Viêng Chăn nằm bên bờ sông Me Kong. Mùa nào không biết, khi mưa ào rũ xuống cũng là lúc Me Kong phải gồng sống lưng lên đón những đợt lũ rút cạn lòng nước ở tận thượng nguồn về Viêng Chăn. Một anh làm ở Bộ Ngoại giao Lào kể tôi nghe: “Năm ngoái, người dân phải ra đắp đê chống lũ hết. Lũ lên cao cực kì.”
Nhưng mùa nắng của Me Kong bên hông Vientiane thì rất lạ lùng so với cái viễn tượng mưa lũ kia. Sông cạn. Cát trắng veo, hút đầy những ánh mắt văng xa đến tận bờ bên kia – Noòng Khai.
Người đến Viêng Chăn ắt là mê chùa. Chùa đẹp như những lâu đài. Chùa phủ cánh che chở lên khắp những ngôi làng, thành quách, cơ quan, du lịch… chung quanh Viêng Chăn. Chùa lặng lẽ. Các nhà sư lặng lẽ. Họ mặc áo vàng cam, ngồi tận trên gác mái đọc báo, đọc sách. Nhà sư thỉnh thoảng mỉm cười nhìn khách xa lạ ngập ngừng bước vào cổng, nhìn ngó nghiêng cho thỏa cái trí tò mò vì chẳng biết ở đây cổng có nghĩa là gì, phân định cái gì và ngăn cản ai ra vào cái chốn tự do vô biên của tôn giáo ấy.
Khất thực
Người đến Viêng Chăn trong một mùa Me Kong ngoi ngóp cạn nước và những ngôi chùa đổ nắng vàng úa trên đỉnh tháp, ắt sẽ mê bia Lào. Cốc bia to và cao ấy được rót ra ngọt ngào từ những chiếc Mảy đen thắt chặt eo cô bán hàng ở bờ sông Me Kong. Cái bờ về mùa lũ sẽ thập thò nước giờ chỉ là một bậc thẳng tắp xuống hẳn một cái phố ẩm thực khổng lồ trải dọc sống lưng dòng Me Kong.
Mỗi buổi tối, lưng bờ thẳng thắp duỗi mình từ cái hiền hòa chùa tháp ban ngày thành những bếp nấu, lò nướng, thành những bàn đầy ắp rau tươi và các món ăn tươm tất lạ lùng của đất này. Bếp nấu sát rạt bờ tường xi măng. Hướng ra mặt sông là những tấm chiếu lớn, đỏ tươi, trên đặt những chiếc gối kê tay đài các to tướng. Khách đến ăn ở bờ Me Kong ngồi thư xoải chân rồi dựa lưng và hông cùng với cánh tay lên khối gối êm mịn tròn lẳn. Bàn thấp. Cứ thế, Beer Lao tuôn ra như được nấu từ nước Me Kong đục đỏ phù sa. Bia đỏ kháy màu, tươi tắn, mát và gắt dịu tận cổ. Bia có thể đổ tung xuống dòng Me Kong cho người bớt cơn khát mùa hè gay gắt. Bia tan vào môi. Bia tan vào những gỏi đu đủ, tan vào những quả ớt chiên giòn, tan vào những món xiên que nướng thơm đượm, tan cả vào nắm xôi chắc nịch không ám giọt hơi nước nào.
Bờ Me Kong ắp đầy những gương mặt nóng nảy ngửa cổ để dòng bia Lào mát tuyệt rưới đầy tâm can, ẩm ương chờ đợi một mùa mưa xa lạ khó lòng đến sớm. Món ăn Lào lại cay gắt gỏng, cay khắc khoải, cay đến phải ẩm ướt tuôn giọt nước mắt. Tại sao ở xứ toàn những mái ngói chùa tắp thẳng lên tận mây cao lại có những con người hiền dịu thích mê mải những món ăn ngon đến khó nhọc như thế chứ?
Ở bờ Me Kong, ít cô bán hàng nói tiếng Anh lắm. Nhưng thực đơn lúc nào cũng đầy đủ: tên món, thành phần, cay hay không cay. Giá tầm tầm phải phải. Người ngồi thênh thang giữa một bên là phố Tây của Viêng Chăn, một bên là dòng nước nghìn tuổi không hữu hình, hẳn là sẽ nghĩ được rất nhiều về cái thời gian xa xôi đang lặng lẽ trôi qua và rút ngắn đời mình. Một ông người Anh xoải chân trầm tư nói với tôi: “7 năm rồi, mùa hè nào tôi cũng đến Viêng Chăn, đi bộ, uống ở bờ Me Kong, nhìn lũ trẻ con tập nói tiếng Anh xin tiền. Nơi này kéo tôi lại bằng nỗi nhớ của sự tĩnh lặng. Cứ như thể nó không bao giờ thay đổi vậy…”
Đến Viêng Chăn rồi. Bạn nhớ đi chùa nhé, đi chùa để biết ở xứ Phật người ta tu tự nhiên như đời sống. Người ta quỳ xuống bên chân cậu sư trẻ măng, dâng cúng bữa sáng như dâng cho Phật – mà cũng có thể là dâng cho đứa con trẻ nào đó của mình cũng đang tu ở một ngôi chùa khác và được các bà mẹ khác yêu thương trao tặng món ngon trong ngày. Người đi vào chùa, nhìn lên gác mái, nhìn xuống sân sau, bọn trẻ con chơi đùa trong sân của Phật, nhà sư đọc sách, không thì gánh nước. Cổng chùa tưởng như tường thành, nhưng rộng rãi vô biên không một lời hỏi ai là kẻ xa lạ. Nhớ đến dòng Me Kong, nghe cái tiếc nuối vọng từ Noòng Khai về tận lòng người Vientiane của những tranh chấp tổ tiên xa xôi. Nhớ uống bia Lào, ăn gỏi đu đủ, xuýt xoa cay, rồi bật cười khi cả thân người lười nhác đổ xuống chiếc gối đế vương mà người bán hàng bày vẽ nghĩ ra cho khách….
Hay là thử cố tưởng tượng một ngày dòng Me Kong ngập ứ đầy nước và ta vẫn phải ngửa cổ tu hớp bia Lào vì thèm nhớ giọt nước quê nhà của nơi đất Lào này đi!