù hợp phong thủy trên đất Cô Tô thành, phía trước chùa Hàn Sơn, có con kênh nhỏ uốn quanh dãy nhà cổ với cây cầu đá yêu kiều gác bến:
Hàn Sơn Tự ngày nay vẫn nổi tiếng với nhiều kiến trúc trang nghiêm và cổ kính như Ðại Hùng Bửu Ðiện, Phổ Minh Tháp Viện, Hàn Thập Ðiện, La Hán Ðường, Hàn Tháp Ðình, Phương Trượng Thư, Hoằng Pháp Ðường, Tàng Kinh Lâu, Tăng Ðường và vườn Phong Kiều…
Nắng phả lên biển đá vào chùa Hàn Sơn |
Sơ đồ bối cảnh chung của ngôi chùa Hàn Sơn |
Chùa Hàn Sơn cũng giống như tất cả các chùa ở Trung Hoa đều thờ Phật tổ Thích Ca. Và ở ngoài cùng, cửa vào đón khách luôn là không gian thờ Phật Di Lặc |
Ngoài chình điện thờ Phật tổ, một bên chùa Hàn Sơn thờ Phật Quan âm, một bên thờ 500 vị la hán. Đây là lối kiến trúc tín ngưỡng chung của tất cả các chùa ở Trung Hoa |
Chùa Hàn Sơn chủ về thờ sự hòa hợp: Sự hòa bình của thế giới, sự hòa hợp cho Quốc gia, sự hòa quyện tâm hồn cho chồng vợ, lứa đôi. Ở khu chính có thờ hai vị Hàn Sơn, Thập Đắc, một vị cầm hoa, một vị cầm lọ tượng trưng cho sự hòa hợp, gắn bó:
Nói đến Hàn Sơn Tự, không thể bỏ qua chuông chùa đặc biệt nơi đây. Tiếng chuông chùa Hàn Sơn là một di sản văn hoá phi vật thể của thành phố sông nước miền Giang Nam này. Chuông có thể vang xa hàng chục dặm vì nó được đúc theo bí quyết 6 phần đồng, 1 phần thiếc, nặng 2 tấn. Ban đêm thanh vắng, khí ẩm từ sông hồ bốc lên càng làm cho tiếng chuông ngân nga lảnh lót để lại những dư âm khó quên.
Thỉnh chuông trên tháp chuông Hàn Sơn tự |
Hàn Sơn tự còn là ngôi chùa có được sự hài hòa về kiến trúc, cân đối giữa cảnh và vật, giữa cây cối và vật thể… Tất cả đều toát lên vẻ hài hòa, hòa hợp mà ngôi chùa thịnh cầu. Cùng ngắm một số không gian của Hàn Sơn Tự:
Với những nét riêng đặc trưng hòa hợp trong văn hóa kiến trúc chung của chùa Trung Hoa, Hàn Sơn Tự trở thành điểm đến lý tưởng để du khách mở tâm hồn cảm nhận sự anh linh và mở tầm mắt hướng ra toàn bộ kiến trúc chùa của người Trung Quốc.