Chùa thị xô đẩy, chùa làng vắng hoe
Những ngày “đầu mùa” dâng sao giải hạn, dường như các ngôi chùa ở thành thị lúc nào cũng tấp nập, ồn ào và muôn kiểu lễ bái. Tận dụng những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều người dân đã đổ xô lên chùa cầu an đồng thời xem bảng tính sao chiếu mệnh và đăng ký dâng sao giải hạn đầu năm mới.
Tại các chùa lớn thì chen nhau tại bàn ghi danh cúng sao |
Thực tế là trong khuôn viên của nhiều nhà chùa đã bố trí nhiều bàn phục vụ đăng ký dâng sao, niêm yết bảng sao xấu cần phải giải hạn, “công khai” lịch dâng sao cụ thể cũng như mức chi phí cần đóng góp.
Lượng người đến đăng ký lên hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn người như ở chùa Phúc Khánh, chùa Trấn Quốc, Phủ Tây Hồ… gây nên cảnh tắc nghẽn giao thông quanh khu vực các chùa, phủ ấy. Nhiều người dân sợ “hết chỗ” đã đăng ký giải hạn từ trước Tết.
Ngược với chùa ở trong nội thành thì các ngôi chùa ở làng quê vào “mùa” giải hạn vẫn yên ắng, không ồn ào, náo nhiệt. Thi thoảng có vài người dân ở làng hoặc khách thập phương đến vãng cảnh chùa và lễ bái trước cửa Tam Bảo.
Đến chùa Sủi (huyện Gia Lâm), chùa Sùng Khánh (quận Long Biên), chùa Đức Diễn (huyện Từ Liêm) vào những ngày dâng sao giải hạn, bàn đăng ký giải sao vẫn vắng hoe, những người ngồi ghi sao khá rảnh rỗi vì cả ngày chỉ lác đác vài người đến đăng ký.
Theo thông lệ thì vào ngày mùng 8 Tết là khóa lễ giải sao xấu La Hầu nhưng cũng chỉ có vài chục người dân chủ yếu vẫn là những người sống gần chùa làng đến đăng ký giải sao.
Bất kỳ ai cũng có thể hiểu Phật ở chùa nào cũng là hiện thân của đức Phật!.
Đức Phật… không vẽ ra “sao”
Theo lời Phật dạy trong Pháp Tứ Y: “Y cứ theo kinh liễu nghĩa, chẳng y cứ theo kinh không liễu nghĩa” thì không có ngôi sao nào chiếu vào con người mà nhờ đó được phúc lợi hay mang tai họa và cũng không có một nghi lễ nào gọi là cúng sao giải hạn cả.
Trong khi bàn đăng ký dâng sao giải hạn ở chùa Sủi (huyện Gia Lâm) vắng hoe. |
Tuy vậy, vẫn có một số ít chùa, nơi người dân chịu nhiều ảnh hưởng của tín ngưỡng dân gian, thì các vị tu sĩ Phật giáo cũng đành phải (gọi là tùy duyên hóa độ, tùy theo niềm tin của đa số quần chúng) tổ chức các khóa lễ để cầu an, lấy niềm tin là chính.
Tại những khóa lễ này bên cạnh những nghi thức thuần túy Phật giáo, mục tiêu cũng vẫn là dùng phương tiện để hóa độ chúng sinh, từ từ chuyển tâm họ quay về bờ Giác. Bởi vì tất cả họa và phúc mà con người có được đều là do nhân quả của chính người ấy làm nên.
Bảy ngôi sao, chín ngôi sao hay mười ngôi sao là do chính con người đặt tên và vẽ cho mỗi ngôi sao mang một đặc tính, chứ đức Phật không hề nói về chúng. Ngài dạy chúng ta về nhân quả. Con người tạo nhân tốt lành thì quả tốt lành nhất định đến.
Tương tự như vậy, mọi sự thành công hay thất bại trong đời của mỗi người không phải do ai ban phát cho, mà do những cái nhân chúng ta tạo nên từ trước, khi nhân duyên đầy đủ thì quả thành.
Nhà Phật có câu: “Muốn biết thời quá khứ chúng ta đã gieo nhân gì thì cứ nhìn cái quả mà chúng ta đang lãnh. Muốn biết tương lai chúng ta ra sao thì cứ nhìn cái nhân chúng ta đang gieo trồng trong hiện tại”.
Đối với Phật giáo, không có ngày nào xấu, không có ngày nào tốt mà cũng không có sao hạn, sao tốt. Chính vì vậy ngày tốt, ngày xấu, sao xấu, sao tốt là không có cơ sở, chỉ do con người bày ra mà thôi.
Theo cố Hòa thượng Thích Thanh Tứ, trong sách của đạo Phật không có nói về việc cúng sao giải hạn. Tập quán này vốn xuất phát từ Trung Quốc, còn cha ông ta từ xa xưa chỉ làm lễ cầu an, cầu phúc đầu năm cho tất cả thành viên trong gia đình: “Trong chân lý nhà Phật không có việc giải hạn các sao. Người ta gọi như vậy thì nhà chùa tôn trọng, không ảnh hưởng gì cả. Thực chất đó là lễ cầu an, cầu lợi ích cho đời, cho thế gian. Ở tòa Tam Bảo, nhà chùa làm hoa quả, hoa nghi cúng Phật, có cái gì thì dâng lên chứ không có nghi thức gì khác cả. Từ giải sao là cho dễ hiểu chứ không có lễ giải sao nào cả”. |
Bùi Hiền
Theo: bee.net.vn/channel/1983/201202/Nha-Phat-khong-co-nghi-le-cung-sao-giai-han-1823943/